Chợ nổi ở Đồng bằng sông Cửu Long: Nét văn hóa đặc sắc | Văn hóa | Vietnam+ (VietnamPlus)

Cho noi o Dong bang song Cuu Long: Net van hoa dac sac hinh anh 1

Chợ nổi Cái Răng – địa điểm du lịch thú vị miền Tây Nam Bộ. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Ra đời từ nhu cầu giao thương hàng hóa của người dân vùng sông nước, các chợ nổi ở Đồng bằng sông Cửu Long giờ đây không chỉ là nơi giao thương hàng hóa, nông sản mà còn là nét văn hóa đặc trưng, sản phẩm du lịch ấn tượng, cần được duy trì và phát huy để phát triển bền vững.

Đến các chợ nổi ở Đồng bằng sông Cửu Long, nhiều người có cảm nhận như đang được chứng kiến một bức tranh cuộc sống sinh động, nhiều sắc màu. Hòa mình vào không khí mua bán hàng hóa trên sông nước, chúng ta hiểu thêm về nét văn hóa đặc sắc của người dân vùng đồng bằng châu thổ phía Nam đất nước.

Hình thành trên sông nước

Nói về nguồn gốc ra đời của chợ nổi, các nhà nghiên cứu khẳng định chợ nổi ra đời xuất phát quy luật tất yếu của sự phát triển thương mại, đáp ứng nhu cầu phân phối, tiêu thụ hàng hóa của cư dân trong vùng khi điều kiện giao thông đường bộ còn hạn chế; đồng thời thể hiện tập quán đi lại, mua bán trên sông của cư dân vùng đất Nam Bộ. Hệ thống sông ngòi, kênh rạch chằng chịt là đặc trưng thiên nhiên của Đồng bằng sông Cửu Long.

Nhiều nơi hợp lưu của các nhánh sông đã tạo thành các ngã ba, ngã tư, ngã năm, ngã sáu, thậm chí là ngã bảy trên sông. Đó là một trong những yếu tố quan trọng góp phần hình thành nên các chợ nổi trên sông nước đồng bằng.

[Mega Story] Bảo tồn văn hóa và phát triển du lịch ở chợ nổi Cái Răng

Thạc sỹ Trần Thị Bích Thủy, Phân viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh, lý giải để thích nghi điều kiện sống nhiều sông, rạch, cư dân miền sông nước đã hình thành phương thức mưu sinh mang tính đặc thù riêng. Con người mua bán, trao đổi hàng hóa trên sông nước bằng các phương tiện vận tải đường thủy, đó chính là chợ nổi.

Rất nhiều nơi ở Đồng bằng sông Cửu Long có chợ nổi, có thể kể đến như các chợ nổi Cái Răng, Phong Điền (Cần Thơ), chợ An Hữu, Cái Bè (Tiền Giang), chợ Ngã Năm, Trà Men ở Sóc Trăng hay chợ Năm Căn, Thới Bình ở tỉnh Cà Mau…

Liên quan đến mốc thời gian ra đời của chợ nổi, một số thương hồ (người buôn bán hàng hóa trên ghe, xuồng) cho biết họ không rõ chợ chính xác có tự khi nào, chỉ biết rằng từ thuở ấu thơ đã theo cha mẹ lên ghe, xuồng rong ruổi trên sông, khi lớn lên tại tiếp tục mưu sinh bằng nghề bán buôn nông sản, hàng hóa ở chợ nổi.

Còn từ góc độ nghiên cứu, Tiến sỹ Nguyễn Trọng Nhân, Trường Đại học Cần Thơ, cho rằng chợ nổi ở Đồng bằng sông Cửu Long ra đời một cách tự nhiên từ hoạt động đi lại và mua bán trên sông của người dân. Vì lẽ đó, năm ra đời cụ thể của từng chợ chưa thấy tài liệu nào ghi chép lại.

Qua tìm hiểu, tham vấn người dân địa phương cũng như cư dân thương hồ, chợ nổi Cái Bè (Tiền Giang) có thể được ra đời vào cuối thế kỉ XVIII còn chợ nổi Cái Răng (Cần Thơ) được hình thành vào đầu thế kỉ XX sau khi luồng lưu thông giữa sông Cần Thơ với rạch Cái Tư và sông Cái Lớn thuận tiện. Còn chợ nổi ở Cà Mau hay ở Long Xuyên, Châu Đốc (An Giang) có thể ra đời muộn hơn.

Hoạt động giao thương độc đáo

Hình thành gắn với đặc thù vùng sông nước, chợ nổi có vai trò rất quan trọng trong việc tiêu thụ hàng nông sản ở vùng, đem lại việc làm đáng kể cho người dân, góp phần cải thiện đời sống của cư dân thương hồ.

Chợ nổi thực sự là bức tranh đầy màu sắc về kinh tế-văn hóa-xã hội của Đồng bằng sông Cửu Long.

Tại chợ, hình thức mua bán hàng hóa diễn ra trên cơ sở kết tinh giữa môi trường sông nước và tập quán mua bán trên sông của người dân trong suốt chiều dài lịch sử.

