“Chuyện lẩu cua”: Ngụ ngôn về văn hóa doanh nghiệp

“Chuyện lẩu cua”: Ngụ ngôn về văn hóa doanh nghiệp

Tôi thường ít có thói quen hoặc cố gắng không đọc lời giới thiệu khi cầm và bắt đầu đọc sách. Bởi, nếu đọc lời nói đầu hay lời tác giả có thể tôi sẽ ngại đọc tiếp, mọi sự tò mò gần như trắng đen rõ ràng. “Chuyện lẩu cua” (NXB Thế giới, 2022) bắt mắt bởi hình ảnh sinh động, đẹp tựa một cuốn sách viết cho thiếu nhi.

“Chuyện lẩu cua”: Ngụ ngôn về văn hóa doanh nghiệp

Những dòng đầu tiên: “Trên một bãi biển nọ, có một cái nồi sắt to, nước lưng chừng trên mặt nước lơ lửng vài miếng măng, nấm, sả và ớt. Dưới đáy nồi, có một đàn cua đang ngọ nguậy, ra chiều bí bách lắm vì không biết tại sao lại bị bắt vào nồi. Chúng thấy mây lững thững trôi và chim chóc bay lượn. Chúng ngửi được mùi của biển. Nhưng than ôi, dường như chẳng có cách nào để chúng thoát ra khỏi nồi”. Đọc đến đây, tôi nghĩ mình đang cầm cuốn sách về món ăn với các cách nấu một nồi lẩu cua thật ngon, chọn cua và chế biến thế nào đây?”.

Và hàng loạt “nhân vật” như: Cua Dữ liệu, Cua Chuẩn chỉnh, Cua Tối cổ, Cua Giải pháp, Cua Hành động, Cua Tự ti, Cua Đơn độc, Cua Lính mới, Cua Cao ngạo,… xuất hiện, mang nhiều dáng vẻ, màu sắc khác nhau. “Nước nóng lên…” và những con cua bắt đầu xuất hiện trong một nồi lẩu. Cua Dữ liệu “lồm cồm bò đi khắp nồi để thông báo cho những con cua khác về nhiệt độ đang nóng dần lên. Nghe tin, mỗi con cua phản ứng một kiểu”. Cua Giải pháp đưa ra đủ các cách như dùng măng làm cái thang, dùng nấm làm một tấm bạt lò xo. Cua Chuẩn bị “nghiên cứu các tài liệu, sách vở”, nhưng “càng đọc cô càng thấy có nhiều câu hỏi phải trả lời và nhiều yếu tố lẫn biến số phải tính toán. Dường như chẳng có thời điểm nào hoàn hảo để hành động, vì lúc nào cũng có điều chưa thỏa đáng và cần chuẩn bị thêm”. Cua Vấn đề “lang thang khắp nồi tìm kiếm vấn đề” và rút ra rằng: “Tất cả chúng ta đều bất đồng với nhau. Đó là vấn đề. Ai cũng nghĩ cho riêng mình”.

Đến khi nước lẩu đã nóng đến mức bắt đầu bốc hơi, cảm thấy khó chịu, đau đớn, đàn cua trở nên vô cùng hoảng sợ. Cua Kết quả xuất hiện từ quá trình “lột bỏ cái vỏ cũ của mình” và “dồn tất cả tâm trí của mình vào tương lai. Một tương lai mà ở đó chúng ta thoát khỏi chiếc nồi này, tự do chạy nhảy khắp nơi, tận hưởng ốc con và trứng cá, chơi đùa trong sóng biển trập trùng” hơn là con cua nào cũng “muốn chứng minh mình đúng”. Quá trình buông bỏ cái cố hữu, cái “tôi” của mỗi con cua không hề dễ. Nhưng trước sức nóng của nồi nước lẩu, chúng buộc phải “buông bỏ quan điểm của mình về bản thân và về nhau”.

Đọc từ trang đầu tiên đến trang 59 của cuốn sách dày 67 trang này, tôi hoàn toàn nghĩ rằng sách dành cho thiếu nhi. Nhưng từ khi xuất hiện khái niệm về KPI, rồi đội Business Intelligence (BI), tôi mới hiểu rằng: Hóa ra đây là những khái niệm về làm việc nhóm, về sự chuyển hóa của các doanh nghiệp trong thời đại 4.0… Chính cách làm việc nhóm giúp cả đàn cua theo dõi tiến độ và tìm cách tối ưu kỹ thuật xây kim tự tháp bằng cách đứng lên mai của nhau mà không trượt ngã. Thỉnh thoảng, khi có một con cua trượt chân, cả đàn phải xây dựng lại từ đầu.

