Cổ phần hóa ở một số quốc gia trên thế giới. Bài học kinh nghiệm cho Việt Nam

Cổ phần hóa ở một số quốc gia trên thế giới. Bài học kinh nghiệm cho Việt Nam


Cổ phần hóa (CPH) doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) ở Việt Nam hiện nay là một biện pháp hữu hiệu để nâng cao hiệu quả hoạt động của DNNN, là một chủ trương đúng đắn, phù hợp với định hướng xã hội chủ nghĩa của Đảng và Nhà nước ta. Ngoài mục tiêu nâng cao hiệu quả DNNN, chủ trương này còn giúp cho người lao động trực tiếp tại các doanh nghiệp (DN) trở thành cổ đông tức là trở thành đồng sở hữu của DN. Tuy nhiên, CPH DNNN ở Việt Nam còn nhiều vướng mắc và bất cập cần phải được kế thừa kinh nghiệm CPH của một số nước có nền kinh tế thị trường phát triển và những nước có thể chế chính trị, văn hóa xã hội có nhiều điểm tương đồng với Việt Nam, để từ đó rút ngắn quy trình thực hiện CPH DNNN ở Việt Nam.

CPH DNNN ở Hàn Quốc

Hàn Quốc là một nuớc châu Á có nền kinh tế thị trường phát triển, tốc độ phát triển của nền kinh tế có được như ngày hôm nay của Hàn Quốc là do thực hiện chính sách phát triển kinh tế thị trường và mở rộng khu vực kinh tế tư nhân.

Để chuyển nền kinh tế sang hoạt động theo cơ chế thị trường, Chính phủ Hàn Quốc đã đề ra chương trình tư nhân hóa (TNH) và CPH, nhằm cơ cấu lại lĩnh vực hoạt động của khu vực kinh tế nhà nuớc. Ngay từ các năm 1968 đến năm 1973, Hàn Quốc đã thực hiện chương trình CPH lần thứ nhất đối với 11 DNNN. Trong các năm 1981-1983, Hàn Quốc đã thực hiện chương trình CPH, hướng nền kinh tế chuyển mạnh sang hoạt động theo cơ chế thị trường. Hàn Quốc đã bán cổ phần (CP) của mình ở 6 DNNN và 4 tổ chức tài chính bằng hình thức bán đấu giá công khai. Số tiền thu được qua 2 lần CPH được dùng để đầu tư vào DN cần kiểm soát của Nhà nước, nhằm đảm bảo cho nền kinh tế thường xuyên ổn định và tăng trưởng.

Tháng 4/1987, Hàn Quốc đã đề ra “Chương trình CPH toàn dân” với quy mô lớn, trong đó toàn bộ hoặc một phần lớn CP của Hàn Quốc trong 10 DNNN. Đến tháng 11/1987, lại bổ sung thêm 01 DN nữa. Chương trình này được thực hiện trong các năm từ 1988 đến 1992, số tiền Hàn Quốc thu đuợc thông qua chương trình CPH vào khoảng 7, 1 tỷ USD. Trong 11 DNNN đó thì có 7 DN, Chính phủ Hàn Quốc vẫn nắm giữ ít nhất 51% cổ phiếu, vì chúng có vai trò quan trọng trong nền kinh tế, như: Ngân hàng (NH) ngoại tệ, Cty Gang thép Pohang, Cty Điện lực Triều Tiên, Cty Bưu điện Triều Tiên.

Chương trình CPH lần này có quy mô lớn, với số lượng cổ phiếu bán ra nhiều hơn hẳn so với hai lần trước. Những DNNN được CPH hầu hết là những DN độc quyền tiến hành hoạt động SXKD trên phạm vi cả nuớc, cụ thể:

– Hàn Quốc đã bán CP của một số DNNN cho khu vực kinh tế tư nhân, để từng bước tạo ra môi trường bình đẳng trong cạnh tranh giữa 2 khu vực nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động giữa chúng. Đồng thời, bán CP của Nhà nước trong các NH và Sở Giao dịch Chứng khoán Hàn Quốc, nhằm phát triển thị trường tài chính và thực hiện cạnh tranh bình đẳng về cung cấp vốn cho DNNN và DN tư nhân.

