Chương trình lớp 3 mới: Học và kiểm tra đánh giá như thế nào?
GDVN- Học sinh lớp 3 sẽ được học và kiểm tra đánh giá theo chương trình giáo dục phổ thông mới như thế nào?
Chỉ còn khoảng 1 tháng nữa là học sinh cả nước bước vào năm học mới 2022-2023. Đây là năm học đầu tiên áp dụng chương trình giáo dục phổ thông mới đối với lớp 3, 7 và 10.
Những điểm mới của chương trình lớp 3 theo chương trình 2018
Có thể thấy, chương trình lớp 3 mới có nhiều điểm thay đổi so với chương trình hiện hành.
Về môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc, chương trình mới áp dụng với lớp 3 bao gồm Toán, Tiếng Việt, Đạo đức, Ngoại ngữ 1, Tự nhiên và xã hội, Tin học và Công nghệ, Giáo dục thể chất, Nghệ thuật (Âm nhạc, Mỹ thuật), Hoạt động trải nghiệm.
So với chương trình hiện hành có thêm Hoạt động trải nghiệm, Tin học và Công nghệ.
Thời lượng các môn học cả năm học tăng giảm so với chương trình hiện hành như sau: số tiết Tiếng Việt trong năm là 245, trung bình 7 tiết mỗi tuần giảm 35 tiết.
Toán 175 tiết, mỗi tuần 5 tiết, không thay đổi. Ngoại ngữ là 140 tiết, 4 tiết trong tuần. Các em cũng được học thêm Tin học và Công nghệ có 2 tiết, Hoạt động trải nghiệm có 3 tiết mỗi tuần. Tổng số tiết mỗi tuần là 28, tăng 5 tiết. Các trường dạy hai buổi 1 ngày với quá 7 tiết, mỗi tiết kéo dài 35 phút.
Môn học mới và hoạt động giáo dục mới là Tin học và Công nghệ, Hoạt động trải nghiệm các em sẽ được học nhiều nội dung bổ ích, thiết thực, gần gũi, những kiến thức, kĩ năng áp dụng trong thực hành, vận dụng nhiều vào cuộc sống hàng ngày.
Môn Tin học và Công nghệ đối với phần Tin học là các nội dung sau: Thông tin và xử lí thông tin, Khám phá máy tính, Làm quen với cách gõ bàn phím, Xem tin và giải trí trên trang web, Sắp xếp để dễ tìm, Làm quen với thư mục lưu trữ thông tin trong máy tính, Sử dụng công cụ đa phương tiện để tìm hiểu thế giới tự nhiên (Hoặc Sử dụng phần mềm luyện tập thao tác với chuột máy tính), Thực hiện công việc theo các bước, Nhiệm vụ của em và sự trợ giúp của máy tính.
Phần Công nghệ bao gồm các nội dung như sau: Tự nhiên và Công nghệ, Sử dụng đèn học, Sử dụng quạt điện, Sử dụng máy thu thanh, Sử dụng máy thu hình, An toàn với môi trường công nghệ trong gia đình, Làm đồ dùng học tập, Làm biển báo giao thông, Làm đồ chơi.
Hoạt động trải nghiệm giúp hình thành và phát triển ở học sinh các năng lực tự chủ và tự học, giao tiếp và hợp tác, giải quyết vấn đề và sáng tạo được biểu hiện qua các năng lực đặc thù: năng lực thích ứng với cuộc sống, năng lực thiết kế và tổ chức hoạt động, năng lực định hướng nghề nghiệp.
Gồm các nội dung kiến thức: Hoạt động khám phá bản thân, Hoạt động rèn luyện bản thân, Hoạt động chăm sóc gia đình, Hoạt động xây dựng nhà trường, Hoạt động xây dựng cộng đồng, Hoạt động tìm hiểu và bảo tồn cảnh quan thiên nhiên, Hoạt động tìm hiểu và bảo vệ môi trường, Hoạt động tìm hiểu về nghề nghiệp.
Đổi mới việc kiểm tra đánh giá học sinh với những phương pháp đánh giá hiện đại
Học sinh lớp 3 từ năm học 2022-2023 được đánh giá theo Thông tư 27/2020/TT-BGDĐT ngày 04 tháng 9 năm 2020 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc Quy định đánh giá học sinh tiểu học.
