Chung kết Đường lên đỉnh Olympia 2022: 4 thí sinh chia sẻ gì?

Chung kết Đường lên đỉnh Olympia 2022: 4 thí sinh chia sẻ gì? - ảnh 1

Tiếp tục phát huy sở trường

Người đầu tiên là Đặng Lê Nguyên Vũ, Trường THPT Bắc Duyên Hà, Thái Bình, nhất quý 1 với điểm số 300. Vũ chính là học sinh đầu tiên mang cầu truyền hình Đường lên đỉnh Olympia về Thái Bình sau 21 năm.

Vũ cho biết khi còn học lớp 1 tình cờ xem chung kết Đường lên đỉnh Olympia năm thứ 11 với gia đình, Vũ thấy các anh chị thí sinh có vẻ rất… ngầu, lại được mọi người vỗ tay tán thưởng nên yêu thích và muốn cũng được như vậy, mong sau này khi học THPT cũng sẽ trở thành một thí sinh của cuộc thi.

Vì không phải là học sinh trường chuyên, nên khi chàng trai này kể ước mơ chinh phục vòng nguyệt quế với mọi người, Vũ nhận lại những câu nói như: “bớt mơ mộng đi”, “đừng hão huyền nữa”… Tuy nhiên, mặc cho những lời nói không đặt niềm tin vào bản thân mình, Vũ vẫn tin chắc bản thân sẽ làm được điều gì đó, sẽ giành được những vòng nguyệt quế. Từ đó, Vũ nỗ lực hơn trong học tập và trau dồi tri thức. Sau những giờ học trên lớp, Vũ mày mò tìm kiếm tài liệu ở khắp các lĩnh vực để bổ sung, tích lũy kiến thức để chinh phục ước mơ.

Ngoài việc trở thành thí sinh đầu tiên lọt vào chung kết năm Đường lên đỉnh Olympia, Vũ còn được mọi người gọi bằng cái tên “ông vua tăng tốc”, khi đạt điểm số tối đa 160 trong phần thi tăng tốc ở cuộc thi quý. Vũ hy vọng, trong trận đấu cuối cùng của chương trình, sẽ tiếp tục phát huy sở trường là: suy nghĩ nhanh, đưa ra những đáp án quyết đoán… để có thể thi đấu thật tốt, nhằm đạt được kết quả cao nhất.

“Tập… không hoảng”

Tại trận thi quý 2, Vũ Bùi Đình Tùng, Trường THPT chuyên Trần Phú, Hải Phòng, đã giành giải nhất với điểm số 310.

Tùng cho biết đây là lần thứ 3, một học sinh của Hải Phòng góp mặt vào chung kết Đường lên đỉnh Olympia. Trước đó là Lê Trung Hiếu, cựu học sinh cùng trường với Tùng (năm 2008) và Phạm Thị Ngọc Oanh, học sinh Trường THPT Tiên Lãng (vô địch năm 2011). “Em rất vui khi sau bao nỗ lực của bản thân đã đem lại cầu truyền hình về với tỉnh nhà. Em cũng hy vọng có thể đem vòng nguyệt quế vinh quang về Hải Phòng sau 11 năm”, Tùng nói.

Để sự hy vọng ấy có thể trở thành hiện thực, thời gian qua, cậu học sinh này đã tỉ mẩn rút tỉa những kinh nghiệm cho bản thân. “Có thể kể như không vì quá áp lực mà hoảng. Như trong phần thi tăng tốc các trận thi tuần, tháng, em luôn đạt 100 điểm trở lên. Nhưng tại trận thi quý, em hơi… hoảng nên chỉ được 20 điểm. Em nghĩ bản thân cần biết cách giữ vững tinh thần tốt hơn”, Tùng cho biết.

Ngoài ra, Tùng cũng xem lại các trận chung kết năm Đường lên đỉnh Olympia trước đây để trau dồi nhiều kỹ năng, nhằm tăng cơ hội chiến thắng đối với các thí sinh còn lại. Bên cạnh đó, cũng dành thời gian đọc lại những sách giáo khoa để nắm vững các kiến thức xã hội, cập nhật những vấn đề, câu chuyện thời sự nhằm mở mang kiến thức… chuẩn bị cho trận thi đấu cuối cùng sắp tới.

Trong các môn học, Tùng cho biết có lẽ giỏi nhất là toán, tiếng Anh và lịch sử. Tùng từng vượt qua 75 đại diện từ các tỉnh, thành trên cả nước để giành giải nhất cuộc thi tìm hiểu lịch sử, văn hóa dân tộc “Tự hào Việt Nam”.

Cởi bỏ những áp lực

Tại cuộc thi quý 3, Bùi Anh Đức, Trường THPT chuyên Sơn La, tỉnh Sơn La, giành vòng nguyệt quế với điểm số 185.

Ít ai biết để có thể trở thành học sinh đầu tiên đem cầu truyền hình Đường lên đỉnh Olympia về tỉnh Sơn La, Đức đã vượt qua rất nhiều khó khăn trong cuộc sống.

