Chuỗi rạp phim CGV thu về 7,6 tỷ đồng mỗi ngày
Lũy kế cả năm 2022, CGV Việt Nam thu gần 150 tỷ won, tương đương 2.809 tỷ đồng (tính theo tỷ giá ngày 31/12/2022), tăng 202% so với năm 2021.
Lũy kế cả năm 2022, CGV Việt Nam thu gần 150 tỷ won, tương đương 2.809 tỷ đồng (tính theo tỷ giá ngày 31/12/2022), tăng 202% so với năm 2021.
Chuỗi rạp phim CGV thuộc tập đoàn CJ (Hàn Quốc) vừa công bố báo cáo tài chính quý IV/2022. Bất chấp tình trạng thiếu hụt nội dung trình chiếu trong tháng 10, 11/2022, sự xuất hiện của bộ phim bom tấn Avatar 2 vào tháng cuối cùng của năm ngoái đã giúp vực dậy doanh thu ở hầu hết lĩnh vực như bán vé, nhượng quyền, quảng cáo.
Cụ thể, CGV thu về tổng cộng 334,5 tỷ won trong quý IV/2022, tương đương 260 triệu USD. Con số này tăng 39,3% so với cùng kỳ năm 2021 nhưng giảm 15% so với thực hiện vào quý III/2022.
Lợi nhuận bán hàng của CGV đạt 132,1 tỷ won, tăng 72%. Chuỗi rạp phim lỗ hoạt động 13,4 tỷ won nhưng đã thu hẹp đáng kể so với khoản lỗ lên đến 43,9 tỷ won trong cùng kỳ năm 2021.
Lý giải vấn đề này, CGV cho biết những khó khăn từ thị trường Trung Quốc và tình trạng siêu lạm phát ở Thổ Nhĩ Kỳ đã ra tạo sức ép tài chính. Tuy nhiên, việc một số thị trường như Hàn Quốc, Việt Nam và Indonesia phục hồi mạnh mẽ phần nào bù đắp vào các thị trường chịu thiệt hại.
CGV lỗ trước thuế 9,4 tỷ won, giảm gần 75% so với cùng kỳ, tương đương 7,5 triệu USD. Lợi nhuận hệ số EBITDA (trước thuế, lãi vay và khấu hao) đạt 63,9 tỷ won, tăng gấp gần 2 lần so với cùng kỳ.
Lũy kế cả năm 2022, CJ CGV thu về 1.281 tỷ won, xấp xỉ 1 tỷ USD. So với thực hiện năm 2021, doanh thu CGV tăng tới 74%.
Lợi nhuận bán hàng đạt 444,4 tỷ won, tăng 134%, tương đương 346 triệu USD. Tuy vậy lợi nhuận hoạt động vẫn âm 76,8 tỷ won, tương đương 59,8 triệu USD, nhưng đã thu hẹp 69% so với cùng kỳ.
Công ty kinh doanh rạp chiếu phim chứng kiến lợi nhuận hệ số EBITDA đạt 246,2 tỷ won, tăng mạnh 219% so với cả năm 2021, tương đương 191 triệu USD.
Đánh giá về triển vọng quý I năm nay, CJ CGV cho biết doanh thu dự kiến được cải thiện nhờ hiệu ứng từ sự thành công của các bộ phim như Avatar 2 và sự xuất hiện của các bộ phim khác như Ant Man 3, Shazam 2. Công ty cũng đẩy nhanh việc cung cấp các nội dung trong và ngoài Hàn Quốc sau thời gian bị trì hoãn.
Dù CGV có mặt tại hàng loạt thị trường lớn, đông dân như Thổ Nhĩ Kỳ, Trung Quốc, Myanmar, Indonesia, Hàn Quốc và Mỹ, Việt Nam lại là quốc gia có doanh thu cao thứ 2 trong quý IV, chỉ sau Hàn Quốc.
Trên thực tế, so với Indonesia, Mỹ và Myanmar, thị trường Việt Nam có số lượng rạp và phòng chiếu áp đảo hơn. Tính đến cuối năm 2022 CGV Việt Nam vận hành 83 rạp trên toàn quốc với số lượng phòng chiếu lên tới 483, tăng lần lượt 2 rạp và 9 phòng chiếu so với năm 2021.
Quý vừa rồi, CGV Việt Nam thu về 39 tỷ won, tương đương 730 tỷ đồng (tính theo tỷ giá ngày 31/12/2022), tăng 609% so với cùng kỳ năm 2021. Như vậy, quý III/2023 là quý kinh doanh ghi nhận doanh thu thực hiện cao nhất năm, đạt khoảng 834 tỷ đồng.
Chuỗi rạp phim có lợi nhuận hoạt động quý IV/2022 đạt 400 triệu won, tương đương gần 7,5 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lỗ 103,7 tỷ đồng (tính theo tỷ giá ngày 31/12/2021). Lãi EBITDA đạt 9,6 tỷ won, tăng 166%.
Lũy kế cả năm 2022, CGV Việt Nam thu gần 150 tỷ won, tương đương 2.809 tỷ đồng (tính theo tỷ giá ngày 31/12/2022), tăng 202% so với năm 2021.
CGV Việt Nam lãi hoạt động 10,2 tỷ won, tương đương 191 tỷ đồng. Lãi EBITDA đạt 47,5 tỷ won, tăng 83% so với cả năm 2021, tương đương 889 tỷ đồng.
Theo CGV, sự phục hồi sau Covid tiếp tục giúp thị trường phim chiếu rạp bùng nổ. Ngoài ra, chuỗi cũng đánh giá cao triển vọng trong quý I/2023 nhờ sự thành công của bộ phim Nhà Bà Nữ cũng như những bộ phim bom tấn sắp ra mắt.
CGV chính thức bước vào thị trường Việt Nam từ năm 2011 sau thương vụ chi 70 triệu USD thâu tóm Công ty Envoy Media Partners (chủ sở hữu cụm rạp MegaStar). Hai năm sau, CJ CGV Hàn Quốc chuyển đổi thương hiệu MegaStar thành CGV. Cụm rạp từ Hàn Quốc đến nay nắm giữ 51% thị phần toàn quốc.