Chú trọng giảm sử dụng nhiên liệu hóa thạch

Điện áp mái là một trong những giải pháp năng lượng tái tạo Điện áp mái là một trong những giải pháp năng lượng tái tạo

Lạm dụng nhiên liệu hóa thạch gây tổn thất 8 tỷ USD mỗi ngày

Có nhiều nguyên nhân gây biến đổi khí hậu toàn cầu, trong đó có nguyên nhân do tự nhiên (đúng vào chu kỳ nhiệt độ tăng của Trái đất) và nguyên nhân do con người, trong đó nguyên nhân chủ yếu là do con người đã sử dụng quá mức các loại nhiên liệu hóa thạch như than đá, dầu mỏ, khí đốt phát thải khí ra CO2 hoặc phá hủy các bể hấp thụ khí CO2 từ khí quyển (mất rừng, thảm thực vật) làm gia tăng hiệu ứng nhà kính khí quyển.

Theo PGS.TS Nguyễn Cảnh Nam, Hội đồng Phản biện Tạp chí Năng lượng Việt Nam, trong năm 2019, tổng mức phát thải CO2 trên toàn thế giới là 34.169 triệu tấn, tăng 0,5% so với năm 2018, xấp xỉ ½ mức tăng bình quân giai đoạn 2008 – 2018 (1,1%/năm).

Về quy mô phát thải CO2 thì lớn nhất là châu Á – TBD chiếm 50,5%, tiếp theo lần lượt là: Bắc Mỹ 17,5%, châu Âu 12,0%, Trung Đông 6,3%, CIS 6,1%, châu Phi 3,8%, Nam và Trung Mỹ 3,7%.

Nhu cầu bức thiết về năng lượng chính là nguyên nhân dẫn đến tăng phát thải, vượt quá cả tốc độ loại bỏ carbon của hệ thống năng lượng. Trung Quốc và Ấn Độ là 2 nước phát thải từ than nhiều nhất, Mỹ là nước có mức phát thải từ than giảm xuống nhiều nhất nhờ đóng cửa hơn 250 nhà máy điện than kể từ năm 2010 và dự kiến sẽ ngừng hoàn toàn các nhà máy còn lại trong vòng 5 năm tới.

Tại Việt Nam, năm 2019, Việt Nam có tổng phát thải CO2 là 285,9 triệu tấn, chiếm 0,8% tổng phát thải CO2 của thế giới và mức phát thải bình quân đầu người là 2,96 tấn/người, chỉ bằng 66,8% bình quân của thế giới và rất thấp so với nhiều nước trên thế giới và trong khu vực (bằng 65,2% của Thái Lan, 23,7% của Hàn Quốc, 7,8% của Sigapore, 35,0% của Malaysia, 33,4% của Nhật Bản, 42,1% của Trung Quốc, 17,4% của Úc…).

Chuyên gia chỉ ra rằng: Vấn đề của Việt Nam là ở chỗ tốc độ phát thải CO2 rất cao so với tốc độ tiêu dùng năng lượng và cơ cấu tiêu dùng năng lượng của Việt Nam đang thiên về loại năng lượng có mức phát thải cao.

Nghiên cứu của tổ chức môi trường toàn cầu Greenpeace Southeast Asia, có trụ sở tại Jakarta (Indonesia), cho thấy ô nhiễm không khí toàn cầu từ việc đốt nhiên liệu hóa thạch sẽ gây tổn thất 8 tỉ USD mỗi ngày, nhiều hơn 3% giá trị hàng hóa và dịch vụ được sản xuất ra hàng ngày. Nghiên cứu này cũng chỉ ra phí tổn về mặt kinh tế từ việc đốt nhiên liệu hóa thạch và gây ô nhiễm không khí là khoảng 2.900 tỉ USD/năm, tương đương 3,3% GDP toàn cầu.

Cắt giảm phát thải CO2 bằng năng lượng tái tạo

Việc cắt giảm phát thải CO2 về bản chất là giảm sử dụng nhiên liệu hóa thạch bằng các giải pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả, phát triển năng lượng mới, năng lượng tái tạo, thay đổi công nghệ mới hiệu suất cao, thu giữ và lưu trữ các-bon hoặc tăng cường việc hấp thụ CO2 thông qua việc trồng rừng.

Trong đó, các chuyên gia cho rằng: Điện là nguồn năng lượng của tương lai. Nếu được sản xuất bằng năng lượng tái tạo mà không phát ra khí thải nhà kính, sử dụng điện sẽ hiệu quả hơn nhiên liệu hóa thạch và mang lại lợi nhuận kinh tế. Ngoài bảo vệ môi trường do được sản xuất bằng các nguồn nhiên liệu xanh, điện còn có ưu điểm đặc biệt vì tính hiệu quả cao gấp từ 3 đến 5 lần so với công nghệ sử dụng nhiên liệu hóa thạch. Một “điểm cộng” khác là điện có thể được sử dụng trong tất cả các lĩnh vực của nền kinh tế như công nghiệp, sưởi ấm, điều hòa không khí, giao thông, chiếu sáng… Điện cũng được dùng trong sản xuất hydro “xanh”, nhiên liệu tương lai cho ngành vận tải, công nghiệp nặng và có thể là hàng không.

