Chùm tản văn tác giả trẻ Trần Nguyên Hạnh

BBT: Trần Nguyên Hạnh tên thật là Nguyễn Thị Hạnh, sinh năm 1992 tại Quảng Nam, hiện sống và làm việc tại Đà Nẵng. Đến nay Trần Nguyên Hạnh đã xuất bản 3 tập tản văn: “Những mùa đông yêu dấu” (NXB Kim Đồng, 2018), “Những ô cửa sắc màu” (NXB Phụ Nữ, 2020), “Quà tặng cho con” (NXB Văn hóa Văn nghệ, 2020).

Chùm tản văn tác giả trẻ Trần Nguyên Hạnh

Chia sẻ về công việc sáng tác, Trần Nguyên Hạnh tâm sự:

 “Tôi bắt đầu nhận ra niềm yêu thích với văn chương khi tôi 15 tuổi. Từ đó tôi bắt đầu bước vào thế giới của văn chương, khởi đầu bằng những câu chuyện cổ của Andersen.

Sự nhận thức về niềm yêu thích với văn chương đã khuấy động thế giới tâm hồn tôi, cho tôi nhận ra có một thế giới nội tâm vô cùng nhạy cảm, mềm mại, sâu thẳm và dễ rung rinh ở bên trong mình. Tôi bắt đầu khám phá thế giới ấy, nuôi dưỡng nó, gìn giữ nó, bảo vệ nó bằng những ngọn lửa cảm xúc dịu dàng nhất.

Tôi từng nghĩ nếu không có văn chương, thế giới nội tâm của tôi có lẽ đã rất hiu quạnh và buồn tẻ . 

Với tôi, văn chương là một thế giới riêng. Bình yên và êm dịu. Nó không phải là con đường tôi sẽ đi đến, không phải hành trình mà tôi gắng sức, cũng không phải mục tiêu lớn mà cuộc đời tôi phải đạt được. Văn chương càng không phải là thứ trang sức để tôi tô điểm cho cuộc sống của mình. Nhưng văn chương chính là nơi chốn mà tôi sẽ quay về. 

Văn chương cho tôi nhận ra rằng, có một thế giới êm dịu vô cùng so với cuộc sống ồn ào ngoài kia. Một thế giới ở ngay trong chính tâm hồn tôi. Một thế giới mà tôi yêu thích. Mỗi ngày tôi luôn ao ước được ở trong ấy lâu hơn một chút  nữa. Mỗi ngày mở cửa bước ra cuộc sống, tôi phải đối diện với rất nhiều điều. Nhưng mỗi khi trở về với văn chương, tôi chỉ cần đẩy nhẹ cánh cửa bước vào, ở đó có một thế giới bình yên, dịu dàng, dành riêng cho tôi an trú. Tôi có thể nằm trong đó tận hưởng, cũng có thể bình an ngủ một giấc, mơ những giấc mơ dài. Chính thế giới tĩnh lặng và sâu thẳm của văn chương đã bổ sức cho tôi, nuôi dưỡng tâm hồn tôi, gìn giữ tôi trong sự thánh khiết, mang lại cho tôi những phút giây lắng đọng và chắt chiu giùm tôi những khoảng khắc xinh đẹp nhất. Tôi trở về với văn chương để tìm một nơi an trú . Văn chương cũng cho tôi sức mạnh để đối diện với cuộc sống, để ngày hôm sau tôi thức dậy với một tâm hồn tươi mới. Thế giới có thể nhìn thấy một tôi vui cười, hạnh phúc đang thiết tha trân quý cuộc sống này.

Thế giới văn chương của tôi giống như một cánh đồng mà ở đó có những khoảng trời trong xanh bình yên và tươi đẹp, những hạt sương tinh khiết lấp lánh dưới vòm cỏ non xanh. Những con dốc thoai thoải, những chiều vàng bình yên, những triền đê, dòng sông, đồng ruộng rộn rã tiếng cười đùa. Tôi và bạn, chúng ta đều có thể tìm thấy mình ở đâu đó trong bức tranh này. Tôi muốn bằng câu chữ của mình, vẽ cho người khác một bức tranh phong cảnh đẹp, thổi vào đó một chút âm thanh vui nhộn của cuộc sống, khiến người khác nhớ lại một kí ức tươi vui, nhắc cho họ những kỉ niệm đã lãng quên, giúp họ trân quý cuộc sống này và nuôi dưỡng những giấc mơ đẹp.

Thế giới ngày hôm nay đôi lúc khiến chúng ta dễ dàng quên đi mọi thứ. Tôi chỉ ao ước những gì tôi viết ra một ngày nào đó cũng giống những gì người khác sẽ note trong cuốn sổ tay của họ. Một lưu ý nhỏ cần được nhớ, một khoảng khắc nhỏ cần chắt chiu, một  kí ức cần lưu giữ, một câu chuyện cần nâng niu, để đi qua cuộc đời này, chúng ta vẫn còn đó với đong đầy kỉ niệm, ngập tràn yêu thương, luôn bồi hồi, nhung nhớ và tưởng niệm”.

Trang thông tin Văn nghệ Đà Nẵng giới thiệu chùm tản văn của tác giả trẻ Trần Nguyên Hạnh.