Đức cho biết bản thân ở với ông bà ngoại đằng đẵng 11 năm qua, vì cả bố và mẹ đều mắc phải bệnh nan y hiểm nghèo, nên điều kiện kinh tế gia đình rất khó khăn (bố bị bệnh rất nặng, đã phải cắt bỏ một bên, mẹ bị u tế bào – PV). Dù buồn khi không thể ở cùng bố mẹ, nhưng Đức tự nhủ phải cố gắng học tập thật tốt để ngày mai tươi sáng hơn, có điều kiện để đỡ đần, phụ giúp đấng sinh thành. Động lực ấy đã giúp Đức gặt hái nhiều giải thưởng như: 2 huy chương đồng, 1 huy chương bạc, 1 huy chương vàng cấp quốc gia các cuộc thi toán, tiếng Anh qua mạng. Giải nhất cấp tỉnh và giải ba học sinh giỏi môn tiếng Anh cấp quốc gia năm học 2021-2022… Ngoài tiếng Anh và toán, Đức còn thể hiện sự xuất sắc trong lĩnh vực lịch sử khi đều trả lời chính xác những câu hỏi liên quan bộ môn này.

Nói về niềm yêu thích với chương trình Đường lên đỉnh Olympia, Đức kể từ nhỏ đã theo dõi và bị mê hoặc bởi những câu hỏi của chương trình. “Em nuôi ước mơ tham gia Đường lên đỉnh Olympia từ rất lâu rồi. Khi đó, em cũng mong được như các anh chị, cũng có thể trả lời được những câu hỏi rất hay và thú vị, cũng có thể nhận lấy những vòng nguyệt quế. Đến nay, ước mơ ấy đã phần nào được thực hiện. Tại trận chung kết năm sắp đến, em mong mình cởi bỏ những áp lực, thi đấu đúng phong độ để có thể giành được kết quả cao”, Đức nói.

“Sẽ chơi một trận chung kết thật hay”

Vũ Nguyên Sơn, học sinh Trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam, Hà Nội, cho rằng con đường bước vào chung kết Đường lên đỉnh Olympia của mình khá… ghồ ghề khi trải qua trận thi quý vô cùng kịch tính, nghẹt thở.

Tại trận thi quý, Sơn liên tục bị dẫn điểm. Sau phần thi “Về đích”, chàng trai này có cùng điểm số 170 với Đặng Quốc Khánh, học sinh Trường THPT chuyên Hùng Vương, Gia Lai. Vì thế, cả hai phải bước vào phần thi câu hỏi phụ để xác định tấm vé cuối cùng vào thi đấu trận chung kết năm. Và kết quả, Sơn đã lội ngược dòng một cách ngoạn mục, để sau 5 năm, lại đem cầu truyền hình Đường lên đỉnh Olympia về lại Trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam.

Theo Sơn, ở trường đã từng có 4 cựu học sinh vào chung kết Đường lên đỉnh Olympia, trong đó có một quán quân là anh Phan Minh Đức (năm 10), một á quân (Phạm Huy Hoàng năm 17).

“Em sẽ cố gắng hết sức để chơi một trận chung kết thật hay, vừa giúp bản thân có kỷ niệm đáng nhớ, và cũng là để nối tiếp truyền thống tự hào của học sinh Trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam”, Sơn kỳ vọng có thể tái lặp thành tích của anh Phan Minh Đức vào 12 năm trước.

Hiện tại, chỉ còn vài ngày nữa là trận chung kết năm diễn ra, Sơn cho biết đã áp dụng một chế độ ăn uống chay tịnh. Vì đây vừa là sở thích, vừa là cách để giúp đầu óc thư thái, thanh thản, minh mẫn.

Dù là thí sinh vào chung kết năm với số điểm khiêm tốn nhất, nhưng Sơn được đánh giá “là đối thủ không phải dạng vừa” với ba thí sinh còn lại. Bởi chàng trai này sở hữu bảng thành tích đồ sộ trong học tập, đặc biệt là những giải thưởng cao trong các cuộc thi về ngoại ngữ như: Huy chương bạc Olympic tiếng Anh trên internet cấp quốc gia, giải ba cuộc thi tiếng Anh TOEFL Junior Challenge, Huy chương bạc Olympic tiếng Anh cấp quốc gia… Ngoài ra, phong thái thi đấu của Sơn rất tự tin.

Chung kết năm Đường lên đỉnh Olympia năm thứ 22 diễn ra khi nào?

Trận đấu được mong đợi nhất của chương trình Đường lên đỉnh Olympia 2022 sẽ được tổ chức vào 8 giờ 30 ngày chủ nhật 2.10 tới, Đài Truyền hình Việt Nam trực tiếp. Thí giành chiến thắng trận chung kết năm sẽ nhận được vòng nguyệt quế, CUP kỷ niệm cùng phần thưởng trị giá 40.000 USD và cơ hội du học. Các thí sinh về nhì và ba nhận giải thưởng trị giá lần lượt là 100 và 50 triệu đồng.