Chủ tịch Hồ Chí Minh với bác sĩ Phạm Ngọc Thạch – Bộ trưởng Bộ Y tế đầu tiên của Việt Nam

Chủ tịch Hồ Chí Minh với bác sĩ Phạm Ngọc Thạch – Bộ trưởng Bộ Y tế đầu tiên của Việt Nam

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đánh giá cao và dành tình cảm trân trọng đối với đội ngũ trí thức y bác sĩ làm việc trong ngành y tế. Để đáp lại tình cảm đó của Người, một lực lượng đông đảo các y, bác sĩ đã cống hiến cả tâm hồn, sức lực, tài năng, trí tuệ, tận tụy làm việc hết mình, thậm chí hy sinh cả hạnh phúc cá nhân vì sự nghiệp cách mạng, sự nghiệp chăm lo bảo vệ sức khỏe con người. Người thầy thuốc của nhân dân – bác sĩ Phạm Ngọc Thạch là một tấm gương tiêu biểu cho các thế hệ thầy thuốc Việt Nam như thế.

 

 

Bác sĩ Pham Ngọc Thạch (1909 – 1968)


Đôi nét về cuộc đời bác sĩ Phạm Ngọc Thạch

Bác sĩ Phạm Ngọc Thạch sinh ngày 7 tháng 5 năm 1909 tại Quy Nhơn, tỉnh Bình Định, trong một gia đình trí thức yêu nước, cha là nhà giáo Phạm Ngọc Thọ, mẹ thuộc dòng hoàng tộc Huế. Ông theo gia đình học tiểu học ở Phan Thiết, Thanh Hóa sau ra Hà Nội học Trung học ở trường Albert Sarraut. Sau khi đỗ tú tài năm 1928, Ông vào học trường Đại học Y Đông Dương (nay là Đại học Y Hà Nội). Hết năm thứ tư, ông sang Pháp học tiếp và tốt nghiệp bác sĩ Y khoa năm 1934. Cuối năm 1936, Ông trở về nước, nguyên nhân của sự trở về này đã được Ông thổ lộ trong những dòng thư gửi bà Marie Louise – người sau này trở thành vợ Ông: “Anh cần phải cho em biết là đất nước anh luôn trên tất cả. Suốt đời, anh sẽ đấu tranh cho đất nước anh…”(1).

Về đến Sài Gòn, Ông mở phòng mạch tư chuyên trị bệnh lao phổi. Ông không bao giờ phân biệt bệnh nhân giàu nghèo và thường nói: “Đã là bệnh nhân thì ai cũng như ai”, “Chữa trị cho ai ông cũng hỏi thăm gia cảnh từng người, lương bổng, mức sống gia đình. Tiền thuốc, tiền công tùy khả năng của mỗi người mà nhận. Có người Ông chẳng lấy đồng nào. Ông chữa bệnh rất tận tâm, bệnh nhân nhà nghèo, ở xa, Ông tự lái xe đến nhà người bệnh nếu cần. Bởi vậy, người Sài Gòn vẫn thường gọi Ông là “Bác sĩ của người nghèo”(2). Nhưng Ông nhận thấy rằng chỉ có sự tận tâm của người thầy thuốc thì không đủ để làm cho bệnh nhân thoát khỏi cảnh nghèo đói, người dân chỉ thực sự có cuộc sống ấm no, hạnh phúc khi đất nước thoát khỏi ách bóc lột của thực dân và phong kiến. Từ đó, Ông tìm hiểu về đường lối đấu tranh của Đảng và dần tự nguyện tham gia các phong trào đấu tranh dưới sự lãnh đạo của Đảng.

