Chuyên gia văn hóa nói về ý nghĩa mùng 3 Tết thầy

Trang Hà

  –  

Thứ ba, 24/01/2023 19:54 (GMT+7)

Tại Việt Nam, Tết Nguyên đán là dịp nghỉ lễ lớn, quan trọng và ý nghĩa nhất trong năm. Đây là khoảng thời gian để mọi người, mọi nhà quây quần bên nhau sau một năm dài làm việc vất vả. Đồng thời là dịp để mọi người thăm hỏi thầy cô, bạn bè và dành tặng nhau những câu chúc bình an, thành công.

Với nhiều người, câu nói dân gian “Mùng 1 Tết cha, mùng 2 Tết mẹ, mùng 3 Tết thầy” chính là lịch trình thăm hỏi trong 3 ngày đầu năm. 

Theo quan niệm của ông cha ta, 2 ngày đầu năm mới phải dành để “Tết cha”, “Tết mẹ” – thể hiện lòng kính trọng ông bà, cha mẹ hai bên nội ngoại. Bên cạnh đó, người Việt cũng nhắc nhau “Không thầy đố mày làm nên” để nói về công lao dạy dỗ của thầy cô giáo. Với tinh thần “tôn sư trọng đạo”, mùng 3 Tết, lớp lớp học trò sẽ đi chúc Tết các thầy cô giáo – những người đã có công dạy dỗ, bảo ban mình.

Theo TS Trần Hữu Sơn – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Văn hoá dân gian và ứng dụng, quan niệm “mùng 3 Tết thầy” gợi nhắc đến truyền thống “uống nước nhớ nguồn”, “tôn sư trọng đạo” tốt đẹp của dân tộc ta.

TS Trần Hữu Sơn - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Văn hoá dân gian và ứng dụng nói về ý nghĩa “mùng 3 Tết thầy“. Ảnh: Đức MạnhTS Trần Hữu Sơn – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Văn hoá dân gian và ứng dụng – nói về ý nghĩa “mùng 3 Tết thầy“. Ảnh: Đức Mạnh

Trong các mối quan hệ xã hội, nghề giáo xưa và nay luôn có một vị thế đặc biệt, nhận được sự kính trọng của toàn xã hội. Những người chọn nghề giáo vốn mang sẵn trong mình những giá trị tích cực, vì học trò, tận hiến với ngành Giáo dục để nuôi dưỡng những mầm non tương lai của đất nước trưởng thành.

Theo Viện trưởng Viện Nghiên cứu Văn hoá dân gian và ứng dụng, không chỉ dân tộc Kinh mà nhiều dân tộc khác cũng tôn trọng truyền thống tôn sư trọng đạo.

“Ví dụ, người Dao đỏ ở Sapa, mùng 3 đều đến chúc Tết thầy cô. Các học trò học nghề của thầy từ học nghề thủ công đều đến chúc Tết. Tôi từng chứng kiến có những lớp học mở cửa từ mùng 3 để học trò đến khai bút” – TS Sơn nói.

Nhân mùng 3 Tết, TS Trần Hữu Sơn cho biết, trong năm mới Quý Mão, các thế hệ học trò nên dành tình cảm chân thành, gửi gắm qua những lời chúc, cuộc trò chuyện với thầy cô. Học trò nên chúc thầy cô giáo có thật nhiều sức khỏe, lúc nào cũng tràn ngập niềm vui, hạnh phúc và có những chuyến đò thành công.

Báo Lao Động gợi ý một số lời chúc hay và ý nghĩa dành tặng thầy cô, bạn đọc có thể tham khảo:

– Không có nghề gì cao quý bằng nghề dạy học. Nhân dịp năm mới Quý Mão, em chúc thầy cô luôn mạnh khỏe, bình an, công tác tốt.

– Chúc mừng thầy cô của em nhân dịp Tết Nguyên đán Quý Mão. Xin kính chúc thầy cô thành công tiếp nối thành công trong sự nghiệp giáo dục. Chúc thầy cô năm mới luôn mạnh khỏe, vui vẻ, vạn sự như ý.

– Nhân dịp năm mới 2023, em chúc thầy cô thật nhiều sức khỏe, gặp nhiều may mắn và nụ cười lúc nào cũng nở trên môi. Cảm ơn thầy cô vì đã không quản khó khăn, vất vả để dạy dỗ chúng em nên người.

– Chúc mừng thầy cô năm mới Quý Mão, chúc thầy cô đong đầy hạnh phúc – Gói trọn lộc tài – Giữ mãi an khang – Thắt chặt phú quý.

– Ngày đầu xuân năm mới, em xin gửi lời chúc sức khỏe, may mắn đến thầy cô và toàn thể gia đình. Em chúc thầy cô luôn bình an, mạnh khỏe, lúc nào cũng tràn đầy năng lượng, nhiệt huyết để dìu dắt chúng em cập bến bờ tri thức.