Chiêu trò ‘thổi giá’ dịch vụ phẫu thuật nâng ngực, nâng mông… tại các thẩm mỹ viện

Các thẩm mỹ viện quảng cáo “chui” dịch vụ xâm lấn đại phẫu như nâng ngực, nâng mông,… sẽ đội giá gấp hai đến ba lần so với những cơ sở bệnh viện có đủ điều kiện thực hiện.

Vào vai khách hàng tìm hiểu một số cơ sở trên địa bàn TP.HCM đang quảng cáo rầm rộ các dịch vụ xâm lấn như nâng ngực, nâng mông… phóng viên ghi nhận được có sự khác nhau “một trời, một vực” về giá ở cùng một loại dịch vụ.

Thẩm mỹ viện Nam San có dấu hiệu quảng cáo các dịch vụ phẫu thuật trái phép, khách hàng cẩn trọng - ảnh 4

Bác sĩ Nguyễn Hùng Thế tư vấn dịch vụ nâng ngực cho khách hàng. Ảnh cắt từ CLIP.

Cụ thể, Thẩm mỹ viện Nam San do bác sĩ Dr. Nguyễn Hùng Thế tại địa chỉ 166a đường Trần Hưng Đạo, phường Nguyễn Cư Trinh, quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh đang quảng cáo chui dịch vụ nâng ngực có giá dao động khoảng 70 triệu đồng/ca.

Thẩm mỹ viện Thu Cúc tại địa chỉ 55A Đường 3 Tháng 2, phường 11, quận 10, TP. Hồ Chí Minh đang quảng cáo “chui” có giá dịch vụ phẫu thuật nâng ngực dao động khoảng 100 triệu đồng/ca.

Thẩm mỹ viện Úc Châu đang quảng cáo các dịch vụ phẫu thuật trái phép, khách hàng cẩn trọng - ảnh 1

Từ ngày 17/7/2020, phóng viên đến thẩm mỹ viện Úc Châu (305 Hùng Vương) để xác minh thông tin quảng cáo và các dịch vụ xâm lấn chưa được Sở Y tế cấp phép nhưng đến nay vẫn chưa nhận được phản hồi từ cơ sở này.

Thẩm mỹ viện Úc Châu do bác sĩ Vũ Kim Sơn phụ trách chuyên môn kỹ thuật tại địa chỉ 305 Hùng Vương, phường 9, quận 5, TP.HCM đang tư vấn “chui” nâng ngực với giá 70-80 triệu đồng/ca

Bác sĩ Dương Văn Tươi chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật tại thẩm mỹ viện Saigon Young với giá trên trời

Hay Thẩm mỹ viện Saigon Young tại địa chỉ 577 Lê Hồng Phong, phường 10, quận 10, TP. Hồ Chí Minh do bác sĩ Dương Văn Tươi chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật có giá nâng ngực dao động khoảng 70-80 triệu đồng/ca. Thậm chí, giá ở thẩm mỹ viện Thanh Hằng Beauty Medi lên tới cả nửa tỷ đồng.

Ngoài ra, hàng loạt thẩm mỹ viện khác đang dùng mọi chiêu trò quảng cáo chui nhằm che mắt khách hàng, “moi móc” thêm vài chục triệu nữa. Theo đó, khách hàng sẽ phải chi phí tới cả trăm triệu đồng cho một ca nâng ngực.

Thẩm mỹ viện chỉ là bên “môi giới” dịch vụ nâng ngực, nâng mông

Được biết, giá nâng ngực tại các bệnh viện đạt chuẩn được Bộ Y tế cấp phép thực hiện các loại dịch vụ xâm lấn, chi phí tổng cộng chỉ khoảng từ 35 triệu đến 60 triệu đồng/ca nâng ngực theo chất lượng của từng loại túi.

Tuy nhiên, cũng cùng một loại dịch vụ trên, nếu khách hàng tin vào những lời quảng cáo chui hấp dẫn trên các website, facebook của các thẩm mỹ viện thì khách hàng sẽ tiêu tốn thêm cả 30-40 triệu nữa chỉ để trả công cho những phút tư vấn ngắn ngủi và 1-2 chuyến xe đưa đón đến bệnh viện họ liên kết.