Sau thất bại của khởi nghĩa Nam Kỳ, Đảng lui vào hoạt động bí mật, bác sĩ Phạm Ngọc Thạch được phân công hoạt động trong phong trào bất hợp pháp và bán hợp pháp của thợ thuyền Sài Gòn. Ông góp phần quan trọng trong việc thành lập Công hội bí mật ở Sài Gòn và được giao nhiệm vụ Ủy viên Công hội bí mật Sài Gòn – Chợ Lớn, là một trong những người có vai trò sáng lập và dẫn dắt tổ chức Thanh niên tiền phong Nam Bộ, một tổ chức tập hợp thanh niên bán công khai, gắn bó mật thiết với Đảng.

Bác sĩ Phạm Ngọc Thạch được Đảng và Nhà nước tin tưởng giao phó giữ nhiều chức vụ quan trọng. Ghi nhận những cống hiến của bác sĩ Phạm Ngọc Thạch, trong hai Sắc lệnh số 77B ngày 7/7/1958 và Sắc lệnh số 78 ngày 8/7/1958 (3), Đảng và Nhà nước tặng Danh hiệu Anh hùng lao động và Huân chương Lao động hạng nhất cho Ông. Năm 1996, bác sĩ Phạm Ngọc Thạch được Nhà nước truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh vì các cống hiến trong lĩnh vực khoa học trong đợt đầu tiên.

Sự tin tưởng và tình cảm của Chủ tịch Hồ Chí Minh với bác sĩ Phạm Ngọc Thạch

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh là một tấm gương về sự cẩn trọng trong sử dụng cán bộ. Người từng nói “

Dùng cán bộ không đúng tài năng của họ, cũng là một cớ thất bại”

(4). Vì vậy, có thể khẳng định, phải có sự trân trọng và tin cậy cao về tài năng, đạo đức và sự khéo léo đối với người bác sĩ trí thức Phạm Ngọc Thạch, Chủ tịch Hồ Chí Minh với cương vị người đứng đầu Nhà nước mới đưa ra những quyết định giao phó nhiều công việc quan trọng, khó khăn cả trong và ngoài phạm vi của ngành Y tế cho một bác sĩ.

Ngay sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, ngày 27/8/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cử bác sĩ Phạm Ngọc Thạch giữ chức Bộ trưởng Bộ Y tế Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Trong điều kiện nước ta thời kỳ đó, khi chính quyền cách mạng còn non trẻ lại phải nhanh chóng hoàn thiện cơ bản bộ máy đối phó với thù trong, giặc ngoài, để đảm đương chức vụ Bộ trưởng Bộ Y tế không thể chỉ đơn thuần là một bác sĩ giỏi chuyên môn mà còn cần phải là một nhà trí thức có uy tín, được nhân dân tin tưởng nghe theo. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sớm nhận thấy bác sĩ Phạm Ngọc Thạch chính là người hội tụ đầy đủ những yêu cầu cần thiết đó. Và thực tế đã chứng minh đó là một sự lựa chọn vô cùng đúng đắn của Đảng và Nhà nước ta mà đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Đến cuối năm 1945, trong hoàn cảnh nhân dân Nam Bộ đang ngày đêm phải đối phó với những thủ đoạn của quân đội thực dân Pháp, núp dưới bóng quân Anh muốn trở lại xâm lược nước ta, bác sĩ Phạm Ngọc Thạch xin từ nhiệm chức Bộ trưởng Bộ Y tế để trở về với mặt trận phía Nam làm việc và cống hiến cho sự nghiệp chống giặc, cứu nước. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đồng ý với nguyện vọng đó của Ông. Điều đó không chỉ thể hiện tinh thần trọng dụng trí thức mà còn thể hiện sự tin tưởng của Bác đối với người đồng chí Phạm Ngọc Thạch, bởi ngay khi trở về miền Nam, Ông đã được Chính phủ giao phó đảm nhiệm những công việc rất quan trọng của đất nước thời điểm đó.

