Chuyện lấy “nước thiêng” ở ngã ba Bạch Hạc

(HNM) – Dịp cuối năm, nhiều nơi có tục cải táng mồ mả hay khánh thành nhà mới cũng là lúc ngã ba sông Bạch Hạc thuộc phường Bạch Hạc, TP Việt Trì, tỉnh Phú Thọ tấp nập lạ thường.

Người khắp nơi đổ về đây chỉ với mục đích lấy cho bằng được “nước thiêng” để hoàn tất những công việc trọng đại của một đời người. Phóng viên Hànộimới đã qua một “đêm trắng” tại ngã ba linh thiêng này và có những trải nghiệm đặc biệt cũng như nhiều trăn trở về một loại hình dịch vụ tự phát đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn…
 

Chiếc thuyền đưa phóng viên ra điểm lấy “nước thiêng”.

Một đêm ở ngã ba thiêng

Bạch Hạc – nơi gặp gỡ của con sông Hồng đỏ nặng phù sa với dòng sông Lô và sông Đà xanh biếc; gắn liền với lịch sử phát triển dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt. Tương truyền vào buổi đầu dựng nước, Lạc Long Quân từ trên núi Nghĩa Lĩnh nhìn về phương Nam thấy ba con sông hợp lưu tạo thành bãi phù sa trù phú, có đàn hạc đậu trắng một vùng đẹp tựa tiên nga nên gọi đó là Bạch Hạc – nơi đất lành chim đậu, lan tỏa vượng khí núi sông. Cũng từ điểm giao nhau đặc biệt của tam giang, dòng nước đỏ nặng phù sa từ đồng bằng châu thổ hòa vào dòng thủy lưu xanh biếc từ núi cao tạo thành một màu sắc đặc biệt, huyền bí. Với quan niệm điểm hợp lưu của ba dòng sông nơi đất Tổ sẽ tạo thành nguồn nước có sự liên kết âm – dương, từ nhiều năm trước đây nước sông ở ngã ba Bạch Hạc đã được “chuyên dụng” vào những việc trọng đại như tắm rửa cho người chết khi khâm liệm, cải táng mồ mả, làm móng xây nhà, đền hoàn thổ công… Và cũng theo quan niệm truyền khẩu, phải đi thuyền nhỏ để không làm kinh động trời đất, nước ở ngã ba ấy phải lấy vào lúc nửa đêm, thời khắc ngày cũ và ngày mới giao hòa thì mới linh nghiệm…

Từ những chuyện kể nhuốm màu huyền bí ấy cộng với “máu nghề nghiệp”, tôi lên thuyền ra ngã ba Bạch Hạc vào một đêm đầu đông sau khi đã trang bị cho mình máy ảnh, áo ấm và thứ không thể thiếu là một chiếc đèn pin nhỏ. Mảnh trăng thượng tuần cong như con thuyền, ẩn hiện trong màn mây mỏng, thả thứ ánh sáng mờ ảo xuống mặt nước đen đặc. Bến đò trước đền Tam Giang vắng lặng, chỉ có một chiếc thuyền nhỏ đang đợi chúng tôi. Người lái đò là một phụ nữ, chừng ngoài 40 tuổi, thân hình gầy gò trong chiếc áo bộ đội bạc phếch và nét mặt khắc khổ. Nhìn chiếc thuyền trống trơ, ghế ngồi là mấy thanh gỗ bắc ngang, không hề có áo phao hay phao cứu sinh, cũng chẳng đèn đóm gì, xung quanh là dòng sông mênh mông tối sẫm, tôi đã thoáng chùn bước.

