Chuyên đề: “Tiềm năng phát triển điện lượng mặt trời tại Việt Nam”

Chuyên đề: “Tiềm năng phát triển điện lượng mặt trời tại Việt Nam”

Như chúng ta đã biết, Việt Nam nằm trong khu vực có cường độ bức xạ mặt trời tương đối cao. Do đó, năng lượng mặt trời ở Việt Nam có sẵn quanh năm, khá ổn định và phân bố rộng rãi trên các vùng miền khác nhau của đất nước. Đó là cơ sở rất lớn để đất nước chúng ta phát triển điện năng lượng mặt trời.

Vậy tiềm năng phát triển điện năng lượng mặt trời ở Việt Nam như thế nào, mời các bạn tham khảo các nghiên cứu sau.

 TÀI LIỆU IN CÓ TẠI THƯ VIỆN (Bản in được lưu tại Tầng 4)

1. Năng lượng tái tạo ở Tây Nguyên: Tiềm năng và những thách thức/ Nguyễn Quang Ninh, Đoàn Văn Bình, Nguyễn Hoài Nam, Lương Ngọc Giáp

Tóm tắt: Bài báo trình bày những kết quả tính toán và xây dựng bản đồ tiềm năng thương mại năng lượng gió (NLG) và năng lượng mặt trời (NLMT), cũng như sơ bộ đánh giá khả năng hấp thụ năng lượng tái tạo của lưới điện truyền tải trên địa bàn 5 tỉnh Tây Nguyên. Kết quả nghiên cứu cho thấy, tổng diện tích đất có thể phát triển nhà máy điện gió (NMĐG) và điện mặt trời (ĐMT) lần lượt là 106.869 và 29.519 ha với tổng công suất tiềm năng năng lượng tái tạo thương mại tương ứng là 5,1 GW và 24,6 GWp. Hạ tầng lưới điện Tây Nguyên theo quy hoạch đến năm 2030 có khả năng hấp thụ 5.902 MW, chiếm tỷ lệ khoảng 20% tổng tiềm năng năng lượng tái tạo thương mại. Bài báo là sản phẩm của đề tài “Nghiên cứu hoàn thiện công nghệ, xây dựng và chuyển giao mô hình khai thác và sử dụng hợp lý nguồn NLMT và NLG phục vụ sản xuất và sinh hoạt ở Tây Nguyên” (mã số TN17/ C03), thuộc Chương trình Tây Nguyên 2016-2020.

Nguồn trích: Tạp chí Khoa học và Công nghệ Việt Nam/ 2020, số 11, tr.30-34

2. Các nhân tố ảnh hưởng đến ý định sử dụng công nghệ năng lượng điện mặt trời của hộ gia đình tại thành phố Phan Rang – Tháp Chàm/ Phạm Hồng Mạnh, Dương Văn Sơn

Tóm tắt: Phân tích các yếu tố ảnh hưởng đến ý định sử dụng công nghệ năng lượng điện mặt trời đối với hộ gia đình tại thành phố Phan Rang -Tháp Chàm để làm cơ sở đề xuất chính sách phát triển năng lượng tái tạo đối với các hộ gia đình tại địa phương này. Nghiên cứu sử dụng tiếp cận nghiên cứu định lượng với kỹ thuật phân tích EFA và hồi quy tuyến tính từ 230 hộ gia đình được điều tra tại thành phố Phan Rang – Tháp Chàm. Đề xuất các khuyến nghị chính sách nhằm khuyến khích các hộ gia đình tại Phan Rang – Tháp Chàm sử dụng điện năng lượng điện mặt trời, đó là: các cơ quan quản lỷ nền tuyên truyền nhận thức cho hộ gia đình về tính hữu dụng và tính dễ sử dụng của công nghệ; giảm thiểu những rủi ro trong sử dụng năng lượng điện mặt trời đến các hộ gia đình; hỗ trợ chi phí đầu tư thiết bị năng lượng mặt trời cho các hộ gia đính; chính sách mua bán điện.

Nguồn trích: Tạp chí Công thương/ 20120, số 4, tr.166-175

3. Một số vấn đề cơ bản về việc sử dụng năng lượng mặt trời cấp hộ gia đình/ ThS. Trịnh Thị Tuyết Dung, ThS. Trần Minh

Tóm tắt: Trong bối cảnh của nền kinh tế toàn cầu đang chuyển đổi sang mô hình kinh tế tuần hoàn, giảm lượng phát thải xuống mức tối giản cùng với thách thức trong thích ứng với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững thì việc phát triển nguồn điện tái tạo như điện mặt trời có vai trò rất quan trọng. Hộ gia đình là đơn vị hạt nhân trong xã hội, có nhu cầu tiêu thụ năng lượng cũng như có tiềm năng phát triển điện mặt trời quy mô nhỏ. Nghiên cứu này tổng quan về mối quan hệ giữa sử dụng năng lượng mặt trời và tiêu dùng xanh, các yếu tố bên trong và bên ngoài có ảnh hưởng đến việc tiêu dùng điện mặt trời cấp hộ, cụ thể là pin năng lượng mặt trời áp mái. Qua đó, nghiên cứu này góp phần xây dựng cơ sở lý thuyết để triển khai các nghiên cứu thực nghiệm về năng lượng mặt trời cấp hộ tại Việt Nam.

