Cơ hội và thách thức trong việc xây dựng chuỗi liên kết sản xuất nông sản an toàn, bền vững (Kỳ 2)
Trong những năm gần đây, Nhà nước luôn dành sự quan tâm, chỉ đạo kịp thời và hỗ trợ cho ngành Nông nghiệp với tinh thần quyết tâm đổi mới tư duy, mở cửa thị trường và chấp nhận cạnh tranh, thực hiện tăng cường năng lực về quản lý, quản trị sản xuất, kinh doanh. Bên cạnh đó, còn có sự hỗ trợ của các cấp chính quyền để tổ chức nông dân liên kết với các DN xây dựng những vùng nguyên liệu tập trung, quy mô lớn, gắn với chế biến, tiêu thụ nông sản để đủ sức cạnh tranh quốc tế trong chuỗi giá trị toàn cầu.
2. Thực trạng xây dựng chuỗi liên kết sản xuất nông sản an toàn, bền vững tỉnh Bắc Ninh: Cơ hội và thách thức
Nằm ở cửa ngõ Thủ đô Hà Nội, Bắc Ninh đã, đang và sẽ tiếp cận thị trường Hà Nội và một số tỉnh lân cận cung cấp thực phẩm nông sản do lợi thế về địa lý, chủng loại, chất lượng sản phẩm, giá cả. Trong những năm gần đây, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn đã áp dụng nhiều tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ mới, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp an toàn theo VietGAP, VietGAHP… ngày càng được triển khai áp dụng rộng rãi. Các sản phẩm nông nghiệp được nâng cao về chất lượng, số lượng, đa dạng về chủng loại do vậy đáp ứng nhu cầu thị trường với số lượng lớn và thị hiếu tiêu dùng khác nhau.
Những lợi thế mà việc xây dựng chuỗi liên kết được hưởng có thể kể đến như: Cơ chế, chính sách phát triển nông nghiệp hàng hóa ngày càng được bổ sung, hoàn chỉnh phù hợp với các chuẩn mực và thông lệ quốc tế, tạo thuận lợi, minh bạch và ổn định dài hạn để thu hút đầu tư, thúc đẩy các doanh nghiệp (DN) có sức cạnh tranh liên kết với nông dân theo chuỗi giá trị; Môi trường kinh doanh theo cơ chế thị trường; Việc ứng dụng khoa học công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp đang được đẩy mạnh; Liên kết theo chuỗi giá trị từng bước được hình thành và phát triển theo chiều sâu; Công tác quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp, vệ sinh an toàn thực phẩm được chú trọng.
Thời gian qua, tỉnh đã cụ thể hóa các chủ trương, chính sách lớn của Đảng và Nhà nước qua việc khuyến khích liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, phát triển Hợp tác xã… đáp ứng được yêu cầu thực tiễn đời sống, trong đó cụ thể hóa Nghị định số 98/2018/NĐ-CP của Chính phủ về khuyến khích phát triển hợp tác, Chương trình mục tiêu quốc gia Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp mà các bên đối tác đều được hưởng lợi, trực tiếp là nông dân. Khi tham gia liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, nhà nước sẽ hỗ trợ xây dựng hệ thống hạ tầng, tập huấn kỹ thuật, vốn cho nông dân, doanh nghiệp, tăng năng suất, chất lượng và sản phẩm nông sản của nông dân, đời sống được nâng lên.
UBND tỉnh Bắc Ninh ban hành Quyết định số 470/QĐ-UBND phê duyệt Đề án xây dựng và phát triển mô hình chuỗi sản xuất và cung ứng thực phẩm nông, lâm, thủy sản an toàn trên địa bàn tỉnh.
Mục tiêu của Đề án nhằm xây dựng mô hình điểm các chuỗi sản xuất thực phẩm nông, lâm, thủy sản an toàn, gắn kết với tiêu thụ sản phẩm, góp phần đảm bảo an toàn thực phẩm nông, lâm, thủy sản, truy xuất được nguồn gốc sản phẩm, từng bước xây dựng và phát triển thương hiệu sản phẩm nông, lâm, thủy sản của tỉnh.
Hiện nay, Bắc Ninh có 39 HTX nông nghiệp thực hiện liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Trong đó, có 6 HTX liên kết theo chuỗi giá trị đối với các sản phẩm chủ lực của tỉnh được Liên minh HTX Việt Nam và Bộ Nông nghiệp và PTNT công nhận.
Không chỉ ký hợp đồng tiêu thụ dài hạn với doanh nghiệp, các HTX còn chủ động cung cấp dịch vụ đầu vào như nguyên liệu, vật tư, áp dụng công nghệ cao và tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm; thu mua nguyên liệu từ các thành viên để chế biến các sản phẩm hàng hóa, tiêu thụ ra thị trường trong và ngoài tỉnh. Tiêu biểu như HTX nuôi trồng thủy sản Trường Mạnh (Thuận Thành), HTX nông nghiệp hữu cơ công nghệ cao Liêm Anh (Tiên Du), HTX Khương Huy (Thuận Thành), HTX nông nghiệp sạch Việt Nam (Gia Bình)…
So với các HTX sản xuất theo mô hình truyền thống, HTX sản xuất, kinh doanh gắn với chuỗi giá trị có chi phí giảm từ 5-8%, thu nhập của thành viên tăng 20-25%; chất lượng sản phẩm được cải thiện rõ rệt, giá bán ổn định và mang lại nhiều lợi ích nên đang được khuyến khích tổ chức thực hiện.