– Hàn Quốc đã chuyển giao một phần sở hữu Nhà nước ở các DN quan trọng, quy mô lớn, đang làm ăn có lãi cho các tầng lớp nhân dân, nhằm hỗ trợ cho giá cả cổ phiếu trên thị trường và đảm bảo mức lợi tức CP. Điều này có sức hấp dẫn đối với công chúng và được sự quan tâm của nhiều quốc gia.

Từ năm 1988 đến năm 2015, Hàn Quốc đã thực hiện xong chương trình CPH và tái cấu trúc DN với một mục tiêu khá rõ ràng, đó là: Để giảm rủi ro hệ thống và nguy cơ của cuộc khủng hoảng thứ cấp. Để thực hiện mục tiêu tái cấu trúc DN, mà trong đó CPH là một trong những giải pháp quan trọng nhất của Hàn Quốc. Điều đầu tiên, Hàn Quốc thực hiện là thông qua một loạt các chính sách, biện pháp nhằm tạo điều kiện cho việc chuyển dịch cơ cấu cty. Trong đó, có miễn và giảm thuế để khuyến khích thực hiện giao dịch sát nhập và mua lại giữa các cty và các tập đoàn. Thực hiện các giải pháp quản trị DN và các biện pháp để bảo vệ quyền chủ sở hữu của những người nắm giữ CP thiểu số, tạo ra các tòa án phá sản chuyên dụng để hỗ trợ quá trình tái cấu trúc DN. Các bước thực hiện tái cấu trúc DN của CP Hàn Quốc, như:

Thứ nhất: Các Tcty, cty, tập đoàn có mức nợ cao được phép tham gia quá trình giám sát phá sản của tòa án.

Thứ hai: Sắp xếp lại các tập đoàn theo thứ tự, xếp hạng theo độ lớn tài sản do NH và ủy ban giám sát tài chính xếp hạng.

Thứ ba: Tìm cách giảm sự quá tải trong ngành công nghiệp, bằng cách buộc các tập đoàn lớn và một số Cty Nhà nước vào một loạt giao dịch hoán đổi tài sản.

Thứ tư: Hỗ trợ các DN vừa và nhỏ bằng cách yêu cầu các NH gia hạn các khoản vay của họ, đưa ra khoảng thời gian trả nợ ưu đãi cho các DN.

Việc thực hiện tái cơ cấu DNNN mà trong đó CPH DNNN là một giải pháp quan trọng đã giúp cho các DNNN sau CPH ở Hàn Quốc phát triển vượt bậc, tất cả các chỉ tiêu cơ bản, như: Doanh thu, các khoản nộp Ngân sách, thu nhập bình quân của người lao động, đặc biệt chỉ tiêu lợi nhuận tăng đột biến. Đây chính là nhân tố tác động lớn đến nền kinh tế Hàn Quốc, đưa nền kinh tế Hàn Quốc phát triển lớn thứ tư ở châu á và thứ 15 trên thế giới.

CPH DNNN ở Trung Quốc

Trung Quốc là quốc gia láng giềng với thể chế chính trị, kinh tế, văn hoá xã hội có nhiều điểm tương đồng với Việt Nam. Trong quá trình cải cách, mở cửa, các DNNN Trung Quốc cũng phải đối đầu với rất nhiều khó khăn trong hoạt động và khả năng cạnh tranh, tạo thế đứng trên thị trường trong và ngoài nước. Để giải quyết thực trạng này, ngay từ đầu thập niên 80, Trung Quốc đã đề cập đến giải pháp CPH, đặc biệt trong thập niên 90, giải pháp này đã được thể chế hoá và được coi là biện pháp hữu hiệu trong cải cách DNNN.

Quá trình cải cách DNNN ở Trung Quốc trong thời gian qua được tiến hành theo hai nội dung chính đó là: Cải cách cơ chế quản lý DNNN trên cơ sở giữ nguyên sở hữu nhà nước và thực hiện chuyển đổi sở hữu (hình thành các CTCP, khuyến khích phát triển DN tư nhân và các DN có vốn đầu tư nước ngoài).