Bởi các cơ sở thẩm mỹ này “lách luật” bằng cách mượn cơ sở của các bệnh viện đã được Bộ Y tế cấp phép thực hiện nâng ngực, ngâng mông,…để dẫn khách hàng đến các bệnh viện này làm phẫu thuật. Trong khi đó, giá trực tiếp làm tại bệnh viện chỉ bằng 1/2, cùng lắm là 2/3 giá thẩm mỹ viện đưa ra.

Vào vai khách hàng có nhu cầu tư vấn tại một số bệnh viện các thẩm mỹ viện liên kết, người tư vấn tại đây khẳng định: Khách hàng không nên qua thẩm mỹ viện bởi giá phẫu thuật, giá nhập mẫu túi ngực về là chung một giá (nếu có chệnh lệch  giữa các bệnh viện cũng chỉ khoảng 5-6 triệu) nhưng các thẩm mỹ viện thi nhau chạy quảng cáo,… tư vấn đội giá lên gấp đôi giá phẫu thuật tại các bệnh viện nhằm ăn chặn số tiền chênh lệch đó.

“Bác sĩ, e-kip thực hiện gần như 100% bác sĩ tại bệnh viện. Trường hợp ngày hôm đó quá nhiều ca phẫu thuật may ra mới đến lượt các bác sĩ phụ trách chuyên môn tại thẩm mỹ viện đó”.

Loại hình phẫu thuật thẩm mỹ nào đủ tiêu chuẩn nâng ngực, nâng mông,…?

Phòng khám phẫu thuật thẩm mỹ thì chỉ được làm một số phẫu thuật gây tê tại chỗ có quy định trong giấy phép hành nghề như: cắt mí mắt, nâng mũi… Những cơ sở này không được làm các phẫu thuật gây mê hoặc thực hiện phẫu thuật lớn như hút mỡ, nâng ngực làm bằng gây tê…

Loại hình tiếp theo là bệnh viện chuyên khoa thẩm mỹ với 2 mức độ là bệnh viện và bệnh viện ban ngày, chỉ thực hiện các loại phẫu thuật gây tê hoặc gây mê trong danh mục đăng ký theo thẩm quyền cấp phép. Trong đó, bệnh viện thẩm mỹ cho phép bệnh nhân được nằm lưu lại ban đêm, được thực hiện các phẫu thuật lớn, có gây mê. Riêng với các bệnh viện ban ngày, bệnh nhân không được nằm lưu lại ngoài giờ. Mô hình bệnh viện ban ngày được Bộ Y tế cho thí điểm ở một số địa phương khoảng vài năm nay.

Loại hình thứ ba là các khoa phẫu thuật thẩm mỹ trong các bệnh viện đa khoa, được phép làm tất cả phẫu thuật có quy định trong giấy phép hành nghề.

Thẩm mỹ viện Thanh Hằng BeautyMedi không được phép phẫu thuật nâng vú, ngực, hút mỡ - ảnh 1

Dịch vụ nâng ngực chui tại thẩm mỹ viện Thanh Hằng Beauty Medi lên tới cả nửa tỷ đồng

Vì vậy, các thẩm mỹ viện đang quảng cáo nâng ngực nâng mông đều sai phạm, gây thiệt hại về kinh tế cho khách hàng.

Các chuyên gia khuyến cáo, để tránh nguy cơ rủi ro khi đi phẫu thuật thẩm mỹ, mọi người phải tìm hiểu thông tin, tham khảo ý kiến của người có hiểu biết, xem xét kỹ bảng hiệu, quảng cáo của cơ sở thẩm mỹ. Thông thường, bảng hiệu phẫu thuật thẩm mỹ phải có tên tuổi, giấy phép đăng ký kinh doanh, số giấy phép, phải có chữ “TM”…

Bên cạnh đó, cần kiểm tra thông tin về bác sĩ trên các website, phương tiện thông tin đại chúng, trang web của các hội thẩm mỹ… Xem xét về trình độ chuyên môn, tay nghề, giấy phép hành nghề của bác sĩ. Thực tế, chứng chỉ chuyên môn và giấy phép hành nghề khác nhau. Không phải bác sĩ nào có chuyên môn cũng được phép hành nghề phẫu thuật thẩm mỹ.

Ngoài ra, cần cẩn thận xem xét cơ sở y tế mà bác sĩ tiến hành phẫu thuật. Có thể bác sĩ phẫu thuật giỏi nhưng nếu làm ở nơi không đủ trang thiết bị, không đủ điều kiện vô trùng, đội ngũ cấp cứu không hỗ trợ kịp thời nếu có tai biến… thì sẽ không đảm bảo an toàn.