                                                                             Nguyễn Nho Khiêm giới thiệu

 

 Nhớ chuyến đò xưa

 Có những buổi chiều trời không nắng ráo tôi trở về quê, ngồi hướng mặt ra sông hít làn hơi nước mát rượi phả vào mặt, nhìn ngọn gió chiều ham chơi đuổi bắt nhau chạy nhảy trên mặt sông lấp lánh và nghe đâu đó âm thanh tiếng gọi đò văng vẳng trên sông. 

Quê tôi được thiên nhiên ưu ái cho con sông chảy qua làng. Những dòng nước hiền hòa ngày qua tháng lại êm đềm chảy trên sông nuôi lớn biết bao cuộc đời.Với bọn trẻ, con sông là cả tuổi thơ, sẻ chia niềm vui, mang đến hạnh phúc. Với những người quanh năm lặn lội với sông như ba mẹ tôi, sông là kế sinh nhai, là cuộc đời của họ. 

Sông mang đến cho người dân quê tôi biết bao sản vật. Đó là những mùa cá tôm, nghêu sò, ốc hến,..quanh năm. Hầu như cả tuổi thơ, chúng tôi quanh quẩn với sông. Những hồn nhiên lo lắng, vui buồn đều gắn liền với sông theo những mùa tôm cá, nghêu ốc,… như thế. Còn ba mẹ tôi lặn lội với sông, ngày qua tháng lại. Hết hè sang thu đến đông về vẫn chỉ quẩn quanh trên sông nước. Chiếc thuyền nhỏ ngang dọc khua khoắn mặt sông năm tháng, mang theo những trăn trở về cái ăn cái mặc cho đàn con thơ. Bất kể ngày mưa hay nắng, chiếc thuyền nhỏ già nua vẫn miệt mài với tiếng nổ ì ạch như chưa bao giờ ngưng nghỉ, không ngừng cần mẫn đào xới dòng sông,  lắng nghe âm thanh thao thiết của những người đang đợi một chuyến đò.

Ba tôi làm nghề chèo đò trên sông. Những chuyến đò chở người qua lại của ba luôn mang theo chiếc lưới bủa cá, bủa tôm, và mẻ xúc ốc hến.Thuyền ba đi đến đâu, những mẻ xúc lại giương lên ở đó, khua khoắn khắp mặt sông. Những nhà trên sông, nhà nào cũng có thuyền. Hoặc thuyền máy hoặc thuyền nan. Nhưng chỉ duy thuyền ba tôi  là có chở khách kèm theo. Những lần chở khách sang bến bên kia ba tiện thể bủa lưới, xúc ốc được nhiều hơn. Chúng tôi lớn lên từ những chuyến đò của ba, với những mong chờ khấp khởi buồn vui trong ánh mắt của mẹ theo từng chuyến đò ba đi. Những ngày thời tiết mưa gió, dòng sông quê như bị đào xới bởi hàng trăm mũi khoan. Lớp bùn ngày nắng yên bình nằm dưới lòng sông nay hiện lên đục ngầu trên mặt sông. Chúng tôi chỉ biết lặng lẽ theo mẹ đứng ngồi không yên, ánh mắt đăm chiêu dõi nhìn bến sông không rời, ngóng đợi chuyến đò của ba trở về mà lòng như đang cuộn xoáy theo từng con nước dâng lên hạ xuống ngoài kia.

Năm tháng tuổi thơ, theo những chuyến đò ba chở khách qua sông, tôi được dịp rời bến sông quê, ngắm nhìn những mảnh đất khác. Trong tôi, thế giới rộng mở với biết bao điều mới lạ. Tôi nhìn thấy những bến đò khác yên bình với vài chiếc đò nan cắm sào trên sông. Tôi nhìn thấy những chân trời mới có mặt trời hửng sáng và nắng vàng long lanh nơi mũi thuyền hướng đến. Tôi thấy lòng tôi ánh lên một niềm tin rạng rỡ. Có hôm theo chuyến đò của ba, tôi được ba dắt ra chợ. Một cái chợ lớn hơn, đông người và bán nhiều món hàng xinh xắn hơn cái chợ be bé trên sông quanh năm tanh nồng mùi cá tôm ở quê tôi. Những ly kem ốc quế thơm ngon ba mua cho ngày ấy là kí ức ngọt ngào, đậm vị nhất mà tuổi thơ tôi luôn chắt chiu cất giữ.

Những ngày sống nơi phố thị nhộn nhịp, tôi thường mường tượng ra âm thanh tiếng nổ tành tạch, tiếng gọi đò thao thiết trên bến sông hôm nào trong những giấc ngủ trưa. Những giấc ngủ trưa chớp nhoáng gắn gượng lúc nào cũng khuấy động trong tôi kí ức về ba, về bến đò và con thuyền ngày xưa. Tôi thường tỉnh dậy trong hoảng hốt kiếm tìm khắp nơi âm thanh quen thuộc ấy nhưng mọi thứ im ắng đến lạ thường. Bến đò năm xưa vẫn còn đó. Những chiếc thuyền bủa lưới và chở khách vẫn đêm ngày nô nức trên sông. Năm tháng cũng đủ dài để mẹ tôi nguôi ngoai đau buồn và không hoài ngóng đợi. Duy chỉ chiếc thuyền của ba năm tháng vẫn yên bình cắm sào nằm đó mà không có người lái và kí ức ngày xưa trong tôi thỉnh thoảng vẫn trỗi dậy khua khoắn nỗi đau đang âm ỉ. Thi thoảng tôi từ thành phố rong xe trở về, chẳng làm gì cả, chỉ ra ngồi trên bến,hướng mặt ra sông nghe cơn gió thổi vào lòng buốt giá. Nhìn xa xăm ngoài kia, như có con thuyền nào đó đang hướng về phía mình, bất chợt tôi thao thiết cất lên tiếng gọi: Đò ơi! Ba ơi!..mà lòng không kìm được những nhung nhớ bao năm đang cuồn cuộn tuôn chảy. Nhớ chuyến đò năm xưa…