Với sản phẩm rau, củ quả, Bắc Ninh đã hình thành 66 vùng sản xuất rau tập trung quy mô từ 5 ha trở lên, khoảng 3.000 ha sản xuất rau theo hướng an toàn, chiếm 32% tổng diện tích rau, 14 cơ sở được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP và chứng nhận rau VietGAP với tổng diện tích hàng trăm ha.
Với sản phẩm gạo chất lượng cao, toàn tỉnh có 263 vùng sản xuất lúa hàng hóa tập trung, quy mô từ 5 ha trở lên, 5 cơ sở sản xuất lúa đã được cấp giấy chứng nhận VietGAP, tổng diện tích 110 ha. Tỉnh đã xây dựng và phát triển nhãn hiệu tập thể “Gạo tẻ thơm Quế Võ”.
Với sản phẩm thịt lợn, thịt, trứng gia cầm, trên địa bàn tỉnh đã hình thành các vùng chăn nuôi tập trung tại xã Lạc Vệ, Tân Chi, Cảnh Hưng (Tiên Du), Gia Đông, Nghĩa Đạo, Đình Tổ (Thuận Thành), Văn Môn (Yên Phong), Lai Hạ (Lương Tài) tạo vùng nguyên liệu cho chuỗi liên kết với doanh nghiệp giết mổ, chế biến và tiêu thụ gia súc, gia cầm như Công ty TNHH Chế biến thực phẩm Dabaco thuộc Công ty CP Tập đoàn Dabaco Việt Nam, Công ty TNHH Thực phẩm an toàn Vikofood; Nhà máy chế biến thực phẩm Vissan…
Với sản phẩm cá thương phẩm (cá thịt), toàn tỉnh đã hình thành 167 vùng nuôi cá trong ao đất tập trung (quy mô 10 ha trở lên), trong đó diện tích có sử dụng máy quạt nước, chế phẩm sinh học xử lý môi trường là 1.875 ha, 22 vùng nuôi cá lồng trên sông cho năng suất đạt 4-6 tấn/lồng, thu nhập khoảng 40-60 triệu đồng/lồng/năm.
Tuy nhiên, việc xây dựng, phát triển các chuỗi sản xuất, cung ứng thực phẩm nông, lâm, thủy sản an toàn trên địa bàn tỉnh còn còn gặp nhiều khó khăn thách thức.
Các chuỗi liên kết đang gặp khó khăn cả về chiều ngang và dọc. Cụ thể, đối với liên kết ngang, HTX là mô hình rất phổ biến và mang lại lợi ích lớn ở nhiều quốc gia vì HTX là hình thức tự nguyện, cùng hợp tác, cùng có lợi. Trong khi đó, tại Việt Nam, nhiều HTX chưa thể hiện đúng vai trò. Điều đáng mừng là hiện nay đã có mô hình HTX kiểu mới sẽ giúp đẩy nhanh việc liên kết, tạo hiệu quả cho những người cùng sản xuất một mặt hàng.
Đối với liên kết dọc cũng gặp nhiều thách thức như:
Thứ nhất, hệ thống kiểm soát chất lượng sản phẩm để truy xuất nguồn gốc thực phẩm chưa được ứng dụng rộng rãi, sản lượng thực phẩm an toàn, đặc biệt là các sản phẩm thực thẩm của các mô hình chuỗi sản xuất và cung cấp thực phẩm nông, lâm, thủy sản an toàn tiêu thụ qua các hệ thống phân phối và kinh doanh còn hạn chế do chưa hình thành được nhiều vùng sản xuất tập trung quy mô lớn và đa dạng sản phẩm; thị trường tiêu thụ còn thiếu ổn định nên chưa khuyến khích được nhiều doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất.
Thứ hai, quá trình sản xuất, sơ chế sản phẩm nông, lâm, thủy sản chủ yếu theo phương thức truyền thống, tình trạng sản xuất manh mún, nhỏ lẻ còn nhiều, canh tác theo thói quen, do đó việc tuân thủ theo quy trình kỹ thuật đồng nhất còn gặp khó khăn. Điều này rất khó để tạo thành chuỗi liên kết sản xuất – tiêu dùng đảm bảo các tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm. Trong khi đó, nhu cầu của thị trường trong nước và thế giới ngày càng đòi hỏi sản phẩm nông lâm thủy sản phải có chất lượng cao hơn, không những về vệ sinh an toàn thực phẩm mà còn đảm bảo về bảo vệ môi trường.