Gió sông phả vào mặt lạnh buốt, thuyền đi được chừng dăm phút thì mùi hương trầm đâu đó ấm sực lên. Tôi đưa mắt nhìn, chị Thơm – người phụ nữ lái đò đã chuyển lái cho cậu em đi cùng để lên mũi thuyền, bày biện đồ lễ và lầm rầm khấn vái gì đó. Ngồi xuống cạnh tôi, chị bảo nghề này là nghề tâm linh, “đất có thổ công, sông có hà bá”, mình muốn xin lộc thì phải thành tâm. Câu chuyện về cuộc đời buồn của chị Thơm khiến tôi phần nào quên đi cái cảm giác chòng chành, rờn rợn khi con thuyền bập bềnh giữa dòng nước trong màn đêm đen sẫm. Chị sinh năm 1968, là con gái làng Bạch Hạc, từ nhỏ đến lớn, lấy chồng, sinh con vẫn gắn với chiếc thuyền nhỏ buôn bán dọc các bến thuyền nơi ngã ba sông này. Chị bảo làm nghề này, việc tưởng đơn giản là chở khách ra đúng địa điểm ngã ba sông, nơi ba dòng nước chập một, nhưng không phải ai cũng xác định đúng. Quãng đường từ bến thuyền Tam Giang ra đến đó chừng 4-5km, thuận tiện thì đi về khoảng hơn một giờ đồng hồ nhưng nhiều khi sóng cả, gió lớn, thuyền lại nhỏ, điều khiển thật không dễ dàng. Có cả chục thuyền chở khách dọc bến sông này nhưng chỉ vài người có kinh nghiệm mới tìm đúng vị trí “thiêng”. Ban ngày nhìn màu nước mà xác định không khó nhưng đêm đến chị tìm nguồn nước thiêng bằng tay. Theo hướng dẫn của chị, tôi vươn tay qua mạn thuyền… Một cảm giác âm ấm luồn qua kẽ tay, chị bảo đó là sông Hồng, nước nhiều phù sa nên cảm giác nặng và ấm hơn. Còn dòng nước sông Lô ban ngày trong xanh thì đêm đến sờ tay thấy lành lạnh, chỗ giao nhau của hai dòng nước có cảm giác man mát, dễ chịu…

Khi đã xác định đúng nơi cần đến, chị Thơm tắt động cơ, con thuyền trôi tự do giữa bốn bề trời nước, xung quanh yên tĩnh đến lạ lùng. Chị nhắc khách tản ra hai bên mạn lấy nước cho cân thuyền, không nên nói to và cũng không quên nhắc tôi đừng chụp ảnh có đèn làm kinh động… Khách lấy nước xong, con thuyền quay đầu vào doi đất giữa ngã ba sông. Đất cát ở đây mịn, sạch, cũng là thứ “đất thiêng” theo quan niệm của nhiều người. Vùng bãi bồi này rộng và hoang vắng, ánh đèn pin của tôi bị nuốt chửng trong cái mênh mông, hun hút của bóng đêm và um tùm lau sậy. Đứng ở đây mới cảm nhận hết được cái bao la, rợn ngợp của vùng ngã ba sông linh thiêng…

Nguy cơ một phong tục đẹp bị lợi dụng

Theo những bậc cao niên ở làng Bạch Hạc, tục lấy nước ở ngã ba sông thường chỉ gắn với lễ hội đền Tam Giang vào dịp 25 tháng Chín và 10 tháng Ba âm lịch hàng năm, còn đền Mẫu Tam Giang thì vào 22 tháng Hai âm lịch. Việc lấy nước cũng diễn ra theo nghi thức từ xa xưa, có đầy đủ đội tế nam, nữ. Người ta bơi chải đua thuyền ra ngã ba sông để lấy nước cầu may. Tục xưa ban đầu là thế, ngày nay nhiều người coi nước ngã ba sông Bạch Hạc là nước thiêng, dù xa xôi ngàn dặm, ở tận trong Nam ngoài Bắc cũng cất công tìm về đây xin nước.

