Chứng chỉ tiền hôn nhân có thể không cần nhưng kỹ năng phải có
Phóng viên
– 16/01/2020 | 10:23 (GTM + 7)
Đề xuất bổ sung chứng chỉ tiền hôn nhân vào điều kiện kết hôn trong luật Hôn nhân và gia đình, mặc dù gặp phải nhiều ý kiến trái chiều, nhưng cũng có không ít quan điểm đồng tình ủng hộ ở tinh thần của nó
Nghe nội dung chi tiết tại đây:
Chuẩn bị kết hôn, anh Nguyễn Hoàng Long, sinh năm 1992, ở quận Hai Bà Trưng, Hà Nội đã cùng bạn gái đăng ký một khóa học trải nghiệm trước hôn nhân. Từng đi du học nước ngoài, anh Long cho biết, các lớp học tiền hôn nhân rất phổ biến ở các nước trên thế giới bởi việc biết trước những khó khăn mình sẽ phải đối mặt khi kết hôn là một biện pháp văn minh tránh những rủi ro như ly thân, ly hôn trong tương lai.
Kết thúc chương trình học, anh Long đánh giá, một khóa học tiền hôn nhân sẽ như một cuốn cẩm nang giúp các cặp đôi tự tin hơn trước khi bước vào cuộc sống hôn nhân.
“Mình thực sự hiểu được việc vận hành trong cuộc sống như thế nào, nó khác với lý thuyết ra sao và đầu tiên mình phải hiểu về bản thân mình rồi mình học hỏi được kỹ năng kết nối và chia sẻ với một nửa của mình. Hai người khi đến với nhau phải có những điều gì để chấp nhận và cùng nhau tốt lên để có thể đi hành trình cuộc đời với nhau”.
Thực tế hiện nay, không nhiều bạn trẻ có sự chủ động trang bị kiến thức, kỹ năng trước khi bước vào hôn nhân như anh Hoàng Long. Ngược lại, khi kết hôn, nhiều bạn trẻ thiếu cơ bản kỹ năng sống, kiến thức về sức khỏe, giao tiếp, xử lý mâu thuẫn trong gia đình.
Tiến sĩ Khuất Thu Hồng – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển xã hội khẳng định, phần lớn các cặp vợ chồng trẻ hiện nay chưa được tiếp cận với những kỹ năng, kiến thức tiền hôn nhân một cách bài bản:
“Lớp học đàng hoàng, chính thức rất ít, chủ yếu là mọi người tự tìm hiểu, qua sách báo, qua internet, qua bạn bè cho lời khuyên; nhưng mình muốn nói rằng, sự chuẩn bị để bước vào hôn nhân là rất cần thiết, rất quan trọng”.
Trong khi đó, theo công trình nghiên cứu xã hội học của TS Nguyễn Minh Hòa (Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn TP.HCM), tỷ lệ ly hôn ở nước ta là 31,4%, tức là cứ 3 cặp kết hôn lại có 1 cặp ly hôn. 60% số vụ ly hôn này thuộc về các gia đình trẻ và hầu hết đã có con.
Ở khía cạnh khác, việc cha mẹ ly hôn có ảnh hưởng trực tiếp đến tình trạng vi phạm pháp luật của người chưa thành niên. Bởi theo kết quả nghiên cứu của Bộ môn tâm lý, Học viện Cảnh sát nhân dân về đặc điểm nhân thân của gần 2.600 người chưa thành niên vi phạm pháp luật hình sự cho thấy, có tới 40,7% sống trong những gia đình không hoàn thiện, đa số do bố mẹ ly hôn.
Tiến sĩ Đoàn Văn Báu, chuyên gia về tâm lý tội phạm trăn trở, một hệ lụy đáng buồn của cuộc hôn nhân tan vỡ là những đứa trẻ không được sống trong gia đình trọn vẹn, không nhận được sự yêu thương, quan tâm chăm sóc, giáo dục đầy đủ của cha lẫn mẹ, có thể dẫn đến tình trạng bỏ học, lêu lổng,… dễ dẫn đến tình trạng phạm tội ở tuổi thanh, thiếu niên.
