Christine Hà Viết Những Câu Chuyện Mới Về Di Sản Ẩm Thực Của Ba Mẹ Mình
Translated from Saigoneer’s article Christine Ha Writes New Food Stories From Her Parents’ Culinary Heritage
By Tam Le, on 01-07-2021
“Lúc đó tôi đang học một khoá viết sáng tạo cho cao học, và tôi nghĩ rằng, với tư cách là một nghệ sĩ, tham gia MasterChef sẽ cho tôi điều gì đó để viết về.”
Nhưng Christine Hà không hề biết rằng quyết định tham gia chương trình MasterChef phiên bản Mỹ, cuộc thi nấu ăn nổi tiếng bởi cách đánh giá thẳng thắn của Gordon Ramsay, sẽ mang lại nhiều hơn cả một bước đệm cho tham vọng văn chương của mình. Theo một nghĩa khác: chiến thắng của cô ở MasterChief đi kèm với hợp đồng viết sách dạy nấu ăn và cuốn sách của cô Nấu Ăn Bằng Cả Trái Tim: Những Món Ăn Việt-Mỹ Quen Thuộc Từ Góc Bếp Yêu Thương Của Tôi, đã trở thành sách bán chạy nhất của tờ New York Times.
Gia đình cô Christine có gốc ở miền bắc Việt Nam nhưng họ di cư về phía nam, cùng với gần một triệu người Bắc khác sau Hiệp định Geneva năm 1954. “Vì gia đình tôi có nguồn gốc miền bắc, chúng tôi ăn phở theo kiểu bắc với sợi phở to hơn và ít rau thơm và gia vị hơn. Bà tôi nổi tiếng bởi vì các bánh chưng khổng lồ [20 cm x 20 cm] lúc Tết đến,” cô giải thích.
Vào ngày 29 tháng 4 năm 1975, ba của Christine, người lúc ấy vẫn đang theo đuổi mẹ cô, nhận ra rằng họ cần phải rời khỏi Việt Nam sớm. Ông đã vội vã ngã lời hỏi cưới, và họ chạy đi tìm một con tàu hải quân Hoa Kỳ. Lặn lội khắp từ Philippines đến một trại tị nạn ở đảo Guam đến Pennsylvania rồi Chicago rồi lại đến miền nam California (nơi Christine ra đời), gia đình cuối cùng đã định cư ở Houston, Texas khi Christine tròn hai tuổi.
Mười tám năm sau, Christine bắt đầu mất thị lực do neuromyelitis optica (NMO), một bệnh tự miễn hiếm gặp, khi cô mới bắt đầu trải nghiệm với nấu ăn. Khi còn học lớp viết sáng tạo, bạn trai lúc đó (hiện là chồng cô) John Suh đã tạo một blog cho cô. Họ đặt tên blog là The Blind Cook (Người Đầu Bếp Mù).
“Tôi nghĩ rằng đạo diễn của MasterChef đã Google ”đầu bếp mù” cho vui và đã tìm thấy trên blog của tôi.”
Vào năm 2012, họ đã liên lạc với cô về việc tham gia Phần 3 của chương trình và Christine nghĩ rằng cái tên Gordan Ramsay “nghe thấy quen.” John và bạn bè của cô ấy khuyến khích cô nộp đơn tham gia để mang lại nhận thức cho công chúng về tài năng của người khiếm thị. Cô Christine chỉ xem nó như một cách để có được kinh nghiệm và cảm hứng cho công cuộc viết lách.
Cô tạm ngừng luận án của mình và trả lời cuộc gọi mời tham gia MasterChef – họ yêu cầu các thí sinh trình bày một món ăn để đại diện cho cuộc đời mình. “Đối với tôi, mong muốn lớn nhất là có thể tái tạo những công thức của mẹ,” cô nói. Mẹ Christine đã qua đời khi cô 14 tuổi, trước khi dạy cho con gái mình cách nấu ăn hoặc ghi lại công thức của mình, và vì vậy, Christine phải thử đi thử lại các công thức suốt từ thời đại học. “Tôi đã chọn món thịt kho vì đó là món mà tôi được ăn thường xuyên nhất thời niên thiếu. Trong tủ lạnh ở nhà lúc nào cũng có thịt kho.”
