Chủ tịch Trần Duy Hưng qua lời kể của con trai út

TP – Vận bộ quần áo nâu, vừa quyệt những giọt mồ hôi lấm tấm, ông Trần Chiến Thắng, con út cố Chủ tịch thành phố Hà Nội Trần Duy Hưng nói, ông vừa về quê thắp hương cho cụ.

Ngôi nhà trên con phố Âu Cơ chẳng có gì đặc biệt. Mấy ngày này vừa là dịp 10/10 và cũng gần ngày giỗ cụ, nên anh em bạn bè, những người yêu quý cụ vẫn ghé qua thắp nén tâm hương.

Chủ tịch Trần Duy Hưng qua lời kể của con trai út ảnh 1

Ủy ban Quân chính Hà Nội do Thiếu tướng Vương Thừa Vũ (người đội mũ) và bác sỹ Trần Duy Hưng (người đeo kính) đứng đầu đón Bác Hồ tại Bắc Bộ phủ (1/1955)

Những khoảnh khắc vô giá…

Khuôn mặt trầm lắng suy tư, ông Thắng lần giở những bức ảnh quý mà ông đã cất công sưu tầm, rồi lưu giữ coi như kỷ vật vô giá về người cha đáng kính. Thi thoảng ông lại dừng ở những bức ảnh quý và chú giải cho chúng tôi: Bức ảnh chụp tại Bắc Bộ Phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng bác sĩ Trần Duy Hưng tiếp các đại biểu nhân dân Hà Nội sau Ngày giải phóng Thủ đô (16/10/1954); Hình ảnh bác sĩ Trần Duy Hưng, Phó Chủ tịch Ủy ban Quân quản thành phố vẫy chào nhân dân trong ngày giải phóng Thủ đô 10/10/1954. 

Chúng tôi vô cùng ấn tượng về những bức ảnh mà bác sĩ Trần Duy Hưng và Chủ tịch Hồ Chí Minh chụp chung. Ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm nhà bác sỹ sau cuộc họp tại Chiến khu, Người cúi xuống trìu mến như muốn nhắn nhủ điều gì với hai người con của bác sỹ. Rồi, còn đấy hai ứng cử viên quan trọng tham gia tiếp xúc cử tri Hà Nội trong kỳ bầu cử Đại biểu Quốc hội Khóa I- 1946. Ông Thắng cho hay, trong số những bức ảnh quý, ông rất trân trọng những bức ảnh cha ông chụp chung với Đại tướng Võ Nguyễn Giáp, với cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng… Trong đó có bức ảnh chụp các thành viên Chính phủ sau lễ trao quân hàm Đại tướng cho Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp năm 1948 tại Tuyên Quang. Hay bức ảnh chụp Lễ thành hôn của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng mà bác sỹ Trần Duy Hưng là chủ hôn…

Lội ruộng cùng dân

Mãi sau ngày Giải phóng Thủ đô, ông Thắng, người con út và cũng được sống bên cha mình nhiều hơn các anh, chị mới cảm nhận được nhiều về cha, về tình yêu ông dành cho các con và cho những người dân Hà Nội. “Mùa hè, cha tôi thường vận áo sơ mi ngắn tay và quần soóc để tới nhiệm sở. Nhiều lần đi cùng ông tới thăm bà con nông dân, tôi mới biết ông giữ lối ăn mặc như thế bởi ông sẵn sàng lội đồng cùng bà con nông dân” – ông Thắng chia sẻ.   

Điều nổi bật mà ông Thắng nhìn thấy ở cha mình là lối sống giản dị. Tất cả các công văn, diễn văn, thư từ, điện tín đều do đích thân vị Chủ tịch soạn thảo rồi đọc đi đọc lại nhiều lần cho thật trôi chảy. Ngày thường, nếu không quá bận, ai cần cũng có thể gặp được cụ. Cụ có một cuốn sổ ghi lại hầu hết những cuộc gặp gỡ với từng người dân và nguyện vọng của họ với ký hiệu đánh dấu các trường hợp đã hoặc chưa giải quyết. Thông thạo cả tiếng Anh, tiếng Pháp và tiếng Trung nên trong các sự kiện ngoại giao, người ta thấy vị Chủ tịch thành phố không cần đến phiên dịch. Ông đón khách với tâm thế như đón những người thân trong nhà. 