Thứ ba, tính liên kết giữa người dân và doanh nghiệp chưa chặt chẽ. Nhận thức một bộ phận nông dân còn hạn chế, chưa thật sự tuân thủ những ràng buộc trách nhiệm với doanh nghiệp, vẫn có tâm lý bán hàng ra ngoài, phá vỡ cam kết khi giá thị trường lên cao. Sở dĩ có thực trạng trên, trước hết là do nhận thức của người sản xuất về xây dựng chuỗi nông sản còn nhiều hạn chế. Thậm chí nhiều người dân vẫn còn thấy “xa lạ” với khái niệm chuỗi liên kết, vì vậy việc áp dụng đúng quy trình sản xuất theo chuỗi gặp nhiều khó khăn và phức tạp. Đó là chưa kể đến kiến thức về vệ sinh ATTP nói chung và sản xuất nông sản an toàn nói riêng của người dân còn hạn chế. Chính vì thế cho nên các doanh nghiệp SXKD sản phẩm nông sản thực sự vấp phải “nút thắt” khó gỡ.
Ngoài ra còn có thách thức về con người và nhận thức. Thời gian qua, các doanh nghiệp hợp tác với nhau có hiện tượng lấn sân. Một số doanh nghiệp, sau khi thực hiện vai trò của mình trong chuỗi hợp tác, lại muốn mở rộng ra cả vai trò của người khác, làm phá vỡ tính hệ thống của chuỗi liên kết. Vì vậy để liên kết được, các doanh nghiệp phải có ý thức và có cùng tầm nhìn.
Thứ tư, vấn đề thiếu các công nghệ ứng dụng như bảo quản sau thu hoạch cũng là một trở ngại. Đối với mặt hàng nông sản, nhất là rau quả, việc bảo quản rất quan trọng. Nếu chúng ta có giải pháp bảo quản tốt thì sẽ kéo dài tuổi thọ sản phẩm, hoặc quyết định được thời điểm bán với giá tốt nhất.Trong khi hiện nay, nông dân thu hoạch, sơ chế, bảo quản không đúng cách khiến giá trị sản phẩm bị giảm xuống.
Một thực trạng hiện này là, hầu hết các loại nông sản được sản xuất trên địa bàn tỉnh có sản lượng tương đối lớn nhưng lại mang tính thời vụ cao. Vì vậy, khối lượng và chủng loại các sản phẩm nông sản chưa đủ và không đáp ứng đủ yêu cầu tiêu thụ cũng là một khó khăn cho việc gắn kết giữa các cơ sở sản xuất với kinh doanh để tạo chuỗi.
Trong bối cảnh Bắc Ninh hướng tới trở thành thành phố trực thuộc TƯ, xác định cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng phát triển nông nghiệp bền vững, cần thúc đẩy mạnh mẽ việc xây dựng và phát triển chuỗi liên kết sản xuất nông sản, cần quan tâm thực hiện những giải pháp sau:
Về phía cơ quan nhà nước, cần tiếp tục thúc đẩy tích tụ ruộng đất nông nghiệp thông qua việc hỗ trợ cho các hộ nông dân dồn điền đổi thửa, tạo điều kiện thuận lợi cho việc mở rộng quy mô trang trại. Ưu tiên phát triển nông nghiệp theo hướng hữu cơ, an toàn, áp dụng khoa học công nghệ, gắn với chương trình mỗi xã, thị trấn một sản phẩm để tạo dựng sản phẩm mang thương hiệu riêng. Đồng thời có cơ chế khuyến khích nhà đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, chế biến nông sản. Đẩy mạnh tuyên truyền, tập huấn để nông dân tích cực tham gia liên kết, hợp tác, hướng tới sự chuyên nghiệp trong sản xuất nông nghiệp.
Mặt khác, Nhà nước cũng cần hỗ trợ thành lập các HTX đúng nghĩa, đúng bản chất để HTX phát huy vai trò là hình thức hỗ trợ tốt cho người nông dân. Từ đó, sẽ hỗ trợ các chuỗi cung ứng, chuỗi liên kết dọc và hỗ trợ ứng dụng công nghệ bảo quản, chế biến vào sản xuất.
Đối với doanh nghiệp, cần thay đổi nhận thức, tư duy và phải có sự hợp tác liên kết với nhau, làm sao để giảm bớt sự hỗ trợ từ phía Nhà nước. Đồng thời, doanh nghiệp phải ứng dụng công nghệ vào sản xuất và quản lý.
Về phía nông dân, các hộ nên hợp tác chặt chẽ với nhau và phải thay đổi tâm thức về sản xuất là phải sạch, phải làm đoàng hoàng, làm tử tế, kiên quyết không chạy theo lợi nhuận trước mắt mà làm hại sức khỏe người tiêu dùng, tổn hại đạo đức kinh doanh. Ngoài ra, cần có ý thức bảo vệ lẫn nhau, ý thức hợp tác tương hỗ nhau về kỹ thuật, về nguồn nhân lực, về thị trường, về tổ chức sản xuất…
(Hết)