Có phải lập danh sách chủ nợ khi Doanh nghiệp phá sản hay không?

Khi Doanh nghiệp phá sản thì chủ thể bị ảnh hưởng nhiều nhất là các chủ nợ. Đó là lý do pháp luật về phá sản hiện nay đã ghi nhận một số quy định để bảo vệ quyền và lợi ích của nhóm chủ thể này, trong đó có việc lập danh sách chủ nợ. Vậy lập danh sách chủ nợ có bắt buộc không? Trình tự như thế nào? Hãy cùng công ty Luật Kiến Việt tìm hiểu vấn đề pháp lý này qua bài viết sau đây.

Lập danh sách các chủ nợ của Doanh nghiệp khi phá sản là điều cần thiết

Phá sản là gì?

Căn cứ quy định tại Điều 3 Luật phá sản năm 2014 phá sản được hiểu là tình trạng của doanh nghiệp, hợp tác xã bị mất khả năng thanh toán và bị Tòa án nhân dân ra quyết định tuyên bố phá sản. Trong đó, doanh nghiệp, hợp tác xã bị mất khả năng thanh toán là doanh nghiệp, hợp tác xã không thực hiện nghĩa vụ thanh toán khoản nợ trong thời hạn 03 tháng kể từ ngày đến hạn thanh toán. 

Từ quy định trên, ta có thể hiểu rằng khi doanh nghiệp bị Tòa án nhân dân tuyên bố phá sản tức đã không còn khả năng phục hồi lại. Tuy nhiên đối với trường hợp mất khả năng thanh toán thì doanh nghiệp vẫn có khả năng phục hồi sau khi hoàn thành việc thanh toán các khoản nợ. 

>> Có thể bạn cần: Tổng hợp các văn bản về luật phá sản

Chủ nợ bao gồm những ai?

Chủ nợ là cá nhân, cơ quan, tổ chức có quyền yêu cầu doanh nghiệp, hợp tác xã thực hiện nghĩa vụ thanh toán khoản nợ. Chủ nợ là chủ thể bị ảnh hưởng nhiều nhất về quyền và lợi ích khi doanh nghiệp phá sản. Hiện nay theo Luật Phá sản năm 2014 phân loại các loại chủ nợ như sau:

Chủ nợ không có bảo đảm là cá nhân, cơ quan, tổ chức có quyền yêu cầu doanh nghiệp, hợp tác xã phải thực hiện nghĩa vụ thanh toán khoản nợ không được bảo đảm bằng tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã hoặc của người thứ ba.

Chủ nợ có bảo đảm là cá nhân, cơ quan, tổ chức có quyền yêu cầu doanh nghiệp, hợp tác xã phải thực hiện nghĩa vụ thanh toán khoản nợ được bảo đảm bằng tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã hoặc của người thứ ba.

Chủ nợ có bảo đảm một phần là cá nhân, cơ quan, tổ chức có quyền yêu cầu doanh nghiệp, hợp tác xã phải thực hiện nghĩa vụ thanh toán khoản nợ được bảo đảm bằng tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã hoặc của người thứ ba mà giá trị tài sản bảo đảm thấp hơn khoản nợ đó.

Việc lập danh sách chủ nợ khi Doanh nghiệp phá sản có cần thiết không?

Việc lập danh sách chủ nợ là điều cần thiết trong trình tự, thủ tục mở thủ tục giải quyết phá sản của Doanh nghiệp. Theo đó, danh sách chủ nợ có ý nghĩa để xác định được khoản nợ mà Doanh nghiệp mắc nợ, là cơ sở cho việc triệu tập và tiến hành hội nghị chủ nợ. Chủ nợ nào không có tên trong danh sách thì sẽ không được thanh toán. 

Trình tự lập danh sách chủ nợ như thế nào?

Theo quy định tại Điều 66, 67 của Luật Phá sản, trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày Tòa án nhân dân ra quyết định mở thủ tục phá sản, chủ nợ phải gửi giấy đòi nợ cho Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản.

>> Xem thêm: Người có quyền và nghĩa vụ nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản doanh nghiệp

 

Việc lập danh sách chủ nợ cần theo trình tự thủ tục Luật Phá sản quy định

Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày hết hạn gửi giấy đòi nợ, Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản phải lập danh sách chủ nợ, thu thập tài liệu liên quan đến khoản nợ và niêm yết công khai danh sách chủ nợ. Danh sách chủ nợ phải ghi rõ tên, địa chỉ, quốc tịch, căn cước của chủ nợ hoặc đại diện chủ nợ, số nợ của mỗi chủ nợ, trong đó phân định rõ khoản nợ có bảo đảm, nợ không có bảo đảm, nợ đến hạn, nợ chưa đến hạn.

Danh sách chủ nợ phải được niêm yết công khai tại trụ sở Tòa án nhân dân tiến hành thủ tục phá sản, trụ sở chính của doanh nghiệp, hợp tác xã và đăng trên Cổng thông tin đăng ký doanh nghiệp, Cổng thông tin điện tử của Tòa án nhân dân và phải gửi cho chủ nợ đã gửi giấy đòi nợ trong 10 ngày làm việc kể từ ngày niêm yết.

Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày kết thúc thời hạn niêm yết, chủ nợ và doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán có quyền đề nghị Thẩm phán xem xét lại danh sách chủ nợ. Trường hợp bất khả kháng hoặc có trở ngại khách quan thì thời gian có sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan không tính vào thời hạn quy định tại khoản này.

 Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đơn đề nghị xem xét lại, Thẩm phán phải xem xét, giải quyết đề nghị, nếu thấy đề nghị có căn cứ thì sửa đổi, bổ sung vào danh sách chủ nợ.

Luật sư tư vấn về phá sản

Trên đây là nội dung giới thiệu về vấn đề Có phải lập danh sách chủ nợ khi Doanh nghiệp phá sản không? Mọi nhu cầu về pháp luật, Quý khách vui lòng liên hệ với chúng tôi – Công ty Luật Kiến Việt để được tư vấn và hướng dẫn.

Thông tin liên hệ Công ty Luật Kiến Việt để được tư vấn luật về thủ tục phá sản:

Liên hệ qua Website: https://luatkienviet.com/

Liên hệ qua điện thoại: 0386 579 303

Liên hệ qua Email: [email protected]

Liên hệ qua Facebook: https://www.facebook.com/luatkienviet

Liên hệ trực tiếp tại địa chỉ công ty.