Chới với khi mất việc cuối năm

Chấp nhận làm thời vụ, thu nhập bấp bênh, nguy cơ mất luôn trợ cấp thất nghiệp là hoàn cảnh vợ chồng chị Trần Kim Thúy khi mất việc ở thời điểm cuối năm.

Chới với khi mất việc cuối nămChị Kim Thúy chuẩn bị bữa tối cho gia đình 

Vợ chồng chị Kim Thúy, quê Sóc Trăng, vốn là công nhân lâu năm của Công ty TNHH Ta Shuan, sản xuất nhựa tổng hợp, có nhà xưởng ở Khu công nghiệp Tân Tạo (quận Bình Tân). Trước đây, nhà máy thực hiện chính sách đi ca 12 tiếng nên thu nhập hàng tháng của công nhân tương đối tốt. Tuy nhiên, nhiều tháng qua doanh nghiệp gặp khó khăn về đơn hàng nên giảm thời gian làm việc.

“Ban đầu là nghỉ thứ 7, sau đó mỗi ca chỉ làm 8 tiếng và phải nghỉ luân phiên một số ngày trong tuần”, nữ công nhân nói. Khi đi giờ hành chính, công ty chỉ trả lương căn bản mỗi tháng hơn 5 triệu đồng, ngày nghỉ nhận 70%. Thu nhập quá thấp, không đủ lo cho gia đình nên tháng 9 vừa qua, vợ chồng chị lần lượt nộp đơn nghỉ việc.

Tuy nhiên, lúc này khó khăn mới lại ập đến, công ty để nợ bảo hiểm xã hội khiến anh chị không nhận được trợ cấp thất nghiệp. Ở tuổi 45, chị Thúy cũng khó tìm được việc làm mới khi các công ty xung quanh hạn chế tuyển người. Nữ công nhân đành xin vào làm thời vụ, nhận lương theo ngày cho một xưởng gia công đồ nhựa trên địa bàn. Chồng chị phụ hồ nhưng các công trình cũng hoạt động cầm chừng nên thu nhập bấp bênh.

Từ lúc nghỉ việc, gia đình chị Thúy chỉ kiếm được gần 6 triệu đồng mỗi tháng, đủ trả tiền trọ và xăng xe đi lại cho người con đầu học đại học. Vợ chồng chị còn một con trai học lớp 7 gửi ở quê nhưng mấy tháng qua anh chị không gửi về đồng nào, phó mặc cho bà ngoại lớn tuổi.

“Tôi cố gắng bám lại thành phố một hoặc hai tháng để đòi các khoản trợ cấp từ công ty rồi sẽ về quê. Gia đình xác định năm nay không có Tết”, nữ công nhân nói. Không những vợ chồng chị Thúy, gần 100 lao động của Ta Shuan cũng không còn việc để làm khi công ty sẽ tạm thời đóng cửa ba tháng hai xưởng sản xuất từ ngày 5/11.

Tương tự, chị Nguyễn Thị Hằng, 38 tuổi, cũng thất nghiệp gần hai tháng qua do công ty không có đơn hàng. Chị Hằng vốn là công nhân Công ty TNHH Molax Vina, chuyên về may mặc, ở khu công nghiệp Vĩnh Lộc. Hơn chục năm gắn bó, người mẹ hai con nói rằng “chưa bao giờ khó như năm nay”.

Giữa tháng 6, công ty không còn hàng sản xuất nên cho công nhân nghỉ chờ việc, thông báo tháng 7 quay lại nhà máy. Tuy nhiên, đến tháng 9, tình hình không khá hơn nên chị Hằng và nhiều người khác nộp đơn nghỉ việc.

Chị Hằng vốn là thợ phụ nên lương căn bản chỉ bằng mức tối thiểu, tức chưa đến 5 triệu đồng, đây cũng là mức lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội hàng tháng. Mức đóng thấp nên trợ cấp thất nghiệp của chị cũng không cao, khoảng 2,5 triệu đồng. Chồng chị là công nhân xưởng sản xuất túi nilon, lương mỗi tháng hơn 7 triệu đồng.

“Vợ chồng không dám tiêu đồng nào cho bản thân bởi còn hai con và mẹ già cần chăm sóc”, chị Hằng nói.

Chị Hằng là một trong hơn 10.440 người trong tháng 10/2022 nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp tại Trung tâm dịch vụ việc làm TP HCM. Tổng số người không có việc làm, đủ điều kiện hưởng trợ cấp được trung tâm ghi nhận 10 tháng qua là gần 128.000 người, tăng 26% so với cùng kỳ năm ngoái.

So với đầu năm, thời điểm này lao động mất việc còn đối mặt thách thức tìm được công việc mới. Chị Nguyễn Ngọc Tuyền, 30 tuổi, mất việc hơn tháng qua do công ty dừng hoạt động, cho biết đã nộp đơn nhiều nơi nhưng vẫn chưa tìm được chỗ mới.

“Tìm việc phù hợp giai đoạn này thực sự quá khó”, người mẹ hai con nói. Vốn có kinh nghiệm trong ngành thực phẩm nên chị mong muốn tìm được công việc tương tự. Hai tuần trước chị Tuyền được một công ty tiếp nhận. Tuy nhiên, gần đến ngày đi làm cán bộ nhân sự đột ngột thông báo doanh nghiệp dừng hoạt động, chưa có kế hoạch mở lại. Nhiều đồng nghiệp của chị cũng lâm cảnh tương tự đành chấp nhận làm thời vụ, bán hàng online…

Ông Trần Việt Anh, Phó chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp TP HCM (HUBA), nói rằng ngoài doanh nghiệp sản xuất hàng thiết yếu như thực phẩm, đồ dùng gia đình đơn hàng ổn định, công nhân có việc làm, nhiều ngành khác đang gặp khó khăn. Một số ngành thuộc diện xa xỉ “có cũng được mà không cũng chẳng sao” như nội thất, quần áo, da giày… nhu cầu mua sắm giảm mạnh. Ngành điện tử thiếu nguyên phụ liệu sản xuất.

Theo thống kê của Hiệp hội Da – Giày – Túi xách Việt Nam, trong quý 4, các doanh nghiệp trong ngành giảm 30% đơn hàng, kim ngạch xuất khẩu của ngành bắt đầu giảm từ tháng 9.

“Những ngành gặp khó khăn sử dụng lượng lao động khá lớn, đó thực sự là thách thức đối với các doanh nghiệp”, ông Việt Anh nói. Tuy nhiên, giai đoạn này với nhiều nhà máy lao động vẫn là ưu tiên hàng đầu và quan trọng nhất. Do đó, các công ty sẽ cố gắng xoay xở để giữ người, chờ thị trường phục hồi, không để thiếu lao động như các đợt bùng dịch vừa qua.

Ông Nguyễn Thành Đô, Trưởng ban Chính sách pháp luật (Liên đoàn lao động TP HCM), cho biết công đoàn đã đưa lao động ở các doanh nghiệp bị mất việc, giảm giờ làm, hoàn cảnh khó khăn vào diện được chăm lo dịp Tết sắp đến. Thành phố cũng cử người giám sát chặt chẽ tình hình việc làm của người lao động, trả lương, thưởng tại các công ty, nhất là tại doanh nghiệp gặp khó khăn do thiếu đơn hàng để có phương án hỗ trợ. Một số quận, huyện kết nối việc làm giữa các doanh nghiệp để giới thiệu lao động đến nơi cần tuyển./.

(Q.Đ tổng hợp)