Chương trình trồng 1 tỷ cây xanh: Phải trồng cây nào sống cây đó
Thủ tướng Chính phủ vừa ký phê duyệt Đề án 524 về trồng 1 tỷ cây xanh trong 5 năm tới với những mục tiêu cụ thể. Đó là đến năm 2025, cả nước trồng được 690 triệu cây phân tán và 310 triệu cây trồng tập trung trong rừng phòng hộ, rừng đặc dụng và trồng mới rừng sản xuất.
Đề án khi hoàn thành được kỳ vọng sẽ góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, cải thiện cảnh quan và ứng phó với biến đổi khí hậu, phát triển kinh tế – xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân và sự phát triển bền vững của đất nước.
Để có cái nhìn tổng thể về Đề án ý nghĩa này, Báo Nông nghiệp Việt Nam có cuộc trò chuyện với Thứ trưởng Thường trực Bộ NN-PTNT Hà Công Tuấn.
Thưa ông, sau “Tết trồng cây” do Bác Hồ phát động, có lẽ trồng 1 tỷ cây xanh chính là chương trình nhận được sự hưởng ứng nồng nhiệt nhất của các cấp, ngành, địa phương, doanh nghiệp và người dân từ trước tới nay?
Đúng là như vậy. Kể từ khi Chủ tịch Hồ Chí Minh phát động phong trào “Tết trồng cây” cách nay hơn 60 năm, việc trồng cây gây rừng đã trở thành truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta, nhất là mỗi dịp đầu xuân năm mới.
Có thể nói, Chương trình trồng mới 1 tỷ cây xanh trong 5 năm tới, dựa trên sáng kiến của Thủ tướng Chính phủ (đã được Quốc hội đồng ý) là sự cụ thể hóa quyết tâm chính trị của Đảng, Nhà nước nhằm thực hiện lời kêu gọi của Bác Hồ.
Chương trình này ra đời trong bối cảnh đất nước ta đối mặt với những thách thức lớn từ biến đổi khí hậu ngày càng khốc liệt với những hình thái thời tiết cực đoan, trái quy luật. Chúng ta chứng kiến năm 2020, hiện tượng sụt lún, sạt lở đất gây thiệt hại rất lớn đến tính mạng và tài sản của Nhà nước và người dân, nhất là tại miền Trung.
Thông qua trồng 1 tỷ cây xanh, chúng ta sẽ từng bước khôi phục và phát triển rừng, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững, vì lợi ích mười năm trồng cây, vì lợi ích trăm năm trồng người.
Trong 40 năm qua, chúng ta đã thực hiện “Chương trình phủ xanh đất trống đồi trọc”, sau đó Quốc hội thông qua “Dự án trồng mới 5 triệu hecta rừng” và trong giai đoạn 5 năm vừa qua, chúng ta chuyển sang “Chương trình mục tiêu phát triển Lâm nghiệp bền vững”.
Còn nhớ những năm 1990, độ che phủ rừng của nước ta rất thấp, chỉ khoảng xấp xỉ 28% trên toàn quốc. Điều đó tạo ra nguy cơ mất ổn định rất cao. Nhận thức rất sớm vấn đề này, cùng với việc ban hành Luật Bảo vệ và Phát triển rừng năm 1991, chúng ta đã ra sức phấn đấu thực hiện mục tiêu che phủ thật nhanh diện tích đất trống, đồi trọc.
Và sau 20 năm bền bỉ với quyết tâm cao, chúng ta đã nâng độ che phủ rừng toàn quốc từ 28% lên 42% vào năm 2020.
Có thể khẳng định, đến bây giờ độ che phủ rừng của chúng ta đã cao, nhưng chất lượng rừng còn thấp, vi phạm pháp luật ở phạm vi rừng tự nhiên vẫn còn diễn ra. Ban Bí thư và Chính phủ đã chỉ đạo phải đóng cửa rừng tự nhiên.
Trên thực tế, chúng ta đã đóng cửa rừng tự nhiên trong 5 năm qua, mục đích để duy trì bằng được hơn 10 triệu hecta rừng tự nhiên hiện có và nâng cao chất lượng rừng. Rừng phải được phát triển đa tầng, đa dạng sinh học.
