Cơ hội cho ngành sản xuất chip tại Việt Nam
Cơ hội cho ngành sản xuất chip tại Việt Nam
Việt Nam có cơ hội trở thành trung tâm sản xuất chip của thế giới nếu tận dụng tốt những yếu tố thuận lợi, có chiến lược phù hợp, chính sách khuyến khích, ưu đãi lớn cho lĩnh vực này.
Việt Nam là nơi đặt nhà máy, trung tâm R&D của hàng loạt tập đoàn điện tử tên tuổi. Trong ảnh: Nhà máy của Intel tại Việt Nam.
Nhiều yếu tố thuận lợi
Tại buổi làm việc với Thủ tướng Chính phủ vào tháng 8/2022, Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội (Viettel) đã kiến nghị được tham gia nghiên cứu, thiết kế, sản xuất chip phục vụ nhu cầu nội địa và hướng tới xuất khẩu. Đề xuất của Viettel được nêu trong bối cảnh tình trạng thiếu chip trên toàn cầu thời gian qua đã ảnh hưởng trầm trọng tới nhiều lĩnh vực sản xuất, kinh doanh và nhiều nước trên thế giới đã thúc đẩy sản xuất chip để đảm bảo an ninh quốc gia.
Trước đó, Vingroup và FPT đã tiến hành nghiên cứu sản xuất chip, nhưng chưa đạt kết quả như mong đợi.
Những năm gần đây, ngành công nghiệp điện tử, vi mạch phát triển mạnh, chiếm 1/3 tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Hiện Việt Nam đứng thứ 9 trên toàn cầu ở lĩnh vực xuất khẩu hàng điện tử. Trong 8 tháng của năm 2022, điện thoại và linh kiện điện tử có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất, đạt 39,6 tỷ USD, tăng 12,1% so với cùng kỳ năm 2021.
Đặc biệt, Việt Nam đang trở thành cứ điểm sản xuất điện tử của thế giới, là nơi đặt nhà máy, trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D) của hàng loạt tập đoàn điện tử tên tuổi như Samsung, LG, Intel, Apple, Compal, Xiaomi…
Intel đã đầu tư vào Việt Nam từ 15 năm nay, sản xuất hàng loạt dòng chip và xuất khẩu đi khắp thế giới. Còn Samsung mới đây cho biết sẽ đầu tư thêm 3,3 tỷ USD vào Việt Nam trong năm 2022. Tổng giám đốc Tập đoàn Samsung Electronics, ông Roh Tae-Moon chia sẻ, Samsung đang chuẩn bị các điều kiện để sản xuất thử các sản phẩm lưới bóng chip bán dẫn và sẽ sản xuất đại trà từ tháng 7/2023 tại Nhà máy Samsung Electro-Mechanics Việt Nam tại Thái Nguyên.
Theo ông Nguyễn Minh Tuấn, Chủ tịch Hội Công nghệ và Vi mạch TP.HCM, Việt Nam hoàn toàn đủ năng lực để thiết kế chip, điều còn thiếu hiện nay là xây dựng nhà máy. Tuy nhiên, cạnh tranh trên thị trường chip rất khốc liệt. Vì vậy, Việt Nam cần tính toán cẩn trọng trong việc lựa chọn sản xuất loại chip nào để thành công về mặt đầu tư cũng như thương mại hóa.
Đề cập vấn đề này, TS. Majo George (Đại học RMIT Việt Nam) nhấn mạnh: “Việc sản xuất chip sẽ thúc đẩy khát vọng của Việt Nam trở thành trung tâm sản xuất nổi bật trong khu vực, các ngành công nghiệp sẽ có thể có nguồn chip sản xuất nội địa, qua đó giúp giảm chi phí logistics. Nếu sản xuất chip thành công, không chỉ tạo ra ngoại tệ từ việc xuất khẩu, mà còn là cơ hội để tự phát triển các công nghệ tiên tiến, thúc đẩy nền kinh tế Việt Nam đi lên”.
Nhiều thách thức
Nghiên cứu, sản xuất chip và thương mại hóa sản phẩm này là việc vô cùng khó khăn, lại đòi hỏi chi phí khổng lồ. Chưa nói tới việc các trung tâm R&D với đội ngũ nhà nghiên cứu xuất sắc phải mất rất nhiều thời gian mới nghiên cứu ra 1 con chip, việc đảm bảo vật liệu sản xuất (đất hiếm và dược phẩm sinh học) cũng là một vấn đề lớn.
