Cồ Việt Mobile – Tri thức Việt

Chùa Hương Tích

Hương Sơn – Mỹ Đức – Hà Nội

Vị trí – Lịch sử

 

Kiến trúc

 

Đường lên chùa – Ảnh: Hoàng Chí Hùng

Chùa Hương nằm trong động Hương Tích. Đường xuống hang chùa là một dốc gồm 120 bậc đá. Vách trước cửa động có năm chữ Hán 南天弟一洞 – Nam thiên đệ nhất động (động đẹp nhất trời Nam) là bút tích của chúa Trịnh Sâm được khắc vào vách đá năm 1770.

Trong động là một hệ thống thạch nhũ đá vôi với nhiều hình dáng kì thú và là những công trình điêu khắc tuyệt tác của thiên nhiên. Các khối thạch nhũ được gọi bằng những tên rất gần gũi như Đụn Gạo, Cối Giã, Núi Cô, Núi Cậu, Sữa Mẹ … Đặc biệt trong hệ thống thạch nhũ là trên trần động, thạch nhũ nhô ra thành hình chín đầu rồng sinh động được gọi là toà Cửu Long, là điểm nhiều du khách đến xem và chụp ảnh lưu niệm.

Chùa Hương còn có tượng Phật Bà được tạc bằng đá xanh, còn gọi là bà Chúa Ba (chỉ công chúa Diệu Thiện). Đây là một bức tượng có giá trị về mặt điêu khắc trong toàn bộ hệ thống chùa ở Hương Sơn. Pho tượng bằng đá, có dáng người thon, mặt trái xoan, có hình dáng như tượng Bồ Tát Quan Âm. Tượng có tư thế ngồi đặc biệt là tay phải cầm viên ngọc minh châu, chân trái duỗi, đặt trên một bông sen nở. Theo bài kí được khắc trên đá trong động thì tượng được tạc năm 1793. Ngoài ra, trong chùa còn có quả chuông đồng cao 1,24m được đúc năm Thịnh Đức thứ 3 (1665).

Cảnh quan

 

Chùa Hương Tích  – Ảnh: Hoàng Chí Hùng

Chùa Hương không chỉ hấp dẫn du khách ở vẻ đẹp thiên tạo, nơi đây còn giữ lại dấu tích văn hoá của nhiều giai đoạn lịch sử. Trong chùa, có các tượng Phật Quan Âm, Kim Đồng, Ngọc Nữ được phối thờ… đặc biệt, có tòa Cửu Long hình 9 con rồng chầu bằng nhũ đá.

Thắng cảnh chùa Hương từ xưa đến nay đã là niềm cảm hứng cho nhiều nghệ sĩ văn chương, hội hoạ, trong đó có nhiều bài quen thuộc như Hương Sơn phong cảnh ca, viết theo thể hát nói của Chu Mạnh Trinh:

Bầu trời cảnh bụt

Thú Hương Sơn ao ước bấy lâu nay

Kìa non non, nước nước, mây mây

“Đệ nhất động” hỏi là đây có phải!

Thỏ thẻ rừng mai chim cúng trái

Lững lờ khe Yến cá nghe kinh

Nhác trông lên ai khéo hoạ hình

Đá ngũ sắc long lanh như gấm dệt

Thăm thẳm một hang lồng bóng nguyệt

Gập ghềnh mấy lối uốn thang mây? …

Phong cảnh được Vũ Phạm Hàm gọi là “Tiểu sơn lâm mà có đại kì quan” được Tản Đà miêu tả là:

Chùa Hương trời điểm lại trời tô,

Một bức tranh tình trải mấy thu,

Xuân đến xuân đi không dấu vết

Ai về ai nhớ vẫn thơm tho

Có thể nói phong cảnh chùa Hương là niềm cảm hứng bất tận của các nghệ sĩ và là điểm du lịch, thắng cảnh không thể bỏ qua đối với du khách trong và ngoài nước.

