Chuyển giao tiến bộ kỹ thuật trong nông nghiệp, nông thôn

Sản xuất nông nghiệp ở nước ta có tính đặc thù, nông nghiệp, nông thôn và nông dân nước ta có những đặc điểm riêng, vì thế để chuyển giao TBKT vào sản xuất nông nghiệp thành công theo chúng tôi cần chú ý đến những đặc điểm sau:

Thứ nhất, nông nghiệp, nông thôn Việt Nam trải rộng trên địa bàn lớn, có điều kiện tự nhiên, kinh tế – xã hội khác nhau. Các vùng sản xuất nông nghiệp có sự khác nhau lớn về điều kiện địa hình. Nếu ở vùng đồng bằng sông Hồng, đồng bằng sông Cửu Long có độ đồng nhất cao, việc chuyển giao TBKT gặp rất nhiều khó khăn.

Việt Nam nằm trong  vùng khí hậu nhiệt đới, nóng ẩm với nhiều tiểu vùng khác nhau, giữa các tiểu vùng có sự khác biệt lớn về điều kiện nhiệt độ, độ ẩm, lượng mưa, nhiều vùng thường xuyên phải hứng chịu những điều kiện thời tiết bất lợi như bão, lũ, lụt lội. Những yếu tố trên có tác động rất lớn đến sản xuất nông nghiệp và nông thôn, nếu không được chú ý sẽ khó có thể chuyển giao thành công các TBKT vào sản xuất nông nghiệp.

Bên cạnh đó, mỗi vùng nông nghiệp, nông thôn có điều kiện về đất đai khác nhau cả về nguồn gốc phát sinh và những đặc điểm lý, hóa, sinh, cũng như khả năng sử dụng đất. Nắm được đặc điểm đất đai là một trong những điều kiện quan trọng bảo đảm chuyển giao TBKT thành công trong nông nghiệp.

Sự khác biệt lớn về điều kiện kinh tế giữa các vùng (đồng bằng, trung du, miền núi, vùng sâu, vùng xa) có ảnh hưởng lớn đến khả năng tiếp nhận công nghệ, khả năng đáp  ứng các yêu cầu về cơ sở vật chất kỹ thuật của công tác chuyển giao TBKT thành công cần có những chính sách đặc thù, có cơ chế động viên và có phương pháp phù hợp các vùng, miền khác nhau.

Thứ hai, cơ sở hạ tầng ở nông thôn và vùng sản xuất nông nghiệp chưa phát triển. Hệ thống đường giao thông nông thôn hiện nay phần lớn chỉ đáp ứng được yêu cầu đi lại, chưa đáp ứng được yêu cầu vận chuyển vật tư, sản phẩm đến các vùng sản xuất nông nghiệp. Ðây là yếu tố hạn chế lớn trong việc chuyển giao TBKT cho những vùng sản xuất hàng hóa.

Hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật như: điện, thủy lợi, cơ sở dịch vụ kỹ thuật cho sản xuất nông nghiệp phát triển còn thiếu đồng bộ, cho nên việc chuyển giao ứng dụng công nghệ mới, công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp gặp nhiều khó khăn, hiệu quả và khả năng nhân rộng thấp.

Thứ ba, nông nghiệp Việt  Nam là một nền nông nghiệp nhiệt đới đa dạng và phong phú. Với lợi thế của một nước nông nghiệp nhiệt đới, nước ta có các chủng loại cây trồng rất phong phú, bao gồm: Cây lương thực (lúa, ngô, khoai, sắn); cây công nghiệp ngắn ngày (mía, lạc, đậu tương); cây công nghiệp dài ngày (cao-su, cà-phê, hồ tiêu, chè, ca-cao); cây ăn quả (nhãn, vải, bưởi, cam quýt, sầu riêng, măng cụt, chôm chôm) và đa dạng chủng loại rừng cây lấy gỗ và cây ngoài gỗ; cây bản địa và cây nhập nội, tạo nên sinh quần rừng Việt Nam đặc trưng nhiệt đới. Sự đa dạng về cây trồng đòi hỏi cán bộ kỹ thuật làm công tác chuyển giao TBKT phải có kiến thức rộng, hiểu biết sâu về nhiều loại cây để chuyển giao cho người dân, nhất là người dân ở vùng khó khăn, đồng bào các dân tộc thiểu số.

Từ cuối năm 1990 đến nay, việc chăn nuôi theo phương thức công nghiệp hoặc bán công nghiệp phát triển mạnh ở vùng ven đô và ở các trang trại. Tuy nhiên, ở địa bàn nông thôn, vùng trung du, miền núi chủ yếu sản xuất, chăn nuôi vẫn mang tính nhỏ lẻ, tự cung tự cấp. Do vậy, TBKT chuyển giao cho nông dân phải đồng bộ từ khâu giống vật nuôi, thức ăn, chuồng trại và phòng trừ dịch bệnh gia súc, gia cầm.

