Có những tổ chức kinh doanh bảo hiểm nào?
Nội Dung Chính
Một số khái niệm liên quan đến tổ chức kinh doanh bảo hiểm
Tổ chức kinh doanh bảo hiểm là tổ chức hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm, bao gồm doanh nghiệp bảo hiểm, hợp tác xã bảo hiểm và tổ chức bảo hiểm tương hỗ, trong đó chủ yếu là doanh nghiệp bảo hiểm.
Theo Khoản 5 Điều 3 Luật kinh doanh bảo hiểm số 24/2000/QH10 ngày 09/12/2000:
“Điều 3. Giải thích từ ngữ
5. Doanh nghiệp bảo hiểm là doanh nghiệp được thành lập, tổ chức và hoạt động theo quy định của pháp luật về kinh doanh bảo hiểm và quy định của pháp luật liên quan để kinh doanh bảo hiểm, tái bảo hiểm.”
Theo đó:
– Doanh nghiệp bảo hiểm là doanh nghiệp (công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần) được thành lập theo pháp luật về doanh nghiệp
– Doanh nghiệp bảo hiểm là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm, tái bảo hiểm. Các lĩnh vực này đều là các lĩnh vực nhiều rủi ro về mặt tài chính, vì vậy cần phải đạt các điều kiện nhất định để doanh nghiệp bảo hiểm được thành lập và hoạt động. (Cụ thể: Điều kiện thành lập doanh nghiệp bảo hiểm như thế nào?)
Các tổ chức kinh doanh bảo hiểm
Theo Điều 59 Luật kinh doanh bảo hiểm số 24/2000/QH10 ngày 09/12/2000 và Khoản 7 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật kinh doanh bảo hiểm ngày 24/11/2019, có 04 loại tổ chức kinh doanh bảo hiểm, bao gồm:
Công ty cổ phần bảo hiểm
Công ty cổ phần là doanh nghiệp mà vốn điều lệ được chia thành nhiều phần bằng nhau gọi là cổ phần; cổ đông có thể là tổ chức, cá nhân và có số lượng tối thiểu là 03 và không hạn chế số lượng tối đa; trách nhiệm cổ đông là trách nhiệm hữu hạn (chỉ chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của doanh nghiệp trong phạm vi vốn góp vào doanh nghiệp). Công ty cổ phần có tư cách pháp nhân và có quyền phát hành cổ phần, trái phiếu và các loại chứng khoán khác của công ty.
Công ty cổ phần bảo hiểm là công ty cổ phần và cũng là doanh nghiệp bảo hiểm. Trong đó, doanh nghiệp bảo hiểm là doanh nghiệp được thành lập, tổ chức và hoạt động theo quy định của pháp luật về kinh doanh bảo hiểm và quy định của pháp luật liên quan để kinh doanh bảo hiểm, tái bảo hiểm.
Điều kiện để thành lập và hoạt động công ty cổ phần bảo hiểm bao gồm:
– Điều kiện để thành lập doanh nghiệp
– Điều kiện chung để được cấp Giấy phép thành lập và hoạt động của doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm
– Điều kiện riêng đối với công ty cổ phần bảo hiểm
Công ty trách nhiệm hữu hạn bảo hiểm
Công ty trách nhiệm hữu hạn, bao gồm công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên và công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên, là loại hình doanh nghiệp có tư cách pháp nhân, các thành viên của công ty trách nhiệm hữu hạn bảo hiểm chịu trách nhiệm đối với phần vốn góp của mình.
Công ty trách nhiệm hữu hạn bảo hiểm là công ty trách nhiệm hữu hạn và là doanh nghiệp bảo hiểm (Doanh nghiệp bảo hiểm là doanh nghiệp được thành lập, tổ chức và hoạt động theo quy định của pháp luật về kinh doanh bảo hiểm và quy định của pháp luật liên quan để kinh doanh bảo hiểm, tái bảo hiểm).
Điều kiện cấp Giấy phép thành lập và hoạt động của công ty trách nhiệm hữu hạn bảo hiểm bao gồm:
– Điều kiện để thành lập doanh nghiệp
– Điều kiện chung để được cấp Giấy phép thành lập và hoạt động của doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm
– Điều kiện riêng dành để thành lập công ty trách nhiệm hữu hạn (tổ chức trong nước) hoạt động bảo hiểm.
Hợp tác xã bảo hiểm
Hợp tác xã là tổ chức kinh tế tập thể do các xã viên (cá nhân, hộ gia đình, pháp nhân) có nhu cầu, lợi ích chung, tự nguyện góp vốn, góp sức lập ra theo quy định của pháp luật để phát huy sức mạnh của tập thể của từng xã viên nhằm giúp nhau thực hiện có hiệu quả các hoạt động sản xuất kinh doanh và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, góp phần phát triển kinh tế – xã hội đất nước.
Hợp tác xã bảo hiểm là hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm, tức các xã viên góp vốn để thực hiện hoạt động kinh doanh bảo hiểm như doanh nghiệp bảo hiểm, trách nhiệm của các xã viên cũng là trách nhiệm hữu hạn và hợp tác xã bảo hiểm cũng có tư cách pháp nhân.
Tổ chức bảo hiểm tương hỗ
Theo Điều 70 Luật kinh doanh bảo hiểm số 24/2000/QH10 ngày 09/12/2000, sửa đổi, bổ sung năm 2010, năm 2019:
“Điều 70. Tổ chức bảo hiểm tương hỗ
Tổ chức bảo hiểm tương hỗ là tổ chức có tư cách pháp nhân được thành lập để kinh doanh bảo hiểm nhằm tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau giữa các thành viên. Thành viên tổ chức bảo hiểm tương hỗ vừa là chủ sở hữu vừa là bên mua bảo hiểm.”
Theo đó, điểm khác biệt giữa tổ chức bảo hiểm tương hỗ so với các tổ chức bảo hiểm khác là:
– Được thành lập nhằm mục đích tương trợ, trợ giúp lẫn nhau giữa các thành viên trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm, hoặc đơn giản là mua bảo hiểm
– Tổ chức bảo hiểm tương trợ không có chủ thể góp vốn thành lập, thay vào đó các thành viên thực hiện nộp phí thành viên để duy trì hoạt động của tổ chức
– Thành viên của tổ chức bảo hiểm tương hỗ là các chủ thể kinh doanh bảo hiểm và các chủ thể mua bảo hiểm, dựa trên mục đích thành lập của tổ chức bảo hiểm tương hỗ.
Xem thêm: Tổng hợp bài viết về Luật kinh doanh bảo hiểm
Luật Hoàng Anh