Cơ cấu dân số theo độ tuổi – DanSo.Org

Cơ cấu dân số theo độ tuổi

Khái niệm

Cơ cấu dân số theo độ tuổi là tập hợp các nhóm người được sắp xếp theo những lứa tuổi nhất định. Đó là sự phân chia số dân theo từng nhóm tuổi nhằm phục vụ cho việc nghiên cứu các quá trình dân số và các quá trình kinh tế xã hội. Thông qua mối tương quan của số dân ở các nhóm tuổi, ta có thể đánh giá, so sánh các nhóm trong mối quan hệ qua lại với các đặc trưng dân số, xã hội và kinh tế của dân cư trong quá trình phát triển của chúng.

Trong dân số học, cơ cấu theo độ tuổi được chú ý nhiều bởi nó tổng hợp tình hình sinh, tử, khả năng phát triển dân số và nguồn lao động của một lãnh thổ. Do những khác biệt về chức năng xã hội và chức năng dân số giữa nam và nữ, cơ cấu dân số theo độ tuổi thường được nghiên cứu cùng với cơ cấu dân số theo giới tính (vì thế thường được gọi là cơ cấu dân số theo độ tuổi – giới tính).

Có hai cách phân chia độ tuổi dựa trên việc sử dụng các thang bậc khác nhau:

  • Độ tuổi có khoảng cách đều như nhau: Sự chênh lệch về tuổi giữa hai độ tuổi kế tiếp nhau có thể là 1 năm, 5 năm hay 10 năm (người ta thường sử dụng khoảng cách 5 năm).
  • Độ tuổi có khoảng cách không đều nhau: Thông thường, người ta chia thành 3 nhóm tuổi: dưới độ tuổi lao động (0 – 14 tuổi), trong độ tuổi lao động (15-59 tuổi) và trên độ tuổi lao động (từ 60 tuổi trở lên). Ngày nay, nhờ vào sự phát triển của công nghệ và đặc thù công việc… ở các nước phát triển thường phân độ tuổi lao động sẽ từ 15 – 64 tuổi.

Mỗi cách phân chia đều có những thuận lợi riêng tùy theo mục đích sử dụng. Cách phân chia thứ nhất tương đối tỉ mỉ và được dùng vào việc phân tích, dự đoán các quá trình dân số. Cách thứ hai khái quát hơn nhằm đánh giá những biến chuyển chung về cấu trúc dân số dựa trên sự nhìn nhận về khả năng đóng góp lao động cho xã hội.

Cơ cấu dân số theo độ tuổi rất khác nhau giữa các nước và các nhóm nước. Một nước được coi là có dân số “trẻ” nếu tỉ lệ người trong độ tuổi dưới 15 vượt quá 35% và số người ở độ tuổi trên 60 (hoặc 65) không quá 7% tổng số dân cả nước. Ngược lại, những nước có dân số “già” khi độ tuổi 0-14 tuổi dao động trong khoảng 30 – 35%, độ tuổi trên 60 (hoặc 65) vượt quá 7% tổng số dân.

Các nước đang phát triển có cấu trúc dân số trẻ, bởi vì lứa tuổi dưới 15 chiếm khoảng 40% tổng số dân. Với lực lượng trẻ tiềm năng như vậy, dù có giảm hệ số sinh tới mức chỉ đủ để tái sản xuất dân cư giản đơn (2 con cho mỗi gia đình), số dân vẫn cứ tiếp tục tăng trong một thời gian dài nữa trước khi đạt tới sự ổn định.

Các nước kinh tế phát triển thương có loại hình cấu trúc dân số già. Nguyên nhân chủ yếu là do tỉ lệ gia tăng tự nhiên thấp và số người cao tuổi ngày càng nhiều hơn (liên quan với việc tăng tuổi thọ trung bình của dân cư).

Có nhiều nhân tố tác động tới sự thay đổi cơ cấu dân số theo độ tuổi. Điều này phụ thuộc trước hết vào đặc điểm và động thái của quá trình tái sản xuất dân cư. Trong đó quan trọng hàng đầu là tương quan giữa hệ số sinh với hệ số tử và kết quả của việc chuyển cư. Ngược lại cơ cấu dân số theo độ tuổi lại ảnh hưởng tới tất cả các chỉ số dân số khác, nhất là tỉ suất sinh/tử thô và tỉ lệ dân số hoạt động trong các ngành kinh tế.