Kể từ ngày người từ các nơi đổ xô về đây, đời sống dân vạn chài khấm khá rõ rệt. Trung bình mỗi chuyến đò đưa khách ra lấy nước thu về 4-5 trăm nghìn đồng, ngày thường mỗi chủ đò đi được vài chuyến. Có ngày cuối năm cao điểm chị Thơm đi đi, về về nơi ngã ba sông đến 8 lần. Vì vậy, nhiều gia đình ở phường Bạch Hạc trước đây sống chủ yếu bằng nghề chài lưới hoặc buôn bán nhỏ, còn bây giờ nghề chính lại là chở khách ra ngã ba sông lấy nước thiêng và làm các dịch vụ khác trên bờ. Dọc theo hai bên đường dẫn vào đền chùa Tam Giang, hàng quán mọc lên nhan nhản, dù không lộ liễu bày bán các loại can nhựa nhưng chỉ cần khách hỏi mua thì số lượng hàng trăm chiếc cũng có. Chiếc can nhựa dung tích 10 lít bình thường chỉ có giá khoảng 15-20 nghìn đồng nhưng ở đây có giá gấp đôi. Điều khiến tôi ngạc nhiên là bất kỳ hàng quán nào cũng đều có sẵn “nước thiêng” để bán với giá đắt đỏ: Không dưới 300 nghìn đồng một can 20 lít. Thế nhưng, chẳng vị khách nào kêu ca, phàn nàn đắt rẻ, chủ quán nói bao nhiêu thì đưa bấy nhiêu. Và càng ngạc nhiên là không ai hỏi về nguồn gốc của những can nước này dù không có gì bảo đảm chắc chắn rằng đó là nước được lấy ở ngã ba Bạch Hạc hay chỉ là nước sông đơn thuần? Băn khoăn này là hoàn toàn có căn cứ khi tôi được biết có những chủ thuyền chở khách chưa đến ngã ba sông đã chỉ đại một khu vực gần hơn cho khách lấy nước thiêng. Hoặc có chủ quán chỉ ra bờ sông lấy nước đóng vào can, bảo đó là nước thiêng, khách từ xa đến lần đầu cũng chỉ biết móc ví…

Một thực trạng khiến nhiều người băn khoăn lo lắng là việc chở khách đi lại trên sông bằng thuyền nhỏ vào đêm khuya hay sáng sớm trong khi trên thuyền không hề có phương tiện cứu sinh, người lái chủ yếu điều khiển thuyền bằng kinh nghiệm thực sự tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ mất an toàn. Nhìn dòng nước ngã ba sông, nơi hợp lưu của ba con sông lớn đang cuồn cuộn tạo những xoáy lớn, xoáy nhỏ khiến người nhát hay có linh cảm nghĩ về điều bất an. Nhỡ xảy ra việc không may mắn thì việc sống sót thật hy hữu.

Đem băn khoăn này trao đổi với ông Hoàng Anh – Phó Trưởng công an phường Bạch Hạc, TP Việt Trì, tôi được biết, nhiều năm nay khu vực ngã ba sông này chưa từng xảy ra tai nạn đường thủy. Các chủ thuyền là người bản địa có kinh nghiệm nghề sông nước, trước khi chở khách họ cũng từng làm nghề đánh cá, hút cát hoặc vận tải nhỏ đường sông nên rất thông thạo khu vực này. Tuy nhiên, thời gian gần đây do lượng người đổ về đông nên lực lượng công an phường cũng phải túc trực liên tục để bảo đảm tình hình an ninh trật tự khu vực này.

Rời Bạch Hạc khi tiếng gà gáy lao xao báo hiệu một ngày mới, tôi nghĩ đến việc liệu có thể “nâng cấp” để đưa vào quản lý những dịch vụ liên quan đến phong tục “lấy nước cầu may” ở ngã ba Bạch Hạc này chăng? Vì không được hướng dẫn, thông tin; không được quản lý nên dịch vụ tự phát này đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn đường thủy, nguy cơ làm biến tướng một phong tục đẹp.