Chuyên gia, chủ doanh nghiệp nói gì về việc đồ chơi trẻ em ‘thua đậm’ trên sân nhà?
TPO – Chưa nghiên cứu, đầu tư bài bản, không chặn được hàng lậu… Đó là những lý do được đưa ra về tình trạng đồ chơi trẻ em của Việt Nam thua ngay trên sân nhà.
Như đã phản ánh, ở Việt Nam mặt hàng đồ chơi trẻ em có hơn 90% xuất xứ từ Trung Quốc, còn đồ chơi do doanh nghiệp Việt Nam sản xuất vẫn còn “lép vế”.
Theo kỹ sư Hà Trọng Dũng, một chuyên gia về đồ chơi trẻ em, trước hết, việc đồ chơi Việt Nam “lép vế” so với đồ chơi Trung Quốc do xã hội chưa quan tâm đến lĩnh vực đồ chơi trẻ em. Việt Nam cũng chưa có một ngành công nghiệp về đồ chơi. Trong khi đó, một số nước, đặc biệt là Trung Quốc họ xây dựng một nền công nghiệp đồ chơi hùng hậu, sản phẩm đồ chơi của họ xuất khẩu đi khắp các nước trên thế giới.
“Hiện nay, Việt Nam chúng ta chưa có một trung tâm nghiên cứu về đồ chơi; không có một đội ngũ kỹ sư chuyên nghiệp nghiên cứu phục vụ sản xuất đa dạng hóa mặt hàng đồ chơi, phù hợp với trẻ em Việt Nam”, kỹ sư Hà Trọng Dũng cho biết.
Theo kỹ sư Dũng, nước ta cần xây dựng chính sách ưu đãi khuyến khích phát triển ngành công nghiệp đồ chơi cho trẻ em Việt Nam. Việc người Việt Nam nghiên cứu, sản xuất đồ chơi cho trẻ em Việt Nam nó sẽ đáp ứng được những yêu cầu về văn hóa, tính cách và phẩm chất của người Việt.
Bên cạnh đầu tư cho nghiên cứu, xây dựng, phát triển ngành công nghiệp đồ chơi, các doanh nghiệp sản xuất đồ chơi Việt Nam mong muốn các cơ quan chức năng quản lý chặt thị trường đồ chơi nhập khẩu; ngăn chặn các đồ chơi nước ngoài nhập lậu, không đảm bảo chất lượng.
Theo anh Phan Tiến Dũng, Phó Giám đốc Công ty Cổ phần đồ chơi an toàn Việt, chúng ta không thể so sánh với nền công nghiệp đồ chơi của Trung Quốc bởi vì họ có hàng nghìn công ty sản xuất. Trong khi, Việt Nam hiện nay chỉ có khoảng 10 doanh nghiệp sản xuất đồ chơi phục vụ thị trường nội địa và mỗi công ty chỉ sản xuất một số mã hàng nhất định, nên chưa thể đáp ứng được nhu cầu thị trường.
“Doanh nghiệp chúng tôi chỉ mới dừng lại sản xuất đồ chơi xếp hình, học chữ, học số… chưa thể và không thể mở rộng đầu tư. Muốn thúc đẩy các doanh nghiệp trong nước đầu tư nguồn lực nghiên cứu, phát triển sản xuất đồ chơi, cần quản lý chặt thị trường đồ chơi, ngăn chặn đồ chơi nhập lậu. Không chặn được đồ chơi nhập lậu, doanh nghiệp trong nước càng đầu tư càng “chết”, vì không thể cạnh tranh”, anh Dũng cho hay.