Bên cạnh đó, chúng ta không chỉ trồng cây lâu năm trên đất rừng, mà phát triển trồng cây phân tán tại đô thị và nông thôn. Có thể nói, chương trình trồng mới 1 tỷ cây xanh là tiếp nối quyết tâm chính trị của Đảng và Nhà nước ta phải hành động quyết liệt hơn để thích ứng với biến đổi khí hậu đang diễn ra rất nhanh chóng trong giai đoạn hiện nay.
Nó trở thành phong trào thi đua rộng rãi trong toàn xã hội, từ các cụ bô lão đến các cháu thiếu niên, nhi đồng… ai cũng có thể thực hiện được và phải là trồng cây nào sống cây đó, chăm sóc cho thật tốt.
So với các đề án lớn của ngành Lâm nghiệp như Chương trình 661, Đề án nâng tỷ lệ che phủ rừng, Chỉ thị đóng cửa rừng tự nhiên thì Đề án trồng 1 tỷ cây xanh lần này có những điểm chung và khác biệt như thế nào thưa ông?
Mục tiêu chung của các đề án phát triển rừng của chúng ta là nâng cao độ che phủ và chất lượng rừng, qua đó phát triển bền vững đất nước. Đối với Đề án trồng 1 tỷ cây xanh, Chính phủ, Quốc hội đã chỉ rõ: thông qua chương trình này, chúng ta tiếp tục nâng cao nhận thức của toàn xã hội về vai trò của cây xanh; vai trò của rừng đối với sự phát triển bền vững của đất nước.
Thứ hai, việc trồng cây gây rừng phải là việc của cả hệ thống chính trị, của các cấp, các ngành. Tất cả phải cùng vào cuộc và phải biến nó thành một phong trào thi đua với những tiêu chí, chỉ tiêu cụ thể và trước hết là từ cơ sở chứ không phải chỉ là chỉ đạo từ Trung ương.
Thứ ba, với phong trào thi đua như vậy, chúng ta sẽ huy động được nguồn lực xã hội hóa. Đây là nghĩa vụ của mỗi hộ gia đình, mỗi người dân, mỗi tổ chức từ cơ sở. Họ nhận thấy trồng cây, trồng rừng là niềm vui, niềm vinh hạnh.
Khi chúng ta kích hoạt được nỗ lực của toàn xã hội thì sẽ khai thác được những nguồn lực mới, thậm chí là nguồn lực từ hợp tác quốc tế, đặc biệt là Chương trình Dịch vụ môi trường rừng hấp thụ khí CO2.
Quan điểm của chúng ta khi triển khai Chương trình trồng 1 tỷ cây xanh, phải quan tâm ứng dụng khoa học kỹ thuật cũng như kiểm soát tốt chất lượng giống. Phải phân công rõ trách nhiệm từ khâu trồng, chăm sóc, quản lý để đảm bảo tỷ lệ cây sống cao và sinh trưởng tốt. Trong đó ưu tiên trồng các loại cây bản địa đối với khu vực rừng đặc dụng, rừng phòng hộ. Chúng ta thà trồng ít mà cây sống tốt, còn hơn trồng nhiều nhưng tỷ lệ cây chết cao. Không được để xảy ra tình trạng “mười cây chết chín, một cây gật gù”.
Trong định hướng phát triển, ngành Lâm nghiệp đặt mục tiêu tăng kim ngạch xuất khẩu gỗ và lâm sản trong tương lai lên trên 20 tỷ USD. Vậy theo ông, chúng ta cần phải làm gì để hài hòa, cân bằng giữa lợi ích kinh tế và bảo vệ môi trường, đặc biệt trong lĩnh vực lâm nghiệp như nguyên Thủ tướng Chính phủ, nay là Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc từng nhấn mạnh: “không đánh đổi môi trường lấy mục tiêu tăng trưởng kinh tế”?
Chúng ta có thể vui mừng nhận thấy rằng, trong 20 năm qua, ngành Lâm nghiệp đã tăng trưởng rất tốt. Về mặt kinh tế, tốc độ tăng trưởng GDP ngành Lâm nghiệp khoảng 5 đến 7%. Mỗi năm, độ che phủ rừng tăng lên khoảng 3%. Kim ngạch xuất khẩu tăng bình quân từ 15% – 17%. Đặc biệt, năm 2020 giá trị xuất khẩu gỗ và lâm sản đạt 13,27 tỷ USD.
