Cô gái Việt đầu tiên chiến thắng cuộc thi thiết kế thời trang lớn nhất Nhật Bản

Đánh giá post

Vượt qua 6672 thí sinh đến từ các học viện thời trang danh tiếng nước Nhật và 9 quốc gia khác, cô gái Việt Phan Thị Cẩm Tú với tác phẩm mang ý tưởng “vẻ đẹp của sự bất toàn” xuất sắc giành giải cao nhất của Tokyo New Designer Fashion Grand Prix 2016, cuộc thi thiết kế thời trang lớn nhất Nhật Bản.

Bộ trang phục mang ý tưởng “vẻ đẹp của sự bất toàn” đã giúp cô gái Việt chiến thắng cuộc thi thiết kế thời trang “đình đám” đất NhậtBộ trang phục mang ý tưởng “vẻ đẹp của sự bất toàn” đã giúp cô gái Việt chiến thắng cuộc thi thiết kế thời trang “đình đám” đất Nhật

Nhắc đến Tokyo New Designer Fashion Grand Prix là nhắc đến cuộc thi lâu đời, uy tín bậc nhất xứ sở mặt trời mọc. Cuộc thi được NTK nổi tiếng người Pháp Jean Paul Gaultier (người đã tạo nên một đế chế trong ngành công nghiệp thời trang thế giới bởi những bộ sưu tập độc đáo và dữ dội) đứng trong hội đồng giám khảo nhiều năm liền.

Tokyo New Designer Fashion Grand Prix không chỉ chọn lọc và tôn vinh những bộ sưu tập, ý tưởng, concept và kỹ thuật thiết kế tiên phong, độc đáo; mà còn là nơi ươm mầm những nhà thiết kế chất lượng nhất cho Tokyo và toàn Nhật Bản. Những thí sinh được chọn vào vòng chung kết được xem như một sự đảm bào cho vị trí trong ngành công nghiệp thời trang sau khi tốt nghiệp.

Do đó, chinh phục cuộc thi này luôn là mơ ước của rất nhiều nhà thiết kế trẻ cũng như sinh viên ngành thời trang trên khắp thế giới. Và thật tự hào khi Phan Thị Cẩm Tú – nữ du học sinh Việt tại Nhật Bản đã vượt qua tất hơn 6500 đối thủ đến từ 10 quốc gia để giành vị trí quán quân – Giải Lớn (giải cao nhất) của Tokyo New Designer Fashion Grand Prix 2016 được tổ chức vào ngày 19/10 vừa qua. Thú vị hơn, cô cũng là người Việt đầu tiên trong lịch sử tham gia cuộc thi tầm cỡ quốc tế.

Cẩm Tú thực hiện tác phẩm với kĩ thuật rập 3D, form dáng như những chiếc bình gốm được ghép nối các mảnh vỡ vào nhau một cách ngẫu hứng thể hiện triết lý wabi-sabi của người Nhật.

Cẩm Tú tốt nghiệp trường Đại học Kiến Trúc TP.HCM năm 2010 ngành Thiết kế Thời trang. Sau đó, cô trở thành giảng viên khoa Thiết kế Thời Trang tại trường Đại học Kĩ thuật và Công nghệ Hutech – TP.HCM trước khi sang Nhật du học năm 2014.

Cẩm Tú hiện học tại Học viện thời trang Ueda College of Fashion tại Osaka, Nhật Bản, khoa Fashion Creator Advance khóa 2 năm. Cô gái tài năng từng “ẵm” Giải nhất cuộc thi Triumph Inspiration Award Việt Nam tháng 3/2010, Top 10 vòng chung kết Triumph International Award tại London, Anh Quốc tháng 10/2010.

Đặt chân đến nước Nhật học thời trang, một lần Cẩm Tú đọc được quyển sách về triết lý wabi sabi, cô hoàn toàn bị thu hút. Và những chiếc bát gốm vỡ được làm bằng nghệ thuật Kintsugi đã làm Cẩm Tú vô cùng thích thú, gợi mở trong cô rất nhiều suy nghĩ về cuộc đời. Đó cũng là hoàn cảnh giúp Cẩm Tú ấp ủ ý tưởng “vẻ đẹp của sự bất toàn” mang đến tham dự cuộc thi thời trang tại Nhật Bản.

Cô gái Việt tài năng phát biểu trong giây phút nhận giải quán quân Tokyo New Designer Fashion Grand Prix 2016.

Chia sẻ về ý tưởng “vẻ đẹp của sự bất toàn”, Cẩm Tú cho hay, bài dự thi của cô mang concept “Kintsugi” vốn là tên một nghệ thuật truyền thống của Nhật Bản – sửa chữa lại những mảnh đồ gốm bị vỡ bằng kim loại quý như vàng, bạc, bạch kim. Concept biểu hiện một triết lý rằng, những vết sửa chữa và hàn gắn được tôn vinh như một phần lịch sử của đồ vật chứ không phải là một cách che đậy.

Từ đó, nữ du học sinh Việt tạo nên một tác phẩm với kĩ thuật rập 3D, form dáng như những chiếc bình gốm được ghép nối các mảnh vỡ vào nhau một cách ngẫu hứng. Các mảnh vỡ được ghép lại từ chỉ vàng bằng kĩ thuật móc-crochet. Cả bộ trang phục được Cẩm Tú thực hiện hoàn toàn bằng tay, không sử dụng máy móc trong khoảng thời gian 2 tháng.

Cẩm Tú cho biết, trong quá trình thực hiện, phần thử thách lớn nhất chính là tìm kiếm chất liệu phù hợp với ý tưởng và form dáng mong muốn. Cô đã mất rất nhiều thời gian ban đầu để thử nhiều loại chất liệu khác nhau để cho ra được cảm giác mộc mạc mà vẫn lung linh của những chiếc bát gốm vỡ.

Tại vòng chung kết, hội đồng BGK đã vô cùng bất ngờ và đánh giá cao ý tưởng Kintsugi của cô gái Việt. Họ nói rằng, không ngờ một du học sinh đến từ Việt Nam lại có thể làm được một tác phẩm lấy ý tưởng từ nghệ thuật truyền thống của Nhật bản sâu sắc đến như vậy, ngay đến một người Nhật bình thường còn chưa biết về nghệ thuật này hiểu hết được triết lý của nó.

Với giải thưởng cao nhất cuộc thi thời trang danh tiếng Nhật Bản, Cẩm Tú sẽ nhận được 1 triệu yên tiền thưởng và vé khứ hồi đi Paris – kinh đô thời trang thế giới.

Sau khi đoạt giải thưởng, Cẩm Tú còn một học kì tiếp theo phải hoàn thành, cô sẽ tốt nghiệp ở trường Ueda College of Fashion trong tháng 3/2017. Cẩm Tú dự định sẽ thực hiện chuyến đi Pháp và tham quan các nước Châu Âu ngay sau khi tốt nghiệp.

Cẩm Tú còn một học kì tiếp theo tại Nhật Bản phải hoàn thành, cô sẽ tốt nghiệp ở trường Ueda College of Fashion trong tháng 3/2017.

(Nguồn dantri.com.vn)