Thiên Lộc – Can Lộc – Hà Tĩnh

Vị trí

 

Truyền thuyết

 

Cổng vào chùa Hương Tích – Ảnh: Hoàng Chí Hùng

Chùa Hương Tích gắn liền với sự tích về Diệu Trang Vương (có truyền thuyết gọi là Sở Trang Vương) và con gái ông là công chúa Diệu Thiện. Truyện kể lại rằng: Ngày xưa nước Hưng Lâm còn có tên gọi là nước Diệu Trang, hoàng đế là Bà Già được mọi người gọi là Diệu Trang Vương. Diệu Trang Vương có ba người con gái là công chúa Diệu Thủ, công chúa Diệu Âm và công chúa Diệu Thiện. Hai người chị thì lúc nào cũng ăn diện, cư xử như những tiểu thư quyền quý. Duy chỉ có công chúa Diệu Thiện luôn ôn hoà với mọi người, thích đọc sách. Diệu Trang Vương tuổi tác đã cao nên có ý muốn nhường ngôi cho một trong ba cô con gái. Nhà vua thương nghị với các đại thần và cho gọi các công chúa lên điện để hỏi về suy nghĩ tương lai và việc chọn phò mã.

Công chúa Diệu Thủ trả lời:

– Con sẽ tìm người văn tài, bụng đầy kinh luân, trong tương lai nhất định phò tá phụ vương trị vì thiên hạ.

Công chúa Diệu Âm thì trả lời:

– Con sẽ tìm người có tài võ nghệ, đánh Nam dẹp Bắc, an bang định quốc, làm trợ thủ đắc lực của phụ vương.

Sở Trang Vương vui vẻ với những đứa con có lòng hiếu thuận. Người hỏi cô con gái út Diệu Thiện muốn lấy phò mã như thế nào. Công chúa trả lời:

– Hài nhi nguyện thờ phụ vương suốt đời không lấy chồng.

Diệu Trang Vương tỏ vẻ không vui và nói với con gái rằng dựng vợ gã chồng là chuyện phải làm của con người, không thể đi ngược được và hỏi ý công chúa muốn lấy một người như thế nào. Công chúa không từ chối được nên đáp:

– Thưa phụ vương, con muốn tìm một danh y có thể chữa bệnh cho đời, cho đất, cho người, làm cho khắp nơi trong thiên hạ, mọi người đều được sung sướng. Nếu phụ vương có thể tìm được một người như thế thì con sẽ lấy làm chồng.

Diệu Trang Vương càng nghĩ càng buồn vì Diệu Thiện là người con ông yêu quý nhất, có năng lực nhất và ông cũng có ý muốn nhường ngôi cho. Thế nhưng, Diệu Thiện đã cự tuyệt ý muốn của nhà vua. Diệu Trang Vương tức giận lệnh đem nhốt Diệu Thiện ở sau hoa viên để nàng được thưởng thức mùi vị của đói và rét.

Thế nhưng, dù bị đối đãi thế nào, Diệu Thiện vẫn không tỏ ra chán nản. Nhiều người tìm đến khuyên nàng nhưng nàng đều bỏ ngoài tai. Một buổi tối, nàng bỏ trốn khỏi hoa viên, đến chùa Bạch Tước, huyện Long Thụ xuất gia.

Diệu Trang Vương được tin, lập tức mật chỉ cho sư trụ trì khuyên giải Diệu Thiện. Tuy nhiên, nhà sư cũng chẳng thể lay chuyển được tâm ý công chúa. Diệu Trang Vương tức giận ra lệnh đốt chùa để thiêu chết Diệu Thiện cùng tất cả tăng ni trong chùa. Chính lúc đó, trời mưa như trút nước đã dập tắt đám cháy. Quân lính đành phải trói công chúa áp giải về cung. Trên đường đi, đám quân lính bị một con hổ chặn đường nên phải bỏ lại công chúa chạy thoát thân. Diệu Thiện được cứu sống, nàng bỏ lên một ngọn núi hoang, dựng lều cỏ, làm bạn cùng chim thú, tiếp tục tu hành. Ngọn núi này có tên gọi là Hương Sơn.

Lại nói về Diệu Trang Vương, vì việc của công chúa Diệu Thiện nên ngày đêm u sầu, giận dữ, không lâu sau mắc phải một căn bệnh quái ác, mủ chảy toàn thân, da thịt sinh ra giòi bọ, mùi hôi thối khắp nơi. Nhà vua chạy chữa khắp nơi vẫn không khỏi. Một hôm, có một cụ già đến bốc cho nhà vua một thang thuốc, nói rằng phải tìm người tâm khí bình hoà, không biết cáu giận, dùng tay và mắt của người ấy cho vào thang thuốc thì mới khỏi bệnh được. Cụ già còn bảo nhà vua hãy đến Hương Sơn tìm người này.

