Chú trọng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực
Trình độ, kỹ năng lao động còn hạn chế
Báo cáo về tình hình thị trường lao động những năm gần đây của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) cho thấy, sau hơn 35 năm đổi mới, thị trường lao động Việt Nam đã có những bước tiến dài đáng kể trên con đường phát triển, đổi mới và hội nhập.
Hệ thống pháp luật được hoàn thiện tương đối đồng bộ và toàn diện; nguồn cung cho thị trường lao động không ngừng gia tăng về số lượng và cải thiện về chất lượng; cầu lao động cũng tăng về số lượng và cải thiện về chất lượng theo hướng hiện đại và bền vững…Mặc dù như vậy song thị trường lao động Việt Nam vẫn còn bộc lộ một số hạn chế như: Trên bình diện cả nước, cung lao động còn nhiều bất cập, hạn chế, chưa đáp ứng cho cầu lao động của một thị trường lao động hiện đại, linh hoạt, bền vững và hội nhập.
Thí sinh tranh tài tại Kỳ thi kỹ năng nghề đợt II lần thứ 12 năm 2022 do Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội) phối hợp với Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tổ chức.
Về cầu lao động của nền kinh tế cũng chưa đủ ‘hiện đại’, chưa có đủ việc làm bền vững để đáp ứng nhu cầu việc làm phù hợp với nguyện vọng của người lao động. Điều đáng nói, trình độ và kỹ năng của lực lượng lao động mặc dù được cải thiện trong thời gian qua, song vẫn còn thấp so với yêu cầu của thị trường lao động và so với các nước trên thế giới, tiếp tục là điểm nghẽn cho phát triển việc làm chất lượng và năng suất.
Phát biểu tại Hội nghị về phát triển thị trường lao động do Văn phòng Chính phủ và Bộ LĐTBXH tổ chức mới đây, Bộ trưởng Bộ LĐTBXH Đào Ngọc Dung cho biết, trong so sánh quốc tế, xếp hạng trụ cột kỹ năng và chỉ số chất lượng đào tạo nghề nghiệp của Việt Nam thuộc nhóm cuối của ASEAN. “Nhìn chung, trình độ tay nghề, kỹ năng của lực lượng lao động Việt Nam còn hạn chế, đặc biệt thiếu kỹ năng mềm.
Việt Nam hiện thiếu đội ngũ cán bộ lãnh đạo quản lý giỏi, chuyên gia và quản lý doanh nghiệp giỏi, lao động lành nghề cho các ngành kinh tế mũi nhọn, các vùng kinh tế động lực, trọng điểm. Đội ngũ nhân lực khoa học và công nghệ còn thiếu và yếu. Những hạn chế này đã cản trở sự đóng góp của nguồn nhân lực cho tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững. Đặc biệt, trình độ lao động thấp thì sẽ rất khó dịch chuyển sang các ngành nghề, công đoạn có giá trị gia tăng cao để tăng năng suất lao động và bắt kịp với các quốc gia trongkhu vực và trên thế giới”- Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh.
Cũng tại hội nghị này, đánh giá về chất lượng nguồn nhân lực của Việt Nam, ông Nguyễn Xuân Sơn đại diện Manpower tại Việt Nam cho biết, theo một khảo sát của Manpower, ở Việt Nam, tỷ lệ lao động có kỹ năng tay nghề chỉ chiếm 11%, con số này cho thấy kỹ năng chuyên môn của người lao động còn thấp, chưa đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp nhất là trong bối cảnh hội nhập, đòi hỏi về kỹ năng tay nghề của lao động ngày càng cao.
Ngoài kỹ năng nghề, lao động Việt Nam còn yếu về ngoại ngữ, tỷ lệ lao động sử dụng được tiếng Anh chỉ chiếm 5%. Điều này dẫn đến sức cạnh tranh của lực lượng lao động Việt Nam còn hạn chế. Lao động Việt Nam gặp khá nhiều hạn chế khi các doanh nghiệp đưa công nghệ mới vào sản xuất, khả năng thích nghi và đáp ứng của lao động còn thấp.
Đại diện Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cũng cung cấp thông tin, theo báocáo về cạnh tranh toàn cầu cho thấy, hiện tại, Việt Nam đứng thứ 116/141 nước về kỹ năng của học sinh tốt nghiệp, thấp hơn nhiều so với một số nước, trong khi ở Singapore đứng thứ 79. Trong bảng điều tra về lao động Việt Nam năm 2020, tỉ lệ lao động tốt nghiệp đại học và cao học ở Việt Nam khoảng 26,8%, thấp hơn con số 51,3% của các nước thu nhập trung bình.