Như vậy, CPH DNNN ở Trung Quốc là một bộ phận của chương trình đa dạng hoá sở hữu và một trong các giải pháp cải cách DNNN. Quan điểm của CP Trung Quốc là: “Tiến hành chuyển đổi sở hữu từ từ, không nhanh, không chậm và luôn tỉnh táo, thận trọng”.

Xuất phát từ quan điểm trên, tiến trình CPH ở Trung Quốc diễn ra  chậm chạp, giai đoạn thí điểm kéo dài và hình thức CPH đơn nhất, cụ thể:

– Giai đoạn thí điểm (từ năm 1978 đến 1997) việc thí điểm, thực hiện CPH DNNN ở Trung Quốc chia thành các bước sau:

+ Bước 1: Từ năm 1978 đến năm 1983, công cuộc cải cách DNNN ở Trung Quốc chủ yếu tập trung vào thực hiện: cải cách cơ chế quản lý DNNN trên cơ sở giữ nguyên sở hữu nhà nước, vấn đề CPH mới chỉ trên giấy tờ.

+ Bước 2: Từ năm 1984 đến năm 1988, song song với việc cải cách cơ chế quản lý, Trung Quốc đã bước đầu thực hiện việc chuyển đổi sở hữu DNNN. Tuy nhiên, việc thí điểm CPH DNNN chỉ được tiến hành dưới hình thức thành lập CTCP mới (cổ đông là Nhà nước, tập thể là một ít cá nhân).

+ Bước 3: Từ năm 1989 đến 1997, trước tình trạng thua lỗ ngày càng gia tăng của các DNNN, Trung Quốc đã ban hành nhiều chính sách nhằm đẩy mạnh CPH DNNN và xây dựng chế độ DN hiện đại. Tuy nhiên, giai đoạn thử nghiệm CPH vẫn tiếp tục kéo dài. Tính đến năm 1993, hơn 3000 DN thí điểm CPH trong cả nước. Số CTCP có cổ phiếu được mua, bán trên Sở Giao dịch Chứng khoán Thượng Hải và Thâm Quyến là 196. Trong đó, 33 CT đã phát hành loại cổ phiếu B, giá trị cổ phiếu trên thị trường đạt khoảng 400 tỷ nhân dân tệ.

Nhìn chung, công tác CPH ở Trung Quốc trong thời gian thí điểm mới chỉ dựa trên cơ sở tự nguyện của các DNNN mà chưa thực sự mở rộng thành một chủ trương, có mục tiêu, chỉ tiêu rõ ràng. Nếu so sánh với tổng số khoảng 305.000 DNNN (số liệu năm 1977) thì con số vài nghìn DN được CPH thực sự chỉ là một con số nhỏ (chỉ chiếm gần 1%).

– Giai đoạn triển khai: Trước thực trạng ì ạch của tiến trình CPH, cộng thêm sức ép từ việc làm ăn thua lỗ của các DNNN. Đại hội lần thứ 15 Đảng Cộng sản Trung Quốc (tháng 9/1977) đã nhấn mạnh việc đẩy nhanh công tác CPH và xây dựng DN hiện đại theo công thức “Củng cố DN lớn và giải phóng DN nhỏ” với kế hoạch giảm dần theo 3 cấp:

+ Cấp cao nhất: Những DN thuộc loại này, Nhà nước nắm giữ quyền sở hữu 100% vốn, khoảng 1000 Tập đoàn lớn trong các lĩnh vực chiến lược an ninh, quốc phòng, năng lượng, công nghệ cao.

+ Cấp trung gian: Nhà nước là cổ đông tham khảo (có thể là cổ đông chi phối; cũng có thể là cổ đông thường) đối với DN lớn và không có tính chiến lược.

+ Cấp thứ ba: Nhà nước tiến hành CPH, Tư nhân hóa hàng loạt các DN vừa và nhỏ, Nhà nước Trung Quốc không nắm giữ bất kỳ CP nào trong các DN này.