Những đổi mới về kiểm tra đánh giá học sinh lớp 3 được thể hiện rõ qua 6 điểm cơ bản sau:
Thứ nhất, đổi mới đánh giá về sự hình thành và phát triển phẩm chất, năng lực của học sinh thông qua những phẩm chất chủ yếu và những năng lực cốt lõi được quy định rõ ở điều 5 như sau:
“Điều 5. Nội dung và phương pháp đánh giá:
1. Nội dung đánh giá:
b) Đánh giá sự hình thành và phát triển phẩm chất, năng lực của học sinh thông qua những phẩm chất chủ yếu và những năng lực cốt lõi như sau:
– Những phẩm chất chủ yếu: yêu nước, nhân ái, chăm chỉ, trung thực, trách nhiệm.
– Những năng lực cốt lõi:
+) Những năng lực chung: tự chủ và tự học, giao tiếp và hợp tác, giải quyết vấn đề và sáng tạo;
+) Những năng lực đặc thù: ngôn ngữ, tính toán, khoa học, công nghệ, tin học, thẩm mỹ, thể chất”.
Thứ hai, các phương pháp đánh giá được thay đổi, nhiều phương pháp hiện đại như quan sát, hồ sơ học tập… được đưa vào thông tư nhằm đánh giá học sinh một cách đa dạng, phát huy sự tích cực, tiến bộ của học sinh:
“Điều 5. Nội dung và phương pháp đánh giá:
2. Phương pháp đánh giá:
Một số phương pháp đánh giá thường được sử dụng trong quá trình đánh giá học sinh gồm:
a) Phương pháp quan sát: Giáo viên theo dõi, lắng nghe học sinh trong quá trình giảng dạy trên lớp, sử dụng phiếu quan sát, bảng kiểm tra, nhật ký ghi chép lại các biểu hiện của học sinh để sử dụng làm minh chứng đánh giá quá trình học tập, rèn luyện của học sinh.
b) Phương pháp đánh giá qua hồ sơ học tập, các sản phẩm, hoạt động của học sinh: Giáo viên đưa ra các nhận xét, đánh giá về các sản phẩm, kết quả hoạt động của học sinh, từ đó đánh giá học sinh theo từng nội dung đánh giá có liên quan.
c) Phương pháp vấn đáp: Giáo viên trao đổi với học sinh thông qua việc hỏi đáp để thu thập thông tin nhằm đưa ra những nhận xét, biện pháp giúp đỡ kịp thời.
d) Phương pháp kiểm tra viết: Giáo viên sử dụng các bài kiểm tra gồm các câu hỏi, bài tập được thiết kế theo mức độ, yêu cầu cần đạt của chương trình, dưới hình thức trắc nghiệm, tự luận hoặc kết hợp trắc nghiệm và tự luận để đánh giá mức đạt được về các nội dung giáo dục cần đánh giá.
Thứ ba, thêm môn Tin học và Công nghệ học sinh phải làm bài kiểm tra định kỳ vào cuối học kỳ I và cuối năm học. Vì vậy, học sinh lớp 3 sẽ có 4 bài kiểm đối với các môn Tiếng Việt, Toán, Ngoại ngữ 1, Tin học và Công nghệ, thông tư quy định cụ thể tại điều 7:
“Điều 7. Đánh giá định kỳ
1. Đánh giá định kỳ về nội dung học tập các môn học, hoạt động giáo dục
b) Vào cuối học kỳ I và cuối năm học, đối với các môn học bắt buộc: Tiếng Việt, Toán, Ngoại ngữ 1, Lịch sử và Địa lí, Khoa học, Tin học và Công nghệ có bài kiểm tra định kỳ”
Thứ tư, đề kiểm tra định kỳ được thiết kế theo 3 mức (lớp 3 chương trình hiện hành là 4 mức) sau:
“Điều 7. Đánh giá định kỳ
1. Đánh giá định kỳ về nội dung học tập các môn học, hoạt động giáo dục”
c) Đề kiểm tra định kỳ phù hợp với yêu cầu cần đạt và các biểu hiện cụ thể về các thành phần năng lực của môn học, gồm các câu hỏi, bài tập được thiết kế theo các mức như sau:
– Mức 1: Nhận biết, nhắc lại hoặc mô tả được nội dung đã học và áp dụng trực tiếp để giải quyết một số tình huống, vấn đề quen thuộc trong học tập;
– Mức 2: Kết nối, sắp xếp được một số nội dung đã học để giải quyết vấn đề có nội dung tương tự;
– Mức 3: Vận dụng các nội dung đã học để giải quyết một số vấn đề mới hoặc đưa ra những phản hồi hợp lý trong học tập và cuộc sống.
