Chính sách khoa học công nghệ là gì ? Nội dung chính sách khoa học, công nghệ trong hiến pháp ?

Từ những năm 80 của thế kỉ XX đến nay, do tác động của cuộc cách mạng khoa học và công nghệ hiện đại, đặc biệt là công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, công nghệ vật liệu, công nghệ năng lượng nên nền kinh tế thế giới đang biến đổi sâu sắc, mạnh mẽ về cơ cấu, chức năng và phương thức hoạt động.

1. Chính sách khoa học công nghệ của nhà nước

Đây không phải là sự biến đổi bình thường mà là bước ngoặt lịch sử có ý nghĩa trọng đại, nền kinh tế công nghiệp chuyển sang nền kinh tế tri thức, nền văn minh loài người chuyển từ văn minh công nghiệp sang văn minh trí tuệ. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng Cộng sản Việt Nam năm 2011 đã khẳng định phát triển mạnh khoa học, công nghệ làm động lực đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển kinh tế tri thức; góp phần tăng nhanh năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế, sự phát triển nhanh, bền vững của đất nước; nâng tỉ lệ đóng góp của yếu tố năng suất tổng hợp vào tăng trưởng. Thực hiện đồng bộ ba nhiệm vụ chủ yếu: nâng cao năng lực khoa học, công nghệ; đổi mới cơ chế quản lý; đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng. Đại hội đại biểu Đảng toàn quốc lần thứ XI cũng đã chỉ ra định hướng phát triển khoa học, công nghệ của nước ta trong giai đoạn hiện nay là phát triển năng lực khoa học, công nghệ có trọng tâm, trọng điểm, tập trung cho những ngành, lĩnh vực then chốt, mũi nhọn, đảm bảo đồng bộ về cơ sở vật chất, nguồn nhân lực. Nhà nước tăng mức đầu tư và ưu tiên đầu tư cho các nhiệm vụ, các sản phẩm khoa học, công nghệ trọng điểm quốc gia, đồng thời đẩy mạnh xã hội hóa, huy động mọi nguồn lực, đặc biệt là của các doanh nghiệp cho đầu tư phát triển khoa học, công nghệ. Cùng với việc đầu tư có trọng tâm trọng điểm, phải đổi mới mạnh mẽ cơ chế quản lý, tổ chức, hoạt động khoa học, công nghệ, xem đó là khâu đột phá để thúc đẩy phát triển và nâng cao hiệu quả của khoa học và công nghệ. Chuyển các cơ sở nghiên cứu, ứng dụng sang cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm, phát triển các doanh nghiệp khoa học và công nghệ, thị trường khoa học, công nghệ. Đổi mới căn bản cơ chế sử dụng kinh phí nhà nước, xây dựng hệ thống tiêu chí đánh giá kết quả các chương trình, đề tài khoa học và công nghệ theo hướng phục vụ thiết thực mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội, lấy hiệu quả ứng dụng làm thước đo chủ yếu đánh giá chất lượng công trình. Thực hiện đồng bộ chính sách đào tạo, thu hút, trọng dụng, đãi ngộ xứng đáng nhân tài khoa học, công nghệ.

Đại hội đại biểu Đảng toàn quốc lần thứ XI năm 2011 cũng đã chỉ ra phương hướng nghiên cứu là phải đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng; phát triển đồng bộ khoa học xã hội, khoa học tự nhiên, khoa học kĩ thuật và công nghệ. Khoa học xã hội làm tốt nhiệm vụ tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận, dự báo xu hướng phát triển, cung cấp luận cứ cho việc xây dựng đường lối, chính sách phát triển đất nước trong giai đoạn mới. Hướng mạnh nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ phục vụ các chương trình, kế hoạch phát hiển kinh tế, xã hội, đặc biệt là trong những ngành, những lĩnh vực then chốt, mũi nhọn. Ưu tiên phát triển công nghệ cao, đồng thời sử dụng hợp lý công nghệ sử dụng nhiều lao động. Nhanh chóng hình thành một số cơ sở nghiên cứu – ứng dụng mạnh, gắn với các doanh nghiệp chủ lực, đủ sức tiếp thu, cải tiến và sáng tạo công nghệ mới. Xây dựng và thực hiện chương trình đổi mới công nghệ quốc gia; có chính sách khuyến khích và hỗ trợ các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế đổi mới công nghệ. Kết hợp chặt chẽ nghiên cứu và phát triển trong nước với tiếp nhận công nghệ nước ngoài.