Sứ giả của nhà vua đến Hương Sơn thì quả nhiên tìm được một cô gái như cụ già miêu tả. Sứ giả bèn đem chuyện Diệu Trang Vương mắc bệnh kể cho cô gái nghe mà không nhận ra rằng cô chính là Diệu Thiện công chúa. Về phần công chúa, khi nghe tin vua cha bị bệnh thì đồng ý ngay với ý định của sứ giả. Sứ giả khoét lấy đôi mắt của nàng, chặt đứt đôi bàn tay của nàng mang về làm thuốc cho nhà vua uống. Quả nhiên, bệnh của Diệu Trang Vương khỏi hẳn.

Việc Diệu Thiện xả thân cứu cha làm cảm động đến trời đất. Chính lúc đó, trên người nàng đã mọc ra vô số những cánh tay và đôi mắt. Diệu Thiện thành chánh quả, gọi là Quan Âm nghìn tay nghìn mắt.

Còn về Diệu Trang Vương, sau khi hỏi bệnh, ông tìm đến Hương Sơn để tạ ơn người đã cứu mình và nhận ra Diệu Thiện nên vô cùng cảm động, từ đó cũng bắt đầu tu hành. Qua nhiều năm, Diệu Trang Vương cũng tu thành chánh quả và được Tây Phương Phật Tổ bày toà thứ trong đội ngũ Bồ Tát. Thế nhưng, khi tới Tây Phương, Diệu Trang Vương bị tạp niệm khi nghĩ đến cái cửa lớn kho vàng trong cung. Phật tổ nhận ra nên bảo ông hãy tự tìm một nơi an thân ở bên cạnh Lãnh Đình núi Phổ Đà để xin bố thí của khách thập phương.

Từ đó về sau, bên cạnh núi Phổ Đà có một am Phật nhỏ, bên trong thờ một vị “Bồ Tát xin ăn”, đó chính là Diệu Trang Vương.

Hương Sơn, nơi công chúa Diệu Thiện tu học và đạt thành chánh quả tương truyền là núi Hương Sơn ở Hà Tĩnh hiện nay và ngôi chùa công chúa trú ngụ chính là chùa Hương Tích.

Một truyền thuyết khác cũng có vẻ hợp lý khi nói đến thắng cảnh Hương Sơn là: Xưa kia, người ta hay đến am Thánh Mẫu để cầu tự. Ông Hiệp trấn họ Trần cầu tự ở đây mà sinh được ba người con trai, đặt tên là Hồng, Hương, Tích. Một vị chúa Trịnh (không rõ chúa nào) cũng đến đây cầu tự và sinh được Thế tử. Vì lý do đó nên hàng năm chúa đều sai người vào đây tạ ơn Phật tổ. Sau này, chúa nhận thấy vùng Hương Sơn (Hà Tây – thuộc Hà Nội ngày nay) cũng có phong cảnh đẹp, lại tương tự như Hương Sơn (Hà Tĩnh), lại gần kinh thành nên xây chùa để tiện đi lễ Phật, không phải vào tận vùng núi Hương Sơn – Hồng Lĩnh xa xôi.

Lịch sử

 

Những vết tích còn lại và tài liệu cho biết chùa được khởi dựng từ thời Trần (thế kỷ XIII – XIV), được tu sửa nhiều lần. Năm 1885, chùa bị hoả hoạn cháy rụi (cùng với chùa Thiên Tượng) và được tổng đốc An Tĩnh là Đào Tấn – nhà soạn Tuồng nổi tiếng đứng ra vận động xây dựng lại vào năm 1901. Hiện nay các công trình kiến trúc chính (đền, am, chùa) vẫn giữ được gần nguyên vẹn dáng vẻ ban đầu thế kỷ XX. Phật phả, bia ký chùa Hương Tích không còn, do đó chúng ta không biết năm tháng chính xác xây dựng chùa, các nhà tu hành đầu tiên và các thời kỳ tiếp theo ở chùa này.

