Chuyển giao công nghệ cho các doanh nghiệp: Còn nhiều khó khăn
– Trong giai đoạn hội nhập kinh tế đang diễn ra mạnh mẽ như hiện nay, lợi thế cạnh tranh sẽ thuộc về doanh nghiệp (DN) thích ứng nhanh và tận dụng tốt công nghệ để đổi mới, tối ưu hóa sản xuất và kinh doanh. Tuy nhiên, đến nay, việc chuyển giao công nghệ mới, công nghệ cao cho các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh còn nhiều khó khăn.
Theo rà soát, đánh giá mới nhất của Sở KH&CN, trình độ công nghệ của các DN trên địa bàn tỉnh chỉ ở mức độ trung bình. Số DN quan tâm đến hoạt động chuyển giao, đổi mới công nghệ như là giải pháp để tăng năng suất, sức cạnh tranh của DN rất ít. Hiện tại, số DN thực hiện chuyển giao công nghệ để đưa vào sản xuất chỉ chiếm khoảng 10% tổng số DN toàn tỉnh.
Sản xuất, lắp ráp xe đạp điện tại Công ty TNHH MTV DK Việt Nhật
Lý giải về vấn đề này, ông Trần Quốc Anh, Phó Giám đốc Sở KH&CN cho biết: Đa phần các DN tỉnh Lạng Sơn là DN nhỏ và vừa, thậm chí là siêu nhỏ, nguồn vốn đầu tư còn hạn chế. Trong khi đó, Lạng Sơn còn thiếu các trường, viện hay tổ chức nghiên cứu khoa học là nguồn cung công nghệ, chưa có các tổ chức làm nhiệm vụ môi giới và dịch vụ trong thị trường công nghệ để kết nối giữa nguồn cung và như cầu công nghệ cho DN.
Còn một nguyên nhân khác đó là phần lớn các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh quy mô DN nhỏ, nguồn vốn hạn chế (số DN có vốn dưới 5 tỷ đồng chiếm 53,8%; DN có số vốn từ 5 tỷ đồng đến dưới 10 tỷ đồng chiếm 25,3%; DN có số vốn từ 10 tỷ đồng đến dưới 50 tỷ đồng chiếm 17,8%; DN có số vốn từ 50 tỷ đồng trở lên chiếm 3%) nên năng lực tích tụ vốn thấp, nguồn vốn dành cho chuyển giao, đổi mới công nghệ không có khiến hầu hết DN trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn rơi vào thế “thụ động” trong việc chuyển giao, đổi mới công nghệ.
Ông Trần Thế Kiên, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Tiếp nhận chuyển giao công nghệ và tư vấn hỗ trợ khởi nghiệp, Chủ tịch Câu lạc bộ Đầu tư khởi nghiệp tỉnh Lạng Sơn chia sẻ: Thực tế cho thấy, công tác chuyển giao công nghệ đến các DN vẫn còn rất hạn chế. Việc chuyển giao công nghệ giữa các trường, viện, đơn vị nghiên cứu khoa học cho DN còn ít, chủ yếu các DN chuyển giao công nghệ thông qua hoạt động nhập khẩu thiết bị, máy móc, tức là DN thấy thiếu thiết bị, máy móc gì thì nhập cái đó. Việc làm này khiến việc chuyển giao không đầy đủ và không đồng bộ theo cùng một dây chuyền sản xuất. Một điểm nữa đó là bản thân các DN ngoài việc thiếu vốn thì năng lực tiếp nhận, thẩm định công nghệ còn hạn chế. Điều này cũng khiến DN gặp khó khăn trong hoạt động chuyển giao công nghệ.
