Cơ hội tăng xuất khẩu vào thị trường Nhật Bản

Thị trường rộng mở

Ông Đỗ Quốc Hưng, Phó vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á – Châu Phi (Bộ Công thương) cho biết, sau hơn 7 năm đàm phám, Hiệp định RCEP được ký ngày 15/11/2020 chính thức có hiệu lực từ 1/1/2022 mở ra khu vực thương mại tự do có quy mô lớn nhất thế giới, với tổng GDP khoảng 30% GDP toàn cầu và một thị trường với 1/3 dân số thế giới. Hiệp định RCEP có 15 thành viên, gồm 10 nước ASEAN và 5 nước đối tác của ASEAN là Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và New Zealand.

Với việc hài hòa các cam kết, quy định trong Hiệp định thương mại tự do ASEAN cộng với 5 nước đối tác, nhất là về quy tắc xuất xứ và tạo thuận lợi thương mại, Hiệp định RCEP sẽ tạo thuận lợi để các doanh nghiệp ASEAN nói chung và doanh nghiệp Việt Nam nói riêng (đặc biệt là các DNNVV) cùng hợp tác trong các chuỗi sản xuất, chuỗi cung ứng khu vực, thiết lập thị trường xuất khẩu ổn định lâu dài.

co hoi tang xuat khau vao thi truong nhat banCác mặt hàng nông, thủy sản của Việt Nam có cơ hội rất lớn tại thị trường Nhật Bản

Trong số các thị trường thuộc RCEP, Nhật Bản là thị trường trọng điểm có ý nghĩa quan trọng và gắn kết chặt chẽ với Việt Nam về thương mại bởi những lý do như: thứ nhất đây là thị trường gần gũi với Việt Nam về địa lý cũng như văn hóa; thứ hai đây là đối tác mà Việt Nam đã ký kết rất nhiều Hiệp định thương mại tự do (FTA), qua đó xóa bỏ các rào cản về thương mại, thuế quan…. đối với hàng hóa xuất khẩu. Thứ ba, cơ cấu mặt hàng xuất – nhập khẩu của hai nước mang tính chất bổ sung rõ nét, không có sự cạnh tranh trực tiếp. Bên cạnh đó, Nhật Bản luôn là đối tác đầu tư nước ngoài hàng đầu của Việt Nam…

Với những điều kiện như vậy, quan hệ thương mại giữa Việt Nam và Nhật Bản sẽ ngày càng phát triển cả về chiều rộng và chiều sâu. Nhật Bản hiện đã trở thành thị trường xuất khẩu lớn thứ ba của Việt Nam, chỉ sau Hoa Kỳ, Trung Quốc; chiếm gần 10% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam ra thế giới. Nhật Bản cũng là thị trường nhập khẩu lớn thứ ba của Việt Nam sau trung Quốc, Hàn Quốc.

Có thể nói, những kết quả ấn tượng trong quan hệ thương mại song phương Việt Nam – Nhật Bản có sự đóng góp rất lớn từ những hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương mà hai nước tham gia. Nhiều ưu đãi, lợi thế được cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam và Nhật Bản khai thác gần 15 năm qua từ Hiệp định đối tác kinh tế Việt Nam – Nhật Bản (VJEPA) và Hiệp định đối tác toàn diện ASEAN – Nhật Bản (AJEPA); hay Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) năm 2018 mà Nhật Bản và Việt Nam cùng tham gia.

“Trước sự kiện Hiệp định RCEP chính thức có hiệu lực vào đầu năm nay, chúng tôi rất vui mừng với mối quan hệ thương mại song phương Việt Nam – Nhật Bản tiếp tục có thêm động lực phát triển, có thêm cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu nhiều hơn nữa vào thị trường Nhật Bản thông qua những ưu đãi, lợi thế có được từ hiệp định này”, ông Hưng nhấn mạnh.