Theo thống kê, có khoảng 16% lượng tiêu thụ điện toàn cầu từ các nguồn năng lượng tái tạo, với 10% trong tất cả năng lượng từ sinh khối truyền thống, chủ yếu được dùng để cung cấp nhiệt, và 3,4% từ thủy điện. Các nguồn năng lượng tái tạo mới (small hydro, sinh khối hiện đại, gió, mặt trời, địa nhiệt, và nhiên liệu sinh học) chiếm thêm 3% và đang phát triển nhanh chóng.

Ở cấp quốc gia, có ít nhất 30 quốc gia trên thế giới đã sử dụng năng lượng tái tạo và cung cấp hơn 20% nhu cầu năng lượng của họ. Các thị trường năng lượng tái tạo cấp quốc gia được dự đoán tiếp tục tăng trưởng mạnh trong thập kỷ tới và sau đó nữa. Ví dụ như, năng lượng gió đang phát triển với tốc độ 30% mỗi năm, công suất lắp đặt trên toàn cầu là 282.482 (MW) đến cuối năm 2012.

Tại Việt Nam, quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011-2020, tầm nhìn năm 2030, tính toán tổng công suất phát triển điện mặt trời đến năm 2025 khoảng 14.450 MW và năm 2030 khoảng 20.050 MW.

Hiện, Việt Nam đã có 82 dự án điện mặt trời với tổng công suất 4.460 MW đã hòa vào lưới điện quốc gia, chiếm khoảng 8,28% tổng sản lượng điện cả nước. Ngoài ra, còn có khoảng 13 dự án đang được hoàn thành với tổng công suất 630 MW, dự kiến sẽ được đưa vào hoạt động trong thời gian tới.

Theo Quy hoạch ngành điện than Việt Nam tầm nhìn đến năm 2030, Việt Nam cần khoảng 269.003 tỷ đồng, bình quân là 17.934 tỷ đồng/năm (từ ngân sách, vốn vay ưu đãi, cổ phần hóa, trái phiếu…) vào việc khai thác các mỏ để tăng sản lượng than phục vụ chủ yếu cho nhiệt điện và 1 phần xuất khẩu. Nghị quyết 55 của Chính phủ sẽ phát huy tác dụng nếu điều hòa dòng tiền thông minh từ năng lượng hóa thạch sang năng lượng tái tạo.

Mặc dù đã đạt được những kết quả tích cực tuy nhiên việc phát triển Năng lượng tái tạo (NLTT), nhất là điện gió, điện mặt trời, trong đó có điện mặt trời mái nhà vẫn còn một số hạn chế nhất định và chưa tương xứng với tiềm năng to lớn, đặc biệt ở khu vực miền Trung và miền Nam.

Cụ thể như hạ tầng lưới điện truyền tải đã không theo kịp tiến độ của các dự án NLTT, dẫn đến các dự án điện gió, điện mặt trời quy mô nối lưới ở một số địa phương như Ninh Thuận, Bình Thuận đã không giải toả hết 100% công suất ở một số thời điểm nhất định.

Đối với điện mặt trời mái nhà, dù rất tiềm năng và dễ làm nhưng cũng chưa đạt được như kỳ vọng vì chi phí đầu tư ban đầu còn khá cao, chưa có sự tham gia, hỗ trợ mạnh mẽ từ các tổ chức tài chính; Thị trường sản phẩm, dịch vụ điện mặt trời khá đa dạng nhưng chưa có tiêu chuẩn kỹ thuật cụ thể gây khó khăn cho người dân, doanh nghiệp mong muốn đầu tư.

Báo cáo của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho thấy, năm 2020 vẫn cơ bản có thể đảm bảo nhu cầu điện, song từ năm 2021 trở đi, nguy cơ thiếu điện đang trở nên hiện hữu. Thậm chí tình trạng thiếu điện miền Nam có thể tăng cao hơn và kéo dài ra cả giai đoạn đến năm 2025 nếu như phụ tải tăng trưởng cao, lượng về các hồ thủy điện kém hơn trung bình nhiều năm; nguồn khí Lô B, khí Cá Voi Xanh chậm tiến độ và các dự án nguồn điện mới tiếp tục bị chậm tiến độ so với cập nhật hiện nay.

Lo ngại hơn, nhiều dự án nguồn điện theo quy hoạch điện VII điều chỉnh đang bị chậm tiến độ, hoặc chưa xác định được tiến độ còn rất lớn. Điều này dẫn đến nguy cơ Việt Nam sẽ bị thiếu điện trong tương lai gần.