Trong vòng tuyển chọn đầu tiên trước các giám khảo, Christine đã nấu một món ăn truyền thống khác của Việt Nam: cá kho tộ. Khôi Phạm, Phó Tổng biên tập tờ Saigoneer, nói trong một tập Saigoneer Podcast, “Cô ấy là một trong những thí sinh yêu thích nhất của tôi vì cô ấy bám vào nguồn gốc của mình. Món ăn vòng sơ tuyển của cô thực sự là một món rất, rất truyền thống. Nếu bạn xem các chương trình nấu ăn phương Tây, cá thường được phi lê theo chiều ngang nhưng đối với món của Christine, cô ấy đã cắt nó theo chiều dọc. Nếu bạn đi chợ cá ở Việt Nam, tất cả người bán sẽ cắt nó theo cách đó. Cô ấy cũng không thêm thắt rườm rà gì cả.” Với sự cân bằng hoàn hảo của mặn và ngọt, món cá trê kho của cô đã gây ấn tượng với ban giám khảo, và từ đó, cuộc sống của Christine đã thay đổi.
Nhưng độc giả Saigoneer sẽ còn quen thuộc hơn với Christine khi cô làm giám khảo của MasterChef Vietnam (Vua Đầu Bếp) Phần 3 từ năm 2015. Với vai trò này, cô là cựu thí sinh đầu tiên trở thành giám khảo của cuộc thi – ở bất kỳ quốc gia nào – và là một trong số ít nữ giám khảo trong toàn bộ các chương trình nhượng quyền thương mại quốc tế của MasterChef. “Thật là một cảm giác tuyệt vời khi đi từ thí sinh và trở thành một người cố vấn,” Christine nói.
Thí sinh về thứ nhì của MasterChef Vietnam Phần 1 Trí Phan đã chia sẻ, “Từ câu chuyện của cô Christine, em nhận ra rằng điều quan trọng nhất khi nấu ăn là hương vị. Và kể từ đó, em bắt đầu nhấn mạnh hơn vào sự kết hợp hương vị có ý nghĩa, [thay vì] ném nhiều thứ lên đĩa chỉ để cho bắt mắt.”
Để trích một câu nói thông dụng trong tiếng Thái với tất cả ai đã đi đến Vùng đất Nụ cười, thì quay MasterChef Vietnam “giông giống mà khang khác” với quay MasterChef US. “Nhiều thử thách giống với phiên bản Mỹ, nhưng vẫn có điểm khác biệt. Ví dụ, các thí sinh nấu cho các căn cứ quân đội, như tôi đã làm, nhưng các căn cứ quân đội rất khác. Nguyên liệu trong tủ chứa gồm nhiều cá và động vật có vỏ mà tôi chưa từng biết tên vì nó là đặc sản của Vietnam.” Ngoài ra, công đoàn lao động đoàn làm phim Hoa Kỳ quy định rằng việc thực hiện sản xuất chỉ được phép diễn ra sáu ngày một tuần, kéo dài thời lượng quay thành ba tháng; trong khi khả năng làm việc bảy ngày một tuần tại Việt Nam đồng nghĩa với lịch trình quay phim một tháng dày đặc. Giống đó mà cũng khác đó.
Là một Việt Kiều, Christine đối mặt với một thử thách khác khi trước đó cô chỉ nói tiếng Việt giao tiếp ở nhà. “Khi tôi đến MasterChef Vietnam, mọi chuyện rất tồi tệ. Không chỉ có tiếng lóng mới với tôi mà còn có cả một quy chuẩn từ vựng khác để phát biểu trang trọng trên truyền hình.” Nếu Christine cũng lớn lên như tôi – một Việt Kiều đến từ Houston và đi học chương trình đại học như Christine – thì có lẽ cô chỉ nghe cách nói trang trọng này trên Paris by Night vẫn hay được bật suốt ngày ở mọi cuộc tụ họp gia đình kể từ cuối thập niên 80.
“Khi trưởng thành hơn, tôi không có gia đình bên cạnh để rèn luyện. Nên tôi cảm thấy tiếng Việt của tôi đã mai một khi tôi lần đầu tới Vietnam. Quả là một thử thách khi tôi đi cùng chồng tôi là John, một người Mỹ gốc Hàn nhưng anh nhìn được. Trong khi tôi biết tiếng Việt nhưng tôi lại không nhìn thấy được. Anh ấy phải đánh vần mọi biển báo, và tôi còn nhắc anh phải thêm dấu vào nếu không tôi sẽ không đọc được. Nhưng nó như lái xe đạp vậy – kí ức sẽ quay lại.”
Khi tôi hỏi Christine về các món ăn ở Việt nam làm cô ấy ngạc nhiên nhất, cô trả lời y chang tôi hòi vừa chuyển về Sài Gòn: đồ ăn vặt đường phố. “Ở Mỹ, đồ ăn Việt là những gì ba mẹ chúng tôi đem theo [vào cuối thập niên 70], và nó vẫn giữ nguyên vậy. Giờ đây một thế hệ mới đã cho ra đời các món mới như bánh tráng trộn và bánh tráng nướng. Đó thực sự là thứ gây hứng thú với tôi.”