Món mì Quảng chị nấu

Chị không phải chị ruột của tôi. Chị là chị của bạn tôi. Mãi khi bạn tôi mất, tôi mới có dịp đến thăm nhà bạn và gặp chị. Như những cuộc gặp gỡ xã giao đơn thuần khác, chúng tôi gặp nhau và quên nhau nhanh chóng sau đó. 

Khi tôi chuyển vào miền Nam sinh sống. Tôi gặp lại chị và xem cuộc gặp này như một cơ duyên tươi đẹp trong cuộc đời. Từ thời điểm đó, ở thành phố xa lạ này tôi và chị thân thiết nhau. Thi thoảng tôi đến nhà chị chơi. Và mỗi lần như vậy, chị lại nấu mì Quảng đãi tôi.

Tôi không biết có nên rạch ròi giữa món ăn người này hay người khác nấu không. Mì Quảng dù không có công thức chung, dù ở mỗi vùng Quảng Nam mì Quảng có một hương vị riêng. Và trong mỗi gia đình, hương vị đó cũng có sự khác nhau. Nhưng điều đặc biệt khiến tôi dễ dàng nhận ra sự khác nhau chính sự tỉ mẫn trong cách nấu nướng khác với hàng quán. Từ khi xa nhà tôi chưa từng ăn tô mì Quảng nào mà có thể cảm nhận được tình cảm của người nấu nhiều như món mì Quảng chị nấu. Không phải vì hương vị giống với hương vị bà và mẹ tôi nấu mà chính là tôi đã chứng kiến sự tỉ mỉ trong cách chế biến của chị. Tôi vừa là người trực tiếp nhìn chị vào bếp, vừa là người phụ bếp của chị, lại là nhân vật chính trực tiếp cảm nhận hương vị ấy. Điều đó khiến tôi nhận ra sự thân thuộc và ấm áp từ món ăn chị nấu. Có một cảm giác xúc động như tôi đang ăn món ăn của gia đình mình, được nấu bởi một người rất yêu thương tôi.

Tôi lớn lên cùng mì Quảng từ thời mẹ phải ngâm gạo từ tối hôm qua để sáng tinh mơ mang gạo đi xay, sau đó mang về nhà, bắt nồi lên tráng mì. Từ thời mì Quảng phải xắt bằng tay cho đến khi hiện đại hơn có thể xắt bằng máy. Từ thời để có một tô mì Quảng, nhà nhà đều tự tráng mì, tự rang đậu, nướng bánh cho đến khi có thể mua mì, mua bánh tráng hay đậu phộng rang ở bất kì cái chợ nào trên đất Quảng Nam. Tôi đi bên cạnh, phụ mẹ những việc lặt vặt, nói cười với mẹ và hít hà hương thơm từ món ăn mẹ nấu. Chừng đó kí ức ùa về đã khiến tôi cảm thấy hân hoan biết bao trước món ăn của chị như ngày nào còn bên mẹ. 

Dẫu hương vị mì Quảng của chị và mẹ có sự khác nhau, nhưng cũng như mẹ tôi, chị luôn lột vỏ tôm, cắt nhỏ thịt, kho rim đậm đà, lóc hết xương cá, ninh xườn thật nhừ, phi hành nén thơm phức. Mỗi khi làm chị luôn nghĩ đến cách người khác sẽ ăn nó. Tôi nhận ra niềm vui của chị cũng giống như niềm vui của mẹ tôi, bà tôi và những người phụ nữ yêu gia đình khác- đó là họ luôn quan tâm đến cách những người mình yêu thương sẽ ăn món ăn mình nấu như thế nào. Với họ, một tô mì Quảng nấu ra là một sự kì công và chăm chút chứ không nhanh chóng và giản đơn như cách người ta nghĩ về món mì Quảng là món ăn dễ nấu hệt như độ phổ biến của nó. Từ khi ngửi được mùi hành nén phi thơm phức đến khi mùi thơm của các nguyên liệu quyện lại và đến lúc có một tô mì Quảng đầy đủ gia vị rau bánh, đậu phộng, chanh ớt ăn kèm là một sự chờ đợi đầy háo hức. Tôi cảm thấy mình như đứa trẻ lên mười của ngày nào đang đợi chờ món ăn mẹ nấu.

Người khác ăn mì Quảng thường cảm nhận hương vị. Nhưng hương vị là thứ có thể ném được. Chỉ có tình yêu với món ăn quê nhà, sự trân quý lẫn nhau gửi vào món ăn là thứ không dễ dàng nhận ra. Nó cần sự quan sát và cảm nhận hơn là ném thử. Qua món mì chị nấu, tôi biết chị là người phụ nữ yêu gia đình và thích nấu ăn. Như những người phụ nữ Quảng xung quanh tôi, chị vừa chăm chỉ, cần cù, vừa nổ lực lại chịu khó. 