Tháp tuổi của dân số

Cơ cấu dân số theo độ tuổi (và giới tính) được thể hiện bằng tháp tuổi của dân số. Tháp tuổi là một công cụ rất thuận lợi trong việc nghiên cứu cấu trúc dân số theo độ tuổi của mỗi lãnh thổ. Tháp tuổi của dân số là một loại biểu đồ thể hiện mọi số liệu có quan hệ với cấu trúc dân số theo độ tuổi và giới tính. Tháp tuổi phản ánh tất cả các sự kiện của dân số trong một thời điểm nhất định, nó cho thấy số dân theo từng độ tuổi, theo từng giới tính. Từ đó dễ dàng suy ra tình hình sinh, tử và phán đoán các nguyên nhân làm tăng, giảm số dân của từng thế hệ.

Cách xây dựng tháp tuổi như sau: dựng một trục thẳng đứng (trục cung) trên đó có chia khoảng theo từng độ tuổi (từ 0 đến 100). Tùy theo yêu cầu nghiên cứu, mỗi đoạn cách đều nhau trên trục tung tượng trưng cho một độ tuổi đã quy định trước (1 năm, 5 năm, 10 năm). Sự phân chia càng tỉ mỉ, hình biểu diễn tháp tuổi càng chính xác. Phía bên trái trục ghi các số liệu về giới nam, còn bên phải là các số liệu về giới nữ. Số lượng người trong mỗi độ tuổi thường được biểu hiện bằng các số liệu tuyệt đối (thí dụ: triệu người), nhưng cũng có thể được thể hiện bằng các số liệu tương đối (% so với tổng số dân). Vẽ một hình chữ nhật, một cạnh song song với trục tung ứng với độ tuổi quy định (thường theo khoảng cách 5), còn cạnh kia song song với trục hoành ứng với số người (hoặc % so với tổng số dân), thể hiện cho mỗi giới. Có thể vẽ từ độ tuổi thấp nhất đến độ tuổi cao nhất và tổng hợp các hình chữ nhật trên sẽ tạo thành một hình tháp.

Các kiểu cơ cấu dân số theo độ tuổi

Hiện nay, người ta phân biệt 3 kiểu hình tháp tuổi cơ bản phản ánh kết cấu tuổi của các kiểu dân số khác nhau. Mỗi kiểu tháp có đặc điểm riêng về hình dạng.

– Kiểu 1: Tỉ suất sinh cao, tỉ suất tử thấp, tuổi thọ trung bình thấp. Tháp tuổi có dáng nhọn, đáy rộng, càng lên phía đỉnh tháp càng hẹp lại. Tháp thể hiện khả năng dân số tăng nhanh, phần lớn dân thuộc nhóm tuổi trẻ, mỗi lớp tuổi sinh ra lại lớn hơn lớp tuổi sinh trước đó. Đây là kiểu cơ cấu dân số của các nước chậm phát triển, thường được gọi là kiểu tháp mở rộng.

– Kiểu 2: Tỉ suất sinh cao, tỉ suất từ thấp, tuổi thọ trung bình đang tăng dần. Tháp tuổi có dáng nhọn, song có chiều cao lớn hơn. Đây là kiểu cơ cấu dân số của các nước đang phát triển.

– Kiểu 3: Tỉ suất sinh và tử đều thấp, tuổi thọ trung bình cao. Tháp tuổi không còn dáng nhọn nữa, đáy tháp hẹp lại. Sự chênh lệch về độ rộng giữa đáy và đỉnh tháp không đáng kể. Đây là kiểu cơ cấu dân số của các nước kinh tế phát triển. Tháp thể hiện dân số đã ổn định.

Như vậy, hình dạng tháp tuổi cho chúng ta biết rõ cơ cấu dân số theo độ tuổi và giới tính hiện lại của mỗi nước và sự phát triển dân số của nước đó trong tương lai.