“Đối với gia đình không hoàn thiện hoặc môi trường gia đình bạo lực sẽ ảnh hưởng rất lớn đến quá trình hình thành tâm lý, tình cách của trẻ. Chúng ta thấy rõ ràng, những gia đình ly hôn không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến bố mẹ mà còn ảnh hưởng tiêu cực đến sự hình thành nhân cách của đứa trẻ trong gia đình”.
Nhằm góp phần giảm tỷ lệ ly hôn, nhiều ý kiến cho rằng, cần tăng cường tổ chức các lớp tiền hôn nhân, trang bị kiến thức trong xây dựng cuộc sống gia đình. Trong các lớp học tiền hôn nhân, các cặp đôi đang yêu, chuẩn bị kết hôn, hoặc những người đã lập gia đình nhưng có xung đột trong hôn nhân sẽ được trang bị những kiến thức về kĩ năng sống và tâm lý vững vàng để có thể thấu hiểu, lắng nghe, chia sẻ và chung sống lâu dài với bạn đời một cách hạnh phúc.
Ngược lại, trước khi tiến đến hôn nhân, bản thân mỗi người cần chủ động tìm hiểu và trang bị những kiến thức cần thiết để chuẩn bị tốt nhất cho đời sống lứa đôi.
Theo bà Ngô Thị Ngọc Anh, Nguyên Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu giới, gia đình và Phát triển cộng đồng, ở nhiều nước tiên tiến, những khóa học tâm lý chuẩn bị cho các giai đoạn quan trọng trong cuộc đời con người luôn được chú trọng.
Theo đó, trước khi bước đến hôn nhân, các cặp đôi đều trải qua tư vấn, cố vấn tâm lý hoặc tham gia các lớp học cộng đồng miễn phí. Ở nước ta hiện nay đã có các khóa học tư vấn tiền hôn nhân được nghiên cứu bởi các chuyên gia, bác sĩ hàng đầu. Nhiều người do thời gian hạn chế, khoảng cách địa lý xa xôi không thể tham gia trực tiếp lớp học thì có thể tìm hiểu, học tập từ các khóa học online:
“Chúng tôi rất mong muốn các chương trình giáo dục trước hôn nhân sẽ được thực hiện ở hầu hết các thôn, xã, phường, thị trấn. Ngoài ra còn có thể xây dựng những app, những website để cung cấp kiến thức qua online, qua các trang mạng xã hội để mọi người có nhiều hình thức và thời gian khác nhau có thể nắm bắt được và tự trang bị cho mình kiến thức trước khi bước vào hôn nhân”.
Ngay cả sự đổ vỡ của hôn nhân – dù không ai mong muốn, nhưng cũng nên được chuẩn bị từ trước khi bắt đầu, như một đòi hỏi cần có của kỹ năng vượt qua khủng hoảng
Sự bền vững của hôn nhân đòi hỏi sự vững chắc của cả nền tảng vật chất và tinh thần, trong đó tinh thần là yếu tố quyết định. Dưới góc nhìn của VOVGT, việc trang bị tri thức và kỹ năng cần có trước khi bước vào hôn nhân là điều kiện vô cùng quan trọng để phòng ngừa, giảm thiểu những cú “sốc phản vệ” trong đời sống gia đình.
Phòng ngừa “sốc phản vệ” cho hôn nhân
Chỉ chục năm sau khi ra trường, bạn bè tôi, đứa còn đơn thân, đứa đã ly hôn dăm năm, đứa vừa vợ mới. Trước đó, họ đều là những người rất coi trọng gia đình, không hề xem hôn nhân là cuộc chơi hay phép thử. Thời điểm đó, gần như chưa có các lớp học tiền hôn nhân. Ngay cả việc khám sức khỏe tiền hôn nhân cũng còn là từ hiếm.
Nếu coi “giữ lửa” cho hôn nhân là một nghệ thuật, thì giống như vẽ tranh, trước khi sáng tạo theo cách của mình, người cầm cọ cũng cần biết những điều cơ bản của hội họa. Còn nếu coi là khoa học xã hội, thì lại càng không thể làm theo kinh nghiệm chủ nghĩa.