Qua trao đổi với các DN và tìm hiểu từ thực tiễn, được biết, các DN trên địa bàn tỉnh còn yếu kém trong khả năng quản lý và tổ chức hoạt động tiếp nhận công nghệ, bắt đầu từ khâu thực hiện hợp đồng chuyển giao. Nhiều hợp đồng không ghi những thông số quan trọng của công nghệ được chuyển giao, không có sự rằng buộc chặt chẽ nên nhiều DN bị thiệt hại khi tiếp nhận những máy móc công nghệ cũ dẫn đến hiệu quả sản xuất không như mong đợi. Cụ thể nhất có thể kể đến hợp đồng mua máy móc, công nghệ sản xuất trà bò khai của Công ty TNHH MTV Ngọc Quế (huyện Hữu Lũng), công nghệ sản xuất trà Diếp cá của HTX Lụa Vy (huyện Chi Lăng), công nghệ sản xuất thạch đen của một số cơ sở sản xuất thạch tại huyện Tràng Định, hay như công nghệ sấy lạnh, sấy lò cho bà con sản xuất sản phẩm cao khô trên địa bàn tỉnh… đều gặp vướng mắc do khi thực hiện hợp đồng chuyển giao không chặt chẽ, khi thực hiện bảo dưỡng hay nâng cấp công nghệ không được bên cung cấp thực hiện.
Sản xuất khóa cửa tự động tại Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng và phát triển Việt Bắc
Theo khảo sát của Sở KH&CN, số DN mạnh dạn đầu tư nghiên cứu, sáng tạo ra công nghệ mới ngay tại công ty trên địa bàn Lạng Sơn hầu như chưa có, phần nhiều là đi mua của đơn vị khác, lắp đặt sau đó thực hiện chuyển giao. Kết quả của việc mua bán này phụ thuộc rất nhiều vào năng lực công nghệ của hai bên, đặc biệt là bên nhận chuyển giao công nghệ. Nếu DN không đủ kiến thức để thẩm định thiết bị công nghệ khi được chuyển giao, dễ dẫn đến trường hợp máy móc nhận về gặp trục trặc, hư hỏng hoặc không sử dụng được.
Ông Nguyễn Xuân Tùng, Giám đốc Công ty TNHH MTV Lắp đặt và Thương mại Xuân Tùng (huyện Hữu Lũng) cho biết: Là DN nhỏ hoạt động trên lĩnh vực xử lý môi trường nên hiện tại DN đang rất cần sự hỗ trợ chuyển giao những giải pháp công nghệ hữu ích trong lĩnh vực xử lý môi trường, nhất là công nghệ xử lý nước thải công nghiệp. Tuy vậy, hiện nguồn lực của DN hạn chế nên không dám “đặt hàng” riêng về hệ thống công nghệ xử lý nước thải.
Ông Trần Quốc Anh, Phó Giám đốc Sở KH&CN cho biết: Trong sản xuất kinh doanh, các DN luôn cần đến những giải pháp công nghệ để tăng năng suất và hoạt động hiệu quả ở tất cả các khâu. Trong thời gian qua, Sở KH&CN đã triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ tìm kiếm, đổi mới công nghệ như: Tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền về các chính sách hỗ trợ đổi mới công nghệ, ưu đãi đối với các DN; giới thiệu, hỗ trợ các DN tham gia nhiều hoạt động kết nối cung – cầu công nghệ do Bộ KH&CN và các địa phương tổ chức. Đặc biệt là Sở KH&CN đã tham gia nghiên cứu một số công nghệ cao đáp ứng hoạt động sản xuất của một số DN trên địa bàn. Tuy nhiên, kết quả là số lượng DN chủ động thực hiện chuyển giao, ứng dụng công nghệ mới, công nghệ cao vào trong sản xuất, kinh doanh chưa nhiều. Nguyên nhân là do DN còn “thụ động” trong quá trình thực hiện chuyển giao. Hay nói cách khác là chỉ có DN thực hiện nghiên cứu thí điểm là áp dụng, còn các DN cùng lĩnh vực sản xuất đó hầu như chưa liên hệ, đầu tư để được chuyển giao công nghệ.