Nhà hàng The Blind Goat [Chú dê mù] và Xin Chào
Ẩm thực sáng tạo đường phố và văn hóa nhậu truyền cảm hứng cho Christine và John mở nhà hàng đầu tiên: Chú dê mù (Christine được sinh ra vào năm con dê) vào năm 2019. Hiện nằm trong khu ẩm thực Bravery Chef Hall ở Houston giữa những phong cách ẩm thực sáng tạo khác (đã có kế hoạch chuyển thành một nhà hàng độc lập), Chú dê mù là một bếp mở với khoảng 15 ghế xếp xung quanh như quầy bar. Đây là nơi đầu tiên công chúng được thưởng thức trù nghệ của Christine và các món ăn nổi tiếng nhờ MasterChef, như Bánh táo nát, một dạng bánh gối có khuôn Pop-Tart được lấy cảm hứng từ bánh táo của McDonald nhưng thêm chút Việt Nam với hoa hồi và gừng trong nhân và rải lên trên chút caramel nước mắm.
Đó là nơi Christine và John được có duyên gặp Tony Nguyễn, đầu bếp và đối tác ở Saigon House và đối tác tương lai của họ. Không lâu sau khi Chú Dê Mù mở cửa, Tony tự giới thiệu mình với cặp đôi và các chủ nhà hàng bắt đầu chia sẻ về sự tốn công sức trong việc làm các món ăn Việt. Tony đề nghị phụ giúp chuẩn bị tại Chú Dê Mù để họ không phải bỏ món nem cuộn của Christine khỏi menu, và không lâu sau đó chuyện này dẫn đến chuyện kia. “Trải nghiệm của chúng tôi rất giống nhau và hóa ra còn có chung triết lý về đồ ăn Việt: đồ ăn của cha mẹ thì tuyệt vời, nhưng chúng tôi muốn làm nó đương thời hơn và mang màu sắc Houston,” Christine nhận xét.
Trong vài tháng, một địa điểm với mức giá thuê hấp dẫn đang trống và vào tháng một 2020, Christine, John và Tony kí hợp đồng thuê mặt bằng nhà hàng mới mang tên Xin Chao. “Kí kết làm ăn cũng như kết hôn vậy: chúng tôi không hiểu nhau nhiều đến thế, nhưng bạn sẽ không biết được cho đến khi bạn thử.” Xin Chao sẽ là nhà hàng lớn hơn, sành hơn Chú dê mù, với một menu Việt Nam phong phú và hiện đại, được hoàn thiện hơn với tequila và cocktail nước mía.
Họa sĩ địa phương Caroline Truong tại Houston đóng góp vào các bức tranh tường phủ nội thất sặc sỡ của nhà hàng và diện mạo của nó. Có nhiều ghế ngồi ngoài trời trên các bàn pinic màu xanh, một cứu tinh nếu Xin Chào không thể mở cửa đến tháng 9 2020 khi nước Mỹ vẫn đang có lệnh giãn cách vì dịch bệnh với kinh doanh ăn uống trong nhà. Bên trong đặt những bàn gỗ bóng loáng, mang âm hưởng đương đại của ẩm thực.
Nói về menu, sự khác biệt về mùi vị của hai người trở thành sự đa dạng trong lựa chọn. “Hương vị của Tony thiên về đậm đà. Anh ấy thích thịt xông khói và các món bò và heo. Tôi thì ngược lại. Tôi cho rằng ít mới là nhiều, và khi nêm gia vị, tôi ưu tiên tạo ra sự cân bằng tinh tế. Tôi thích thú sáng tạo các món thanh mát và các món gà và hải sản,” Christine phân tích. Và như mọi cuộc hôn nhân tốt đẹp, “chúng tôi bổ trợ và thách thức lẫn nhau.”
Bạn có thể tìm thêm thông tin về Christine Ha, Chú dê mù và Xin Chao trên Instagram. Bạn cũng có thể bắt gặp Christine Ha trên một túi bỏng ngô Uncle Jax American Gourmet. Là một người đam mê ăn vặt có tiếng, tôi, Tam Le sẽ nhấn mạnh với bất kì ai chịu lắng nghe và bất kì độc giả nào của bài viết này rằng Uncle Jax (dù là vị Wisconsin cheddar cheese hay vị trộn cheese và caramel) là hãng đồ ăn vặt tốt nhất tại Vietnam.
Người dịch: Uyen Duong & Kim Pham
Biên tập: Tung Nguyen