Như vậyN, CPH  DNNN ở Trung quốc đã mang lại diện mạo mới cho các DN. Kết quả là, các DN sau CPH ở Trung Quốc đã hoạt động hiệu quả hơn, tình trạng tham nhũng trong các DNNN được đẩy lùi, bộ máy quản lý của CTCP đã được sắp xếp lại theo hướng tinh giản bộ máy gián tiếp, ưu tiên cho lao động ở khối trực tiếp sản xuất; công tác QTDN được đề cao; quyền sở hữu tài sản, sở hữu đất đai được phân định rõ ràng theo quyền sở hữu vốn của từng đối tượng trong CTCP. Các chỉ tiêu, như: Doanh thu; lợi nhuận; các khoản nộp CP, thu nhập bình quân của DN cũng như người lao động được cải thiện rõ rệt và CPH thực sự là một chủ trương đúng đắn trong công cuộc cải cách DNNN ở Trung Quốc.   

CPH DNNN ở Cộng hoà Liên bang Nga

Cộng hoà Liên bang Nga là một nước có tiềm năng to lớn về tài nguyên cũng như về khoa học kỹ thuật, nhưng nền sản xuất hàng hoá còn kém phát triển và tình trạng bất ổn kéo dài trong nhiều năm. Do vậy, họ gặp rất nhiều khó khăn, trở ngại trong quá trình chuyển đổi quyền sở hữu của khu vực kinh tế nhà nước sang khu vực kinh tế tư nhân.

Trước khi bước vào công cuộc CPH DNNN ở nước Nga, đang tồn tại hàng trăm DNNN với tổng số vốn trong năm 1990 là 3.500 tỷ rúp. Trong đó, vốn cố định là 2.700 tỷ rúp, vốn lưu động 800 tỷ rúp. Đương nhiên, trong một đất nước mà khu vực kinh tế nhà nuớc chiếm tỷ trọng hầu như tuyệt đối  thì sức mua của dân chúng sẽ rất thấp, ước tính tổng số tiết kiệm trong một năm của nhân dân chỉ đủ mua 0,5% tài sản của DNNN. Tình hình trên đòi hỏi quá trình tư nhân hoá, CPH DNNN ở Cộng hoà Liên bang Nga phải lấy mục tiêu phân phối làm trọng điểm.

Liên Bang Nga đã sử dụng chương trình cấp giấy chứng nhận làm công cụ hỗ trợ cho quá trình tư nhân hoá đồng loạt các DNNN. Chương trình cấp giấy chứng nhận của Chính phủ Nga đã mang lại kết quả đáng kể. Tính đến hết tháng 4/1994, ở Nga đã có 15.000 DN hoàn tất quá trình đấu thầu giấy chứng nhận, có 80 triệu giấy chứng nhận được bán (chiếm 50% tổng số giấy chứng nhận đã đuợc phát hành), được chuyển thành vốn sở hữu thông qua đăng ký mua công khai và bán đấu giá. Công dân Nga có thể và trên thực tế đã bắt đầu lập các quỹ đầu tư và tích góp giấy chứng nhận của công dân để sau đó tiến hành đấu thầu các cổ phiếu DN. Các quỹ giấy chứng nhận đã thu đuợc khoảng 42 triệu giấy chứng nhận, trong đó có 65% đã đuợc đầu tư trực tiếp vào hình thức vốn sở hữu DN.

