Chính sách tài chính hỗ trợ doanh nghiệp phát triển

Chủ trương, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển

Ngay từ những ngày đầu giành được độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề cao vai trò của doanh nghiệp (DN), doanh nhân trong phát triển kinh tế đất nước. Trong bức thư gửi giới công thương Việt Nam năm 1945, Người đã khẳng định: “Việc nước và việc nhà bao giờ cũng đi đôi với nhau. Nền kinh tế quốc dân thịnh vượng nghĩa là các sự kinh doanh của các nhà công nghiệp, thương nghiệp thịnh vượng”.

Trải qua 75 năm xây dựng và phát triển đất nước, có thể thấy, tư tưởng của Người vẫn còn nguyên giá trị và được Đảng, Nhà nước tiếp thu thông qua việc ban hành các chủ trương, định hướng phát triển DN. Theo đó, các văn kiện Đại hội Đảng qua các kỳ đại hội, đặc biệt là từ sau Đại hội lần thứ VI của Đảng đã nhấn mạnh, vai trò của chính sách tài chính trong phát triển sản xuất kinh doanh, tạo điều kiện cho DN đầu tư phát triển.

Gần đây, ngày 03/6/2017, tại Hội nghị Trung ương 5 Khóa XII đã ban hành Nghị quyết số 10-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, trong đó đã đề ra mục tiêu: “Đến năm 2020 có ít nhất 1 triệu DN; đến năm 2025 có hơn 1,5 triệu DN và đến năm 2030, có ít nhất 2 triệu DN”. Để thực hiện mục tiêu đặt ra, Nghị quyết số 10-NQ/TW đã đề cập tới việc hoàn thiện các cơ chế, chính sách, trong đó có cơ chế, chính sách tài chính nhằm tạo thuận lợi cho DN phát triển.

Chính sách tài chính hỗ trợ doanh nghiệp phát triển - Ảnh 1

Trên cơ sở các chủ trương của Đảng, ngày 12/6/2017, Quốc hội đã thông qua Luật Hỗ trợ DN nhỏ và vừa, trong đó có đề cập tới các hình thức hỗ trợ và chính sách tài chính như: thuế, phí, lệ phí, tín dụng, chi ngân sách hỗ trợ trực tiếp hoặc gián tiếp, trợ giá, bù giá, quỹ bảo lãnh tín dụng… nhằm hỗ trợ và phát triển DN. Ngoài ra, thông qua các luật thuế với các điều khoản ưu đãi cho DN theo ngành, lĩnh vực, địa bàn và đặc biệt là việc giảm thuế suất thuế thu nhập DN phổ thông từ 32% năm 1999 xuống còn 20% năm 2016 đã giúp DN có thêm nguồn lực cho đầu tư, phát triển sản xuất kinh doanh. Bên cạnh đó, các chính sách chi ngân sách nhà nước (NSNN) hỗ trợ DN được thực hiện thông qua các hình thức ưu đãi tín dụng nhà nước, chi đào tạo nghề, chi xúc tiến thương mại, chi hỗ trợ DN trong các trường hợp thiên tai, hoả hoạn, dịch bệnh… cũng đã giúp DN ổn định sản xuất, giảm chi phí, có thêm nguồn lực đầu tư, mở rộng sản xuất kinh doanh, tạo thuận lợi cho DN phát triển.

Ở góc độ Chính phủ, Chính phủ cũng đã ban hành Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 về hỗ trợ và phát triển DN đến năm 2020 với mục tiêu xây dựng và phát triển các DN có năng lực cạnh tranh, có quy mô, nguồn lực lớn mạnh. Nghị quyết số 35/NQ-CP cũng đưa ra các nhiệm vụ và giải pháp nhằm hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho DN phát triển. Ngoài ra, từ năm 2014 đến nay, hàng năm Chính phủ cũng đã ban hành nghị quyết về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, trong đó có các nhiệm vụ và giải pháp về hoàn thiện cơ chế, chính sách tài chính – NSNN để khuyến khích và hỗ trợ phát triển DN.

Những điều chỉnh chính sách tài chính hỗ trợ doanh nghiệp trong bối cảnh hiện nay

Nền kinh tế Việt Nam năm 2020 đã hội nhập sâu, rộng vào nền kinh tế thế giới nên những diễn biến của tình hình kinh tế, chính trị và tài chính thế giới có ảnh hưởng lớn tới kinh tế Việt Nam. Trong đó, nền kinh tế Việt Nam đang bị tác động mạnh bởi cuộc chiến tranh thương mại giữa các nước lớn (nhất là giữa Mỹ và Trung Quốc), diễn biến phức tạp ở Biển Đông, cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0; biến đổi khí hậu, thiên tai, hạn hán và đặc biệt là đại dịch Covid-19.