Am Thánh Mẫu – Ảnh: Hoàng Chí Hùng

Quần thể di tích chùa Hương gồm có: 2 toà chùa ngoài và trong, am Thánh Mẫu, đền Thiên Vương (đền thờ Hồng Sơn Đại Vương), và phía trên núi cao còn có nền Trang Vương. Chùa Hương có cảnh đẹp thiên nhiên mang nhiều cảnh sắc khác nhau, với quần thể kiến trúc tôn giáo đã phối hợp tài tình.

Những năm chiến tranh, chùa Hương ở Hà Tĩnh bị tàn phá nặng nề, có nhiều khoảng thời gian chùa không, rừng quạnh bởi không có sư về trụ trì. Chùa Hương vắng bóng du khách, suối Hương Tuyền chỉ dành cho người đi chở đá núi về kè đập, xây hồ.

Nhưng từ năm 1990 trở lại đây, cứ vào dịp 18/2 âm lịch hằng năm (đúng như lịch trẩy hội chùa Hương ở Hà Nội) có hàng ngàn du khách đủ mọi lứa tuổi, tầng lớp từ Nghệ An, Hà Tĩnh, Thanh Hoá, Hà Nội, Hải Phòng, Yên Bái, Ðà Nẵng… rẽ đường, vượt dốc núi dài gần tới 4.000m để tới chùa Hương.

Năm 2003, sau khi một nhà hảo tâm quê xã Tân Lộc, huyện Can Lộc từ Hà Nội, về hiến chùa một tỉ đồng, thì chùa Hương cũ kĩ được xây dựng lại khang trang hơn với nhà bái đường, am Thánh Mẫu, điện Thiên Vương, động Tiên Nữ với 36 cửa ra vào cùng với am mây phun, suối tắm tiên….Một công trình cáp treo từ suối Hương Tuyền vào sân chùa chính, đã được xây dựng, giúp du khách có thể tham quan bao quát khắp 99 ngọn núi Hồng với những kì quan liên kết, vốn được sử sách đời xưa đánh giá là “Hoan Châu đệ nhất danh lam”.

Cảnh quan

 

Chùa Hương Tích ở Ngàn Hống (Hà Tĩnh) dựng từ đời Trần, có thể đồng thời với chùa Yên Tử (Quảng Ninh) thế kỷ XIII. Qua những thăng trầm của lịch sử, cảnh cũ nay đã đổi thay nhiều.

Suối Hương Tuyền – Ảnh: Hoàng Chí Hùng

Nếu đường vào chùa Hương, thành phố Hà Nội, bắt đầu từ dòng suối Yến tấp nập những du thuyền, thì lối vào chùa Hương ở Hà Tĩnh cũng nương theo một dòng suối rộng, có tên là suối Hương Tuyền đi ngược lên.

Phong cảnh Hương Tích đẹp đến mơ màng. Một vùng xanh đến ngập trời của thông, trúc và mai. Gió rừng thông vi vu tấu cùng tiếng róc rách, thánh thót của các dòng suối. Mùa xuân và mùa đông, Hương Tích ẩn hiện giữa tầng tầng lớp lớp mây. Mùa hè và mùa thu, Hương Tích vươn mình đường bệ giữa không gian mênh mông, hùng vĩ của trời xanh, rừng xanh.

Đường lên chùa lượn quanh các sườn núi đá, càng lên cao cảnh vật càng lạ lùng hấp dẫn, mây núi nhẹ lâng, gió ngàn mát rượi, chim muông ca hát, rừng thông thắm xanh như chốn bồng lai tiên cảnh, làm cho ta quên đi những mệt nhọc ưu phiền, ta lại càng cảm phục người xưa đã khéo chọn nơi đây dựng chùa tu thiền. Trên đường đến với Hương Tích, du khách còn được thưởng ngoạn dòng nước mát Hương Tuyền, nghe huyền thoại về khe Quỷ khóc, miếu Cậu, miếu Cô… Tương truyền, khi xưa cô Ba đến đây, bị lũ quỷ chặn đường, nhưng với tấm lòng từ bi đã khiến cho lũ quỷ cũng phải nhường bước, để cho nàng tiếp tục cuộc hành trình đến với đức Phật.

Trong thượng điện ngày nay, còn lưu giữ được nhiều bảo vật mang giá trị mỹ thuật cao, đặc biệt, là Hồng Chung được đúc vào năm 1741, dưới thời Cảnh Hưng, nặng khoảng 200 kg được trang trí 4 mặt cân xứng tương ứng với bốn mùa Xuân – Hạ – Thu – Đông. Nhà Tam bảo, tuy không cao lớn, nhưng thật thâm nghiêm u tịch, hội đủ tam thế phật với nhiều Phật Tích, huyền thoại đẹp về đời và đạo khiến lòng người gần thêm với cõi thiện.

