Chu kỳ kinh tế là gì? Nguyên nhân và biện pháp đối phó với chu kỳ kinh tế
Sự phát triển của một nền kinh tế thông thường trải qua nhiều giai đoạn với các biến động không ngừng. Một nền kinh tế điển hình thường không kéo dài thời gian ổn định quá lâu mà sẽ xảy ra các sự thay đổi và có sự thăng trầm nhất định. Các biến động lúc thịnh lúc suy của nền kinh tế tạo thành các chu kỳ kinh tế.
Chu kỳ kinh tế là gì?
Chu kỳ kinh tế, hay còn gọi là chu kỳ kinh doanh, là khái niệm dùng để chỉ sự biến động của GDP thực tế. Sự biến động này tạo thành một chu kỳ gồm các giai đoạn: suy thoái, phục hồi và hưng thịnh. GDP được viết tắt từ Gross Domestic Product, có nghĩa là tổng sản phẩm quốc nội được sản xuất trong một khoảng thời gian nhất định. GDP thực tế là tổng sản phẩm quốc nội đã qua điều chỉnh lạm phát.
Các pha của chu kỳ kinh tế
Một chu kỳ diễn ra theo trình tự 3 pha: suy thoái, phục hồi và hưng thịnh.
-
Một chu kỳ sẽ được bắt đầu khi nền kinh tế ghi nhận mức tăng trưởng GDP thực tế ở giá trị âm qua hai quý liên tiếp. Đây là dấu hiệu bắt đầu pha suy thoái của một chu kỳ kinh tế.
-
Khi GDP thực tế của thị trường bắt đầu tăng trở lại bằng với giá trị trước khi suy thoái, lúc này pha phục hồi của chu kỳ bắt đầu. Điểm ngoặt giữa pha suy thoái và pha phục hồi là đáy của chu kỳ.
-
Nếu GDP thực tế tiếp tục tăng và đạt giá trị lớn hơn mức trước suy thoái, đây là pha hưng thịnh (hoặc còn gọi là pha bùng nổ) của chu kỳ. Khi pha hưng thịnh của chu kỳ này kết thúc, pha suy thoái của chu kỳ tiếp theo sẽ bắt đầu. Điểm ngoặt giữa hai pha này được gọi là đỉnh của chu kỳ.
Những giai đoạn của chu kỳ kinh tế
Thông thường người ta thường chia ra thành 4 giai đoạn:
-
Giai đoạn đáy: Là lúc nền kinh tế suy thoái và tăng trưởng âm nhất.
-
Giai đoạn tăng trưởng: Là quá trình nền kinh tế bắt đầu tăng trưởng từ điểm đáy đến đỉnh của chu kỳ kinh tế. Hầu hết các hoạt động kinh tế được đẩy mạnh vào giai đoạn này.
-
Giai đoạn đỉnh: Là giai đoạn phát triển mạnh mẽ nhất của nền kinh tế.
-
Giai đoạn suy thoái: Là quá trình suy giảm từ đỉnh xuống đáy chu kỳ của nền kinh tế. Ngược lại với giai đoạn tăng trưởng, các hoạt động kinh tế đều sẽ bị đình trệ và suy giảm ở giai đoạn suy thoái. Nếu giai đoạn này diễn ra quá trầm trọng sẽ được gọi là một cuộc khủng hoảng kinh tế.
Nguyên nhân
Theo nhà sử học và kinh tế chính trị Sismondi, đây là kết quả tự nhiên của các yếu tố thị trường. Sản xuất dư thừa và tiêu dùng thấp, hay còn có thể được hiểu đơn giản hơn là cung lớn hơn cầu, được cho là nguyên nhân gây ra chu kỳ kinh tế. Cụ thể, nguyên nhân dẫn đến việc này diễn ra theo quy trình sau:
-
Ở giai đoạn hưng thịnh của chu kỳ trước, các doanh nghiệp phát triển và đẩy mạnh hoạt động sản xuất. Từ đó, lượng hàng hóa sản xuất được tăng lên. Bên cạnh đó, mức thu nhập của người lao động cũng tăng tỷ lệ thuận với khả năng sản xuất của doanh nghiệp, mức chi tiêu cũng được nâng cao. Các yếu tố này sẽ giúp doanh nghiệp phát triển và đạt khả năng mở rộng quy mô.
-
Tuy nhiên, đến một mức độ nhất định, lượng sản phẩm được sản xuất sẽ vượt quá nhu cầu của thị trường. Lúc này, cung nhiều hơn cầu, các doanh nghiệp phải cắt giảm sản xuất và nhân lực để giảm bớt chi phí sản xuất. Thu nhập giảm, mức chi tiêu của thị trường cũng giảm theo tỷ lệ thuận. Đây là nhân tố dẫn đến sự suy thoái của nền kinh tế và bắt đầu chu kỳ mới.
