Chúng ta có thể làm gì để bảo vệ môi trường biển

03/02/2022

TN&MTTrong suốt sự nghiệp của mình, tôi đã lặn hơn 5000 lần để quan sát dưới nước và kinh ngạc trước sự phong phú của đa dạng sinh học tại những nơi mà tôi viếng thăm.

Chúng ta có thể làm gì để bảo vệ môi trường biển

Cho dù đó là đảo Cocos ở Costa Rica hay Ouvéa ở Tân Đảo (New Caledonia), đối với tôi không gì có thể sánh được với cảm giác khi lao mình xuống làn nước trong vắt và chứng kiến những bức tranh ghép bởi các mảng san hô đầy màu sắc, trông thấy những con cua nhỏ thò đầu ra khỏi cát, hay thậm chí bắt gặp ánh nhìn hiếm hoi của một con cá mập hổ. Nhưng thật không may, có một thứ mà tôi chẳng bao giờ mong đợi nhìn thấy trong mỗi chuyến lặn thám hiểm: Nhựa.

Các nghiên cứu gần đây đã chỉ ra: Nhựa đang xâm chiếm mọi ngóc ngách trên Trái đất, từ các sông băng ở Bắc Cực đến những đống cát ở sa mạc Sahara. Cho nên chúng ta đừng quá ngạc nhiên khi bắt gặp cảnh chai nhựa, bao bì, túi đựng đồ ăn nhanh, ngư cụ bị bỏ quên cùng vô số mảnh rác thải khác trôi nổi bên cạnh những rạn san hô và đàn cá xinh đẹp. Bạn và tôi cần hành động để góp phần ngăn chặn một tương lai thậm chí còn ngập ngụa nhiều rác thải đại dương hơn nữa. Sau đây là 5 việc mà chúng ta có thể làm ngay.

Thay đổi thói quen tiêu dùng: Đây là đề xuất số 1 của tôi cho bất cứ ai muốn giúp bảo vệ biển. Mỗi năm, nhân loại đổ ra đại dương gần 8 triệu tấn chất thải nhựa, cùng với một lượng lớn các tác nhân gây ô nhiễm từ những nguồn khác như dầu mỏ, khí đốt,… Cứ theo đà này, lượng rác thải nhựa đại dương sẽ tăng gấp 3 lần trong vòng 20 năm tới – cứ 1m đường biển sẽ tích thêm 50 kg rác thải nhựa.

Mặc dù hoạt động tái chế đóng vai trò quan trọng, song việc cắt giảm sử dụng nhựa mới là cách hiệu quả nhất để tránh không đổ thêm rác vào đại dương. Vì thế, bạn hãy cố gắng mua các sản phẩm sử dụng nhiều lần mỗi khi có thể, chẳng hạn hộp đựng thực phẩm, túi và thậm chí cả khẩu trang. Theo kết quả của một nghiên cứu gần đây, kể từ khi Covid-19 bùng phát, khoảng 129 tỷ khẩu trang và 65 tỷ găng tay – hầu hết đều là loại dùng một lần – đã được sử dụng mỗi tháng, và đích đến sau cùng của chúng lại là đại dương – nơi chúng có thể bị các loài chim, rùa biển,… ăn phải. Để ngăn chặn điều đó, bạn hãy ý thức khi vứt bỏ rác thải y tế đúng cách. Hãy cố gắng dùng loại khẩu trang có thể tái sử dụng và từ chối giấy bọc đồ ăn mang về bằng nhựa.

Rèn luyện tâm trí: Trong một lần đi lặn tại quần đảo Lau ở Fiji, nơi cách đô thị gần nhất khoảng 300 km, tôi đã bị sốc khi nhìn thấy những nắp chai đang trôi dạt vào bờ biển vốn không có người. Tôi tự hỏi: Làm sao giữa đại dương lại có nhiều rác thế này? Câu trả lời là hầu hết rác từ các sản phẩm mà bạn mua hoặc vứt bỏ sau cùng đều bị đổ ra biển. Nhưng bạn có thể giúp thay đổi điều này.

Cho dù bạn đang tới tiệm tạp hóa hay tìm kiếm một món đồ nội thất mới thì hãy cố trả lời những câu hỏi này mỗi khi mua sắm: Liệu sản phẩm có thể được tái sử dụng không? Nó được sản xuất ở đâu? Nó có được làm từ vật liệu tái chế? Nó có bền vững không?

Ban đầu, quá trình này có thể khiến tôi mất thêm vài phút cho chuyến đi mua sắm, nhưng giờ đây tôi đã biết chính xác cần tìm kiếm thứ gì để đảm bảo tác động đến đại dương càng ít càng tốt. Đối với những sản phẩm như gia vị, thạch, nước sốt pasta và salsa, lọ thủy tinh là một giải pháp thay thế bền vững hơn cho hộp nhựa. Hàng năm, tôi cũng thường tránh mua các mặt hàng mới theo mốt hoặc liên quan đến những ngày lễ như trang phục Halloween 0 thứ đang tạo ra khoảng 2.000 tấn rác thải nhựa mỗi năm, chỉ riêng tại Vương quốc Anh.