Điều rất đáng quý là cùng với việc nâng độ che phủ rừng toàn quốc, rừng tự nhiên đã được đóng cửa, không cho khai thác gỗ nữa. Trước đây, gỗ rừng trồng chỉ mới đảm bảo được khoảng 40% nguyên liệu cho ngành công nghiệp chế biến gỗ xuất khẩu, nhưng bây giờ chúng ta đã đảm bảo được 80%.
Giá trị thặng dư trong ngành Lâm nghiệp cũng tăng rất cao, năm 2020 đạt giá trị thặng dư 8 tỷ USD, rất có ý nghĩa đối với thu nhập của người trồng rừng.
Thủ tướng Chính phủ đã đặt hàng ngành Lâm nghiệp phải đạt mục tiêu xuất khẩu 20 tỷ USD gỗ và lâm sản vào năm 2025. Tôi cho rằng, đây là một chỉ tiêu khả thi và chỉ cần đạt tốc độ tăng trưởng bình quân khoảng 10%-12%/năm trong giai đoạn 5 năm tới, chúng ta đã đạt được kim ngạch xuất khẩu 20 tỷ USD.
Tốc độ tăng trưởng xuất khẩu lâm sản ngoài gỗ tăng rất nhanh, vài năm gần đây duy trì từ khoảng 40%, cao hơn nhiều tỷ lệ tăng của sản phẩm gỗ. Giá trị xuất khẩu lâm sản ngoài gỗ đạt khoảng 900 triệu USD vào năm 2020. Đến năm 2025, nếu lâm sản ngoài gỗ xuất khẩu đạt 7 tỷ USD thì mục tiêu 20 tỷ USD toàn ngành không phải là viển vông.
Trước đây, người dân sản xuất ra 1m3 gỗ chỉ thu được 450.000 đồng. Tuy nhiên, bằng nhiều giải pháp tổng thể, chúng ta vừa nâng cao năng suất, chất lượng gỗ vừa nâng cao giá trị thông qua chế biến. Hiện nay, giá trị thấp nhất của 1m3 gỗ đạt 1 triệu đồng. Còn nếu đưa được đường kính cây gỗ lên 22cm trở lên, thì hoàn toàn có thể thu được 3 triệu đồng/m3 gỗ.
Lợi nhuận từ trồng rừng ngày càng được nâng cao nên nhiều vùng không còn mảnh đất trống, qua đó góp phần phát triển nông thôn mới ở vùng sâu, vùng khó khăn. Khi triển khai Đề án trồng 1 tỷ cây xanh, chúng ta tập trung ưu tiên trồng rừng đầu nguồn, rừng ven biển và những khu vực có nguy cơ sạt lở cao; những vùng bị tác động nghiêm trọng của biến đổi khí hậu.
Trên thực tế, diện tích rừng trồng ở Việt Nam là khá lớn. Tuy nhiên, nhược điểm của rừng trồng là khả năng phòng hộ kém. Vậy, làm thế nào để nâng cao chất lượng rừng trồng, qua đó giảm thiểu rủi ro thiên tai, biến đổi khí hậu?
Tôi muốn nhấn mạnh rằng, dứt khoát chúng ta phải giữ được 14,6 triệu hecta rừng. Trong đó, hơn 10 triệu hecta rừng tự nhiên cần tiếp tục đóng cửa để ngăn chặn nạn khai thác gỗ và làm giàu trữ lượng rừng.
Chúng ta khai thác giá trị của rừng tự nhiên thông qua khai thác dịch vụ môi trường rừng và lâm sản ngoài gỗ dưới tán rừng, chứ không phải chặt cây gỗ. Mặt khác, trong số khoảng 4,3 triệu hecta rừng trồng, chúng ta có khoảng gần 900.000 hecta rừng trồng là rừng đặc dụng và rừng phòng hộ, không được khai thác gỗ ở khu vực này để tạo môi trường rừng đa tầng, nâng cao giá trị đa dạng sinh học và giá trị phòng hộ.
Chúng tôi thường gọi là “tự nhiên hóa rừng trồng” và rừng sản xuất. Muốn làm được điều đó, cần tập trung vào hai khâu rất quan trọng đó là giống, kỹ thuật thâm canh và kéo dài vòng đời của cây gỗ. Qua đó, nâng cao chất lượng, sản lượng gỗ. Tùy điều kiện, có thể kết hợp cả khai thác lâm sản ngoài gỗ và dịch vụ môi trường rừng, nhất là tín chỉ CO2.