Ảnh hưởng của chu kỳ kinh tế
Ảnh hưởng của chu kỳ này trong kinh tế dễ nhận thấy nhất ở pha suy thoái. Khi xảy ra suy thoái, các hoạt động kinh tế bị đình trệ rõ rệt, sản lượng sản xuất suy giảm. Bên cạnh đó, tỷ lệ thất nghiệp vào giai đoạn suy thoái kinh tế cũng cao hơn so với bình thường. Có thể nói, pha suy thoái mang đến các ảnh hưởng tiêu cực cho nền kinh tế.
Ngược lại, pha phục hồi mang đến các ảnh hưởng tích cực cho nền kinh tế. Sản lượng sản xuất tăng cao, các hoạt động kinh tế được diễn ra nhộn nhịp. Ở giai đoạn phục hồi, tỷ lệ thất nghiệp trong thị trường được giảm xuống do nhu cầu về nguồn nhân lực ở các doanh nghiệp tăng cao. Mức thu nhập và chi tiêu của người lao động lúc này được cải thiện tích cực.
Biện pháp đối phó với chu kỳ kinh tế
Sự biến động của chu kỳ này không tuân theo một quy luật cụ thể nào và cũng không có hai chu kỳ liên tiếp giống nhau. Ngoài ra, chưa có công thức hay phương pháp nào có thể dự đoán chính xác thời gian xảy ra chu kỳ. Do đó, các biện pháp đối phó cần được xây dựng một cách linh hoạt và căn cứ vào chu kỳ đó.
Do cho kỳ kinh tế khiến các kế hoạch kinh tế của nhà nước bị phá vỡ, chống chu kỳ trở thành nhiệm vụ hàng đầu được đề ra. Tùy thuộc vào cách lý giải nguyên nhân dẫn đến chu kì này mà sẽ có những cách đối phó khác nhau. Có hai nhóm trường phái kinh tế học vĩ mô lớn là chủ nghĩa Keynes và chủ nghĩa kinh tế tự do mới, cùng với đó là hai hướng đối phó với việc này, cụ thể:
-
Chủ nghĩa Keynes: Theo chủ nghĩa Keynes, chu kỳ này được hình thành từ thị trường không hoàn hảo khiến tổng cầu biến động. Do đó, cách đối phó với việc này theo chủ nghĩa Keynes là áp dụng các chính sách quản lý tổng cầu của thị trường. Khi nền kinh tế bị thu hẹp thì áp dụng các chính sách nới lỏng và ngược lại, khi nền kinh tế khuếch trương thì phải thắt chặt.
-
Chủ nghĩa kinh tế tự do mới: Trường phái chủ nghĩa kinh tế mới quan điểm rằng chu kỳ kinh tế xảy ra do sự can thiệp của chính phủ hoặc do các cú sốc cung ngoài dự tính. Vì thế, cách đối phó của chủ nghĩa kinh tế mới là điều chỉnh cú sốc cung và hạn chế sự can thiệp của chính phủ.
Dự báo chu kỳ kinh tế
Các chuyên gia kinh tế đã không ngừng nghiên cứu và xây dựng các biện pháp và công cụ dự báo sự biến động của nền kinh tế. Dù chưa có công thức và phương pháp nào có thể dự báo chính xác được chu kỳ này, song các mô hình và công thức có tính chất dự báo dần được xây dựng. Với sự phát triển của khoa học và công nghệ, các mô hình kinh tế lượng phức tạp đã được xây dựng.
Với rất nhiều biến số và hệ phương trình, các mô hình kinh tế lượng được nhận xét có khả năng dự báo chu kỳ kinh tế khá cao. Tiên phong trong sự phát triển của các công cụ dự báo này có thể kể đến những cái tên nổi tiếng như: Jan Tinbergen (Giải Nobel 1969) và Lawrence Klein (Nobel 1980). Qua thời gian, thao tác dự báo chu kỳ này đạt độ chính xác cao hơn dù không đạt mức tuyệt đối.
Chu kỳ kinh tế là một hiện tượng không thể thiếu trong bất kỳ nền kinh tế nào. Các pha và giai đoạn của một chu kỳ được thể hiện rõ ràng với các biểu hiện khác biệt. Nguyên nhân gây ra việc này có liên quan đến mối quan hệ cung và cầu của thị trường. Tùy thuộc vào cách nhận định nguyên nhân dẫn đến chu kỳ theo hai chủ nghĩa kinh tế sẽ có cách biện pháp đối phó khác nhau. Trên đây, bài viết được chia sẻ bởi công ty chứng khoán Yuanta Việt Nam.