Tiêu dùng thực phẩm bền vững có nguồn gốc từ địa phương: Việc mua sắm những sản phẩm được sản xuất tại địa phương có thể góp phần làm giảm thiểu tác động từ chế độ ăn của bạn đối với đại dương. Thực phẩm có nguồn gốc địa phương thường không cần phải được đóng gói quá kỹ lẫn vận chuyển quá xa, cho nên sẽ xả thải ít rác và CO2 hơn so với các sản phẩm được vận chuyển bằng máy bay, xe lửa hay xe tải.

Khi mua hoặc gọi món hải sản, hãy hỏi xem cá được nhập khẩu hay đánh bắt thế nào để đảm bảo chúng được sản xuất bằng những phương thức bền vững, thân thiện môi trường và thể hiện được trách nhiệm xã hội, bao gồm cả việc đảm bảo quyền lợi cho người lao động. Thông qua mối quan tâm của người tiêu dùng về nguồn gốc xuất xứ của món sushi, chúng ta hoàn toàn có quyền đòi hỏi các nhà phân phối thủy sản phải có trách nhiệm đối với những hoạt động của mình. Một số chuỗi bán lẻ như Walmart, Whole Foods,… đã dán nhãn bền vững cho các sản phẩm thủy sản của họ; và bản thân bạn cũng có thể dễ dàng tự truy xuất nguồn gốc nguyên liệu cho món cá nhờ ứng dụng trên điện thoại.

Thu hẹp dấu chân carbon: Một báo cáo do Liên hợp quốc thực hiện năm 2019 đã tiết lộ rằng, tình trạng biến đổi khí hậu đang đẩy các đại dương trên thế giới đến bờ vực – chúng có xu hướng nóng lên, ngày càng phân tầng và bị axit hóa nếu con người không cắt giảm đáng kể lượng khí thải carbon. Chúng ta có thể bắt đầu từ một số việc như chuyển sang sử dụng năng lượng tái tạo, lựa chọn đi bộ, đạp xe hoặc phương tiện chạy điện thay cho xe hơi chạy nhiên liệu hóa thạch. Hàng ngày, các phương tiện gắn động cơ đều thải ra một lượng dầu và khí nhất định, sau đó lại chảy ra biển. Vì vậy, việc đạp xe vài lần mỗi tuần thay cho ô-tô cũng có thể góp phần làm giảm thiểu ô nhiễm. Nếu vẫn phải lái xe, bạn hãy cố gắng lên lộ trình thật hợp lý để tránh di chuyển quá nhiều.

Chúng ta cũng có thể tham gia chương trình tín chỉ carbon. Sự cắt giảm lượng CO2 ở nơi này có thể bù đắp cho mức phát thải còn cao tại một nơi khác. Khoản tiền thu được từ việc bán tín chỉ carbon có thể được sử dụng để tài trợ cho các hoạt động bảo tồn như khôi phục rừng hoặc tái trồng rừng để trữ lại hoặc loại bỏ carbon khỏi khí quyển theo cách tự nhiên.

Bạn đang phát thải bao nhiêu mỗi năm? Hãy thử sử dụng thước đo dấu chân carbon do Tổ chức Bảo tồn Quốc tế để tìm hiểu và có phương án bù đắp.

Hãy cùng nhau dọn dẹp: Một phần công việc của tôi trong vai trò chuyên gia nghiên cứu biển và thợ lặn thuộc CI là chia sẻ kinh nghiệm với các đồng nghiệp và đối tác. Gần đây, tôi còn làm đồng tác giả và xây dựng một khóa học mới cùng Hiệp hội Dạy lặn chuyên nghiệp để hướng dẫn thợ lặn loại bỏ chất thải khỏi đại dương một cách an toàn khi họ tác nghiệp dưới nước. Hiện đang có khoảng 6 triệu thợ lặn trên khắp thế giới, trong đó nhiều người tham gia vì mục đích tiêu khiển. Nếu từng người chỉ cần nhặt một mảnh rác hoặc ngư cụ bị vứt lại mỗi khi đi lặn, thì việc đó cũng đã mang lại lợi ích to lớn và đóng góp vào sáng kiến làm sạch đại dương toàn cầu. Tuy nhiên, bạn không nhất thiết phải là một thợ lặn chuyên nghiệp để giúp dọn rác. Gần 80% chất thải gây ô nhiễm biển đến từ đất liền; ngay cả khi không sống gần biển thì rác của bạn vẫn tìm được đường ra đó. Vì thế, bạn hãy nhặt và xử lý rác bất cứ khi nào có thể.

Nguồn: Theo Conservation