Với tôi, tô mì Quảng từ thời điểm tôi xa nhà trở nên ngon hơn rất nhiều so với tô mì thời tôi chưa xa nhà, ngày nào cũng nhìn thấy.Tôi nghĩ có thể mình sẽ không biết được cảm giác nhung nhớ một hương vị quê hương là gì nếu không có thời gian đi xa sinh sống. Từ nhỏ đến lớn, mì Quảng đã trở thành một món đặc trưng phổ biến đi đâu cũng có. Ăn một món ăn đã trở thành quen thuộc và mỗi ngày đi đâu cũng thấy sẽ không thể nào có cảm giác thèm thuồng, cho đến khi tôi đi xa, đến một nơi mà một món ăn quen thuộc như mì Quảng cũng trở nên khó kiếm, mới biết cảm giác nhung nhớ một hương vị quê hương cồn cào là thế nào. Nhưng khi đó, tôi cũng nhận ra ăn mì Quảng thế nào mới ngon nhất. Nếu có sự biết ơn đối với người nấu, sự trân quý tình cảm và công sức của người nấu, mỗi món ăn sẽ như một món quà mà cả người ăn và người nấu đều trân trọng. 

Với tôi, món mì Quảng ngon nhất chính là món mì được nấu bởi những người yêu thương mình. Và cảm giác hạnh phúc nhất chính là khi ăn cùng những người mình yêu thương. Bất kì đi đâu, người Quảng cũng đều nhớ đến mì Quảng bởi họ đã ăn món ăn đó trong những bữa ăn gia đình đầm ấm. Có thể là trong một buổi tối chong đèn, trong một căn nhà tranh, vách tường đất sét… Nhưng bởi vì thế món ăn đó như là kỉ niệm, nó trở nên thân quen với biết bao người. Người ta không chỉ nhớ hương vị của nó mà còn nhớ bóng dáng của người phụ nữ nấu món ăn đó, nhớ không khí đông đủ đầm ấm khi cả gia đình quay quần bên nhau.

Như nhà văn Nguyễn Nhật Ánh từng nói trong cuốn sách của mình: “Khi rời khỏi vùng đất sinh ra nó, mì Quảng thuần túy không còn là món ăn nữa, mà trở thành một trong những biểu tượng văn hóa của một vùng đất lắm kẻ tha hương.”

Tôi nghĩ món mì Quảng cũng giống như một sợi dây kết nối những người Quảng tha hương với nhau. Khi một người Quảng tha hương bắt gặp quán mì Quảng và bước chân vào, có một cảm giác thân thuộc kì lạ lắm. Người ta có thể cười nói hỏi han như thể đã thân quen từ chủ quán đến hành khách xung quanh, dẫu chỉ sau đó nhận ra không phải chỉ người Quảng mới đi ăn mì Quảng. Nhưng từ món mì Quảng, họ lại có cơ hội nói nhiều hơn về vùng đất của mình. Cũng như khi chị nấu món mì Quảng, tự dưng khoảng cách giữa chúng tôi bỗng trở nên gần hơn. Chúng tôi dễ dàng cởi mở chia sẻ cho nhau nhiều điều. Tôi nghĩ rằng khi phụ nữ cùng yêu thích một món ăn, khi họ trở nên thân thiết bên căn bếp, họ dễ dàng gần gũi và cùng nhau chia sẻ nhiều điều hơn trong cuộc sống.

Tôi nghĩ cũng giống như món mì Quảng, người Quảng trong quá trình di cư đến vùng đất khác đều mang những nét rất riêng trong tính cách khó lẫn vào đâu được. Họ trở thành biểu tượng của một vùng miền, chỉ hòa nhập chứ không hòa tan. Người Quảng dù ở đâu cũng nhớ về những món ăn quê hương. Như chị tôi, mỗi khi có bạn đến chơi nhà, chị luôn chọn nấu mì Quảng như một cách giới thiệu món ăn quê hương đến bạn bè của mình. Và rồi món mì Quảng gắn liền với chị. Để rồi ở những cuộc gặp gỡ khác, ai ai cũng háo hức đòi chị nấu mì Quảng. Đôi khi tôi cảm thấy tự hào biết bao vì một món ăn gắn liền với địa danh của mình lại được rất nhiều người ở những vùng miền khác thích thú đến thế.

Tôi vẫn luôn thầm cảm ơn biết bao những người phụ nữ như chị, bởi dù là một người nội trợ, một người phụ nữ của gia đình nhưng họ đã mang món ăn của vùng miền mình phổ biến đến mọi nơi trên đất nước theo một cách rất riêng, để ngày nay, ai cũng biết đến mì Quảng. Và mì Quảng đã trở thành món ăn mà cả thế giới đều biết đến chứ không chỉ một vùng miền nào. Tôi biết ngày nay phụ nữ phải chịu nhiều áp lực trong cuộc sống. Họ vừa ra ngoài lao động kiếm tiền, chia sẻ gánh nặng tài chính với đàn ông, vừa phải chăm lo cho gia đình. Những sai lầm trong cách hiểu về phong trào bình đẳng giới cũng khiến phụ nữ trở nên nam tính hóa hơn khi cố gắng chứng tỏ họ có thể làm tốt công việc của đàn ông, thậm chí thay thế  đàn ông trở thành người chu cấp cho gia đình để rồi dần đánh mất sự nữ tính vốn là điều đặc trưng của phụ nữ. Dẫu vậy, tôi  vẫn luôn cho rằng một người phụ nữ đẹp nhất chính là khi cô ấy được là chính mình. Với tôi, người phụ nữ dù khi lùi lại, sống đúng với vai trò nữ tính của mình là người phụ nữ của gia đình, với sở thích nấu ăn, cắm hoa, may vá, chăm sóc gia đình…họ vẫn sở hữu những giá trị riêng, mang đến cho cuộc đời này những giá trị riêng và làm đẹp cho cuộc đời theo những cách rất riêng, như chị tôi- mà không một ai hay một giới tính nào khác có thể làm tốt hơn hoặc thay thế họ