Các nhà xã hội học đều cho rằng, tình yêu là lý do nhưng không phải là điều kiện cần và đủ để duy trì một cuộc hôn nhân. Song có một thực tế là đến nay, đa số người trẻ vẫn quyết định bước vào hôn nhân chỉ bằng lý do, thay vì sự sẵn sàng của điều kiện.
Với tình yêu và sự chia sẻ, người ta có thể chấp nhận sự khác biệt để chung sống với nhau. Nhưng cuộc sống hôn nhân cần nhiều hơn thế. Những mối quan hệ mới, những chuẩn mực ứng xử của đôi bên cần được tôn trọng, những xung đột và mâu thuẫn nảy sinh liên quan đến rất nhiều khía cạnh của đời sống gia đình, từ chuyện kinh tế đến chuyện nuôi dạy con, chuyện đối nội đối ngoại, rồi những biến cố về sức khỏe và công việc…. nếu không tìm được tiếng nói chung, sẽ đều là nguy cơ rất lớn gây ra rạn nứt.
Cảm xúc yêu đương sôi nổi rồi sẽ qua đi, và nguy cơ sẽ ngày càng đẩy cao nếu động lực và sự gắn kết không đủ để hai bên cùng vượt qua thử thách. Không có sự chuẩn bị về kiến thức, thông tin, sự chuẩn bị về tâm thế, không được trang bị kỹ năng đối mặt và giải quyết xung đột, thì các vết nứt sẽ ngày càng rộng ra, cho đến khi không còn khả năng hàn gắn.
Ngay cả sự đổ vỡ của hôn nhân – dù không ai mong muốn, nhưng cũng nên được chuẩn bị từ trước khi bắt đầu, như một đòi hỏi cần có của kỹ năng vượt qua khủng hoảng.
Những ý kiến “ném đá” ồ ạt đối với đề xuất bổ sung chứng chỉ tiền hôn nhân vào quy định bắt buộc để được kết hôn, phần nào cho thấy sự ăn sâu bám rễ của chủ nghĩa kinh nghiệm trong việc kết hôn và duy trì đời sống gia đình. Trong khi, vấn đề của các gia đình thì muôn hình vạn trạng, mỗi thời mỗi khác. Kinh nghiệm rất quý nhưng không phải “cẩm nang”, thậm chí còn có thể phản tác dụng nếu vận dụng sai tình huống.
Vậy nên, tri thức từ những kết quả khảo sát, nghiên cứu trên bình diện xã hội, từ tâm lý học, sinh lý học, và những kỹ năng mềm được trang bị sẽ là hành trang để các cặp đôi bước vào đời sống hôn nhân với sự chủ động tự tin, không bị bỡ ngỡ hoang mang, không bị sốc nặng khi ập vào thực tế.
Tất nhiên, để duy trì hôn nhân và hạnh phúc gia đình cần rất nhiều yếu tố, cả nền tảng vật chất lẫn tinh thần. Tình và nghĩa, sự tôn trọng và chia sẻ, sự chấp nhận và dung hòa, sự thấu hiểu và bao dung… luôn là mẫu số chung trong các cuộc hôn nhân bền vững.
Còn sự sẵn sàng của tri thức cùng với kỹ năng sẽ là nhân tố cực kỳ quan trọng làm làm tăng tính bền vững cho nền tảng tinh thần, để giúp cuộc hôn nhân vững vàng qua sóng gió.
Quan niệm, tư duy của giới trẻ ngày nay đã cởi mở hơn nhiều, họ không còn lệ thuộc vào kinh nghiệm, họ sẵn sàng học hỏi cái mới. Cùng với nhận thức ngày càng mạch lạc hơn về hôn nhân, người trẻ cũng cần được tiếp cận các dịch vụ trang bị kỹ năng tiền hôn nhân một cách dễ dàng, thuận lợi.
Và từ đó, sẽ phòng ngừa, giảm thiểu được nguy cơ của những cú “sốc phản vệ” trong cuộc sống gia đình./.