 

Chủ tịch Hồ Chí Minh và Bộ trưởng Bộ Y tế Phạm Ngọc Thạch thăm
Bệnh viện Bạch mai – Hà Nội, ngày 21/03/1960. Ảnh: BTHCM

 

Là một bác sĩ, nhưng có rất nhiều lần Phạm Ngọc Thạch được Chủ tịch Hồ Chí Minh tin tưởng giao những công việc thuộc về công tác đối ngoại. Ngày 18/4/1946, Ông được Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ định tham gia phái đoàn Chính phủ đến Đà Lạt để đàm phán trù bị, do đồng chí Võ Nguyên Giáp làm Trưởng đoàn.  

Ngày 21/11/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 216, cử Phạm Ngọc Thạch giữ chức Thứ trưởng Phủ Chủ tịch; phái viên Chính phủ đi gặp lãnh đạo Thái Lan, Miến Điện, Ấn Độ để vận động chính quyền các nước này

giúp Việt Nam đặt cơ quan đại diện Chính phủ và tổ chức Phòng thông tin. Đây là một công việc vô cùng khó khăn, bởi đây chính là thời kỳ đất nước ta đang trong tình thế “ngàn cân treo sợi tóc” nên rất cần tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ của lãnh đạo và nhân dân các nước bạn đối với cuộc kháng chiến chính nghĩa của nhân dân ta. Có thể nói, trong thời điểm đó, gánh nặng vô cùng lớn đặt lên vai đặc phái viên – người đại diện cho Chính phủ trình bày về quan điểm, lập trường trên tất cả các phương diện. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã “chọn mặt” để “gửi vàng” trong tay bác sĩ Phạm Ngọc Thạch. Điều đó là một minh chứng rõ ràng cho sự tin tưởng và trân trọng tuyện đối của Bác Hồ đối với Phạm Ngọc Thạch.

Đặc biệt, có lần, Phạm Ngọc Thạch được cử làm đặc phái viên của Chính phủ và của riêng cá nhân Chủ tịch nước, ông lặn lội từ Việt Bắc vào Liên khu IV chủ trì việc trao quân hàm Thiếu tướng cho Nguyễn Sơn. Đây là một việc làm vô cùng khó khăn và tế nhị bởi khi đó Nguyễn Sơn còn đang chần chừ, kéo dài thời gian chưa chịu nhận. Nhưng nhờ có tấm danh thiếp với những lời đề tặng uyên thâm, có lý, có tình, có sức giáo dục và thuyết phục cao của Bác, thêm vào đó cũng do người được Hồ Chủ tịch chọn làm đặc phái viên để chủ trì lễ thụ phong là bác sĩ Phạm Ngọc Thạch – một nhà trí thức có tên tuổi, được nhiều người cảm phục và quý mến về đức độ và tài năng. Vì thế, Lễ tấn phong tưởng rằng sẽ gặp nhiều khó khăn lại diễn ra một cách thuận lợi và tốt đẹp. Nguyễn Sơn đã vui vẻ nhận quyết định phong Thiếu tướng và bày tỏ cảm tưởng biết ơn Chính phủ. Bác sĩ Phạm Ngọc Thạch đã hoàn thành xuất sắc trọng trách Chủ tịch Hồ Chí Minh tin tưởng giao phó.

Ngày 15/9/1948,

Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Quyết định cử một Phái đoàn của Chính phủ do bác sĩ Phạm Ngọc Thạch làm trưởng đoàn đi kiểm tra, động viên kháng chiến ở miền Trung và Nam Bộ.

Năm 1950, nhằm kiện toàn cơ quan kháng chiến ở các vùng trọng điểm, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chính phủ cử ông vào làm Chủ tịch Ủy ban kháng chiến hành chính đặc khu Sài Gòn – Chợ Lớn.

 

Năm 1952, sau khi bộ máy kháng chiến của đặc khu Sài Gòn – Chợ Lớn đã được củng cố vững vàng, bác sĩ Phạm Ngọc Thạch quay trở lại Việt Bắc; Đầu năm 1953 được phân công là Trưởng Ban Y tế của Đảng phụ trách công tác Y tế An toàn khu. Thời gian này, ông còn được giao trọng trách chăm lo, bảo vệ sức khỏe cho Bác.