 

Những người già trong thành phố

Thành phố chứa những ngôi nhà cao tầng, những trung tâm thương mại sầm uất, những con đường đông đúc người xe, những con người ngày ngày hối hả với nhịp sống bon chen. Thành phố chứa những người trẻ sức dài vai rộng, hừng hực sức sống. Nhưng thành phố cũng chứa những người già, những con người không còn sức khỏe để chạy theo guồng quay sôi động của phố phường. Họ lạc lõng giữa nếp sống náo nhiệt. Họ nấp mình trong những căn nhà khép kín nhìn cuộc sống ngoài kia qua những khe hở. Họ lặng lẽ trong những nỗi niềm mà ngay cả con cháu họ cũng không thể thấu hiểu.

Tôi sống trọ trong một căn nhà trọ chật hẹp ở phố. Trong dãy trọ chật hẹp này mọi người ra vào đều chạm mặt nhau dù rất ít khi hỏi chuyện. Sống ba năm nhưng tôi chỉ gặp chủ trọ mỗi khi đến hạn tiền phòng. Tôi không biết gì nhiều về họ ngoài việc họ có hai đứa con, một gái một trai. Cho đến một hôm tôi từ nơi làm về phòng vào buổi trưa, vô tình nhìn thấy một bà cụ da nhăn nheo già yếu đang lấp ló sau cánh cửa nhìn ra đường phố. Ánh mắt bà chan chứa niềm vui khi nhìn phố phường nhộn nhịp người xe lúc tan tầm. Từ lúc đó tôi mới biết bà cũng là một thành viên của gia đình.

Những ngày sau đó tôi đều bắt gặp bà chăm chú nhìn ra ngoài bằng khoảng trống khiêm tốn giữa hai cánh cửa. Lần này bà nhìn thấy tôi và mỉm cười. 

Bà kể bà ở nhà một mình buồn, xem ti vi mãi bà chán lắm, chỉ muốn có người trò chuyện cho vui. Nhưng con cháu luôn nói thành phố phức tạp hơn suy nghĩ của người già. Họ bật ti vi để bà xem cả ngày. Hết chương trình này đến chương trình khác. Họ khép kín cửa nhà, dặn dò bà chỉ ở bên trong để yên tâm đi làm. 

Tôi không biết có bao nhiêu người già trong thành phố này phải sống những chuỗi ngày buồn bã như vậy trước khi không thể tiếp tục chịu đựng được nữa mà ra đi. Đáng lẽ ra ở tuổi này, những người già như bà phải được ra ngoài để hít thở không khí trong lành, được gặp gỡ trò chuyện cùng bạn già. Vậy mà họ lại sống như những người bị xã hội cách li. 

Tôi nói với bà: Hay mỗi trưa con ra trò chuyện với bà nhé. Bà nghe vậy mắt sáng lấp lánh, không quên nhắc tôi: Con nhớ đó nghen! Vậy là bà chờ. Bà chờ lời hứa bâng quơ của một người dưng rồi ngóng trông mỗi ngày. Buổi trưa hôm sau, khi tôi vượt qua được đám đông về tới cửa nhà đã thấy bà già mấp mé sau cửa, vẫy vẫy tôi với ánh mắt rạng ngời hẳn. 

Tôi và bà nói với nhau những câu chuyện nho nhỏ đời thường. Tôi kể bà nghe về những chuyện xảy ra ở nơi làm, về công việc của tôi mỗi ngày, niềm vui lẫn áp lực. Tôi kể bà nghe về những món ăn đang thịnh hành mà giới trẻ rất thích, trong đó có những món ăn của ngày xưa như khoai nướng, bắp luộc,..Tôi kể bà nghe về một cái chợ nhỏ trong con phố này, nơi bán loại cà tím nướng trên than củi, một món ăn mà tôi rất thích. Tôi kể bà nghe về một cái xơ mướp giá bốn mươi ngàn  tôi mua ở một siêu thị mới mở trên đường  đi làm. Tôi kể bà nghe về những con đường cũ kĩ ở phố chưa được nâng cấp, về chuyện tai nạn, chuyện kẹt xe, về lí do vì sao mấy năm nay thời tiết thay đổi…Những câu chuyện tưởng chừng vô thưởng vô phạt nhưng lại khiến bà già vui hẳn. Hẳn nó làm bà già cảm thấy mình không quá tách biệt với cuộc sống náo động ngoài kia. 