Thay vì chỉ trích nhau, các con cua đã xem đây là cơ hội để chúng cải thiện hiệu suất của mình và trở nên hiệu quả hơn. Và để “thoát ra khỏi nồi lẩu, các con cua liên tiếp chuyển hóa. Cua Tối cổ chuyển hóa thành Cua Tương lai, Cua Trịch thượng chuyển hóa thành Cua Yêu thương, Cua Chuẩn chỉnh chuyển hóa thành Cua Chấp thuận, Cua Sai lầm chuyển hóa thành Cua Ghi nhận, Cua Giải pháp chuyển hóa thành Cua Tự khám phá… Và với sự cam kết vào một kết quả rõ ràng trong tương lai, rồi phối hợp hành động, “Đàn cua tràn lên bãi cát, hít hà hương biển ngọt ngào và đắm mình trong tiếng ầm ào của sóng. Chúng ngẩng lên ngắm nhìn những áng mây trắng và những cánh chim trời, rồi vui sướng lao về nhà để đoàn tụ với gia đình yêu dấu”.

Quay trở lại với lời nói đầu của cuốn sách: “Chuyện lẩu cua tưởng chừng chỉ là một câu chuyện hư cấu, nhưng tất cả đều dựa trên những con người và sự việc có thật xảy ra tại Mekong Capital”. Và tác giả của cuốn sách là Chris Freund – nhà sáng lập kiêm Tổng Giám đốc của Mekong Capital. Xin nói rõ, Mekong Capital là công ty tư vấn quản lý quỹ đầu tiên tại Việt Nam được thành lập với mục tiêu tập trung đầu tư duy nhất vào các công ty tư nhân Việt Nam, trong đó phải kể đến là Thế giới di động, Golden Gate, Masan, Traphaco, PNJ và Trường Quốc tế Việt Úc (VAS)…

Chia sẻ về “Chuyện lẩu cua”, Chris Freund đã ví von tình hình ở Mekong Capital khoảng giữa năm 2021 là “nồi lẩu”. Nồi lẩu ấy không hiểu sao lại bị đặt nằm chơ vơ giữa bãi biển, trong cái nắng chói chang của mặt trời chiếu rọi. Cảnh vật bên ngoài thật tươi đẹp, với trời nước trong xanh, mây lững thững trôi và chim chóc bay lượn. Nhưng những gì diễn ra bên trong nồi lẩu mới thật… khắc nghiệt. Nước trong nồi sôi dần lên và những con cua – hình ảnh ẩn dụ của nhân viên Mekong Capital – đang hốt hoảng tìm cách thoát thân.

Chris cũng thừa nhận mình là Cua Tầm nhìn gặp khó khăn trong việc truyền tải. “Đến hiện tại thì đâu đó vẫn còn những người không thấy được tầm nhìn đó cùng tôi”, ông chia sẻ. Rõ ràng, “Chuyện lẩu cua” tuy là hư cấu nhưng tất cả đều dựa trên những tình huống, sự việc có thật ở Mekong Capital nên câu chuyện càng thêm hấp dẫn, sinh động và giá trị. Không riêng gì Mekong Capital, các chủ doanh nghiệp khác cũng đồng cảm với tình huống nội bộ nhân viên đấu đá, không đoàn kết. Trong những tình huống ấy, ông Chris nhấn mạnh “Để công việc hiệu quả và tạo ra đột phá, mỗi người phải thay đổi lột xác, từ bỏ quan điểm, định kiến cũ về mình trong quá khứ, chuyển hóa hướng về tương lai”.

Từ kinh nghiệm đến nhận thức và có được kết quả thành công mà Chris Freund đã viết nên “Chuyện lẩu cua” trong… 1 ngày. Ban đầu, “Chuyện lẩu cua” dành cho nội bộ đọc, nhưng chỉ sau khi cuốn sách được in ở cả 2 phiên bản tiếng Anh và tiếng Việt, bạn đọc đón nhận với sự vui vẻ và hào hứng. Điều thú vị là nói chuyện thời đại 4.0 nhưng qua hình thức ngụ ngôn mà ai đọc cũng hiểu được. Đọc từng trang sách là từng bài học, câu nói sâu sắc về tinh thần đội nhóm, là sự truyền cảm hứng dành cho các doanh nghiệp trong cách xây dựng bộ máy nhân sự, dung hòa các cá tính khác nhau để hình thành nên một bộ máy tổ chức vững vàng, sẵn sàng đương đầu trước mọi khó khăn trong kinh doanh.

Lấy hình ảnh một đàn cua thảo luận cùng nhau vượt ra khỏi nồi lẩu đang sôi để ví von về việc tự cứu bản thân mình cũng là cách hình thành văn hóa doanh nghiệp. Trong bức tranh tổng thể về những điều đã, đang và sẽ xảy ra ở các doanh nghiệp, chỉ doanh nghiệp nào có sự chuyển hóa mới giúp thay đổi cách nhìn nhận và lãnh đạo để “đàn cua” có thể sống sót và vươn đến tương lai. Qua “tính cách” của những chú cua, mỗi người đọc đều có thể nhận ra bóng dáng chính mình hoặc những đồng nghiệp xung quanh.

Kiều Huyền