Như vậy, quá trình tư nhân hóa, CPH DNNN ở Nga diễn ra khá chậm chạp và khó khăn. Nguyên nhân là do sở hữu Nhà nước bao trùm hầu hết các lĩnh vực kinh tế. Đồng thời, với cuộc cải biến nền tảng chính trị – xã hội nên tiến trình tư nhân hóa (TNH) mang tính đặc thù với những phức tạp riêng. Trong giai đoạn này, CP Nga đã xác định được những tiếp cận cơ bản để chuyển đổi sở hữu có hiệu quả cho phát triển đất nước. Trong lúc đó, TNH ở nước Nga thời kỳ 1991- 1998, đã không mang lại thành công. Mặt khác, do sự sai lầm giữa mục tiêu và lựa chọn giải pháp TNH, đó là: Mục tiêu của TNH là tạo sự ổn định nguồn thu cho ngân sách, thu hút dòng chảy nguồn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài. Tuy nhiên, tiến trình TNH các DNNN ở Nga lại thực hiện bằng giải pháp cấp tập với khối lượng lớn các DNNN theo 02 hình thức, đó là: Bán các DN nhỏ qua đấu giá còn các DN lớn chuyển thành CTCP. Giai đoạn 1991- 1993, Nga đã tiến hành TNH gần 89.000 DNNN; Năm 1994 là 23.800 DNNN; năm 1995 là 10.200 DNNN và năm 1996-1997 là 7.500 DNNN,… Sự thất bại trong việc cải cách DNNN ở Nga ngoài những nguyên nhân như đã nêu ở trên còn có các nguyên nhân khác, như: sự chậm trễ trong việc xây dựng thể chế về tài chính và pháp lý; do sự thao túng của các tội phạm có tổ chức liên kết với tham nhũng, hơn nữa do việc thiếu minh bạch của thông tin về chính sách và quá trình thực hiện chính sách TNH đã tạo ra kẽ hở cho việc thao túng, rửa tiền của các tổ chức tội phạm.

Bài học kinh nghiệm cho Việt Nam

Qua nghiên cứu CPH DNNN ở một số quốc gia trên thế giới, có thể rút ra bài học kinh nghiệm cho  Việt Nam trong tiến trình thực hiện CPH và giải quyết các vấn đề sau CPH DNNN ở Việt Nam như sau:

Thứ nhất: Về đối tượng CPH

Cần được mở rộng hơn nữa về đối tượng CPH. CPH không chỉ nhằm vào những DNNN có quy mô nhỏ, làm ăn kém hiệu quả  mà còn phải thực hiện CPH cả những DNNN có tiềm lực kinh tế vững chắc, có sức cạnh tranh tốt, có uy tín trên thương trường,… Có như vậy mới tạo ra sự hấp dẫn của hàng hóa trên thị trường chứng khoán, giúp cho các DN thu hút được vốn trên thị trường trong nước cũng như thị trường ngoài nước để đổi mới công nghệ, mở rộng quy mô kinh doanh, tăng cường năng lực sản xuất và sức cạnh tranh trên thương trường.

Thứ hai: Về việc thực hiện công tác CPH

– Phải chuẩn bị đầy đủ các điều kiện về chính sách và vật chất cùng với công tác tuyên truyền cho các đối tuợng có liên quan, phải xây dựng một thị trường tài chính, thị trường chứng khoán phát triển. Ban hành các đạo luật, các văn bản pháp quy, có hướng dẫn cụ thể, chi tiết để nâng cao hiệu quả cho tiến trình CPH DNNN, nhằm tạo ra hành lang pháp lý công bằng cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước, giảm bớt thủ tục hành chính, kết hợp đồng bộ các biện pháp để giải quyết các vấn đề xã hội; kết hợp chặt chẽ CPH với công ty hoá, tránh tình trạng CPH chỉ là hình thức.

– Phải phân loại và cơ cấu lại DN, bao gồm cải cách đối với các DN có quy mô vốn lớn trong nền kinh tế quốc dân, trong đó chủ yếu là theo mô hình CTCP mà nhà nuớc chỉ nên nắm giữ CP chi phối đối với các ngành kinh tế mang tính thiết yếu, mũi nhọn và chi phối đến sự phát triển của các Ngành kinh tế khác trong nền kinh tế quốc dân, nhằm tạo điều kiện cho các DN này tự chủ, linh hoạt trong hoạt động SXKD, tự chịu trách nhiệm trước nhà nước và cổ đông về hiệu quả hoạt động cũng như các khoản đóng góp theo nghĩa vụ cho ngân sách nhà nước. Còn đối với các DNNN có quy mô vốn nhỏ, năng lực cạnh tranh thấp, không hấp dẫn nhà đầu tư khi chào bán cổ phiếu trên thị trường chứng khoán có thể thực hiện TNH theo dạng bán toàn bộ DN theo phương thức đấu thầu công khai. 