Tôi nhìn bà và tự hỏi không biết những người già dành thời gian của mình để làm gì. Có khi nào họ ngồi và hồi tưởng lại mình của một thời tuổi trẻ được rong ruổi khắp nơi mà thấy lòng buồn quay quắt hay không. Tôi gọi họ là những người ngồi vá khâu quá khứ. Bởi quá khứ trong họ làm sao có thể mạch lạc, tường tận, phẳng phiu như một tấm áo mới được. Càng về già, trí nhớ càng nhòe mờ, niềm vui nỗi buồn của ngày cũ dù cố chắt chiu cũng không thể nào trọn vẹn, rõ ràng. Họ chỉ có thể ngồi chắp nhặt, khâu vá từng thứ mà nâng niu ôm ấp.

Như bà, suốt ngày chỉ sống quẩn quanh trong căn nhà, thế giới ngoài kia bà muốn ngắm nhìn mà không được phép. Con cháu bận bịu đi làm cả ngày, cuối tuần trẻ trung thì hẹn hò, người lớn thì ở nhà nghỉ ngơi. Họ không có thì giờ dành cho bà. Bà già biết vậy nên cũng không dám phiền con phiền cháu. Trong khi con cháu bà nghĩ người già chỉ nên đi lại trong nhà, đến bữa cơm nước đầy đủ là được. Chẳng ai đoái hoài  đến mong ước được ra ngoài hít thở, mong ước có người thủ thỉ tâm tình, bầu bạn chuyện trò của bà già. Đâu ai hiểu rằng điều khiến một người già vui chính là được ra ngoài, được đi đó đây, thăm cháu, thăm con, thăm bạn già.

Bà già kể với tôi về những người bạn lâu rồi bà không gặp, cũng chẳng biết giờ họ đang ở đâu, còn sống hay đã về với cát bụi. Nhưng dù không biết tin tức của họ, tôi biết những người đó vẫn nằm lòng trong trí nhớ bà. Những người già vốn sống bằng hoài niệm. Chuyện hôm nay nói đó rồi quên đó. Vậy mà những chuyện xa xưa lại cứ nhớ như in. Mà thương nhất là nhớ lời hứa nào đó đã xa xôi: Hôm nào con qua chở nội tới nhà con chơi. Thằng cháu vì bận bịu hẳn đã quên lời hứa từ lâu, chỉ có bà già là nhớ mãi. Lúc nào cũng chuẩn bị sẵn một gói đồ để ở góc giường. Hỏi để làm gì, bà nói phòng khi con cháu có qua chở cũng không phiền nó phải đợi mình lâu.

Thương biết bao những người già phải sống lặng lẽ và an phận trong những căn nhà ở phố cho đến lúc ra đi mà những mong ước nhỏ nhoi lúc cuối đời vẫn chưa thực hiện được. Nhiều lúc chạnh lòng khi ngôi nhà bên cạnh kền trống rổn rang tiễn đưa một người già về với các bụi mà không khỏi ngỡ ngàng bởi phố xá giấu họ kĩ quá. Còn biết bao người già đang sống trong những ngôi nhà kín cổng cao tường kia, lặng lẽ đi qua tuổi già trong những tháng ngày buồn bã. Những suy nghĩ miên man ấy dẫn đưa tôi về với căn nhà nhỏ của mình, nơi có ông bà tôi đang đón đợi, mong ngóng. Vẫn biết người già nào cũng chung một nỗi niềm là mong mỏi con cháu thi thoảng về chơi, có gì ngon đều nhún nhường con cháu, làm việc gì cũng sợ phiền con cháu đầu tiên nhưng sự bận rộn cứ khiến tôi trì hoãn mỗi lần về. Những suy nghĩ đó khiến tôi hối hận biết bao khi nhận ra mình đã có lúc thật vô tâm với những yêu thương bên cạnh mình.

 Nhớ góc chợ xưa

Tôi dông xe về nhà vào một ngày nắng hiểm hoi của mùa đông. Ánh mặt trời rực rỡ kiêu ngạo mang những vệt nắng vàng óng soi rọi mọi ngóc ngách còn ẩm mốc của phố huyện. Những con đường đi qua ngày đông lẩn khuất trong những hàng cây tán lá âm u nay chợt bừng sáng nhờ những tia nắng ấm áp soi tỏ. Tôi cho xe chạy chậm, lặng ngắm khung cảnh xung quanh và thả lòng miên man theo từng góc phố, lòng bồi hồi nhớ về những ngày nắng còn vương vãi trong kí ức tuổi thơ hôm nào.

Những ngày nắng trong kí ức tuổi thơ tôi mang bóng dáng của bà, của những chuyến đi chợ huyện những sớm tinh mơ, của mùi thơm từ những ổ bánh mì nóng hổi vừa mang ra lò quyện trong lớp kem thơm lừng mỗi khi ăn vẫn dính vào môi thơm ngọt. Những tháng ngày ấy thuộc về một mùa đông, không lạnh lẽo, cô quạnh mà ấm áp, chan hòa. 

Tôi ngày đó là một đứa trẻ, lon ton theo bà trong những chuyến đi chợ huyện. Trong những buổi chợ bắt đầu từ sớm tinh mơ ấy, bà thường mang theo lỉnh khỉnh những loại rau quả. Những bó rau ngót tươi xanh, dăm quả cà tím, dưa chuột và ớt đỏ hái trong vườn nhà. Mặc ngày mưa hay nắng, tôi vẫn cùng bà đi qua những con đường đất bụi bặm, đi qua những hàng cây đỏ lá và dừng lại ở một cái chợ be bé nơi những người buôn gánh bán bưng tụ họp. Những buổi chợ ấy, tôi và bà ngồi bên nhau, đợi chờ lượt khách lũ lượt đi qua và dừng chân lại. Thật lạ, những buổi chợ như thế luôn đem lại cảm giác chờ đợi và háo hức trong tôi. 