Am Quan Âm – Ảnh: Hoàng Chí Hùng

Am Quan Âm, mà nhân dân địa phương vẫn gọi là am phật Bà, được tạo ra từ một động đá tự nhiên khá sâu, từ xa xưa phần cửa động được xây dựng thành một bảo tháp, trang trí hoạ tiết, linh vật đặc trưng mỹ thuật thời Lý – Trần. Theo truyền thuyết, chúa Ba bỏ gác tía lầu son đến đây tu hành hoá phật, để cứu độ chúng sinh. Khi vua cha lâm bệnh nặng, nàng chặt cánh tay và khoét mắt cứu cha. Cảm phục tấm lòng hiếu nghĩa, Đức Phật đã dang rộng vòng tay đón nàng về cõi phật. Ngày 18/2 âm lịch, chúa Ba hoá phật được chọn là ngày chính lễ hàng năm.

Để chạm hình tượng tiêu biểu của danh sơn Hồng Lĩnh lên “Anh đỉnh” (một trong Cửu đỉnh ở kinh thành Huế, đúc năm Minh Mạng thứ 17 (1936) ) các nghệ nhân đã chọn cảnh động Hương Tích. Trong động có chùa Hương Tích, còn được gọi là Hoan Châu đệ nhất danh lam.

Thắng cảnh Hương Tích, danh lam Hương Tích Ngàn Hống từ xưa đã được nhắc đến không chỉ ở Châu Hoan mà khắp nơi đều biết. Ngọn núi và ngôi chùa này đã từng in đậm dấu ấn trong thơ văn của các tao nhân mặc khách. Thái Thuận (phó nguyên suý Hội Tao đàn của Lê Thánh Tông) đã viết trong bài Nhớ Chùa Hương:

Bỗng nhớ chùa Hương Tích

Khe suối đá gập ghềnh

Dấu Quan Âm ẩn náu

Am Thánh Mẫu tu hành

Biết gì ngoài mây rũ

Muôn thuở tiếng Châu Hoan

Năm xưa đến đây vãn cảnh, La Sơn Phu Tử Nguyễn Thiếp – một danh sĩ nổi tiếng thế kỷ thứ XVIII đã khắc hoạ được cả cảnh sắc kỳ thú cũng như niên đại xây dựng di tích qua những áng thơ nổi tiếng:

Hương Tích Trần triều tự

Hồng Sơn đệ nhất phong

Di am không bạch thạch

Cố chi đản thanh tùng

Hay như Trần Công Soạn – Tiến sĩ hiệp chấn Nghệ An, cũng có những vần thơ độc đáo về cảnh chùa:

Trang Vương nền cổ tùng treo nguyệt

Thánh Mẫu am xưa đá toả mây

Suối ngọc một gàu vơi tục luỵ

Trống đồng ba nhịp tỉnh người say

Sự kiện

 

Ngày 15/03/2009, tại xã Thiên Lộc, Can Lộc, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã khởi công xây dựng Dự án cabin – cáp treo chùa Hương Tích với số vốn đầu tư lên đến 120 tỉ đồng. Dự án do Công ty cổ phần Đầu tư phát triển và Du lịch Hồng Lĩnh (HIDT) làm chủ đầu tư. Tuyến cabin – cáp treo này xuất phát từ bên trái đền thờ Miếu Cô lên đến chùa Hương Tích, dài 900m, có 25 cabin loại OMEGA IV của Thuỵ Sỹ, khung vỏ bằng chất liệu hợp kim nhôm, tất cả đều có bộ phận giảm chắn, giảm sốc. Mỗi cabin có sức chứa 8 người. Toàn tuyến có 7 cột cáp từ 12 đến 35m đi qua các triền núi, độ dốc bình quân đạt 35,18%, vận tốc giữa các ga là 5m/s, vận tốc trong nhà ga là 0 – 0,3m/s. Thời gian 1 lượt đi là 4 phút. Các thiết bị sử dụng trong hệ thống cáp treo này đạt tiêu chuẩn châu Âu ISO – 9001.