Cho noi o Dong bang song Cuu Long: Net van hoa dac sac hinh anh 2

Cây bẹo được coi là linh hồn của chợ nổi, thường là cây sào làm bằng tre tầm vông, được sử dụng để treo lên đầu ngọn sào các loại trái cây, rau củ mà trên ghe có bày bán để từ xa người mua đã có thể nhận biết. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Chợ cũng là nơi tiếp thị, giới thiệu nhiều loại đặc sản, nông sản, là điểm trung chuyển hàng hóa giúp gắn kết giữa khu vực thành thị với vùng nông thôn.

Tùy theo ngành hàng buôn bán ở chợ nổi, chợ buôn bán đa ngành hàng hay chuyên về trái cây, nông sản mà nhóm họp cả ngày hoặc chỉ một buổi, nhưng thường có điểm chung là đông nhất là vào buổi sáng sớm, thời điểm khoảng 3-5 giờ sáng tùy từng chợ.

Một điểm nổi bật khi nói đến hoạt động giao thương ở chợ nổi Đồng bằng sông Cửu Long là sự xuất hiện của những cây bẹo – cách thức tiếp thị, quảng cáo độc đáo, là dấu hiệu giúp người mua nhận biết trên ghe, xuồng bán loại nông sản, hàng hóa nào để ghé lại mua hàng.

Theo Nhà nghiên cứu văn hóa Trần Phỏng Diều, cây bẹo được coi là linh hồn của chợ nổi, thường là cây sào làm bằng tre tầm vông, được sử dụng để treo lên đầu ngọn sào các loại trái cây, rau củ mà trên ghe có bày bán để từ xa người mua đã có thể nhận biết. Cây bẹo vì thế trở thành một quy ước, nét sáng tạo trong quảng cáo và tiếp thị từ rất sớm ở Đồng bằng sông Cửu Long.

Còn Thạc sỹ Trần Thị Bích Thủy cho rằng đây là cách quảng bá hàng hóa tại chỗ rất sinh động, cụ thể. Trước mũi ghe, người bán chỉ cần cắm hoặc gác một cây bẹo là sào dài, treo lủng lẳng trên đó những thứ nông sản hàng hóa mà họ muốn bán. Vì thế, đến chợ sẽ thấy có cây bẹo treo trái bí, trái bầu, có cây bẹo lại treo mấy trái xoài, chôm chôm, nhãn, thơm (dứa)… Đây là lối rao hàng độc đáo, không ồn ào, vồn vã, không níu kéo nhưng lại có sức thu hút khách hàng, là nét “văn hóa kinh doanh thương hồ” của chợ nổi.

Các thương hồ ở chợ nổi Cái Răng (Cần Thơ) chia sẻ thêm cây bẹo thường được họ sử dụng để giới thiệu các loại trái cây, rau củ, hàng tạp hóa… Nhưng cũng có những mặt hàng bán mà không treo lên cây bẹo như các xuồng, ghe bán hàng ăn uống và nước giải khát. Hoặc có những mặt hàng treo mà không bán là những bộ quần áo của chính những thương hồ phơi trên ghe.

Một điểm nữa, trước đây khi chưa kết hợp với hoạt động du lịch, hầu hết các chợ nổi ở Đồng bằng sông Cửu Long là chợ bán sỉ (bán buôn) chứ ít bán lẻ nông sản, hàng hóa. Hằng ngày sau khi khách mua sỉ đã gần hết họ mới chuyển sang bán lẻ hàng hóa.

Khẳng định chợ nổi ở Đồng bằng sông Cửu Long mang đậm bản sắc văn hóa vùng sông nước, theo Nhà nghiên cứu văn hóa Nam Bộ Nhâm Hùng, chợ nổi còn là nơi hình thành nhiều điệu hò đối đáp độc đáo giữa những chàng trai thương hồ và cô gái miệt vườn, quen nhau ở chợ, giao lưu văn nghệ bằng các câu hò trên mênh mang sông nước như: “Ơ ầu ơ… Chuyến này anh chở cát. Chuyến khác anh chở vôi. Anh làm sao cho duyên nợ lôi thôi, nay đổi, mai dời. Liệu bề anh có thương đặng trọn đời. Anh hãy thương, ơ ầu ơ…”

Với giá trị văn hóa đặc sắc, văn hóa chợ nổi Cái Răng – một trong những chợ nổi tiêu biểu ở Đồng bằng sông Cửu Long đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.

Tạp chí du lịch Rough Guide (Anh) bình chọn chợ nổi Cái Răng, Cần Thơ là một trong 10 khu chợ ấn tượng nhất thế giới với các xuồng, ghe bán những hàng hóa rực rỡ sắc màu hay trang website du lịch Youramazingplaces đã đưa chợ nổi Cái Răng vào danh sách những chợ nổi đẹp nhất ở châu Á./.

Thanh Trà (TTXVN/Vietnam+)