Chủ động đấu tranh với tội phạm công nghệ cao
Mặc dù cơ quan chức năng liên tục phát đi cảnh báo song bị hại trong những vụ việc liên quan đến tội phạm công nghệ cao vẫn còn không ít, với số tài sản bị chiếm đoạt không hề nhỏ. Bởi thế, bên cạnh việc lực lượng chức năng triển khai các biện pháp nghiệp vụ để ngăn chặn thì điều quan trọng là mỗi người cần chủ động tìm hiểu và đề cao cảnh giác, gia tăng sức “đề kháng” để tránh bị sập bẫy.
Công an lấy lời khai của đối tượng Đoàn Anh Tú về hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng. Ảnh T.L
Trong tháng 10-2022, Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Công an tỉnh) đã phá 2 chuyên án về lừa đảo, chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng.
Theo đó, qua công tác nắm tình hình, các trinh sát phát hiện Ngô Thị Nhung, sinh năm 1996 (địa chỉ nơi ở tại xã Đông Hòa, TP. Dĩ An, tỉnh Bình Dương), có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản; riêng trên địa bàn Thái Nguyên và TP. Hải Phòng, đối tượng đã lừa đảo tổng số tiền trên 160 triệu đồng.
Tại Thái Nguyên, Nhung trực tiếp đến cửa hàng Thế giới di động, giả danh thông tin cá nhân để đặt mua sản phẩm có giá trị cao và yêu cầu giao hàng tại địa điểm do mình chọn. Đối tượng đặt thẻ căn cước công dân mang thông tin cá nhân người khác và gửi hình ảnh lệnh chuyển tiền giả của ngân hàng cho bộ phận thanh toán để làm tin và giao sản phẩm. Khi nhận được sản phẩm, Nhung lên mạng xã hội giao bán cho người có nhu cầu.
Cũng bằng các biện pháp nghiệp vụ, Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao đã khởi tố vụ án hình sự về việc sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản. Đối tượng Đoàn Anh Tú, sinh năm 1997, thường trú tại xóm Mỹ Hoà, xã Cây Thị (Đồng Hỷ), đã sử dụng phương tiện điện tử chiếm đoạt số tiền hơn 1,7 tỷ đồng của 3 bị hại tại Thái Nguyên và Hải Dương.
Cụ thể, lợi dụng việc bản thân có tầm ảnh hưởng trên mạng xã hội Facebook, Tú mời các bị hại tham gia đầu tư thu mua kênh Youtube có nhiều lượt theo dõi, rồi bán cho người khác để hưởng tiền chênh lệnh.
Sau khi nhận tiền, đối tượng không thu mua kênh như hứa hẹn; giả mạo làm người trung gian nhắn tin, lấy lòng tin bị hại. Tú nhiều lần đưa ra thông tin là bị hại trúng thưởng ô tô, tiền từ Công ty Google, làm giả hóa đơn chuyển tiền để bị hại tin tưởng và yêu cầu chuyển thêm tiền tiếp tục đầu tư. Sau khi bị hại không có khả năng chuyển thêm tiền, đối tượng ngừng liên lạc.
Lực lượng Công an đã khôi phục lại địa chỉ Email, các cuộc trao đổi, giao dịch của đối tượng và bị hại qua mạng xã hội Facebook, Zalo… để thu thập chứng cứ tội phạm.
Các trinh sát tham gia chuyên án cho biết: Đấu tranh trên không gian mạng quan trọng nhất là phải thu thập được các dấu vết điện tử. Bởi có hiểu được cách thức phạm tội thì mới có thể thu thập chứng cứ, đấu tranh có hiệu quả.
Trong khi đó, đối tượng phạm tội đều tinh thông kỹ năng tin học, luôn tìm cách xóa mọi dấu vết. Chúng thường sử dụng máy chủ ở nước ngoài hoặc giả mạo địa chỉ IP, thuê máy chủ ảo…
Thượng tá Cao Quý Dương, Trưởng Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Công an tỉnh), nhận định: Phương thức, thủ đoạn của loại tội phạm sử dụng công nghệ cao nói chung không mới nhưng ngày càng tinh vi hơn. Hình thức phổ biến là lôi kéo tham gia làm nhiệm vụ trên mạng xã hội; tuyển cộng tác viên cho các sàn thương mại điện tử Lazada, Shopee hay ứng dụng vay tiền online; đầu tư chứng khoán, tiền ảo… Không ít người bỏ tiền tham gia các sàn đầu tư tài chính trên mạng để hưởng hoa hồng, phần trăm theo mô hình kim tự tháp. Chỉ đến khi sàn giao dịch bị đánh sập, toàn bộ số tiền đầu tư mất trắng, nhiều người mới vỡ lẽ chiêu trò, thủ đoạn lừa đảo của đối tượng.
Có một thực tế là rất khó thu hồi tài sản trong các vụ án tội phạm công nghệ cao, chỉ một phần nhỏ bị hại kịp thời trình báo cơ quan chức năng để phong toả tài khoản của đối tượng lừa đảo.
Tuy khó truy vết nhưng việc phòng bị, ngăn ngừa loại tội phạm này hoàn toàn có thể thực hiện được. Theo đó, tội phạm công nghệ cao muốn chiếm đoạt tài sản của bị hại dù có thủ đoạn mới hay cũ thì đều phải dựa vào việc chuyển tiền qua các ngân hàng, hay những phương thức thanh toán trực tuyến khác.
Do vậy, bên cạnh nỗ lực của ngành Công an cần sự hợp tác, phối hợp chặt chẽ của các nhà mạng, ngân hàng và đơn vị cung cấp dịch vụ trực tuyến để bảo mật thông tin người dùng; tăng cường tuyên truyền, cảnh báo các thủ đoạn, phương thức lừa đảo mới qua mạng.
Với mỗi người dân, cần đề cao cảnh giác với các lợi ích “không làm mà có” hoặc “làm ít hưởng nhiều”, chủ động trang bị kiến thức và đề cao cảnh giác để tự “miễn dịch” với các loại tội phạm công nghệ.