Có phòng thí nghiệm nhưng thiếu chuyên gia sử dụng, thiếu đề tài để dùng máy móc
GDVN- Phải chuẩn bị đào tạo nguồn nhân lực, thị trường cho các ngành công nghiệp công nghệ cao để thực hiện mục tiêu công nghiệp hóa – hiện đại hóa đất nước.
Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị ngày 22/3/2018 về định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã xác định mục tiêu tổng quát: Đến năm 2030, Việt Nam hoàn thành mục tiêu công nghiệp hoá, hiện đại hoá, cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại.
Theo các chuyên gia, giáo dục đại học chính là công cụ để phát triển nhanh nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao, phục vụ xây dựng sự nghiệp phát triển kinh tế – xã hội, để đất nước ta thực hiện mục tiêu đó.
Trò chuyện với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Giáo sư, Viện sĩ Nguyễn Quốc Sỹ – nguyên Trưởng khoa Năng lượng Plasma, Đại học Năng lượng quốc gia Nga, hiện là Viện trưởng Viện công nghệ VinIT nói rằng, để thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước thì phải chuẩn bị được nguồn nhân lực chất lượng cao cho các ngành công nghiệp công nghệ cao. Chúng ta phải có chiến lược lâu dài, tổng thể cho sự phát triển của đất nước, không chỉ bó hẹp trong một chuyên ngành hay một lĩnh vực đơn lẻ.
Trong các Nghị quyết của Đảng và chính sách của Nhà nước đều đã quan tâm, đề cập đến vấn đề chuẩn bị nguồn nhân lực chất lượng cao cho nhiều ngành công nghiệp công nghệ cao, vấn đề đặt ra là phải triển khai thực hiện như thế nào, lộ trình ra sao.
“Mục tiêu đặt ra đến năm 2030, Việt Nam cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại, nay đã bước sang năm 2023 tức là chỉ còn 7 năm nữa thôi, nhưng nếu vẫn giữ tốc độ, nhịp độ phát triển như hiện nay, thì mục tiêu này khó mà thực hiện được.
Để xây dựng và phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao, phụ thuộc vào nhiều yếu tố, từ đầu tư, con người, hệ thống tổ chức quản lý, chuyển giao công nghệ,… Tuy nhiên, cốt lõi vẫn là đào tạo ra đội ngũ cán bộ, chuyên gia, nhà khoa học, các kỹ sư cho các ngành công nghiệp công nghệ cao, để lực lượng này làm nên cuộc cách mạng về khoa học kỹ thuật”, Giáo sư Nguyễn Quốc Sỹ nhận định.
Theo Viện trưởng Viện Công nghệ VinIT, hiện việc triển khai công tác đào tạo các ngành công nghiệp công nghệ cao còn gặp nhiều khó khăn, vì hệ thống chương trình đào tạo chưa đảm bảo, chưa cập nhật được những thông tin tốt nhất về các chuyên ngành công nghiệp công nghệ cao, trong khi đó, đội ngũ giảng viên vẫn chưa theo kịp trình độ nghiên cứu khoa học của các nước.
Bên cạnh đó, khó khăn về cơ sở vật chất, phòng thí nghiệm. Chúng ta đã xây dựng các phòng thí nghiệm, trong đó có phòng thí nghiệm trọng điểm nhưng lại thiếu chuyên gia để sử dụng, thiếu đề tài nhiệm vụ để phát triển và sử dụng hiệu quả các máy móc thiết bị.
Hơn nữa, đầu tư trên một đơn vị cán bộ khoa học ở nước ta còn thấp, bởi vì nguồn ngân sách còn eo hẹp, đó cũng là khó khăn khi muốn đầu tư cho đào tạo các ngành công nghiệp công nghệ cao.
Vì vậy, cần phải có chương trình, kế hoạch để cải tiến lại cơ chế quản lý các trường đại học, cải tiến lại mô hình đào tạo sao cho hiệu quả.
Bên cạnh đó, phải tận dụng tốt nguồn lực sẵn có, đầu tư cho những chuyên ngành cụ thể, cấp bách, đồng thời thu hút sự đầu tư của nước ngoài, học tập kinh nghiệm của các nước trong hoạt động đào tạo.
Chú trọng đào tạo phải song song với phát triển thị trường
Theo Giáo sư Nguyễn Quốc Sỹ, bước đầu tiên cho công tác đào tạo các ngành công nghiệp công nghệ cao là phải xác định ưu tiên đào tạo nhóm ngành nào, chuyên ngành nào, bởi thực tế, không thể cùng một thời điểm mà đào tạo dàn trải cho tất cả các ngành.