Khác với các đề án về trồng rừng trước đây chủ yếu sử dụng nguồn ngân sách Nhà nước, Đề án trồng 1 tỷ cây xanh giai đoạn 2021 – 2025 chủ yếu là huy động tối đa từ nguồn xã hội hóa. Vậy ông có thể cho biết giải pháp nào để huy động nguồn lực nhằm triển khai chương trình này đạt hiệu quả nhất?
Trong Quyết định 524 mà Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt đã chỉ rõ, cần huy động nguồn lực xã hội cả trong nước và quốc tế. Tôi cũng xin nhấn mạnh rằng, đối với 690 triệu cây trồng phân tán trong Đề án 1 tỷ cây xanh, chủ yếu chúng ta huy động nguồn lực xã hội, trong đó người dân sẽ trồng và Nhà nước chỉ hỗ trợ về vấn đề quy hoạch sử dụng đất và một phần giống. Khi cây lớn, người hưởng lợi chính là người dân.
Còn đối với những khu công nghiệp, khu đô thị thì việc trồng cây phải nằm trong chương trình phát triển của khu đô thị, khu công nghiệp. Chủ dự án phải thực hiện theo như tinh thần Nghị định 64 của Chính phủ về quản lý cây xanh đô thị.
Tương tự như thế, đối với những khu văn hóa, di tích lịch sử – văn hóa, cần kêu gọi các tổ chức, đoàn thể, trong đó Đoàn Thanh niên phải xung kích trong việc trồng cây xanh. Như vậy, việc phân bổ, sử dụng nguồn vốn Nhà nước sẽ không giống như đầu tư cho trồng rừng phòng hộ và rừng đặc dụng mà chỉ ở những nơi nào thực tế người dân thực sự khó khăn và Nhà nước cần phải điều chỉnh về cơ cấu giống, khi đó mới trích ngân sách hỗ trợ về giống và hướng dẫn kỹ thuật.
Còn với diện tích rừng trồng tập trung với khoảng 310 triệu cây, chúng ta đang có Chương trình Phát triển bền vững ngành Lâm nghiệp. Do vậy, nguồn vốn Nhà nước phân bổ tăng thêm để thực hiện Đề án 1 tỷ cây xanh không đáng kể.
Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp quốc tế lớn và một số quốc gia đánh giá rất cao chương trình trồng mới 1 tỷ cây xanh của Việt Nam. Bước đầu, một số doanh nghiệp, quốc gia đã gửi thư cho Bộ NN-PTNT đề nghị hợp tác và họ sẽ hỗ trợ một phần kinh phí để thực hiện chương trình này.
Họ cho rằng, chương trình của chúng ta không chỉ là quyết tâm chính trị của Đảng và Nhà nước Việt Nam, mà nó như một hình mẫu để họ rút ra kinh nghiệm và có thể chia sẻ kinh nghiệm của Việt Nam cho đất nước khác.
Thành công từ chương trình dịch vụ môi trường rừng của Việt Nam là bài học kinh nghiệm rất quý đối với quốc tế. Cho nên, chúng ta là 1 trong 5 quốc gia được Quỹ đối tác các-bon trong lâm nghiệp chi trả giảm phát thải khí CO2 từ rừng đối với vùng Bắc Trung bộ.
Chính quyền các cấp cần làm gì để hoàn thành mục tiêu trồng 1 tỷ cây xanh trong 5 năm tới?
Tôi nhận thấy, Chương trình trồng 1 tỷ cây xanh trong 5 năm tới chắc chắn sẽ đạt được thành công. Tôi cũng kỳ vọng qua đó sẽ góp phần làm cho chất lượng cuộc sống của chúng ta tốt lên. Tuy nhiên, chúng ta phải có tính toán một cách khoa học.
Tôi cũng rất mong chính quyền các cấp vào cuộc một cách quyết liệt. Phải coi đây vừa là nhiệm vụ mang tính chất cấp bách trước mắt, vừa là nhiệm vụ thường xuyên lâu dài. Trong 5 năm tới, chúng ta cần trồng 1,2 tỷ cây xanh. Bởi trong quá trình chăm sóc, chắc chắn sẽ có một tỷ lệ nhất định cây trồng bị chết, phải thay thế.
