Chuẩn bị gì khi con vào lớp 1 | Little People
Chuẩn bị cho con vào Tiểu học là băn khoăn của không ít gia đình vì Mầm Non do chưa có chỉ tiêu điểm số nên thường gắn liền với nhu cầu chăm sóc và phát triển trí não một cách chung chung trong giai đoạn đầu đời 0-6 tuổi. Thực tế, bậc học Mầm Non còn phải đảm bảo mục tiêu chuẩn bị nền tảng cho trẻ vào Tiểu học ngoài những nội dung vừa nêu.
Theo đó, hoàn tất chương trình Mầm Non 5 tuổi, trẻ cần đáp ứng đủ 120 chỉ số phát triển do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành để có thể sẵn sàng vào lớp Một. 120 chỉ số này được phân thành 28 chuẩn với các yêu cầu khá chi tiết trong từng lĩnh vực như Thể chất, Ngôn ngữ, Khả năng xã hội, Khả năng nhận thức… Một cách tổng quát, trẻ cần được chuẩn bị tốt ở những nội dung sau:
1. Kiến thức nền
Đa số các chương trình Mầm Non tiêu chuẩn đều chuẩn bị sẵn cho trẻ nền tảng để vào lớp 1. Nếu trẻ nhận diện được các chữ cái, viết được tên mình, hứng thú với sách, truyện, nhận diện được các chữ số, biết các hình khối cơ bản, so sánh được nhiều-ít, to-nhỏ, cao-thấp, có những hiểu biết ban đầu về thế giới xung quanh như thiên nhiên, động vật, môi trường tự nhiên, hiện tượng thiên nhiên… thì ba mẹ hoàn toàn có thể an tâm về khả năng học thuật khi con bước vào lớp 1.
Nhiều Phụ huynh vì áp lực mà cho trẻ học trước chương trình lớp Một, con chỉ mới vào lớp đã đọc thông viết thạo. Dù lợi ích của việc này là gia đình không bị đuối sức trong những tháng đầu tiên nhưng có thể khiến trẻ cảm thấy mệt mỏi, sợ hãi việc học hoặc ngược lại đâm ra chủ quan, tự tin thái quá dẫn đến sa sút trong những năm về sau. Định hướng đúng là để con phát triển theo độ tuổi và luôn khuyến khích, động viên con khi gặp khó khăn.
2. Kỹ năng mềm và khả năng tập trung
Quan trọng không kém kiến thức nền là các kỹ năng tự đi vệ sinh, thay quần áo, tự phục vụ bữa ăn và khả năng sắp xếp sách vở, dụng cụ học tập cũng như tập trung tốt trong thời gian ít nhất một tiết học kéo dài 30 phút. Khác với các giờ học Mầm Non được thiết kế theo mô hình chơi với các hoạt động tĩnh, động xen kẽ, phù hợp với khả năng tập trung ngắn thì Tiểu học đòi hỏi bạn nhỏ tập trung dài hơn để có thể tiếp thu bài học và hoàn thành các yêu cầu từ Giáo viên. Giai đoạn đầu khi con vào lớp 1, một số bạn có thể chọc phá bạn, nói chuyện trong giờ học hoặc chạy nhảy trong lớp.
Nguyên nhân do các con chưa quen với việc ngồi yên và tập trung quá lâu. Giải pháp không gì khác hơn là sự kiên nhẫn, thông cảm từ giáo viên, gia đình và sự chuẩn bị ngay từ năm con vào lớp Lá. Tại Little People, mục tiêu của nhà trường là hoàn tất các kỹ năng tự phục vụ vào cuối năm lớp Chồi để bắt đầu vào chương trình Lá, các bạn sẽ được giới thiệu một số kỹ năng học tập như làm việc nhóm, kỹ năng ngồi bàn, đặt tập sách để ngồi tô chữ, làm các bài tập Toán và một số hoạt động khác nhằm kéo dài khả năng tập trung.
3. Thái độ và các khả năng xã hội
Tự tin vào bản thân, không dễ dàng bỏ cuộc và sự động viên của cả gia đình và Giáo viên khi con gặp khó khăn là những điều cần thiết để vượt qua những thay đổi của năm đầu Tiểu học. Ngoài ra, các khả năng xã hội như giao tiếp tự tin với bạn bè, thầy cô, chủ động đặt câu hỏi, phát âm rõ ràng là những điều trẻ cần được trang bị ngay từ lớp Lá. Tuy nhiên, không phải bạn nhỏ nào cũng thể hiện tốt những điều này, vì vậy sự song hành của ba mẹ là cực kỳ quan trọng.
Khi con bắt đầu vào lớp Lá, ba mẹ hãy bắt đầu xem bạn là một cá thể trưởng thành, đủ để trải nghiệm những điều mới mẻ như các hoạt động xã hội, giao lưu với nhiều người hơn và tham gia vào các hoạt động thể thao, dã ngoại ngoài trời đòi hỏi sự nỗ lực, kiên trì và một chút thử thách để con học cách vượt qua. Trong mỗi tình huống, hãy để con chủ động suy nghĩ tìm giải pháp và cùng trò chuyện, hỏi đáp để giúp con mở rộng kiến thức xã hội và hình thành tư duy, khả năng giải quyết vấn đề.
Để đạt được ngưỡng phát triển này thì chương trình giáo dục tại các trường Mầm Non tiêu chuẩn thường được chia ra một số giai đoạn với mục tiêu đào tạo khác nhau. Tại Little People, các bạn nhỏ Nhà trẻ sẽ được chú trọng chăm sóc, phát triển trí não bằng kích thích giác quan, hình thành các tiêu chí vận động thô và vận động tinh. Lớp Mầm là giai đoạn con học hỏi các kỹ năng tự phục vụ, đặt nền tảng ban đầu cho sự phát triển toàn diện ở các mặt. Giai đoạn Chồi là thời điểm tiếp tục phát triển những nội dung chính của chương trình đào tạo để cuối Chồi, các bạn gần như sẵn sàng cho một giai đoạn mới – Lớp Lá với mục tiêu hoàn tất chương trình Mầm Non và sẵn sàng chuyển tiếp vào lớp 1.
Vì vậy, quan niệm trẻ Mầm Non chú trọng chăm sóc và chỉ cần lớp Lá học viết, học đọc, làm Toán sớm để sẵn sàng cho lớp Một là chưa đúng. Nếu tham khảo các bài khảo sát đầu vào ở một số chương trình Tiểu học hiện đại, ba mẹ sẽ thấy chữ viết và Toán chưa phải là tiêu chí hàng đầu. Thay vào đó, trẻ cần một nền tảng phát triển toàn diện ở các mặt để có thể thành công ở năm đầu tiên chuyển đổi vào Tiểu học. Thời gian đầu có thể sẽ khó khăn nhưng mọi chuyện dần dần sẽ ổn, chỉ cần qua khỏi Học kỳ 1 là đa số các tân binh đều có thể đọc viết thông thạo và bắt nhịp với chương trình Tiểu học, ba mẹ đừng lo nhé!