Tin tưởng vào y đức và chuyên môn của bác sĩ Phạm Ngọc Thạch, năm 1953, Chủ tịch Hồ Chí Minh trên cương vị Chủ tịch nước đã cử ông làm Thứ trưởng Bộ Y tế, đến 1958 làm Bộ trưởng kiêm Viện trưởng Viện chống Lao Trung ương, Trưởng Ban bảo vệ sức khỏe Trung ương.

Được gần Chủ tịch Hồ Chí Minh, bác sĩ Phạm Ngọc Thạch luôn ý thức sâu sắc trách nhiệm của người lãnh đạo ngành Y tế. Với cương vị của người đứng đầu ngành Y tế, ông nhận thức rõ ràng thực tế nghèo nàn và lạc hậu của nước ta. Ông không ngừng thâm nhập vào thực tiễn, ngày đêm nghiên cứu, suy nghĩ và đề ra 5 phương châm nguyên tắc y tế, thể hiện các nội dung chỉ thị của Bác về nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe nhân dân. Đến nay, các nguyên tắc ấy vẫn còn nguyên giá trị.

 

Chủ tịch Hồ Chí Minh và Bộ trưởng Bộ Y tế Phạm Ngọc Thạch thăm Trạm xá
Vân Đình, huyện Ứng Hòa, tỉnh Hà Đông (nay thuộc TP. Hà Nội), ngày 21/03/1960. Ảnh: BTHCM

Bác sĩ Phạm Ngọc Thạch đã có hàng loạt việc làm rất thực tế và cách mạng. Ông cho đào tạo cấp tốc những lớp cán bộ y tế ngắn ngày đưa xuống các xã đồng bằng và miền núi lo giúp dân phòng chống bệnh dịch. Đến năm 1964, chỉ 10 năm sau khi hòa bình lập lại, cũng là 10 năm thực hiện công tác y tế nông thôn, ngành y tế nước ta đã đạt được những thành tích thiết thực. Dịch bệnh từng bước bị đẩy lùi, tuổi thọ nhân dân được tăng lên, mạng lưới y tế được trải rộng khắp, đội ngũ cán bộ y tế ngày càng lớn mạnh.

Đặc biệt, trong thời gian này, bác sĩ Phạm Ngọc Thạch đã học tập và ứng dụng sáng tạo những phương pháp chữa bệnh của các nền y học tiên tiến trên thế giới đặc biệt là Liên Xô. Để phù hợp với hoàn cảnh khó khăn của đất nước, Ông thay thế liệu pháp tiêm mô cho bệnh nhân của Viện sĩ Xô Viết Philatov bằng cách chế ra các ống thuốc sản xuất theo phương pháp Philatov. Các sáng kiến của Ông đã cứu sống hàng nghìn bệnh nhân trong cả nước.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết bài báo “Philatốp” đăng báo Nhân dân số 186 từ ngày 19 đến ngày 21/5/1954 (5) để ghi nhận những sáng tạo của bác sĩ Phạm Ngọc Thạch và các cộng sự trong việc ứng dụng phương pháp Philatov trong y tế và nông nghiệp.

Ông chính là người bác sĩ đầu tiên đề xuất việc nghiên cứu khoa học phải đi theo con đường riêng của Việt Nam. Phạm Ngọc Thạch

là người có công lớn nhất trong xây dựng chuyên khoa lao và bệnh phổi, là người thầy lớn nhất của chuyên khoa này, người đã tạo ra những nhân tố quyết định sự thành công của công tác chống lao ở nước ta.

Ngày

7/11/1968, bác sĩ Phạm Ngọc Thạch hy sinh trên chiến trường miền Nam,

trước khi mất vài giờ, ông còn dặn dò công việc ngày hôm sau cho anh em.

Tình cảm Chủ tịch Hồ Chí Minh dành cho người thầy thuốc của nhân dân Phạm Ngọc Thạch được thể hiện một cách sâu sắc và xúc động khi Người nghe tin Bộ trưởng Bộ Y tế Phạm Ngọc Thạch hy sinh: “Khi nghe báo tin anh mất, Bác đánh rơi điếu thuốc đang kẹp trong tay. Bác ngồi lặng khá lâu, hai tay gầy ôm vầng trán rộng…”(6). Sự ra đi của bác sĩ Phạm Ngọc Thạch đối với Bác giống như sự mất mát của một thành viên trong gia đình. Trong tang lễ bác sĩ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tới dự và quàng chiếc khăn bà Marie Louise – vợ bác sĩ Phạm Ngọc Thạch đan tặng Người như một minh chứng cho tình cảm Người dành cho gia đình người bác sĩ nhân dân.

Trong bài viết “Cha tôi – Phạm Ngọc Thạch” của Phạm Thị Như Mai – con gái bác sĩ Phạm Ngọc Thạch có đoạn: “… Tôi không bao giờ quên những giọt nước mắt của Bác Hồ và Bác Tô, những người đã thương mến cha tôi biết nhường nào!”(7).

Trong suốt cuộc đời 59 năm của mình, bác sĩ Phạm Ngọc Thạch với ý chí kiên cường và sức làm việc phi thường, đã ra Bắc vào Nam nhiều lần và hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được được Đảng, Nhà nước và Chủ tịch Hồ Chí Minh tin tưởng giao phó. Trong công tác chuyên môn, Ông luôn có ý thức tìm tòi, suy nghĩ, học tập kinh nghiệm của nền y học các nước trên thế giới đặc biệt là Liên Xô, nghiên cứu kỹ các quan điểm của Đảng, tư tưởng của Bác Hồ về công tác bảo vệ sức khỏe, khảo sát thực địa để đưa ra những biện pháp có ý nghĩa thực tiễn cao nhằm xây dựng và phát triển một nền y tế nhân dân.

Bác sĩ Phạm Ngọc Thạch ra đi khi

công việc còn đang dở dang, giữa lúc còn ấp ủ nhiều hoài bão lớn đối với sự nghiệp giải phóng miền Nam, đối với sự nghiệp xây dựng và phát triển ngành y tế nhân dân

, nhưng những tài sản vô giá về y đức và y thuật Ông để lại cho nền y học nước nhà vẫn luôn là những bài học có ý nghĩa cả về lý luận và thực tiễn cao. Đã 50 năm từ thời điểm bác sĩ Phạm Ngọc Thạch qua đời, song ông vẫn luôn là minh chứng sáng ngời của một thế hệ trí thức đặt tình yêu Tổ quốc lên trên tình yêu cá nhân và cái chết, một con người mà sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đặt trọn vẹn niềm tin và sự trân trọng.

———————————————-

1. Hồi ký của bà Colette Phạm Thị Như Mai – Con gái bác sĩ Phạm Ngọc Thạch, nguồn https://nghiencuulichsu.com/2012/10/08/ba-toi-hoi-uc-ve-bac-si-pham-ngoc-thach-7-5-1909-7-11-1968/.

2. Trần Đương (Biên soạn): Bác Hồ với nhân sĩ, trí thức, Nxb. Thông tấn, Hà Nội, 2005, tr.178.

3. Sắc lệnh lưu tại Kho Tư liệu Bảo tàng Hồ Chí Minh, ký hiệu: H31C8/4.

4. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.5, tr.283.

5.

Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t.8, tr.488.

6.

Mai Văn Tạo: Anh Tư Thạch: Truyện anh hùng Phạm Ngọc Thạch, Nxb. Y học, Hà Nội, 1981, tr.90.

7. Theo Hồi ký của bà Phạm Thị Như Mai – con gái bác sĩ Phạm Ngọc Thạch.

 

Ths. Đỗ Thị Mỹ An