Cần phải lập danh mục các chuyên ngành cần đào tạo để đáp ứng yêu cầu công nghiệp hoá – hiện đại hoá đất nước, trong đó phải thể hiện được mức độ, tầm quan trọng của từng chuyên ngành một, mối quan hệ của các chuyên ngành đó với nền kinh tế cũng như tiềm lực, nhu cầu thị trường lao động của từng chuyên ngành.
Trước hết, cần tập trung vào các lĩnh vực công nghệ lõi, công nghệ nền – những công nghệ có ứng dụng sâu rộng, quyết định cho phát triển của nhiều ngành công nghiệp khác nhau và ứng dụng lâu dài, sâu rộng ở những cấp độ khác nhau.
Đào tạo các ngành công nghệ lõi, công nghệ nền là một nhiệm vụ cơ bản, lâu dài, chiến lược, trong đó phải chọn được 3-4 nhóm ngành quan trọng, cấp bách trong giai đoạn hiện nay để có sự đầu tư đặc biệt, ví dụ công nghiệp vật liệu, công nghiệp về môi trường, nông nghiệp công nghệ cao, công nghệ sinh học, công nghệ gen.
Việc chia nhóm ngành và cung cấp nguồn lực cũng như tập trung để xây dựng các mô hình đào tạo hiệu quả cho các chuyên ngành lớn, quan trọng như vấn đề môi trường, vấn đề năng lượng, cung cấp vật liệu cho các ngành công nghiệp,… cần được ưu tiên hiện nay.
Ví dụ như giải quyết vấn đề an ninh năng lượng, hiện nay chúng ta chỉ mới đào tạo kiểu truyền thống, còn chuyên ngành mới như nguồn năng lượng hydrogen, điện mặt trời, thủy triều, điện gió chưa được quan tâm nhiều, những ngành này cần được đầu tư đào tạo, và nó đòi hỏi chúng ta phải tư duy lại mô hình và cách thức tổ chức đào tạo.
Bước thứ hai là phải phân bổ đào tạo, tương ứng với từng ngành, từng nhóm ngành sẽ giao nhiệm vụ cho các trường đáp ứng được bộ tiêu chí đã nêu ra. Chúng ta phải xây dựng được bộ tiêu chí toàn diện, thực chất, từ đội ngũ chuyên gia nhà khoa học, hệ thống nghiên cứu phục vụ cho công tác đào tạo, phòng thí nghiệm, trang thiết bị,…
Ví dụ như xây dựng phòng thí nghiệm, khác phòng thí nghiệm đại cương, việc đào tạo đội ngũ nhân lực cho các ngành công nghiệp công nghệ cao thì các phòng thí nghiệm phải gắn chặt với nghiên cứu khoa học, phải có đội ngũ chuyên gia giỏi trong chuyên ngành đó để vận hành thiết bị. Và để nghiên cứu khoa học được thì phải có nhiệm vụ, đầu tư và phải gắn với thị trường.
Khi xét duyệt tiêu chí của các trường, cần tránh bệnh hình thức mà phải đi vào thực chất, các tiêu chí phải tập trung vào chất lượng đào tạo, phải có một hội đồng đủ năng lực để tham gia xét duyệt năng lực đào tạo của từng cơ sở giáo dục đại học.
Song song song với hoạt động đào tạo, một nhiệm vụ quan trọng mang tính tiên quyết là phải chuẩn bị thị trường đầu ra cho đào tạo, nghĩa là phải chăm lo phát triển thị trường lao động để đội ngũ được đào tạo ra trường có môi trường làm việc, trực tiếp tham gia vào sự nghiệp công nghiệp hoá – hiện đại hoá đất nước.
“Đào tạo và thị trường có mối quan hệ liên kết chặt chẽ với nhau, là mối quan hệ giữa cung và cầu. Chúng ta đừng nghĩ đào tạo là chỉ gói gọn trong khuôn viên trường đại học, trong chương trình giảng dạy, trong thời gian các em học tập tại trường, mà xa rời thị trường lao động.
Chúng ta quan tâm đến cung và càng phải quan tâm đến cầu, nhiệm vụ đào tạo và xây dựng, phát triển thị trường phải được thực hiện đồng thời, song song.
Thị trường gồm nhiều yếu tố, trong đó có ba yếu tố quan trọng nhất: sự phát triển nền kinh tế phải đủ tầm; sự cạnh tranh của các cơ sở đào tạo (bao gồm cạnh tranh trong và ngoài nước, sự cạnh tranh với thị trường); và tính đến đặc thù của thị trường trong tổng thể bối cảnh thế giới.