Trong bối cảnh nguồn thủy điện lớn đã khai thác hết, các nguồn điện lớn khác cũng cần nhiều thời gian để hoàn thành, vì vậy trước yêu cầu phụ tải tiếp tục tăng nhanh, thì nguồn điện năng lượng tái tạo càng có ý nghĩa quan trọng về mặt đảm bảo cung cấp điện…

Tuy vậy, khi phát triển mạnh năng lượng tái tạo, cũng phải đối mặt thách thức lớn. Cụ thể hơn theo tiến sỹ Nguyễn Mạnh Hiến, Chủ tịch Hội đồng khoa học, Hiệp hội Năng lượng sạch, để thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo, cần có cơ chế chính sách ưu tiên về giá điện, lãi suất vốn vay đối với các dự án điện từ nguồn nguyên liệu sinh khối vì có chi phí đầu tư thấp, hệ số công suất cao.

Đối với điện gió cần đẩy mạnh phát triển các dự án ngoài khơi, nơi có tốc độ gió cao và ổn định nên có thể nhận được công suất và sản lượng cao, giá thành hạ, trong khi với điện Mặt Trời, Nhà nước cần quan tâm khuyến khích phát triển các dự án điện mặt trời áp mái vì có thể huy động được nguồn lực của cộng đồng dân cư, các doanh nghiệp và tư nhân, lại không cần phải đầu tư lưới điện đấu nối.

Theo ông Đỗ Đức Quân, Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Bộ Công Thương, ngày 11/2/2020 Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 55-NQ/TW về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó đặt ra mục tiêu phát triển năng lượng tái tạo (NLTT) trong tổng cung năng lượng sơ cấp đạt khoảng 15-20% vào năm 2030 và 25-30% vào năm 2045.

Bộ Công thương đã tham mưu trình Chính phủ ban hành các cơ chế khuyến khích phát triển điện gió, điện sinh khối, phát điện từ chất thải rắn và điện mặt trời.

Theo đó, áp dụng giá mua ưu đãi cố định trong 20 năm (điện gió trên bờ: 8,5 US cent/kWh, điện gió ngoài khơi 9,8 US cent/kWh áp dụng cho các dự án có ngày vận hành thương mại trước ngày 1/11/202, điện sinh khối công nghệ đồng phát nhiệt điện: 7,03 US cent/kWh, điện sinh khối khác: 8,47 US cent/kWh; công nghệ đốt rác phát điện: 10,05 US cent/kWh, điện mặt trời 9,35 US cent/kWh áp dụng cho các dự án có ngày vận hành thương mại trước 1/7/2019) và 7,09 US cent/kWh điện mặt trời mặt đất, 7,69 US cent/kWh điện mặt trời nổi, 8,38 US cent/kWh điện mặt trời mái nhà áp dụng cho các dự án điện mặt trời vào vận hành trong giai đoạn từ 1/7/2019 đến 31/12/2020.

Cùng với đó là ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế nhập khẩu, thuế VAT, thuế sử dụng đất ở mức cao nhất theo quy định hiện hành.

Ông Quân chia sẻ, trong thời gian tới theo kinh nghiệm của các nước phát triển trong lĩnh vực NLTT, để có thể phát triển NLTT mạnh mẽ, bền vững, cần tập trung vào các nội dung chính là: Chính sách, hạ tầng truyền tải và điều độ vận hành hệ thống điện.

Theo ông Nguyễn Văn Vy, Phó Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, khi nền kinh tế tiếp tục mở rộng, nhu cầu nguồn năng lượng sơ cấp của Việt Nam dự kiến ​​sẽ tăng bình quân 4,6%/năm, từ 105 MTOE (triệu tấn dầu tương đương) năm 2020 lên 321 MTOE vào năm 2045. Chủ yếu là nhu cầu than và khí đốt tronglĩnh vực phát điện và các sản phẩm dầu trong ngành giao thông vận tải.

Dẫn ra số liệu trong gần mười năm qua, sản lượng điện sản xuất đã tăng hơn 2,3 lần, từ 101,4 tỷ kWh vào năm 2010 lên gần 235 tỷ kWh vào năm 2019, Phó Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam cho biết, sản lượng điện của Việt Nam được dự báo sẽ tiếp tục tăng nhanh, với tốc độ trung bình là 5,6%/năm, từ 245 tỷ kWh năm 2020 lên 950 tỷ kWh vào năm 2045.

Mặc dù tỉ lệ sử dụng nhiên liệu hóa thạch trong sản xuất điện dự báo giảm nhưng các nguồn nhiên liệu hóa thạch (than và khí đốt) vẫn chiếm tỉ trọng lớn. Điều này sẽ gây áp lực lớn lên nguồn tài nguyên thiên nhiên đang cạn kiệt, nhu cầu nhập khẩu nhiên liệu cho sản xuất điện ngày càng tăng sẽ ảnh hưởng lớn đến biến đổi khí hậu và an ninh năng lượng. Do đó, việc phát triển NLTT cần được quan tâm để phát triển nhanh trong thời gian tới; trong đó tập trung vào lĩnh vực điện gió và điện mặt trời. Chúng ta có thể phát triển đa dạng các loại hình thúc đẩy NLTT, ngoài các dự án lớn cần phát triển cả NLTT từ mỗi gia đình (ví dụ: điện áp mái), doanh nghiệp…

* “Đây là bài viết tuyên truyền bảo vệ môi trường của Bộ Thông tin và Truyền thông năm 2020”