– Xử lý mối quan hệ giữa DN và NH thông qua việc thành lập các công ty quản lý tài chính thuộc các NH thương mại lớn, các Cty này có quyền phát hành trái phiếu có sự đảm bảo của Ngành tài chính ra công chúng, tạo điều kiện cho các DN sau CPH được phép vay vốn dưới sự bảo lãnh của NH hoặc bằng tín chấp để tạo điều kiện về vốn cho DN, nhằm giải quyết các vướng mắc sau CPH, như: Giải quyết chế độ cho lao động dôi dư; mở rộng quy mô kinh doanh; đầu tư công nghệ mới; đào tạo và đào tạo lại đội ngũ công nhân lành nghề; thực hiện mua lại quyền sở hữu nợ và quyền sở hữu CP của các nhà đầu tư trong và ngoài nước của DNNN thông qua sự chuyển đổi thành CP.

– Thu hút sự tham gia của người lao động vào quản lý các DN sau CPH, tạo sức ép của cổ đông để DN đuợc tự chủ kinh doanh, hạn chế sự can thiệp của Nhà nước bằng những mệnh lệnh quan liêu làm phương hại đến hiệu quả kinh doanh của DN sau CPH.

– CP thông qua quá trình CPH để thúc đẩy sự phát triển vững chắc của thị trường chứng khoán trong nuớc, tạo điều kiện thực hiện phân phối vốn một cách hợp lý và hiệu quả trong các khu vực, các ngành kinh tế của đất nuớc.

– Chống chế độ độc quyền, thực hiện CPH bằng được một số TĐKT lớn theo đề án phê duyệt của Thủ tướng CP, giai đoạn 2011- 2015 đến nay chưa thực hiện được hoặc thực hiện được một phần, tiếp tục CPH trong các năm tiếp theo (từ 2016 – 2020) và gắn trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị với tiến trình CPH của chính DN đó.

Thứ ba: Về giải quyết vấn đề sau CPH

Nghiên cứu các vấn đề sau CPH DNNN ở một số quốc gia trên thế giới, đặc biệt là Trung Quốc và Hàn Quốc, Việt Nam chúng ta có thể rút ra những bài học kinh nghiệm sau đây:

– Trước hết, phải thay đổi nhận thức cho người đứng đầu DN về xứ mệnh và trách nhiệm của DN đối với cổ đông, xã hội, đó là: CPH không phải để TNH và CPH không phải chỉ là hình thức “Bình mới, rượu cũ” mà CPH thực sự là để tạo ra các DN đa sở hữu, trong đó người lao động, cổ đông  được quyền làm chủ DN theo mức độ đóng  góp CP với DN. Người lao động, cổ đông có quyền tham gia vào công tác quản lý DN, tham gia xây dựng chiến lược kinh doanh, tham gia vào công tác tuyển dụng cũng như các hoạt động chính của CTCP. Từ đó mà tăng cường sự giám sát của họ, đối với mọi hoạt động trong CTCP.

– Thực hiện cải cách lại bộ máy quản lý CTCP theo Luật DN năm 2014, thực hiện thi tuyển giám đốc và các vị trí quan trọng trong CTCP theo nhu cầu của công việc. Xóa bỏ tình trạng bố trí, sắp xếp đội ngũ lãnh đạo DN theo cảm tính hoặc những người có quan hệ họ hàng vào các vị trí then chốt trong DN. Thực hiện đổi mới cơ chế quản lý CTCP theo Luật DN, tinh giản bộ máy gián tiếp. Từ đó mà giảm giá thành sản phẩm, dịch vụ cho DN.

 – Quan tâm đặc biệt đến công tác quản trị DN mà trong đó khâu quản trị chiến lược; quản trị tài chính; quản trị nhân sự phải được quan tâm. Trước hết, để giúp cho các DN sau CPH có được chiến lược kinh doanh dài hạn; có được đội ngũ nhân sự đảm bảo về chuyên môn và có hoạt động tài chính ổn định giúp cho các DN sau CPH phát triển bền vững.