Cứ thế tôi cùng bà đến đó suốt quãng đời tuổi thơ, cùng bà chứng kiến những đổi thay của chợ và cả tuổi già đang ngày ngày vắt kiệt sức bà. Khi những người già sống bằng nghề buôn bán trong  chợ vơi dần, nhường chỗ cho những người trẻ tuổi có giọng nói rổm ran tới buôn bán, những nụ cười hồn hậu, giọng nói ấm áp, thỏ thẻ thay thế bằng những câu mời gọi xôn xáo, ỉ ôi, tôi và bà vẫn đến đó. Nhưng không còn hình ảnh một người bà lanh lẹ, tháo vát, chân đi thoăn thoắt khệ nệ mang giỏ xách mà thay vào đó là tôi, đứa cháu ngày trước vẫn lon ton theo sau bà giờ đã đủ lớn để cầm giỏ xách và dắt tay bà đi trong những phiên chợ. Tôi biết sự khôn lớn của tôi chính được đổi lấy bằng tuổi già của bà. 

Khi gia đình tôi khấm khá và bà đã già, bố mẹ tôi không muốn bà lặn lội đường xa đến chợ nữa nhưng bà vẫn muốn đi. Tôi biết cái chợ nhỏ này là nơi bà tìm thấy niềm vui cho tuổi già, nơi bà có thể dễ dàng chứng kiến sự đổi thay của cuộc sống. Tôi vẫn theo bà đến đó, bên bà trong những buổi chợ ồn ào, tấp nập người xe để cùng bà chia sẻ những câu chuyện về thời cuộc, giản dị hơn là những nổi buồn thẳm sâu, ngập tràn nơi khóe mắt mỗi khi kế bên, nơi chúng tôi ngồi, những người bạn già của bà lần lượt ra đi, nhường chỗ cho những người trẻ hừng hực, xông xáo tới buôn bán. Với một vài người, chợ là không gian sinh hoạt văn hóa. Còn với tôi cái chợ quê ấy nó mang dáng dấp của bà, của một miền kí ức thân thương nào đó mà tôi luôn cố cất giữ.

Rồi một ngày, tôi và bà không còn dắt tay nhau đến đó  nữa. Góc chợ ấy được xây dựng khan trang thành chợ lớn nhất phố huyện. Nó chợt trở nên xa lạ với tôi bởi không còn những người già như bà đến buôn bán. Chợ vẫn vui vẻ, người đông và nhiều hàng quán. Tôi rời xa phổ huyện, bước chân đến thành phố phồn hoa đi học rồi đi làm. Những góc chợ đi qua ngày một nhiều nhưng chưa bao giờ tôi thôi nhớ góc chợ xưa.

Hôm nay trở về, bước chân lẩn thẩn đưa tôi ghé ngang chợ. Mùa đông đã tới nhưng không khác gì mùa hè. Vẫn rộn rã tiếng cười nói dưới chợ. Vẫn nắng vàng phủ trên đầu.Và vẫn có những người muốn quay lại nơi đó. Cái nơi mà biết bao nhiêu âm thanh quen thuộc ngày xưa vẫn vang lên dù cứ ngỡ sẽ không bao giờ được nghe lại. Lạ thay, chỉ một góc nhỏ xíu của phố huyện thôi cũng đủ sức kéo một tâm hồn ở lại cả buổi chiều.

Góc nhỏ còn đó. Nhưng ngoại đã xa.

 

Đuổi bắt cánh chuồn chuồn…

 Không biết đã bao lần tôi ngồi thơ thẩn ngắm cánh chuồn chuồn chao liệng giữa không trung, lòng ao ước được như đôi cánh chuồn chuồn kia sống một cuộc đời rong chơi ngày ngày tháng tháng. Có biết bao điều trong thế giới ngoài kia mà tôi luôn khao khát. Nên mỗi cánh chuồn chuồn thôi cũng gợi nên biết bao ước muốn bâng quơ thời con trẻ.

“Chuồn chuồn bay thấp thì mưa/ Bay cao thì nắng/ Bay vừa thì râm”. Khúc hát ấy đã trở thành khúc hát ấu thơ mà đứa trẻ thôn quê nào cũng thuộc nằm lòng. Đó là những kinh nghiệm dân gian để dự đoán thời tiết mà ông bà ta đúc kết qua nhiều thế hệ. Ở một cánh đồng khô hạn nào đó, có lẽ bao người nông dân đang cần một cơn rào thấm đẫm đất đai cho mầm xanh tươi tốt. Ở một miền quê mục đất vì những trận mưa dầm, có lẽ người người đang trông đợi một ngày trời xanh hửng nắng.Cùng với việc mang đến những dự báo về thời tiết cho người nông dân có sự chuẩn bị trước kế hoạch sản xuất. Cánh chuồn chuồn còn mang theo những ước vọng rằng, rồi cơn mưa hiếm hoi sẽ về giữa nắng hè oi bức. Ngày nắng tươi sẽ đến sau những cơn mưa dài…