Thứ tư, nông nghiệp nước ta phần lớn vẫn là nền nông nghiệp tiểu nông, sản xuất nhỏ, năng suất lao động thấp, tổn thất sau thu hoạch lớn, chưa có nhiều vùng sản xuất tập trung theo hướng sản xuất hàng hóa. Việt Nam có khoảng 11 triệu hộ nông dân nhưng chỉ có khoảng bảy triệu ha diện tích canh tác. Bình quân đất nông nghiệp ở đồng bằng sông Hồng là 0,42 ha/hộ và ở đồng bằng sông Cửu Long là 0,78 ha/hộ. Ở khu vực miền núi, diện tích đất nông nghiệp lại càng ít, phần lớn là ruộng bậc thang nhỏ hẹp, manh mún, phân tán ở nhiều nơi, hạn chế rất lớn đến việc thực hiện các khâu thâm canh, cơ giới hóa việc làm đất, thu hoạch, vận chuyển vật tư và sản phẩm. Ðất sản xuất bị chia nhỏ cho nhiều hộ quản lý, nên trên một vùng đất cùng một lúc có nhiều loại cây trồng, vật nuôi. Mỗi cây trồng, vật nuôi yêu cầu một quy trình sản xuất khác nhau, do vậy việc chuyển giao TBKT cho các vùng này gặp rất nhiều khó khăn.

Ngoài ra, tỷ lệ thất thoát nông sản sau thu hoạch rất lớn: Lúa 11-13%, ngô 13 đến 15%, rau quả 25%. Sản phẩm nông nghiệp chủ yếu dưới dạng sản phẩm nguyên liệu thô hoặc dạng bán thành phẩm, ít có sản phẩm được chế biến sâu, giá trị sản phẩm thấp, hiệu quả kinh tế trong sản xuất nông nghiệp không cao, khả năng đầu tư, đổi mới công nghệ trong sản xuất và trong chế biến nông sản thấp.

Khi chuyển giao TBKT cần tập trung giải quyết tốt mối quan hệ trong phát triển giữa sản xuất nhỏ và sản xuất lớn; giữa sản xuất tập trung và sản xuất phân tán; giữa sản xuất tự cung tự cấp và sản xuất hàng hóa, hỗ trợ công nghiệp chế biến nông sản và hướng tới mục tiêu giảm thiểu sự thất thoát sau thu hoạch, tăng tỷ trọng sản phẩm đã qua chế biến.

Thứ năm, đối tượng tiếp nhận TBKT chủ yếu là nông dân, trình độ còn hạn chế.  Nông dân Việt Nam có trình độ dân trí chưa cao, trình độ tiếp cận với công nghệ còn thấp, có sự khác biệt lớn về trình độ, tập quán sinh sống, canh tác (đặc biệt là đồng bào các dân tộc thiểu số, đồng bào sinh sống ở vùng sâu, vùng xa, nơi rất cần hỗ trợ các TBKT nhằm thúc đẩy sản xuất nông nghiệp phát triển). Mặt khác, nông dân Việt Nam đa phần có mức thu nhập thấp (bình quân năm 2008 là 762.000 đồng/người), đời sống vật chất, tinh thần còn nghèo, tỷ lệ hộ đói nghèo còn cao (tỷ lệ đói nghèo bình quân năm 2008 là 18,7%, ở các tỉnh miền núi hơn 20%, có huyện tỷ lệ này lên tới 50-55%), khả năng tự đổi mới công nghệ thấp, không đủ kinh phí tiếp nhận, đổi mới công nghệ. Do vậy, việc lựa chọn, tiếp nhận TBKT rất cần có sự tư vấn của cơ quan chuyển giao, sự hỗ trợ kinh phí của Nhà nước, doanh nghiệp và các tổ chức xã hội khác.

Thứ sáu, công nghệ trong sản xuất nông nghiệp có tính đặc thù, thị trường công nghệ trong nông nghiệp chưa phát triển. Công nghệ trong sản xuất nông nghiệp bao gồm các TBKT, các quy trình trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, các giống cây trồng, vật nuôi… là những công nghệ đặc thù. Vì thế, có những công nghệ phù hợp với vùng này nhưng không phù hợp với vùng khác và khó giữ được bản quyền khi được chuyển giao vào sản xuất.

Thị trường công nghệ trong sản xuất nông nghiệp chưa phát triển, các TBKT, quy trình sản xuất, thậm chí cả giống cây trồng, vật nuôi chưa thật sự trở thành hàng hóa, muốn chuyển giao vào sản xuất cần có sự hỗ trợ của Nhà nước và các tổ chức xã hội.