Nguồn trích: Tạp chí Phát triển bền vững Vùng/ 2019, số 2, tr. 14-27

4. Các chính sách thúc đẩy phát triển điện mặt trời trong chuyển dịch ngành năng lượng ở Việt Nam/ Trần Minh, Nguyễn Thị Đào

Tóm tắt: Trong xu thế chuyển dịch theo hướng phát triển các nguồn năng lượng tái tạo hiện nay. Chính phủ Việt nam đã có nhiều nỗ lực nhằm thúc đẩy việc sản xuất và sử dụng năng lượng mới như điện gió, điện mặt trời ở tất cả các lĩnh vực công nghiệp, thương mại và sinh hoạt. Sự dịch chuyển từ các nguồn năng lượng hóa thạch sang năng lượng tái tạo đang diễn ra nhanh chóng trong một vài năm trở lại đây như một hướng đi tất yếu. Bài viết phân tích các chính sách đã và đang được triển khai nhằm định hướng sự phát triển điện mặt trời ở Việt Nam, qua đó chỉ ra những mặt làm được, những thách thức và động lực chính sách mới trong bối cảnh tăng cường tỷ phần năng lượng tái tạo để đáp ứng nhu cầu năng lượng trong nước, đồng thời điều tiết nguy cơ “phát triển nóng” ở địa hạt năng lượng mới này.

Nguồn trích: Thông tin Khoa học xã hội/ 2019, số 10, tr.11-19

TẠP CHÍ ĐIỆN TỬ

Địa chỉ truy cập: http://sti.vista.gov.vn/ (Chọn CSDL Công bố KH&CN Việt Nam)

5. Một số giải pháp khai thác nguồn năng lượng tái tạo tại Việt Nam/ Nguyễn Thị Bích Hạnh, Nguyễn Thế Tâm

Tóm tắt: Ngày nay, khi xã hội ngày càng phát triển thì nhu cầu năng lượng ngày một cao và yêu cầu con người phải tìm ra các nguồn năng lượng mới để không phải phụ thuộc vào các nguồn năng lượng hóa thạch, nhiên liệu mỏ quặng như than đá, dầu mỏ… vốn có hạn và gây ảnh hưởng đến sức khỏe của con người. Đã có nhiều hướng tiếp cận nghiên cứu, khai thác và ứng dụng năng lượng mới. Bài báo này tổng hợp các nguồn năng lượng mới nổi bật hiện nay để giúp người đọc thấy được tiềm năng về các nguồn năng lượng mới trên thế giới và Việt Nam, qua đó nâng cao ý thức tiết kiệm năng lượng và tìm kiếm nguồn năng lượng mới trong cộng đồng. Bài báo cũng đề xuất một số giải pháp khai thác nguồn năng lượng mới ở Việt Nam.

Nguồn trích: Tạp chí Khoa học và Công nghệ (Đại học Duy Tân)/ 2020, số 4, tr.21-31

6. So sánh hiệu quả đầu tư vào hệ thống điện mặt trời áp mái có hệ thống lưu trữ kết lưới điện quốc gia với tiền gửi ngân hàng lãi suất kép/ Nguyễn Đức Tuyên, Lê Văn Lự, Ninh Văn Nam, Trần Thanh Sơn

Tóm tắt: Bài báo này trình bày kết quả nghiên cứu hiệu quả về tài chính của phương án đầu tư điện mặt trời áp mái so với các hình thức đầu tư khác, đơn giản nhất là gửi tiền tiết kiệm theo hệ thống lãi suất kép của ngân hàng. Kết quả nghiên cứu này dựa trên cơ sở thiết kế thực tế cho một hệ thống điện mặt trời áp mái để tính chi phí đầu tư sử dụng công cụ tính toán là phần mềm PVsystem. Với bài toán minh họa trong bài báo cho thấy cùng số tiền 302.935.000VNĐ đầu tư trong 25 năm nếu gửivào ngân hàng để nhận lãi kép có thể nhận được 1.822.819.513VNĐ, trong khi đầu tư hệ thống điện mặt trời áp mái hòa lưới có dự trữ sẽ nhận được 3.149.210.058VNĐ. Trong bài báo có thể hiện công cụ tính toán thuận tiện, có thể áp dụng cho bất kỳ hộ gia đình bằng cách thay các số liệu cụ thể công suất sử dụng điện của hộ đó vào công thức sẵn có để tính toán. Bài báo đưa ra ví dụ tính toán là một hộ gia đình ở Quận 9, thành phố Hồ Chí Minh, một thành phố nhiệt đới với khu vực cận xích đạo nên có nhiều tiềm năng về năng lượng mặt trời. 