Nhận thức rõ vai trò của khoa học và công nghệ đối với sự phát triển kinh tế – xã hội của đất nước, trong Hiến pháp năm 2013 Nhà nước ta đã xác định các nguyên tắc và nội dung cơ bản trong chính sách về khoa học và công nghệ của Việt Nam trong thời kì đổi mới và hội nhập quốc tế:

– Phát triển khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu (khoản 1 Điều 62);

– Khoa học và công nghệ quốc gia giữ vai trò then chốt trong sự nghiệp phát triển kinh tế – xã hội của đất nước (khoản 1 Điều 62);

– Nhà nước ưu tiên đầu tư và khuyến khích tổ chức, cá nhân đầu tư nghiên cứu, phát triển, chuyển giao, ứng dụng có hiệu quả thành tựu khoa học và công nghệ; bảo đảm quyền nghiên cứu khoa học và công nghệ; bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ (khoản 2 Điều 62);

– Nhà nước tạo điều kiện để mọi người tham gia và được thụ hưởng lợi ích từ các hoạt động khoa học và công nghệ (khoản 3 Điều 62).

2. Vai trò của khoa học và công nghệ trong sự nghiệp phát triển kinh tế – xã hội của đất nước

Khoa học được hiểu là hệ thống tri thức tích lũy trong quá trình lịch sử và được thực tiễn chứng minh, phản ánh những quy luật khách quan của thế giới bên ngoài cũng như của hoạt động tinh thần của con người, giúp con người có khả năng cải tạo thế giới hiện thực.

Gắn liền với khoa học là công nghệ, tổng thể nói chung các phương pháp gia công, chế tạo làm thay đổi trạng thái, tính chất, hình dáng nguyên vật liệu hay bán thành phẩm sử dụng trong quá trình sản xuất để tạo ra sản phẩm hoàn chỉnh.

Khoa học và công nghệ giữ vai trò then chốt trong sự nghiệp phát triển kinh tế – xã hội của đất nước (khoản 1 Điều 62 Hiến pháp năm 2013).

Khoa học và công nghệ luôn luôn có vai trò thúc đẩy phát triển sản xuất, vai trò ấy tăng dần cùng với quá trình phát triển của xã hội. Trong nền kinh tế nông nghiệp vốn tri thức con người còn rất ít, công nghệ hầu như không đổi mới, tác động của khoa học, công nghệ chưa rõ rệt. Những thành tựu khoa học thế kỉ XVII dẫn tới cuộc cách mạng kĩ thuật lần thứ nhất vào cuối thế kỉ XVIII thúc đẩy sự chuyển biến từ kinh tế nông nghiệp sang kinh tế công nghiệp. Kinh tế công nghiệp đã phát triển nhanh trong hơn hai trăm năm qua, của cải của loài người đã tăng lên hàng trăm lần. Khoa học và công nghệ ngày càng đóng góp vai trò quan trọng cho phát triển kinh tế xã hội.

Những thành tựu nổi bật của khoa học đầu thế kỉ XX như thuyết tương đối, thuyết lượng tử đã làm tiền đề cho cuộc cách mạng khoa học và công nghệ hiện đại giữa thế kỉ XX. Trong khoảng hai mươi năm cuối của thế kỉ XX đã diễn ra giai đoạn mới của cách mạng khoa học và công nghệ – giai đoạn bùng nổ của thông tin, công nghệ và tri thức, đặc biệt là sự xuất hiện các công nghệ cao như công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, công nghệ vật liệu mới đã làm thay đổi cơ cấu kinh tế, tốc độ tăng trưởng kinh tế tăng nhanh, khoa học và công nghệ ữở thành lực lượng sản xuất trực tiếp.

Luật Minh KHuê (sưu tầm & biên tập)