Với những đặc điểm nêu trên của nông nghiệp, nông thôn và nông dân Việt Nam, để công tác chuyển giao TBKT  vào sản xuất nông nghiệp đạt hiệu quả cao cần chú ý một số vấn đề:

Cần lựa chọn được những TBKT phù hợp điều kiện địa phương, phù hợp với trình độ và khả năng tiếp nhận của cơ sở: Ðể chuyển giao TBKT trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn thành công phải lựa chọn được những TBKT phù hợp từng vùng. Cần căn cứ vào điều kiện đất đai, khí hậu, trình độ và mức độ phát triển cơ sở hạ tầng, tập quán sinh sống, tập quán và trình độ canh tác, khả năng tiếp nhận công nghệ, tiếp cận thị trường của người dân, của vùng để lựa chọn TBKT phù hợp, không nên đưa những công nghệ cao vào những vùng có điều kiện cơ sở vật chất kỹ thuật, trình độ tiếp nhận công nghệ yếu.

TBKT chuyển giao phải là những kết quả đã được khẳng định thông qua thử nghiệm, sản xuất thử hoặc đang được áp dụng rộng rãi ở nhiều nơi; có tính thời sự và tính tiên tiến cho mỗi vùng, mỗi địa phương và phải phù hợp với điều kiện khí hậu, tự nhiên, hạ tầng kỹ thuật, phù hợp với khả năng tiếp nhận, năng lực quản lý và khả năng đầu tư của địa phương.

Cần lựa chọn đơn vị, cá nhân có đủ năng lực chuyển giao TBKT: Những đơn vị, cá nhân thực hiện chuyển giao TBKT vào sản xuất nông nghiệp được quy định tại Ðiều 8 (quy định quyền chuyển giao công nghệ) của Luật Chuyển giao công nghệ. Tuy nhiên, để chuyển giao thành công các TBKT vào sản xuất nông nghiệp và nông thôn đòi hỏi người cán bộ chuyển giao phải có trình độ chuyên môn, kinh nghiệm công tác, tinh thần trách nhiệm và đặc biệt là phải có kiến thức bản địa: Am hiểu điều kiện cơ sở vật chất kỹ thuật, cơ sở hạ tầng, đất đai, khí hậu của vùng sản xuất; am hiểu tập quán canh tác, sinh sống của người dân địa phương, nhu cầu tiêu thụ sản phẩm và thị trường tiêu thụ sản phẩm.

Chuyển giao TBKT trong sản xuất nông nghiệp cần kết hợp chặt chẽ giữa việc xây dựng mô hình với đào tạo cán bộ kỹ thuật và đào tạo nông dân, nâng cao năng lực cho cán bộ cơ sở, cho nông dân: Thông qua xây dựng mô hình, các TBKT được chuyển giao cho nông dân. Tuy nhiên, để mô hình bền vững, có thể mở rộng thành sản xuất đại trà cần phải có các cuộc tham quan, hội thảo đầu bờ, đặc biệt là phải có tập huấn cho cán bộ cơ sở và nông dân. Thông qua tham quan, hội thảo và tập huấn, người nông dân sẽ tiếp cận, nắm vững, làm chủ TBKT, trên cơ sở đó họ có thể áp dụng TBKT vào sản xuất một cách chủ động và quy mô hơn.

Chuyển giao TBKT trong sản xuất nông nghiệp có sự tham gia của doanh nghiệp là yếu tố bảo đảm thành công của quá trình chuyển giao: Ðể chuyển giao thành công các TBKT, đặc biệt là những TBKT có hàm lượng khoa học cao vào sản xuất nông nghiệp, tạo ra các sản phẩm có giá trị hàng hóa cao thì rất cần có sự tham gia của các doanh nghiệp, bởi vì các doanh nghiệp có ưu thế về tài chính để đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật, đáp ứng được yêu cầu của việc tiếp nhận những công nghệ mới, tiên tiến. Mặt khác, sự hỗ trợ của các doanh nghiệp trong việc phát triển thị trường, tiêu thụ sản phẩm sẽ là động lực thúc đẩy sản xuất phát triển, nâng cao hiệu quả của quá trình chuyển giao TBKT.

Nông nghiệp là nền tảng của công nghiệp và dịch vụ, là nghề chính của nông dân. Nông nghiệp có các đặc điểm riêng, đặc biệt là quá trình sản xuất chịu sự chi phối bởi rất nhiều yếu tố tự nhiên: Ðất đai, khí hậu, thủy văn… Vì vậy, cần phải nắm vững đặc điểm của sản xuất nông nghiệp, nông thôn Việt Nam và đánh giá đúng những thành tựu và những tồn tại ở nông thôn để lựa chọn những TBKT phù hợp, lựa chọn đúng địa bàn, đối tượng tiếp nhận, đơn vị chuyển giao, có kế hoạch và phương pháp chuyển giao phù hợp nhằm phát huy hiệu quả của TBKT, tạo động lực cho phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới.