Chủ tịch Công ty cao su Đắk Lắk bị kỷ luật vì cho thuê đất tràn lan

(PLO)- Ủy ban Kiểm tra thi hành kỷ luật ông Nguyễn Viết Tượng, Chủ tịch Công Cổ phần Cao su Đắk Lắk.

Ngày 10-1, nguồn tin của PLO cho biết tại kỳ họp thứ 20 Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Đắk Lắk đã thi hành kỷ luật khiển trách ông Nguyễn Viết Tượng, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Công ty Cổ phần Cao su Đắk Lắk.

Chủ tịch Công ty cao su Đắk Lắk bị kỷ luật vì cho thuê đất tràn lan ảnh 1

Trước đó, UBND tỉnh Đắk Lắk ban hành kết luận, qua đó phát hiện nhiều sai phạm trong quản lý, sử dụng đất đai và sử dụng lao động tại Công ty Cổ phần Cao su Đắk Lắk.

Kết luận Thanh tra xác định trách nhiệm ông Nguyễn Viết Tượng liên quan đến các khuyết điểm, vi phạm tại công ty này.

Theo kết luận của Thanh tra tỉnh Đắk Lắk từ năm 2017-2019, Công ty Cổ phần Cao su Đắk Lắk đã ký hợp đồng, cho cá nhân, tổ chức thuê hơn 4.000 ha đất cao su tái canh để trồng xen các loại cây khoai lang, chuối, chanh dây, cà phê, sầu riêng…

Trong đó, doanh nghiệp này đã triển khai chuyển thể hình thức hợp đồng cho cá nhân, tổ chức thuê đất từ sáu năm lên 21 năm (đối với hợp đồng đã ký sáu năm) và 22 năm (đối với hợp đồng đã ký bảy năm).

Chủ tịch Công ty cao su Đắk Lắk bị kỷ luật vì cho thuê đất tràn lan ảnh 2

Đơn giá cho thuê đất trồng xen canh trước đây có thời hạn từ sáu đến bảy năm bình quân là 6,6 triệu đồng/ha/năm.

Đối với thời hạn thuê đất 21 năm là 105 triệu đồng/ha/năm. Đối với hợp đồng thuê đất 22 năm là 110 triệu đồng (tương đương tiền thuê đất 5 triệu đồng/ha/năm).

Tại Nông trường cao su Phú Xuân, có 20/23 trường hợp ký hợp đồng thuê đất, nhưng không trực tiếp thực hiện hợp đồng mà cho bên thứ ba thuê lại để được hưởng chênh lệch.

Cụ thể, cho bên thứ ba thuê lại với đơn giá từ 9 đến 13 triệu đồng/ha/năm (trong khi thực tế giá thuê chỉ 5 triệu đồng/ha/năm). Trong đó, có nhiều trường hợp là cán bộ, nhân viên của công ty.

Năm 2019, UBND tỉnh Đắk Lắk đồng ý chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao trên diện tích hơn hơn 548 ha tại xã Cư Bao, thị xã Buôn Hồ. Tuy nhiên, Công ty cổ phần cao su Đắk Lắk lại đưa hơn 389 ha đất vào hợp tác đầu tư sản xuất với Công ty TNHH Tuấn Hưng Tây Nguyên và Công ty TNHH nông nghiệp Thống Nhất không đúng quy định.

Theo Thanh tra tỉnh Đắk Lắk, Công ty cổ phần cao su Đắk Lắk không có văn bản xin ý kiến của các sở ngành và UBND tỉnh Đắk Lắk. Việc cho thuê đất trồng cao su để trồng xen cây ngắn ngày không đúng thẩm quyền, không đúng với phương án sử dụng đất. Để doanh nghiệp xây dựng công trình kiên cố trên đất nông nghiệp trái với quy định pháp luật.

Công ty cũng chưa thực hiện các thủ tục trình cấp có thẩm quyền điều chỉnh giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã được cấp đối với các thửa đất có một phần diện tích UBND tỉnh Đắk Lắk đã thu hồi…

Theo cơ quan thanh tra, ngoài lãnh đạo Công ty cổ phần cao su Đắk Lắk, còn có trách nhiệm của Giám đốc Sở TN&MT trong việc thẩm định, trình UBND tỉnh cho thuê, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất chồng lấn; không kịp thời phát hiện các hành vi phạm về đất đai trên diện tích được UBND tỉnh Đắk Lắk cho Công ty cổ phần cao su Đắk Lắk thuê.

Công ty TNHH MTV cao su Đắk Lắk là doanh nghiệp 100% vốn nhà nước, khi cổ phần hóa thành tên gọi Công ty cổ phần cao su Đắk Lắk (năm 2018) thì tỉ lệ vốn nhà nước vẫn chiếm gần 99%.

Công ty cổ phần cao su Đắk Lắk đã thanh toán trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc đối với người lao động khi chấm dứt hợp đồng lao động chưa đúng thời hạn. Nợ trợ cấp thôi việc, mất việc đối với 129 trường hợp với số tiền hơn 2,1 tỉ đồng.

VŨ LONG

Tin liên quan

Tỉnh ủy Đắk Lắk xem xét kỷ luật 1 chủ tịch công ty cao su