Đặc biệt, phải gắn đào tạo với thị trường về khoa học công nghệ, thị trường nhân lực trong khu vực và thế giới thì mới có thể đi đúng hướng.
Thị trường về cán bộ khoa học trong một thế giới mở liên hệ mật thiết với nhau, ngoài chuyện đáp ứng yêu cầu nền kinh tế, cạnh tranh giáo dục, thị trường phải gắn kết với các thị trường phát triển về khoa học công nghệ của các nước trong khu vực và thế giới. Bởi trong một thế giới mở, tốc độ phát triển nhanh, liên kết trong lĩnh vực đào tạo là rất lớn, chúng ta không thể bước đi một mình.
Nếu thị trường của chúng ta không hòa nhập được với thị trường công nghiệp công nghệ cao của thế giới thì chúng ta sẽ tụt hậu”, thầy Sỹ phân tích.
Giáo sư Nguyễn Quốc Sỹ cũng cho biết, các sản phẩm khoa học công nghệ của chúng ta phải đi vào thị trường và nhân lực được đào tạo ra cũng phải nâng lên ngang tầm với khu vực thì mới liên hệ, gắn kết được với thị trường ngoài nước.
Làm được như vậy mới có các khoản tái đầu tư cho hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học, mới thu hút được đầu tư, đi tắt đón đầu, và có thể “đứng trên vai người khổng lồ” được. Đây cũng chính là lời giải cho bài toán đầu tư khi bước vào đào tạo các chuyên ngành công nghiệp công nghệ cao.
Nói về câu chuyện đầu tư, Giáo sư Nguyễn Quốc Sỹ cho rằng, trong bối cảnh nguồn ngân sách hạn hẹp, trong bối cảnh đất nước phải quan tâm giải quyết nhiều vấn đề cấp bách khác như y tế, môi trường,… chúng ta không thể đòi hỏi ngân sách tập trung cho một nhiệm vụ riêng lẻ nào, dù đào tạo nhân lực cho các ngành công nghiệp công nghệ cao cũng là một nhiệm vụ tối quan trọng.
Vậy, chúng ta phải tìm được mô hình, giúp cho đội ngũ qua đào tạo bước vào thị trường lao động, làm thế nào thúc đẩy thị trường phát triển nhịp nhàng, bền vững.
Điểm mấu chốt ở đây là phải xây dựng được mối quan quan hệ bền chặt, máu thịt, giữa mô hình đào tạo dành cho công nghiệp công nghệ cao và thị trường lao động, để tự bản thân nó giải quyết vấn đề đầu tư cho chính hoạt động đào tạo được phát triển lâu dài.
Và đi vào thực hiện, chúng ta phải trả lời được câu hỏi: Lộ trình triển khai sẽ như thế nào?
Lẽ dĩ nhiên là phải xây dựng được một chiến lược tổng thể, tuy nhiên cũng phải xem xét bối cảnh xã hội, tiềm lực kinh tế của đất nước để xác định một con đường riêng.
Chúng ta phải vừa xây dựng chiến lược ở tầm vĩ mô, vừa phải bắt tay vào triển khai các công việc ngay ở tầm vi mô, tức là phải có chương trình nhỏ được triển khai ngay. Trong công tác đào tạo, phải lấy một số trường điểm, xây dựng một số chuyên ngành trọng tâm làm mô hình, đào tạo để cung cấp cho thị trường đồng thời rút kinh nghiệm. Từ đó nhân mô hình này và triển khai các chuyên ngành khác với các trường đại học khác.
Về lâu dài, khi triển khai mô hình thành công và có những bước phát triển mới, chúng ta cần tiến tới hợp tác nước ngoài. Phải tận dụng nguồn lực nội tại kết hợp đầu tư, bài học kinh nghiệm của thế giới thì chúng ta mới có thể đi đường dài và thành công.
Như vậy, trong tất cả những nhiệm vụ nêu trên, các cơ quan quản lý Nhà nước, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Khoa học và Công nghệ cần phát huy vai trò, nhiệm vụ của mình, hỗ trợ, đồng hành cùng các trường đại học trong công tác đào tạo, đồng thời có sự chuẩn bị tốt về thị trường để thực hiện bằng được nhiệm vụ đào tạo nhân lực chất lượng cao cho các ngành công nghiệp công nghệ cao, hướng tới thực hiện mục tiêu công nghiệp hoá – hiện đại hoá đất nước.
Phạm Minh