Cơ hội cho xuất khẩu nông, thủy sản

Nhật Bản là thị trường có nền kinh tế phát triển hàng đầu châu Á và thế giới với quy mô thị trường lớn. Đây cũng là thị trường có nhu cầu nhập khẩu tiêu thụ rất nhiều các sản phẩm nông, thủy sản thực phẩm nước ngoài, bao gồm: cá và sản phẩm chế biến từ cá, tôm, thịt và những sản phẩm từ thịt, đậu nành, sản phẩm từ ngũ cốc, rau quả tươi và chế biến cà phê. Đối với nhóm hàng thủy sản, theo thông tin từ Bộ Nông nghiệp Lâm nghiệp và Thủy sản Nhật Bản, nước này đang phải đối mặt với một vấn đề là sản lượng thủy sản khai thác của họ đang có xu hướng giảm trong dài hạn. Vì vậy cánh cửa sẽ càng rộng mở cho hàng hóa của Việt Nam, bao gồm cả nhóm hàng thủy hải sản xuất khẩu vào Nhật Bản và một số thị trường khó tính nhờ vào việc hài hòa quy tắc xuất xứ nội khối của Hiệp định RCEP.

Theo Thương vụ Việt Nam tại Nhật Bản, Hiệp định CPTPP, RCEP sẽ mang lại lợi thế quan trọng, đây chính là cơ hội cho doanh nghiệp thủy sản Việt Nam tiếp tục thúc đẩy xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản trong bối cảnh ngành thủy sản nội địa được Nhật Bản bảo vệ rất chặt chẽ. Tuy nhiên khi xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản, doanh nghiệp cần lưu ý đây là một trong những quốc gia có tiêu chuẩn chất lượng với hàng nhập khẩu khắt khe nhất thế giới. Đối với hàng thủy sản, phải đảm bảo các tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm và đòi hỏi phải được sản xuất nuôi trồng theo các tiêu chuẩn GAP. Hơn nữa, hệ thống phân phối hàng hóa tại Nhật Bản nổi tiếng phức tạp với nhiều tầng cấp khác nhau và các chức năng riêng biệt. Đơn cử, hầu như mọi chuỗi siêu thị của Nhật Bản không nhập khẩu hàng trực tiếp từ nhà cung ứng nước ngoài mà họ mua qua các đầu mối nhập khẩu lớn. Điều này đòi hỏi các doanh nghiệp xuất khẩu nước ngoài phải thiết lập được mối quan hệ tốt với các đầu mối nhập khẩu lớn của Nhật Bản.

Bên cạnh đó, thị hiếu tiêu dùng và văn hóa kinh doanh của người Nhật Bản rất đặc thù. Khi mua hàng, chất lượng là yếu tố được người dân Nhật Bản coi trọng nhất. Hàng hóa nội địa của Nhật có chất lượng cao nên tâm lý tiêu dùng của người Nhật là luôn đòi hỏi các sản phẩm, kể cả các sản phẩm nhập khẩu từ nước ngoài phải có chất lượng tốt. Người Nhật cũng rất chú trọng đến giá cả, mẫu mã, kích thước, màu sắc, công dụng của sản phẩm. Vì vậy, doanh nghiệp nước ngoài muốn có chỗ đứng tại thị trường này cần tìm hiểu thị hiếu của người tiêu dùng Nhật Bản, từ đó đa dạng hóa mẫu mã, hình thức sản phẩm song song với việc nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm giá thành.

Về văn hóa kinh doanh, khi gặp gỡ đối tác Nhật lần đầu tiên, doanh nghiệp Việt Nam cần mang theo danh thiếp, catalo, hồ sơ giới thiệu công ty, hàng mẫu… cần đảm bảo đúng giờ và giữ lời khi đã hứa hẹn một việc gì đó với đối tác. Thông thường thiết lập quan hệ hợp tác kinh doanh với doanh nghiệp Nhật Bản không đơn giản, nhiều trường hợp phải có sự giới thiệu của bên thứ ba uy tín thì doanh nghiệp Nhật mới tin tưởng.