“Trừ những lúc đi công tác xa hay tham dự các sự kiện nghi lễ, ngoại giao, còn lại cụ tự lái xe đi khắp nơi giải quyết công việc, kiểm tra công tác phòng, chống lụt bão, hộ đê, thăm hỏi chiến sĩ… Cha tôi thích tự làm mọi thứ, không muốn nhờ ai, làm phiền ai”, ông Thắng nói. 

Những ngày Hà Nội bị máy bay Mỹ ném bom, ông Chủ tịch thành phố tự lái xe đến tất cả những nơi bị đánh phá, nhiều lần ông trực tiếp giúp các y tá, bác sĩ băng bó cho những người bị thương. Ông trực tự tay nhặt từng bộ phận thi thể của các nạn nhân trong những trận bom Mỹ… Nhiều người dù bị thương đã không cầm được nước mắt trước tấm lòng của vị Chủ tịch. Khi bom Mỹ đánh trúng một góc tòa Đại sứ quán Pháp, dứt tiếng máy bay, cụ đã có mặt để thăm hỏi, chia sẻ khi các nhân viên ngoại giao vẫn còn ở dưới hầm trú ẩn. “Cha tôi nói, nhiều người khác có thể làm điều đó, nhưng nhìn cha làm, người dân sẽ bớt bị hoảng loạn vì ông Chủ tịch thành phố đang ở đây, cùng chúng ta. Vào lúc cùng cực nhất, người dân cần nhìn thấy người lãnh đạo ở bên cạnh mình”, ông Thắng cảm nhận được trái tim giàu tình yêu thương của cha mình. 

Chủ tịch Trần Duy Hưng qua lời kể của con trai út ảnh 2

Bác sỹ Trần Duy Hưng, Phó Chủ tịch Ủy ban Quân quản thành phố vẫy chào nhân dân trong ngày giải phóng Thủ đô 10/10/1954

Gia tài cho con là… phong cách sống

Khi được hỏi “Là con của vị chủ tịch thành phố Hà Nội công tác lâu năm nhất, các con ông có được thừa hưởng gia tài gì? Có được ưu ái gì trong học tập và công tác?” Ông Thắng trầm ngâm rồi trả lời: “ Tài sản lớn nhất mà cha tôi để lại cho chúng tôi phong cách sống – phong cách Trần Duy Hưng”. 

Ông Thắng nhớ lại, khi đất nước còn khó khăn, ông và tất cả anh chị em cũng tất tả sơ tán, bôn ba như bất kì người dân nào khác. Ngày 10/10/1954, trong khi cha về trước để tiếp quản Thủ đô, ông và mọi người trong gia đình đi thuyền xuôi dòng sông Hồng để về Hà Nội. Khi trưởng thành, tất cả các anh chị em ông đều theo chuyên môn của mình mà phấn đấu. Người con gái duy nhất của bác sỹ khi tốt nghiệp sư phạm, được cha dặn, không nên dạy học ở nội thành mà ra ngoại thành, đến với những vùng quê nghèo khó dạy chữ. Những người con của bác sỹ Trần Duy Hưng đều làm chuyên môn như kỹ sư địa chất Trần Quốc Ân, nhà giáo Trần Ánh Tuyết, đạo diễn điện ảnh Trần Duy Nghĩa. 

Trong số bảy người con của cụ có Trần Thắng Lợi và Trần Chiến Thắng viết đơn tình nguyện nhập ngũ. Nếu ông Lợi là lính không quân thì năm 1972, ông Thắng là một trong những thanh niên Hà Nội vào thẳng chiến trường Quảng Trị khốc liệt, biết gian khổ và có thể hy sinh, nhưng vị Chủ tịch luôn động viên các con lên đường… May mắn, ông Thắng chỉ bị thương! 