Thứ năm, đánh giá kết quả giáo dục học sinh theo bốn mức:
“Điều 9. Tổng hợp đánh giá kết quả giáo dục:
2. Cuối năm học, căn cứ vào quá trình tổng hợp kết quả đánh giá về học tập từng môn học, hoạt động giáo dục và từng phẩm chất chủ yếu, năng lực cốt lõi, giáo viên chủ nhiệm thực hiện:
a) Đánh giá kết quả giáo dục học sinh theo bốn mức:
– Hoàn thành xuất sắc: Những học sinh có kết quả đánh giá các môn học, hoạt động giáo dục đạt mức Hoàn thành tốt; các phẩm chất, năng lực đạt mức Tốt; bài kiểm tra định kỳ cuối năm học của các môn học đạt 9 điểm trở lên;
– Hoàn thành tốt: Những học sinh chưa đạt mức Hoàn thành xuất sắc, nhưng có kết quả đánh giá các môn học, hoạt động giáo dục đạt mức Hoàn thành tốt; các phẩm chất, năng lực đạt mức Tốt; bài kiểm tra định kỳ cuối năm học các môn học đạt 7 điểm trở lên;
– Hoàn thành: Những học sinh chưa đạt mức Hoàn thành xuất sắc và Hoàn thành tốt, nhưng có kết quả đánh giá các môn học, hoạt động giáo dục đạt mức Hoàn thành tốt hoặc Hoàn thành; các phẩm chất, năng lực đạt mức Tốt hoặc Đạt; bài kiểm tra định kỳ cuối năm học các môn học đạt 5 điểm trở lên;
– Chưa hoàn thành: Những học sinh không thuộc các đối tượng trên.
Thứ sáu, về khen thưởng cuối năm có thêm danh hiệu Học sinh Tiêu biểu, gửi thư khen cho những học sinh có thành tích, cố gắng trong quá trình học tập, rèn luyện phẩm chất, năng lực hoặc có những việc làm tốt:
“Điều 13. Khen thưởng
1. Hiệu trưởng tặng giấy khen cho học sinh:
a) Khen thưởng cuối năm học:
– Khen thưởng danh hiệu Học sinh Xuất sắc cho những học sinh được đánh giá kết quả giáo dục đạt mức Hoàn thành xuất sắc;
– Khen thưởng danh hiệu Học sinh Tiêu biểu hoàn thành tốt trong học tập và rèn luyện cho những học sinh được đánh giá kết quả giáo dục đạt mức Hoàn thành tốt, đồng thời có thành tích xuất sắc về ít nhất một môn học hoặc có tiến bộ rõ rệt ít nhất một phẩm chất, năng lực; được tập thể lớp công nhận.
b) Khen thưởng đột xuất: học sinh có thành tích đột xuất trong năm học.
2. Học sinh có thành tích đặc biệt được nhà trường xem xét, đề nghị cấp trên khen thưởng.
3. Cán bộ quản lý và giáo viên có thể gửi thư khen cho những học sinh có thành tích, cố gắng trong quá trình học tập, rèn luyện phẩm chất, năng lực hoặc có những việc làm tốt”.
Như vậy, có thể nói rằng việc thay đổi chương trình giáo dục phổ thông cùng với những đổi mới trong kiểm tra, đánh giá học sinh lớp 3 trong năm học 2022-2023 sẽ mang đến nhiều kỳ vọng, chất lượng giáo dục sẽ được nâng cao, đáp ứng mong mỏi của toàn xã hội.
Tài liệu tham khảo:
http://rgep.moet.gov.vn/chuong-trinh-gdpt-moi/chuong-trinh-duoc-phe-duyet/gioi-thieu-tom-tat-chuong-trinh-tong-the-4728.html
http://rgep.moet.gov.vn/chuong-trinh-gdpt-moi/chuong-trinh-cac-mon-hoc/chuong-trinh-cac-mon-hoc/chuong-trinh-cong-nghe-4750.html
http://rgep.moet.gov.vn/chuong-trinh-gdpt-moi/chuong-trinh-cac-mon-hoc/chuong-trinh-cac-mon-hoc/chuong-trinh-tin-hoc-4751.html
http://rgep.moet.gov.vn/chuong-trinh-gdpt-moi/chuong-trinh-cac-mon-hoc/chuong-trinh-cac-mon-hoc/chuong-trinh-hoat-dong-trai-nghiem-hoat-dong-trai-nghiem-huong-nghiep-4754.html
https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Giao-duc/Thong-tu-27-2020-TT-BGDDT-quy-dinh-danh-gia-hoc-sinh-tieu-hoc-320659.aspx
Đào Văn Khởi