 – Thống nhất lựa chọn hình thức giao đất hoặc thuê đất theo đúng quy định của Luật Đất đai năm 2014, thực hiện phân định rõ quyền sở hữu tài sản giữa chủ sở hữu là Nhà nước với DN CPH, đồng thời quy định rõ trách nhiệm, nghĩa vụ của người đại diện phần vốn Nhà nước trong CTCP. Nhằm tạo ra sự thống nhất trong việc tính giá trị của đất vào giá trị DN CPH, trong việc quản lý và sở hữu tài sản trong CTCP.

 – Tạo điều kiện cho các DN CPH được vay vốn của NH theo nhu cầu của DN bằng phương thức thế chấp hoặc tín chấp tài sản, có sự bảo lãnh của NH Nhà nước, nhằm giúp cho các DN sau CPH có đủ vốn để mở rộng sản xuất, đổi mới công nghệ, thực hiện giải quyết những khó khăn, vướng mắc cho DN trong quá trình thực hiện tái cơ cấu và đổi mới DN sau CPH.

 – Thực hiện tốt chính sách đối với người lao động dôi dư theo chế độ quy định của Nhà nước, đồng thời vận dụng thêm chế độ khuyến khích của DN cho người lao động không có việc làm do cơ cấu lại lao động trong CTCP, để họ có điều kiện tìm việc làm mới.

– Quan tâm đến việc đổi mới công nghệ bằng các hình thức, như: ứng dụng những tiến bộ của khoa học vào công nghệ sản xuất hoặc theo phương thức chuyển giao công nghệ, ứng dụng công nghệ cao nhằm giúp cho các DN sau CPH có một nền công nghệ hiện đại, tiên tiến đáp ứng tốt yêu cầu ngày càng cao của sản xuất và của xã hội.

– Tăng cường quản lý công nghệ của các DNNN, xử lý thất nghiệp, đồng thời coi trọng công tác tuyên truyền, giải thích để cán bộ hiểu được lợi ích cũng như rủi ro khi tiến hành CPH DNNN.

 – Thực hiện công khai, minh bạch thông tin của các DN sau CPH về tình hình sản xuất, kết quả sản xuất, tình hình đầu tư, đổi mới công nghệ, tình hình tuyển dụng, đề bạt, tình hình tài chính và khả năng thanh toán cũng như một số vấn đề khác không thuộc diện bí mật của nhà nước, để cổ đông và xã hội cùng tham gia giám sát vào hoạt động SXKD của CTCP.

Như vậy, CPH và TNH của các nước trong khu vực cũng như trên thế giới là bài học rất bổ ích cho Việt Nam trong công cuộc sắp xếp, đổi mới DN, chuyển DNNN thành CTCP theo định hướng XHCN, giúp chúng ta có kinh nghiệm tốt để rút ngắn thời gian thực hiện tiến trình CPH cũng như có kinh nghiệm trong việc giải quyết các vấn đề sau CPH DNNN ở Việt Nam nói chung và các Bộ, Ngành có liên quan nói riêng./.

Tài liệu tham khảo

– Cải cách DNNN ở Hàn Quốc – Tag: DN Hàn Quốc Chaebol

– Cải cách DNNN ở Trung Quốc của tác giả ZHOU FANGHENG – WANG XIAOLU.

– Cải cách DNNN ở Cộng hòa Liên bang Nga.

– Luận án TS của Dương Đức Tâm, với đề tài “Tiếp tục CPH và giải quyết các vấn đề sau CPHDNNN, thuộc Bộ Công Thương”, bảo vệ năm 2016.

– Nghị định 59/2011/NĐ-CP, ngày 18/7/2011 của CP về việc chuyển DN 100% vốn Nhà nước thành CTCP – Nghị định 126/2017/NĐ-CP chuyển DNNN, Công ty TNHH MTV thành CTCP – Một số tài liệu liên quan khác.

Theo Tạp chí Kế toán và Kiểm toán của Hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam (VAA) TS. Dương Thị Vân Anh * Trường Đại học Kinh tế quốc dân 

 

 

`

Xem thêm