Chính sách tài chính hỗ trợ doanh nghiệp phát triển - Ảnh 2

 Mối quan tâm lớn nhất của các nền kinh tế trong đó có Việt Nam hiện nay là những ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Đại dịch Covid-19 đã buộc nhiều nước phải thực hiện lệnh phong tỏa nền kinh tế nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh khiến cho hoạt động kinh tế bị ngưng trệ, làm gián đoạn dòng luân chuyển thương mại, đầu tư, sản xuất kinh doanh, kinh tế thế giới nhanh chóng rơi vào tình trạng suy thoái và các nước là đối tác lớn của Việt Nam đều bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Theo nhận định của nhiều tổ chức quốc tế, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 khiến tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2020 được dự báo sẽ thấp hơn năm 2019 thậm chí xuống thấp nhất trong hơn 1 thập kỷ qua do chuỗi cung ứng toàn cầu bị gián đoạn, cầu hàng hóa suy giảm. Đối với Việt Nam, các tổ chức quốc tế như ADB, IMF đều hạ dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2020 (so với các dự báo đưa ra trước đó) ở mức khoảng 2,7%-4,1%.

Trước bối cảnh đại dịch Covid-19 ảnh hưởng tới mọi khía cạnh của đời sống kinh tế-xã hội, nhiều DN buộc phải tạm dừng hoạt động, thu hẹp quy mô, nhiều lao động phải nghỉ luân phiên, làm việc cầm chừng hoặc mất việc làm, đời sống của một bộ phận người dân gặp khó khăn. Để ứng phó với dịch bệnh và góp phần hỗ trợ người dân, DN vượt qua khó khăn, khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh, Chính phủ đã đưa ra một số giải pháp và trình Quốc hội thông qua một số giải pháp cấp bách như:

– Nhóm các giải pháp miễn thuế và thu ngân sách gồm: (i) Miễn thuế nhập khẩu đối với các mặt hàng vật tư và thiết bị y tế phục vụ phòng chống dịch Covid-19, vật tư, nguyên liệu đầu vào của các DN da giày, dệt may, nông nghiệp, cơ khí, công nghiệp phụ trợ, công nghiệp ô tô; (ii) Miễn lệ phí môn bài đối với hộ gia đình, cá nhân, nhóm cá nhân lần đầu tham gia hoạt động sản xuất, kinh doanh trong năm đầu; cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình hoạt động sản xuất, kinh doanh có doanh thu hàng năm từ 100 triệu đồng trở xuống…

– Nhóm các giải pháp về giảm thuế và các khoản thu ngân sách: (i) Nâng mức giảm trừ gia cảnh của thuế thu nhập cá nhân cho người nộp thuế và người phụ thuộc; (ii) Giảm 30% số thuế thu nhập DN phải nộp năm 2020 đối với DN, hợp tác xã, đơn vị sự nghiệp và tổ chức khác có tổng doanh thu chịu thuế năm 2020 không quá 200 tỷ đồng; (iii) Giảm 30% mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay áp dụng đến hết năm 2020; (iv) Giảm 15% tiền thuê đất phải nộp của năm 2020 đối với DN, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân đang được Nhà nước cho thuê đất trực tiếp theo quyết định, hợp đồng của cơ quan nhà nước có thẩm quyền dưới hình thức trả tiền thuê đất hằng năm phải ngừng sản xuất kinh doanh do ảnh hưởng của dịch Covid-19; (iv) Rà soát, cắt giảm một số khoản phí và lệ phí như: giảm 70% mức thu lệ phí đăng ký DN; giảm 67% mức phí công bố thông tin DN; giảm từ 50-70% phí thẩm định cấp sửa đổi, bổ sung giấy phép hoạt động bưu chính; giảm 50% lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước tới hết năm 2020 nhằm kích thích cả sản xuất và tiêu dùng trong nước…

– Nhóm các giải pháp về gia hạn thời hạn nộp thuế và các khoản thu ngân sách thông qua ban hành Nghị định số 41/2020/NĐ-CP về gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập DN, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất cho các DN và hộ kinh doanh; giãn thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước tới hết năm 2020 nhằm kích thích cả sản xuất và tiêu dùng trong nước…

– Chi NSNN được điều hành chặt chẽ, tiết kiệm, đảm bảo thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội. Các nhiệm vụ chi ngân sách trong sáu tháng đầu năm 2020 đã tập trung cho công tác phòng, chống dịch Covid-19, triệt để tiết kiệm, bố trí trong dự toán được giao để thực hiện các nhiệm vụ chi quan trọng; rà soát để cắt giảm tối thiểu 70% kinh phí hội nghị, công tác phí trong và ngoài nước và tiết kiệm thêm 10% chi thường xuyên khác còn lại của năm 2020, đặc biệt là các khoản chi mua sắm chưa thực sự cần thiết; đồng thời, chưa thực hiện điều chỉnh tăng mức lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và lương hưu từ ngày 01/7/2020 nhằm chia sẻ khó khăn với nhà nước và người lao động nói chung. Cùng với đó, NSNN đảm bảo đáp ứng các nhiệm vụ đầu tư cơ sở hạ tầng, phát triển kinh tế – xã hội, quốc phòng, an ninh, quản lý nhà nước, đảm bảo an sinh xã hội.