Với những đứa trẻ, con vật có cánh và bay cao bao giờ cũng khiến chúng nuôi lòng ham muốn. Trẻ nhỏ đứa nào cũng thích đuổi bắt chuồn chuồn. Chúng tìm đủ cách để bắt được những con chuồn chuồn đẹp nhất. Chuồn chuồn thì có nhiều loại, nào là chuồn kim, chuồn ớt, chuồn ngô,.. và đa dạng màu sắc như vàng,xanh, đỏ, tím. Trong đó, những con chuồn ớt có màu đỏ chót là những con chuồn chuồn đẹp nhất và thường bị đám trẻ con đuổi bắt nhiều nhất. Mỗi lần nhìn thấy một con chuồn ớt bay qua đám trẻ không giấu nỗi sự hào hứng. Chúng vừa đuổi bắt, vừa râm ran hát:  “Chuồn chuồn có cánh thì bay/ Có thằng cu Tý thò tay bắt mày”. Với những cậu con trai, luôn có sẵn đồ nghề để chúng bắt chuồn chuồn. Đó là một cành tre ngọn trúc đã tẩm sẵn nhựa mít. Chúng hăm hở vác cây sào ấy đi khắp nơi vợt chuồn chuồn quên cả trưa hè nắng nóng. Có những ngày tháng ấu thơ sôi động như thế- khi mùa chuồn chuồn từ đâu bay về chấp chới khắp hàng rào, bờ dậu.

Chuồn chuồn- chúng không hề có tổ. Khác với những loại côn trùng có cánh thường hay vẩn vơ nơi nhiều cây cỏ, chỉ riêng chuồn chuồn lại thích xé rào đong đưa ven bờ ao, mương rãnh. Chúng yêu nhau tự do giữa đất trời rồi về sinh sản nơi bờ mương nước cạn, sống bám víu trên bụi cây bụi cỏ, đạp nước đẻ trứng giữa trời. Ấu trùng chuồn chuồn lại có sức sống khiến bao người gạnh tị. Chúng chỉ cần có bốn tháng trên cạn để trưởng thành. Sau thời gian đó chúng biến đổi thành những chú chuồn chuồn với đủ màu sắc sặc sỡ mà bất kì đứa trẻ con nào cũng phải trầm trồ.

Có một điều làm nên sự cuốn hút của cánh chuồn chuồn trong mắt những đứa trẻ, là thế giới của chúng thật tuyệt vời với trời xanh cao rộng, những tầng mây yên ả. Ở đó gió vi vu thổi. Chúng sống những tháng ngày tự do. Một lúc nào đó, giữa năm tháng tuổi trẻ mệt nhòa vì bon chen cơm áo, ngắm nhìn một cách chuồn chuồn thong thả bay lượn giữa trời cao có lẽ là cách mỗi người tìm lại khoảng trời ấu thơ an nhiên, tự do tự tại thưở nào. Tìm lại những ngày mà ngay cả nỗi buồn cũng trong vắt, ta ngồi ngơ ngẩn ngắm chuồn chuồn chao nghiêng…

 Nếu bạn dành thời gian cho những con chuồn chuồn bạn sẽ thấy  chúng luôn tạo ra vòng tròn trên đường bay của mình. Và dù bay tới đâu, chúng luôn quay về tâm của vòng tròn trước đó, trước khi tạo thành một vòng tròn mới.  Chúng ta cũng vậy, chúng ta có những ước mơ thời thơ ấu và những ước mơ ấy luôn làm chúng ta nhớ mãi. Nó làm chúng ta khao khát muốn thực hiện. Nhưng đôi khi hiện thực cuộc sống đưa ta đi xa ước mơ thưở nào mà không thể quay đầu lại. Với những người mà ước mơ thời con trẻ vì lí do nào đó không thể thực hiện được, nó trở thành một nỗi day dứt khôn nguôi. Để rồi, mỗi khi bắt gặp một hình ảnh, một chi tiết nào đó rất đỗi thân thuộc đã nằm lòng trong trí nhớ, ta lại thấy lòng xao động, hối hả tìm lại ước mơ tuổi thơ năm nào.

Mỗi lần rời thành phố trở về, chạy xe chầm chậm trên con đường làng quen thuộc, mắt tôi luôn dõi nhìn bầu trời cao xanh, ngắm hàng rào tơ hồng phủ kín, cố tìm kiếm một cánh chuồn chuồn chao lượn. Những khi mệt mỏi tôi trở về giữa ruộng đồng bao la, nằm giữa rơm rạ ngắm trời xanh, nghe gió thổi và thả hồn theo những cánh chuồn chuồn mỏng manh đang chấp chới bay lượn. Tôi nhớ mình của một thời ấu thơ rong ruổi cùng chúng bạn tìm bắt những chú chuồn kim óng ánh. Những cánh chuồn chuồn kia nhắc tôi ước muốn về tự do, về ước mơ được cao bay xa của một thời con trẻ. Nhắc tôi rằng ước mơ năm xưa vẫn lơ lửng đâu đó chờ tôi thực hiện.

 Đuổi bắt cánh chuồn chuồn với tôi chính là đuổi bắt tự do, là đuổi bắt những ước mơ vẫn đau đáu trong tâm thức mỗi ngày. Còn bạn, bạn thấy gì trong những cánh chuồn chuồn kia?

                                                                                        TRẦN NGUYÊN HẠNH