Chung tay chăm lo đời sống công nhân, người lao động
Chị Huỳnh Thị Minh Thuyền nhiều năm gắn bó với Công ty TNHH chế biến gỗ Nhất Hưng – Dung Quất trong khu Kinh tế Dung Quất, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi. Năm nay, do đơn hàng xuất khẩu của công ty sụt giảm nên công việc của chị và hơn cả trăm công nhân của công ty bị ảnh hưởng.
Chị Huỳnh Thị Minh Thuyền cho biết, công ty đã cố gắng sắp xếp để duy trì việc làm cho công nhân: “Lương của công nhân hiện ổn định. Tôi làm ca giờ hành chính, không tăng ca, trừ bảo hiểm, công đoàn, lương còn khoảng 5 triệu/tháng”.
Năm 2022, thu nhập bình quân lao động ở Khu kinh tế Dung Quất và các Khu công nghiệp Quảng Ngãi 6 triệu đồng/người/tháng.
Hiện nay, nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn trong khâu xuất khẩu hàng hóa nên hoạt động cầm chừng, cắt giảm lao động. Để tránh tình trạng lao động nghỉ việc nhiều cùng lúc, các doanh nghiệp ở Quảng Ngãi không bố trí lao động làm tăng thêm giờ, giảm giờ làm, cho công nhân nghỉ luân phiên… Nhiều doanh nghiệp trước đây đơn hàng nhiều, công nhân phải tăng ca thì nay chỉ làm giờ hành chính.
Ông Trương Văn Cường, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH lâm sản Bình An Phú – Dung Quất cho biết, đơn vị chủ động tìm kiếm đối tác, mở rộng thị trường, đa dạng nguồn hàng để giữ chân người lao động.
Đơn hàng giảm, nhiều doanh nghiệp giảm quy mô, công suất hoạt động.
“Trong thời gian qua công đoàn đã tham mưu lãnh đạo công ty cắt giảm, điều chỉnh giờ làm việc. Một số bộ phận quá ít việc thì công ty sẽ luân chuyển công việc cũng như thay phiên nhau nghỉ để đảm bảo ai cũng có thu nhập”, ông Cường cho biết.
Khu Kinh tế Dung Quất, tỉnh Quảng Ngãi hiện có khoảng 200 doanh nghiệp đang hoạt động sản xuất, kinh doanh với hơn 49.000 cán bộ, công nhân, người lao động. Năm 2022, tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp gặp nhiều bất lợi, thu nhập bình quân của đoàn viên, công nhân, viên chức, lao động ở mức 6 triệu đồng/người/tháng.
Ông Phạm Thái Dương, Chủ tịch Công đoàn Khu kinh tế Dung Quất và các Khu công nghiệp Quảng Ngãi cho biết, đơn vị phối hợp với các doanh nghiệp, địa phương tổ chức nhiều hoạt động chăm lo, bảo vệ quyền lợi người lao động.
“Chúng tôi nắm bắt kịp thời tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và tâm tư, kiến nghị của người lao động. Từ đó, kiến nghị với doanh nghiệp thực hiện đúng và đầy đủ các chế độ theo quy định của pháp luật, kịp thời hỗ trợ và bảo vệ người lao động, đảm bảo các chế độ vượt qua khó khăn trong giai đoạn hiện nay”, ông Thái Dương cho hay./.