– Giảm 50% giá cất cánh, hạ cánh tàu bay và giá dịch vụ điều hành bay đi, đến đối với các chuyến bay nội địa từ tháng 3 đến hết tháng 9/2020; áp dụng mức giá tối thiểu 0 đồng đối với các dịch vụ chuyên ngành hàng không thuộc danh mục Nhà nước quy định khung giá từ tháng 3 đến hết tháng 9/2020.

– Giảm 2% lãi suất cho vay trực tiếp, cho vay gián tiếp đối với DN nhỏ và vừa từ Quỹ Phát triển DN nhỏ và vừa.

Một số vấn đề đặt ra

Những động thái điều chỉnh chính sách tài chính trong thời gian qua đã góp phần thực hiện mục tiêu kép là vừa phòng chống dịch, vừa thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh, đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, an sinh xã hội, tuy nhiên, cũng cho thấy những vấn đề đặt ra cần được quan tâm. Cụ thể:

Thứ nhất, số lượng DN thành lập mới có xu hướng giảm. Trong 7 tháng đầu năm 2020, số DN đăng ký thành lập mới so với cùng kỳ năm 2019 giảm 5,1%, giảm 6,3% về vốn đăng ký và giảm 19,5% về số lao động. Theo Báo cáo “Kết quả khảo sát đánh giá tác động của dịch Covid-19 đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN Việt Nam” của Tổng cục Thống kê thực hiện trong tháng 4/2020, có tới 85,7% số DN trên phạm vi cả nước bị tác động bởi dịch Covid-19. Các yếu tố thị trường tiêu thụ bị giảm, thiếu hụt nguyên liệu đầu vào, thiếu vốn cho sản xuất trong khi áp lực chi trả công lao động, thực hiện các giải pháp nâng cao trình độ chuyên môn/tay nghề cho người lao động, ứng dụng thương mại điện tử… làm tăng chi phí cho DN.

Theo báo cáo của Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ (tháng 3/2020) thì 74% DN sẽ phá sản nếu dịch Covid-19 kéo dài 6 tháng, 60% số DN sẽ bị giảm trên 50% doanh thu và 39% số DN chọn giải pháp sa thải nhân viên. Như vậy, nếu dịch bệnh tiếp tục kéo dài, tình hình sản xuất kinh doanh của DN sẽ gặp nhiều khó khăn hơn, tác động lớn đến lao động và việc làm, ảnh hưởng mạnh tới việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội năm 2020.

Thứ hai, trong những tháng còn lại của năm 2020, tác động của dịch Covid-19 đến thu NSNN có thể sẽ rất lớn do Việt Nam là một nền kinh tế hội nhập sâu rộng, độ mở lớn, tính tự chủ và khả năng chống chịu còn hạn chế nên tác động của dịch bệnh, thiên tai… làm tăng trưởng kinh tế suy giảm, hoạt động sản xuất – kinh doanh của các DN trong nước bị đình trệ, đời sống người dân khó khăn. Hơn thế, việc Quốc hội thông qua các Nghị quyết về miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp, Nghị quyết về giảm thuế thu nhập DN phải nộp năm 2020 đối với DN, hợp tác xã, đơn vị sự nghiệp và tổ chức khác… cùng với việc Chính phủ đã ban hành Nghị định số 41/2020/NĐ-CP ngày 08/4/2020 gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất cho các tổ chức, cá nhân; giảm nhiều khoản phí, lệ phí nhằm tháo gỡ khó khăn cho các đối tượng chịu ảnh hưởng bởi Covid-19… sẽ làm thu NSNN giảm đáng kể. Ngoài ra, do diễn biến dịch bệnh còn phức tạp, lo ngại về làn sóng bùng phát dịch Covid-19 thứ hai đã diễn ra ở nhiều quốc gia và Việt Nam, làm giảm nhu cầu năng lượng. Điều này sẽ ảnh hưởng lớn đến nguồn thu từ dầu thô của Việt Nam trong những tháng còn lại của năm 2020.