Nguồn trích: Khoa học và Công nghệ (Trường ĐH Công nghiệp HN)/ 2020, số 2, tr.27-32

7. Đánh giá thực trạng và đề xuất giải pháp phát triển bền vững điện mặt trời tại Việt Nam/ Hoàng Công Tuấn

Tóm tắt: Việt Nam đang phải đối mặt với nguy cơ thiếu điện cao trong giai đoạn từ 2021-2025, nhất là năm 2023 dự báo thiếu hụt khoảng 12 tỷ kWh. Do đó, cần thiết phải phát triển các nguồn điện nhằm đáp ứng nhu cầu điện cho phát triển kinh tế, đảm bảo an ninh năng lượng Quốc gia. Việt Nam lại có tiềm năng lớn về năng lượng mặt trời. Trong hai năm vừa qua, đã có nhiều văn bản chính sách với những cơ chế ưu đãi, hỗ trợ, khuyến khích nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển điện mặt trời. Tuy nhiên, sự phát triển rất nhanh, mang tính đột phá các dự án điện mặt trời vừa qua đã bộc lộ ra những khó khăn, bất cập và thách thức. Nội dung chính của bài báo đi sâu vào đánh giá thực trạng phát triển điện mặt trời, chỉ ra những tồn tại và thách thức, từ đó đưa ra một số giải pháp nhằm từng bước tháo gỡ và tạo điều kiện cho phát triển bền vững điện mặt trời tại Việt Nam.

Nguồn trích: Tạp chí Khoa học và Công nghệ Thủy lợi/ 2020, số 59, tr.97-104

8. Đầu tư hệ thống năng lượng điện mặt trời tại Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ/ Dương Văn Nghi, Trần Đức Vượng

Tóm tắt: Sự phát triển kinh tế-xã hội ngày càng yêu cầu sử dụng nhiều năng lượng. Phương pháp truyền thống sản xuất các nguồn năng lượng, nhìn chung, đều gây ô nhiễm môi trường, do thải ra khí CO2 (các-bon dioxit) hoặc những chất thải độc hại khác. Vì vậy, con người ngày càng đi sâu nghiên cứu cách sản xuất và sử dụng các nguồn năng lượng sạch, như năng lượng địa nhiệt, năng lượng từ đại dương, nănglượng từ tuyết, năng lượng mặt trời, năng lượng gió, năng lượng từ lên men sinh học, dầu thực vật phế thải, pin nhiên liệu, khí metan hydrat,…

Nguồn trích: Tạp chí Kinh doanh và Công nghệ/ 2019, Số 2, tr.58-63

9. Nghiên cứu ứng dụng phần mềm PVSYST vào thiết kế và phân tích dự án điện mặt trời hoà lưới/ Phan Anh Tuân

Tóm tắt: Nghiên cứu này tập trung vào việc sử dụng phần mềm PVSyst để hỗ trợ thiết kế, mô phỏng và phân tích dự án cho một hệ thống điện mặt trời có công suất đỉnh 210 kWp gồm nhiều tấm Pin mặt trời được kết nối với nhau và làm việc song song với lưới điện để cấp điện cho phụ tải theo cấu hình On-Grid. Phần mềm PVSyst được sử dụng như một công cụ để tính toán và lựa chọn chủng loại, số lượng tấm Pin mặt trời, diện tích lắp đặt, hướng lắp đặt, loại và công suất inverter cho hệ thống điện mặt trời. Ngoài ra PVSyst cũng được sử dụng để mô phỏng hệ thống điện mặt trời này trong các điều kiện thay đổi cường độ, giờ nắng và hướng lắp đặt các tấm Pin mặt trời để người dùng có thể khai thác hệ thống hiệu quả nhất.

Nguồn trích: Tạp chí Khoa học và Công nghệ – Đại học Thái Nguyên/ 2018, số 14, tr.1859-2171

10. Một phương pháp mới xác định và duy trì điểm làm việc có công suất cực đại của hệ thống điện mặt trời nối lưới/ Lại Khắc Lãi, Đặng Danh Hoằng, Lại Thị Thanh Hoa

Tóm tắt: Nghiên cứu phương pháp mới xác định và duy trì điểm làm việc có công suất cực đại của hệ thống điện mặt trời nối lưới bằng cách sử dụng bộ điều khiển nơ ron mờ thích nghi. Kết quả mô phỏng cho thấy với các cường độ bức xạ mặt trời và nhiệt độ thay đổi khấc nhau điểm làm việc của hệ thống luôn bám điểm có công suất cực đại.

Nguồn trích: Tạp chí Khoa học và Công nghệ (Đại học Thái Nguyên)/ 2017, số 2, tr.189-194