Vừa qua, Báo Nông nghiệp Việt Nam cũng đã có loạt bài viết về Chương trình trồng 1 tỷ cây xanh. Theo đó nhiều ý kiến của các chuyên gia cho rằng, việc triển khai chương trình này cần phải xác định rõ được chủ thể trong việc triển khai thực hiện, quản lý, bảo vệ, khai thác đối với việc trồng cây xanh. Xin ông cho biết Đề án trồng 1 tỷ cây xanh mà Chính phủ vừa phê duyệt sẽ có những giải pháp cụ thể nào trong việc xác định các chủ thể trồng, bảo vệ, quản lý cây xanh để chương trình này phát huy được hiệu quả tốt nhất trong tương lai?
Đề án trồng 1 tỷ cây xanh đã đề ra những giải pháp cụ thể để triển khai có hiệu quả. Trong đó, có hai quan điểm chỉ đạo của Chính phủ tôi cho là rất mới. Thứ nhất, chúng ta phải hoàn thiện bộ tiêu chí xây dựng nông thôn mới, coi chỉ tiêu trồng cây xanh là một thành tố mới trong bộ chỉ tiêu xây dựng nông thôn mới. Thứ hai, chúng ta phải sửa đổi, bổ sung Nghị định 64 của Chính phủ về quản lý cây xanh đô thị.
Bên cạnh đó, các cấp chính quyền địa phương phải rà soát rất kỹ để có kế hoạch trong 5 năm tới sẽ trồng cây ở đâu? Trồng cây gì? Trồng như thế nào? Ai trồng, ai chăm sóc và ai quản lý, bảo vệ?
Để triển khai thành công, Thủ tướng Chính phủ đã phân công rất rõ nhiệm vụ cụ thể cho từng Bộ, ngành và địa phương. Đặc biệt là đề cao vai trò của Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp phải là người tổ chức thực hiện và chịu trách nhiệm về những kết quả thực hiện chương trình này trên địa bàn thông qua các chỉ tiêu phải trồng tối thiểu.
Tới đây, chúng ta phải triển khai thực sự quyết liệt để năm 2021 chúng ta trồng cây phân tán trên địa bàn các tỉnh, thành phố cao gấp 1,5 lần so với năm 2020, còn lại chúng ta sẽ tăng từ khoảng 1,8 – 2 lần để đạt được chỉ tiêu như kỳ vọng.
Theo Đề án trồng 1 tỷ cây xanh, chúng ta sẽ chủ yếu tập trung cho trồng cây phân tán, nhất là cây phân tán bản địa. Vậy hiện nay, chúng ta đã sẵn sàng các phương án, ví dụ như về nguồn giống, đánh giá về sự phù hợp để lựa chọn những nơi nào thì trồng cây gì để phù hợp, phát huy được cả yếu tố về cảnh quan, môi trường, kinh tế, xã hội…, thưa ông?
Cuối năm 2020, Bộ NN-PTNT đã cùng các địa phương chỉ đạo chuẩn bị nguồn giống cây lâm nghiệp chất lượng. Và đến bây giờ, chúng ta đã chủ động được nguồn giống, không sợ thiếu.
Vấn đề là chúng ta đầu tư và trồng ở đâu để đảm bảo tính ổn định bền vững theo quy hoạch sử dụng đất. Nếu năm nay trồng cây mà một vài năm sau lại phải giải tỏa khu đất đó thì rất lãng phí cho xã hội.
Trong khi chúng ta chưa rà soát được quỹ đất một cách toàn diện, thì chúng tôi đề nghị các địa phương triển khai với tinh thần là chỗ nào chưa có quy hoạch thì phải khẳng định đó là những khu đất ổn định lâu dài để trồng cây.
Ví dụ như dọc các tuyến đường, mấy năm nay Hà Nội đã trồng hàng triệu cây xanh, đem lại hiệu quả rất cao. Chương trình này của Hà Nội đã lan tỏa ra rất nhiều đô thị khác.
Những khu vực nào ổn định về quy hoạch, chúng ta cần triển khai trồng cây với tinh thần “vừa chạy vừa xếp hàng”, không phải là chạy một cách lộn xộn. Chạy nhưng phải đảm bảo tính lâu bền để tránh lãng phí.
Xin cảm ơn Thứ trưởng!
Nội dung:
Nguyên Huân – Minh Phúc
Thiết kế:
Trọng Toàn
Ảnh:
Minh Phúc