Thứ ba, áp lực chi NSNN lớn ở những tháng còn lại của năm 2020 do phải thực hiện mục tiêu kép vừa phòng, chống dịch Covid-19, vừa thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh. Cụ thể: (i) Nhu cầu mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế cho phòng, chống dịch; chi cho công tác cách ly và chữa trị người mắc bệnh Covid-19; chi phụ cấp cho lực lượng tham gia phòng, chống dịch, chi nghiên cứu sản xuất văcxin phòng chống dịch… vẫn rất lớn; (ii) Chi thực hiện các chính sách hỗ trợ người lao động và an sinh xã hội theo Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 09/4/2020 của Chính phủ, ước tính khoảng 62 nghìn tỷ đồng với số đối tượng được hỗ trợ khoảng 20 triệu người; (iii) Đẩy mạnh chi đầu tư để hỗ trợ nền kinh tế, thu hút đầu tư tư nhân, tạo việc làm, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Thứ tư, với các kế hoạch tăng chi và dự kiến giảm thu NSNN thì bội chi NSNN năm 2020 phải chịu nhiều áp lực. Trên cơ sở xem xét các phương án tăng trưởng kinh tế, trường hợp GDP tăng khoảng 4,5%, bội chi NSNN tăng thêm khoảng 75 nghìn tỷ đồng, tỷ lệ bội chi NSNN không quá 4,73% GDP; trường hợp GDP tăng 3,6%, bội chi NSNN tăng thêm khoảng 90 nghìn tỷ đồng, tỷ lệ bội chi NSNN không quá 5,02% GDP.  Tuy nhiên, với cả 2 kịch bản tăng trưởng này, dự kiến, bội chi NSNN bình quân 5 năm vẫn không quá 3,9% GDP và nợ công không qua 65% GDP, đảm bảo mục tiêu của Bộ Chính trị và của Quốc hội đề ra. Tuy nhiên, trường hợp tăng trưởng kinh tế thấp hơn mức 3,6%, thì mức và tỷ lệ bội chi so GDP có thể cao hơn. Điều này sẽ gây áp lực tăng tỷ lệ nợ công.

Chính sách tài chính hỗ trợ doanh nghiệp trong thời gian tới

Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 trên thế giới và trong nước vẫn còn diễn biến phức tạp, ảnh hưởng lớn đến các hoạt động sản xuất, thương mại toàn cầu, thu NSNN của Việt Nam sẽ gặp nhiều khó khăn, thách thức trong khi nhu cầu chi ngày càng tăng. Để có thể hoàn thành các mục tiêu tài chính – ngân sách đã đặt ra, cũng như tạo mọi thuận lợi tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển DN, chính sách tài chính trọng tâm vào các biện pháp như sau:

Một là, tiếp tục ưu tiên các biện pháp phòng, chống và kiểm soát dịch Covid-19 để tạo sự ổn định trong hoạt động sản xuất – kinh doanh cũng như đời sống của người dân, DN.

Hai là, nắm chắc đường lối, chủ trương, định hướng của Đảng, Nhà nước về phát triển DN, đồng thời quan tâm, lắng nghe ý kiến của DN về những khó khăn, vướng mắc trong thực hiện các chính sách tài chính để có giải pháp tháo gỡ kịp thời, đảm bảo việc ban hành chính sách, chế độ tài chính theo đúng định hướng, chủ trương của Đảng, đồng thời tháo gỡ các “nút thắt” cho DN phát triển.

Ba là, chú trọng công tác phân tích, dự báo tình hình kinh tế, chính trị, tài chính trên thế giới và trong nước để có những đề xuất, tham mưu chính sách tài chính kịp thời nhằm hỗ trợ, thúc đẩy DN phát triển cũng như tháo gỡ khó khăn cho DN. Bên cạnh đó, cần tiếp tục thực hiện và đẩy nhanh tiến độ triển khai các nhiệm vụ, giải pháp đề ra tại Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 01/01/2020 về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội và dự toán NSNN năm 2020 và Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 01/01/2020 về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2020; Quyết liệt triển khai các nghị quyết của Trung ương về hoàn thiện thể chế, cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, đảm bảo thực hiện các mục tiêu về tăng trưởng kinh tế.

Bốn là, chú trọng công tác đào tạo nhân lực, tăng cường quản trị DN và tận dụng cơ hội khi tham gia và thực hiện các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới để thúc đẩy và mở rộng xuất khẩu, đầu tư, ứng dụng khoa học công nghệ… qua đó, tạo thuận lợi cho DN phát triển.

Năm là, nghiên cứu, hoàn thiện chính sách thu NSNN theo hướng hợp lý hóa các ưu đãi, rà soát các ưu đãi thuế, điều chỉnh thuế suất… nhằm thúc đẩy và mở rộng nguồn thu ổn định, bền vững; Thực hiện quyết liệt các giải pháp công tác quản lý thu NSNN, tăng cường cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực thuế, tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, hỗ trợ tốt cho người nộp thuế…

Sáu là, thực hiện chính sách chi tiết kiệm, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư công làm động lực cho phát triển kinh tế nói chung, DN nói riêng.