Sau Lễ Quốc khánh 2/9/1945 ít ngày, Bác Hồ đã tìm đến tư gia của bác sĩ Trần Duy Hưng và đề nghị ông làm Thị trưởng TP Hà Nội khi ông mới 33 tuổi. Kháng chiến toàn quốc bùng nổ, bác sĩ Trần Duy Hưng được giao trọng trách Thứ trưởng Bộ Nội vụ trong suốt 9 năm trường kỳ kháng chiến và đến năm 1954 là Thứ trưởng Bộ Y tế. Tháng 10/1954, ông được cử giữ chức Phó Chủ tịch Ủy ban Quân chính Hà Nội dẫn đầu đại quân tiếp quản Thủ đô và ngay sau đó được bầu lại chức Chủ tịch Ủy ban Hành chính Thủ đô và sau đó là UBND TP cho đến năm 1977.

Nói đến những ký ức về cha, ông Trần Chiến Thắng cho biết, cha ông luôn giữ lối sống giản dị và khiêm nhường, luôn quan tâm tới mọi người trong nhà. Mỗi sáng, cụ đều thức dậy trước tiên pha cà phê, nướng bánh mì. Ly đầu ông dành cho vợ, rồi đến con và nước thứ ba ông mới dùng. “Dường như cha tôi muốn bù đắp cho người vợ rất mực yêu thương, đã thay ông nuôi dưỡng đàn con thơ dại nên người”- ông Thắng nói. Trước khi đi làm bao giờ cụ cũng chào vợ, các con, các cháu. Kể đến đây, bà Hằng vợ ông Thắng, góp lời: “Ông thương các con, các cháu lắm và luôn căn dặn các con phải giữ gia phong”. Bà Hằng ấn tượng với bố chồng khi ông gọi con dâu căn dặn: “Con đừng gọi các cháu là nó, là thằng ”. Chị nhớ có lần gọi “anh Thắng xuống ăn cơm”, nhưng tiếng “anh” bé quá ông cụ nhắc, con không nên gọi chồng như thế. Hôm sau, chị thật bất ngờ, cụ đã xin lỗi con dâu vì chuyện nghe chưa rõ… 

Ông Thắng kể rằng, ông cụ đặc biệt không ưa tiệc tùng. Vì thế, mỗi lần đi công tác xa, ông đều ăn cơm cùng với bà con nông dân, vừa ăn những món ăn dân dã và trò chuyện, chia sẻ với họ. Mỗi bữa, cha tôi chỉ ăn lưng bát cơm. Ông thích ăn rau muống luộc chấm tương. 

Đọc sách, chơi nhạc là những việc ông truyền cảm hứng cho những đứa con. Ông yêu âm nhạc, hội họa, thi ca và đọc sách. Trong ngôi nhà tại 11 Lê Phụng Hiểu, thi thoảng người ta lại nghe tiếng nhạc Violon réo rắt mà ông Thị trưởng tự tay chơi và khán giả là vợ con và những người bạn thân thiết… 

Ngôi nhà ấy, là nơi lui tới của nhiều trí thức, văn nghệ sĩ như Đặng Thai Mai, nhạc sĩ Văn Cao, nhạc sĩ Đoàn Chuẩn… Bạn bè văn nghệ sĩ tới chơi, ông Chủ tịch thành phố cũng chỉ có ấm trà tiếp khách. Đặc biệt, ngôi nhà này đã nhiều lần đón tiếp vị khách đặc biệt- Chủ tịch Hồ Chí Minh. Giữa Bác Hồ và vị bác sỹ gần như không còn khoảng cách, mà đó là câu chuyện của những người thân trong gia đình. “Mỗi khi Bác Hồ tới chơi, chúng tôi đều được Bác phát kẹo. Bác nhắc bố tôi, chú mời cô, các cháu ra để Bác phát kẹo. Những chiếc kẹo vừng bọc trong giấy bóng kính mà tới giờ tôi vẫn không thể quên”, ông Thắng chia sẻ. 

Nhớ về đám tang của cha mình, ông Thắng cho biết giữa những đoàn quan khách trong và ngoài nước tìm đến viếng bác sĩ Trần Duy Hưng còn rất đông những người công nhân, dân nghèo thành thị nội, ngoại thành. Họ kính cẩn nghiêng mình trước một bác sĩ – vị Chủ tịch thành phố luôn gần dân, yêu dân.

Phùng Sưởng – công Khanh