Chợ hoa ngày Tết!
Nhắc đến Tết, hẳn chợ hoa sẽ được nhiều người nghĩ đến. Một con đường, góc phố quen thuộc hàng ngày, đôi khi khá trầm lắng, bỗng chốc lại náo nhiệt hẳn lên nhờ có sự xuất hiện của trăm hoa rạo rực khoe sắc ngày xuân. Thế đó, cứ đến những ngày đầu tháng Chạp, người ta lại trông chờ chợ hoa xuân. Đến khi những chuyến ghe đầu tiên mang “mùa xuân” cặp bến, người ta mới dám chắc nịch khẳng định, chợ hoa năm nay vẫn được bày bán ở chốn cũ quen thuộc như mọi năm.
Người nhanh tay thì ghi lại toàn cảnh quá trình cặp bến chợ hoa của các thương lái. Khoảnh khắc đó đẹp lắm! Bởi nó không chỉ ẩn chứa niềm hy vọng về một năm “mua may bán đắc” của người trồng hoa vất vả, mà còn mang đến biết bao niềm hy vọng trong năm mới qua những cánh hoa tươi đang khoe sắc trước gió xuân.
Chính nét đẹp ấy mà phiên chợ Tết, chợ hoa xuân cũng nhẹ nhàng đi vào thơ ca của nhiều thi sĩ. Nào là: “Rộn ràng sắc xuân ngập tràn/ Cúc, mai choàng tấm áo vàng chợ quê/ Nặng trĩu mẹ gánh Tết về/ Đủ đầy hương vị đồng quê cổ truyền…” hay “Đã hẹn nhau sớm mai/ Lúc trời Xuân mát mẻ/ Háo hức một bầy trẻ/ Hôm nay đi chợ quê”. Thế mới thấy, dù chúng ta có bao nhiêu tuổi, dù lớn hay bé đều vẫn vẹn nguyên sự háo hức dành cho những phiên chợ Tết.
“Tôi nhớ mãi cái chợ hoa xuân thuở mình còn trẻ, dẫu không sạch sẽ, không sang trọng hay lấp lánh ánh đèn như bây giờ nhưng đối với tất cả mọi người phiên chợ đó như trẩy hội, người người, nhà nhà tranh thủ chọn cho mình vài chậu hoa ưng ý nhất, đặt trước hiên nhà rồi cứ xuýt xoa tâm đắc. Hình ảnh đẹp đẽ đó vẫn theo tôi đến tận bây giờ.
Tết khi đó dẫu có thiếu thốn nhưng cái tình, cái nghĩa của bà con quê lại rất đong đầy. Nhà này gói bánh tét nhiều một chút chỉ để mang biếu hàng xóm xung quanh. Nhà kia lại tất bật đỗ bánh kẹp, ngồi canh lửa vất vả lắm nhưng chỉ cần bánh mình biếu, hàng xóm ăn khen ngon là bao mệt nhọc cũng không còn” – bà Đoàn Thị The (58 tuổi, ngụ huyện Châu Thành) nhớ lại những ngày Tết xưa.
Mỗi dịp Tết đến xuân về, trong ta như có sự thôi thúc mãnh liệt tìm về với những giá trị văn hóa cội nguồn. Chợ Tết ngày nay đã có nhiều thay đổi để phù hợp với cuộc sống hiện đại. Chợ Tết không chỉ gói gọn trong các khu chợ, những địa điểm nhất định mà đã tỏa ra mọi ngóc ngách của cuộc sống trong sự phát triển của công nghệ thông tin và các loại hình dịch vụ tiện ích.
Việc chuẩn bị Tết cũng trở nên dễ dàng hơn vì chỉ cần vào siêu thị hay đặt hàng trên các kênh bán hàng trực tuyến là có đủ cho một cái Tết. Thế nhưng, để tìm được những giá trị đặc sắc của Tết cổ truyền, việc dạo quanh chợ Tết là ý tưởng rất hay.
Hoa là linh hồn, là cảnh sắc thiên nhiên ban tặng trang điểm cho đời, nếu thiếu hoa thì không còn ý nghĩa của ngày Tết nữa. Vì vậy, chưng hoa, kiểng ngày Tết là nhu cầu làm đẹp từ ngàn xưa của ông bà ta. Mỗi loài hoa mang một màu sắc đặc trưng kèm theo đó là những ý nghĩa không lẫn vào đâu được.
Việc mọi người dạo chợ hoa ngày Tết, không chỉ để thưởng thức hoa đẹp mà còn chọn cho mình những chậu hoa ưng ý nhất, để gửi gắm mong ước năm mới đủ đầy, thịnh vượng hơn với gia chủ. Hoa xuân vì thế càng mang trong mình nhiều ý nghĩa. Từ vạn thọ, cúc mâm xôi, hải đường, đỗ quyên, hướng dương, phát tài, đồng tiền, hoa mai, hoa đào… hàng trăm loại hoa khoe sắc đều mang hàm ý sẽ mang lại may mắn, tài lộc. Chợ hoa Tết vì vậy luôn tấp nập người tham quan, mua sắm.
Hơn nữa, chợ hoa là không gian để mọi người du xuân, cảm nhận không khí Tết gần gũi nhất. Là nơi để giúp các cô, chú nông dân dành bao ngày chăm bón cho những cây, hoa có thêm thu nhập để ăn cái Tết đủ đầy hơn với gia đình. Đặc biệt, đây còn là địa điểm để các bạn trẻ “check in”, chụp hình khoe với bạn bè những khoảnh khắc đẹp nhất của mình.
Với những ý nghĩa đó, chợ hoa Tết vẫn sẽ “sống” mãi theo thời gian và là ký ức đẹp của bao người Việt mỗi khi Tết đến, xuân về. Tuy nhiên, do tình hình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, để an toàn cho bản thân và gia đình, khi đi chợ Tết, mọi người cần mang khẩu trang đúng cách để phòng, chống dịch bệnh COVID-19!