Về kỹ năng, 17% lao động Việt Nam có bằng đại học và trên đại học, phần còn lại trung bình lao động được đào tạo trong vòng 8 năm.Việc làm và nhu cầu việc làm đang thay đổi nhanh chóng. Điều tra việc làm Việt Nam 2020 cho thấy, việc làm đơn giản ngày càng giảm và việc làm trong thời kỳ mới đòi hỏi phải có nhiều kỹ năng cao và chuyên sâu hơn.
Tạo các bước đột phá
Từ thực trạng nói trên, trao đổi tại Hội nghị “Phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, bền vững và hội nhập” nhiều chuyên gia đã “hiến kế” để tiếp tục nâng cao trình độ, kỹ năng cho người lao động, giúp tháo gỡ điểm nghẽn, phát triển thị trường lao động Việt Nam, TS Juergen Hartwig- Đại diện Tổ chức Hợp tác phát triển Đức (GIZ) khuyến nghị, để đạt được một hệ thống đào tạo phù hợp Việt Nam cần tiếp tục đầu tư vào các trường đại học chất lượng cao phù hợp chuẩn mực quốc tế phục vụ yêu cầu của công nghiệp 4.0, chuyển đổi số và chuyển đổi xanh trong ngành công nghiệp; tăng cường hợp tác với doanh nghiệp thông qua các hội đồng kỹ năng tại các cấp khác nhau và có cách tiếp cận toàn quốc về huấn luyện toàn diện; cung cấp học bổng và giảm học phí cho các nhóm dễ bị tổn thương và tăng cường các chương trình đào tạo, đào tạo lại và tăng cường chuyên môn để đạt được chỉ tiêu 35-40% người lao động có kỹ năng đến năm 2030; tạo điều kiện cho những người tốt nghiệp trung cấp và tốt nghiệp THPT được theo học trình độ cao đẳng thông qua mô hình 9+ (lồng ghép nội dung giáo dục phổ thông vào chương trình cao đẳng).
Ông Nguyễn Xuân Sơn, đại diện Manpower tại Việt Nam góp ý, các cơ sở giáo dục đào tạo cần cải tiến một số chương trình, cần có sự kết nối gần giữa doanh nghiệp với các cơ sở đạo tạo để tạo đầu ra cho sinh viên, kết nối sinh viên với doanh nghiệp ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Cùng đó, doanh nghiệp cần có kế hoạch, chương trình cải thiện tính linh hoạt khi làm việc từ xa của lao động.
Thêm nữa, nếu trước kia lương là yếu tố quan trọng hàng đầu để thu hút lao động thì hiện tại cần nhiều yếu tố để “giữ chân” lao động như chế độ đãi ngộ, môi trường làm việc, cơ hội phát triển kỹ năng và nhiều chính sách linh hoạt khác.
Còn đại diện Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam thì cho rằng, để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, Việt Nam cần cải thiện hệ thống lao động để số lượng lao động tốt nghiệp cao học cao hơn, đáp ứng yêu cầu của người tuyển dụng lao động. Bên cạnh đó, tăng cường chất lượng lao động để họ có đóng góp nhiều hơn cho xã hội; đào tạo lao động có những kỹ năng mới như kỹ năng số, kỹ năng xã hội, kỹ năng học tập chất lượng cao và kỹ năng xanh…. Ngoài ra, cần tăng cường mối quan hệ liên kết với các doanh nghiệp trong thiết kế các chương trình đào tạo để đáp ứng nhu cầu của nhà tuyển dụng lao động.
Bộ trưởng Bộ LĐTBXH Đào Ngọc Dung cũng đề xuất nhiều giải pháp để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Việt Nam thời gian tới. Trong đó, Bộ trưởng cho rằng cần rà soát, đánh giá, sắp xếp tổ chức, đầu tư nâng cao năng lực của hệ thống đào tạo, giáo dục nghề nghiệp, nhất là đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; xây dựng, đề xuất mô hình liên kết vùng, xây dựng các trung tâm đào tạo vùng, trung tâm đào tạo quốc gia theo vùng kinh tế trọng điểm; đẩy mạnh đao tạo, đào tạo lại, đào tạo bổ sung, đào tạo tại doanh nghiệp để thu hút lao động tại chỗ nhằm giải quyết triệt để vấn đề thiếu hụt nhân lực cục bộ, vấn đề đứt gẫy lao động phục vụ phục hồi kinh tế nhanh và bền vững; tăng nhanh quy mô tuyển sinh đào tạo nghề để khắc phục tình trạng thiếu hụt nhân lực có kỹ năng nghề cho phục hồi kinh tế – xã hội./.