Bằng chứng là, Samsung Electronics vừa chi 355 tỷ USD vào chất bán dẫn và dược phẩm sinh học trong vòng 5 năm để sản xuất chip, đồng thời tính toán xây dựng 11 cơ sở sản xuất chip ở Mỹ với tổng vốn gần 200 tỷ USD. Ước tính, chi phí đầu tư một nhà máy sản xuất bán dẫn khoảng 15 – 20 tỷ USD và mất thời gian 3 – 4 năm; tùy thuộc quy mô, công nghệ mà mức đầu tư có thể còn lớn hơn rất nhiều.
Những khó khăn trong việc đầu tư sản xuất chip cũng được ông Trần Hữu Quyền, Chủ tịch HĐQT VNPT Technology chỉ ra. Đó là: vốn đầu tư nhà máy vô cùng lớn; việc mua máy móc sản xuất, đúc chip không hề dễ, vì “bí kíp” này chỉ nằm trong tay rất ít công ty trên thế giới và bài toán thị trường không dễ giải.
“Khi sản xuất bán dẫn với quy mô lớn, sản phẩm phải đạt ‘đẳng’ công nghệ tương đương một số ít hãng sản xuất chip lớn nhất hiện có trên thế giới, đồng thời, giá không được cao hơn thì mới hy vọng bán được. Rất khó! Nếu không khó, thì đã có rất nhiều tập đoàn, nhiều quốc gia làm chip rồi”, ông Quyền thẳng thắn.
Sản xuất chip không chỉ là lĩnh vực khó, rất tốn kém, mà theo ông Nguyễn Quân, Chủ tịch Hội Tự động hóa Việt Nam, nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, còn có độ mạo hiểm, rủi ro rất cao; rất chậm hoàn vốn, đạt lợi nhuận.
“Ngay cả khi có nhà máy sản xuất chip, thì Việt Nam vẫn phải nhập khẩu toàn bộ vật liệu điện tử. Thực tế ở các quốc gia có nền công nghiệp phát triển như Trung Quốc, Nhật Bản, thì nguyên vật liệu cho ngành công nghiệp sản xuất chip cũng là một thách thức rất lớn. Theo tôi, nếu Việt Nam phát triển ngành công nghiệp vi mạch, thì việc đầu tiên phải làm chính là xây dựng một số cơ sở sản xuất các vật liệu điện tử chủ yếu. Phải tự chủ được những vật liệu mang tính chiến lược để chủ động, không bị ngưng trệ sản xuất nếu xảy ra những tình huống xấu”, ông Quân phân tích.
Một thực tế khác cũng được nhiều chuyên gia đề cập, là tất cả cơ sở, trung tâm sản xuất chip lớn trên thế giới đều có “bóng dáng” cùng sự hỗ trợ của chính phủ, cả về tài lực và chính sách. Chính vì vậy, muốn đặt chân vào ngành công nghiệp sản xuất chip, Việt Nam phải có chiến lược và những chính sách khuyến khích, ưu đãi lớn. Đó có thể là các chính sách thu hút đầu tư, ưu đãi cho các tập đoàn bán dẫn lớn thành lập, mở rộng các trung tâm nghiên cứu và thiết kế tại Việt Nam; chính sách ưu đãi, hỗ trợ, thu hút và đào tạo nhân tài chất lượng cao trong lĩnh vực bán dẫn.
Đặc biệt, điều quan trọng nhất là Việt Nam cần đàm phán với các quốc gia như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc… để đạt được những thỏa thuận hợp tác hỗ trợ chuyển giao công nghệ. Thông qua đó, tiến tới việc hoàn thiện và tự chủ hoàn toàn tất cả công đoạn quan trọng trong quy trình sản xuất bán dẫn.
Ngoài 2
Cuối tháng 8/2022, Tập đoàn Synopsys (Mỹ) thông báo sẽ đào tạo kỹ sư điện tại Việt Nam và hỗ trợ Khu công nghệ cao TP.HCM (SHTP) thành lập trung tâm thiết kế chip thông qua chương trình tài trợ phần mềm.Ngoài 2 dự án thiết kế bán dẫn đang hoạt động, gồm Trung tâm Nghiên cứu và Thiết kế vi mạch bán dẫn của Công ty Microchip Technology (Việt Nam) và Dự án Thiết kế vi mạch điện tử tích hợp (IC) của Công ty TNHH SNST & Finger Vina, SHTP cũng đang thu hút sự quan tâm, tìm kiếm cơ hội đầu tư của các nhà thiết kế sản xuất chip khác trên thế giới.