Trong môi trường cạnh tranh như hiện nay, các DN luôn cần đến những giải pháp công nghệ để tăng năng suất và hoạt động hiệu quả ở tất cả các khâu. Đặc biệt trước những thay đổi nhanh chóng từ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, nếu DN không thích ứng nhanh và tận dụng tốt lợi thế từ nền tảng công nghệ hiện đại để đổi mới, tối ưu hóa sản xuất sẽ phải đối mặt với nguy cơ bị tụt hậu và khó có thể tồn tại. Do vậy, để việc chuyển giao công nghệ trong cộng đồng DN tỉnh được triển khai một cách mạnh mẽ, đồng bộ, thì chính các DN cũng cần năng động trong các hoạt động, tổ chức việc chuyển giao công nghệ.
Theo số liệu thống kê của Sở KH&ĐT, tính đến hết tháng 8/2022, trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn có 3.639 DN với số vốn đăng ký 37.050 tỷ đồng. Về quy mô, DN trên địa bàn tỉnh chủ yếu là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, thậm chí là doanh nghiệp siêu nhỏ, số doanh nghiệp này chiếm tới 95% trong tổng số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Ông Phạm Thế Dũng, Phó Cục trưởng Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ, Bộ KH&CN
“Hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm, chuyển giao và đổi mới công nghệ là nhiệm vụ quan trọng không chỉ của riêng ngành KH&CN mà còn là nhiệm vụ của tất cả các cấp, các ngành. Do vậy, thời gian tới, tỉnh Lạng Sơn cần tiếp tục xác định hoạt động đổi mới sáng tạo, hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ là trung tâm của hoạt động KH&CN. Đồng thời, tỉnh cần chủ động bố trí nguồn vốn để triển khai các dự án nâng cao tiềm lực của các doanh nghiệp KH&CN trên địa bàn. Song song với đó, Hiệp hội DN tỉnh cần phát huy vai trò đầu mối để chủ động kết nối các DN của tỉnh các các đơn vị nghiên cứu KH&CN để tăng hiệu quả hoạt động chuyển giao công nghệ. Trong đó phối hợp chặt chẽ với Sở KH&CN tỉnh xúc tiến nhiều giải pháp, hoạt động để liên kết 3 nhà “nhà khoa học – nhà quản lý – DN”. Cụ thể như tổ chức các sự kiện liên kết, kết nối các DN trong tỉnh với các trường, viện nghiên cứu khoa học, hỗ trợ các DN tham gia các sự kiện triển lãm trưng bày công nghệ… để DN có thêm nhiều thông tin về công nghệ mới, công nghệ cao, từ đó DN sẽ chủ động đặt hàng để thực hiện chuyển giao công nghệ”
PGS, TS Phạm Anh Tuấn, Viện trưởng Viện nghiên cứu Cơ điện nông nghiệp và công nghệ sau thu hoạch
“DN trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn chủ yếu là DN nhỏ và vừa, nguồn lực tài chính hạn hẹp nên để nâng cao tiềm lực tài chính cho DN, UBND tỉnh Lạng Sơn nên xem xét thành lập quỹ phát triển KH&CN để hỗ trợ cho những DN có nhu cầu đầu tư đổi mới công nghệ vay với lãi suất ưu đãi. Bên cạnh đó, các DN, đặc biệt là DN nhỏ và vừa phải tăng cường liên kết, hợp tác tốt với các DN có vốn đầu tư nước ngoài để thuận lợi hơn trong nắm bắt tiêu chuẩn, kỹ thuật mới, tiếp cận tri thức và công nghệ mới. Đồng thời, các DN cần chuẩn bị nhân lực có khả năng hấp thụ thành quả của tiến bộ công nghệ mới, công nghệ cao; tăng cường hợp tác, liên kết với các tổ chức nghiên cứu KHCN trong nước để nghiên cứu giải quyết các vấn đề công nghệ của chính bản thân DN; tăng cường mở rộng hợp tác, quan hệ với DN cùng ngành, các tổ chức tín dụng để không chỉ giúp DN có thêm thông tin kinh doanh mà còn giúp mở rộng nguồn vốn có khả năng tiếp cận, từ đó có thêm nguồn lực đầu tư, đổi mới công nghệ phục vụ sản xuất của đơn vị mình…”