Có một người thơ nấu ăn
TTH – Nhà thơ – nghệ nhân ẩm thực Hồ Đắc Thiếu Anh, mùa Phật đản vừa qua chị về Huế hai lần để tham gia vào chương trình ẩm thực chay chủ đề “Suối nguồn từ bi”.
Cuốn sách “Bánh Việt truyền thống mùa lễ hội” của nghệ nhân Hồ Đắc Thiếu Anh. Ảnh: TL
Không phải đây là lần đầu tiên, mà từ gần hai mươi năm qua, mỗi mùa hè, mùa bão lụt, lễ, tết, nhà thơ Hồ Đắc Thiếu Anh đều có những đợt tặng quà thiện nguyện cho người nghèo ở Thừa Thiên Huế. Chị vừa góp công, góp của, vừa kêu gọi con cháu, bà con, bạn bè cùng đóng góp, hỗ trợ. Hình ảnh chị in trong lòng mọi người là một phụ nữ Huế xinh đẹp, vui vẻ, xuất thân trong gia đình khoa bảng, danh tiếng – họ Hồ Đắc làng Chuồn (làng An Truyền) – ở Sài Gòn gần 50 năm, vẫn nói giọng Huế chay, luôn mặc áo dài, đội nón lá và đi khắp nơi, từ Nam Đông, A Lưới đến các làng quê miền biển, đầm phá, ruộng đồng để xây nhà tình nghĩa, tặng quà cho bà con. Sự nhiệt tình, lăn xả vào công việc của chị là nguồn lực hấp dẫn nhiều chị em phụ nữ, ca sĩ, họa sĩ, dịch giả ở Sài Gòn, ở Huế tham gia cùng với chị. Chuyện chị vừa tặng quà xong là cùng các chị trong đoàn hát, đọc thơ tặng bà con nghe không còn xa lạ. Hát và đọc thơ dưới mưa, chân ngâm nước lụt là chuyện bình thường. Chị đi đến đâu là nụ cười rộn lên đến đó. Mưa gió xứ Huế, bão lụt xứ Huế, bùn lầy trơn trượt, nắng nóng “hoa cả mắt”, quê nhà đó, lớn lên từ nhỏ, chị quen hết, chẳng có chi xa lạ nhưng cảnh ấy, người xa quê quá lâu, ở vùng đất thời tiết thuận lợi thì cũng phải làm quen lại và đôi khi thành trở ngại nhưng với chị, chẳng có gì phải làm quen, vì thương nên mọi chuyện trở nên đơn giản, bình thường. Cũng vì thương nên chị muốn làm được gì cho quê hương là làm, việc nhỏ cũng làm, càng nhiều càng tốt, càng quý. Đã trải qua hơn nửa cuộc đời, cũng đã trải qua gần như hầu hết mọi cảnh, giàu sang phú quý, thành công, mất mát, ốm đau thập tử nhất sinh, chị hiểu và có lẽ chị biết quỹ thời gian của mỗi người đều có hạn nên chị muốn dành nhiều hơn cho đời, để trả ơn đời, như chị hằng chia sẻ. Và chị trả ơn đời bằng thơ, bằng món ăn, bằng tình thương trao đi.
Mỗi món chay mà chị cùng con gái – Nguyễn Hồ Tiếu Anh, cũng là một cô giáo dạy nấu ăn – “đệ tử chân truyền” của chị – trình diễn hay phục vụ ở Huế các mùa lễ lạt nhiều năm qua, mọi người nhìn thấy đẹp, độc đáo và nếu thưởng thức thì khen ngon nhưng có biết thêm chút “chuyện bếp núc” để nấu những món ăn đó mới hiểu được tấm lòng của chị. Với chị, nấu ăn là một công việc nghiêm túc, nấu cho đàng hoàng, tử tế, người ăn cũng như mình ăn và đó cũng là điều chị dạy con gái, dạy học trò, là điều chị làm gương cho mọi người khi nấu ăn cùng chị, hiểu để chia sẻ và có trách nhiệm với mỗi món ăn mà mình nấu ra. Vậy nên, có mùa festival, chị chuyển mấy cái tủ đông từ Sài Gòn ra Huế (trong chất đầy nguyên liệu), nấu xong tặng luôn tủ đông. Mỗi chuyến chị đi Huế tham gia các chương trình ẩm thực là lỉnh kỉnh nào nguyên liệu, xoong nồi, dụng cụ nhà bếp. Ra Huế, nấu ăn, quảng diễn, tham gia hội thảo, dạy nghề, đọc thơ, tặng quà từ thiện… dày đặc các chương trình, “trút” gần hết sức lực là chị trở về lại Sài Gòn dưỡng sức, làm việc, tiết kiệm tiền để ra Huế “chơi” lại.
Là nhà thơ, chị Hồ Đắc Thiếu Anh đã xuất bản nhiều tập thơ, trong đó có nhiều bài thơ được phổ nhạc và được “trích dẫn” trong những câu chuyện kể về Huế, mưa, nắng, tình yêu. Là nghệ nhân ẩm thực, châm ngôn nấu ăn của chị dễ hiểu như những đầu sách ẩm thực chị đã xuất bản (nhuận bút sách được dành tặng hết cho người nghèo): “An lạc mùa chay”, “ Ẩm thực: ngon và lành”, “Ẩm thực xanh”, “ Bánh Việt truyền thống mùa lễ hội”…
“Mỗi món ăn chị nấu, chị đều gửi những lời nguyện cầu bình an, mạnh khỏe vào trong đó, vừa nấu vừa niệm, chị cũng luôn dạy con gái và học trò chị như vậy, có những điều không thấy được bằng mắt, không nghe được bằng tai nhưng hiển hiện trong cuộc sống này”. Tôi tin lời chị, bởi mạ tôi cũng từng dạy như thế, mọi bà mạ Huế đều dạy con mình như thế “nấu ăn bằng cái tâm, nấu ăn bằng tình thương”.
XUÂN AN