Chiếc tem thư đầu tiên của nước ta đã ra đời như thế nào? – SNP
Ngày 27/8/1946, bộ tem bưu chính đầu tiên mang quốc hiệu Việt Nam có in chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh được phát hành. Tem thư của mỗi giai đoạn luôn mang ý nghĩa đánh dấu các sự kiện trọng đại của giai đoạn đó.
Tem thư là gì?
Tem thư (hay tem bưu chính) là một mảnh giấy nhỏ do một bưu điện, bưu chính, hoặc các nhà cung cấp có thẩm quyền khác cho các khách hàng thanh toán cước phí (chi phí liên quan đến việc di chuyển, bảo hiểm, hoặc đăng ký gửi bưu phẩm). Bưu điện sau đó đóng dấu lên mặt hoặc bên cạnh địa chỉ của bất kỳ bưu phẩm nào – phong bì hoặc vỏ bưu phẩm khác mà họ muốn gửi. Bưu phẩm này sau đó được xử lý bởi hệ thống bưu chính, trong đó dấu bưu điện hoặc dấu hiệu hủy bỏ trong sử dụng hiện đại cho biết ngày và điểm xuất phát của thư gửi được đóng dấu đè lên tem và đè lên bên trái và bên phải để ngăn chặn việc tái sử dụng tem. Các bưu phẩm này sau đó được giao cho người nhận.
Trên tem luôn có tên của quốc gia phát hành (ngoại trừ Vương quốc Anh), tên gọi của giá trị và thường là hình minh họa về con người, sự kiện, tổ chức hoặc thực tế tự nhiên tượng trưng cho truyền thống và giá trị của quốc gia, và mỗi con tem được in trên một mảnh thường hình chữ nhật, nhưng đôi khi hình tam giác hoặc giấy có hình dạng tùy chỉnh đặc biệt có mặt sau được tráng bằng hồ dính hoặc hồ tự dính.
Tại sao gửi thư/bưu phẩm lại phải dán tem?
Các lá thư bất luận là gửi tới nơi nào, chỉ cần trên phong bì có dán một con tem theo giá tiền quy định, là sẽ được đưa tận tay người nhận. Như vậy thật hết sức thuận lợi.
Thời xưa, việc chuyển thư vẫn còn rất bất tiện. Ở một số quốc gia, người gửi thư đầu tiên phải tới bưu cục nộp tiền, bưu cục ghi lên bức thư dòng “đã nộp bưu phí”, sau đó mới chuyển thư tới tay người nhận. Lại có những quốc gia; bưu cục trước hết chuyển thư tới tay người nhận, rồi sau mới lấy bưu phí của người nhận thư.
Mãi tới khoảng trước đây 150 năm, có người Anh tên là Ronald Xio phát minh con tem, giải quyết được vấn đề khó khăn xảy ra trong việc gửi thư.
Chuyện là một hôm ông đi dạo chơi, ngẫu nhiên thấy người đưa thư trao phong thư cho một cô gái. Nhưng cô gái chỉ đưa mắt nhìn phong thư một cái rồi nhất định không nhận thư. Ronald Xio rất ngạc nhiên, nhưng về sau mới hiểu rằng cô gái này nhà nghèo không có tiền trả bưu phí cho nên không nhận thư. Tuy nhiên cô đã hẹn trước với người gửi thư, cho nên chỉ nhìn qua một cái, thấy trên phong bì có một kí hiệu đơn giản đã hẹn trước, thế là không cần mở phong thư ra xem cũng đã biết nội dung chủ yếu trong đó như thế nào rồi.
Ronald Xio bèn kiến nghị với chính phủ Anh phát hành một thứ tem do người gửi thư bỏ tiền ra mua dán lên phong bì, coi đó là bằng chứng cho biết bưu phí đã được nộp. Năm 1840, nước Anh đã phát hành con tem đầu tiên trên thế giới. Mặt con tem màu đen, giá tiền 1 penny có in hình chân dung nữ hoàng Victoria năm 18 tuổi. Đó là con tem nổi tiếng “tem 1 penny”.
Từ đó, tem thư ra đời nhằm phục vụ nhu cầu này của người dân.
Chiếc tem thư đầu tiên của Việt Nam ra đời như thế nào?
Ngày 2/9/1945, Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời. Ngay từ những ngày đầu tiên, khi chính quyền cách mạng còn non trẻ, để thực hiện nhiệm vụ chính trị cấp bách của Đảng và Nhà nước ta, bưu điện Việt Nam đã được Chính phủ cho phép in đè lên 53 mẫu tem Đông Dương, tạo thành 57 mẫu tem Việt Nam để sử dụng tạm thời. Một số mẫu tem in đè với tiêu đề “Việt Nam Dân chủ Cộng hòa”, “Độc lập, Tự do, Hạnh phúc”, “Bưu chính”, “Quốc phòng”, “Cứu đói”, “Dân sinh”… là những mẫu tem bưu chính đầu tiên của chính quyền cách mạng.
Ba tháng sau khi đã ổn định mọi công việc, Bưu chính Cách mạng Việt Nam đề xuất việc in ấn, phát hành tem mới chính thống của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Nhân kỷ niệm lần thứ nhất Cách mạng tháng Tám (19/8/1945) và ngày thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (2/9/1945), ngày 27/8/1946, Chủ tịch Chính phủ ký Sắc lệnh số 172/SL phát hành bộ tem bưu chính đầu tiên mang quốc hiệu Việt Nam có in chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Người có vinh dự được vẽ mẫu tem đầu tiên này là cố họa sĩ Nguyễn Sáng. Ông đã tập trung tài trí vẽ chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh, đúng yêu cầu tem thư: chi tiết, đặc trưng và chính xác cao, đúng chất đồ hoạ, phù hợp với điều kiện in tem khó khăn, thiếu thốn của những ngày đầu dựng nước. Đây là bộ tem đầu tiên của Nhà nước cách mạng, ban hành trong nước và đi toàn thế giới, có ý nghĩa lịch sử gắn với lịch sử của cách mạng Việt Nam.
Họa sĩ Nguyễn Sáng vẽ chân dung của Bác với một khuôn dung dị, đơn giản nhưng nó đã toát lên chân dung một lãnh tụ của đất nước. Bộ tem gồm 5 mẫu trên cùng một khuôn khổ với những màu sắc khác nhau. Theo cách chơi và cách gọi thì bộ tem gồm 5 mẫu, đổi màu, khác giá (gồm 5 màu trên 5 bức chân dung, và 5 giá để lưu thông cước phí). Bộ tem thiết kế đơn giản nhưng thể hiện được ý nghĩa chính trị mà người thiết kế muốn gửi gắm. Mẫu tem có 2 bên, mỗi bên là 6 ngôi sao được dựng theo chiều đứng với hàm ý: cách mạng của Việt Nam sẽ đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác.
Việc phát hành Bộ tem bưu chính đầu tiên mang Quốc hiệu Việt Nam đã đánh dấu một mốc son quan trọng trên con đường phát triển độc lập của tem Bưu chính cách mạng Việt Nam. Những con tem này đã và sẽ mãi mãi là những “nhân chứng” lịch sử ghi nhận những thắng lợi vẻ vang của cách mạng, góp phần xác lập chủ quyền của Tổ quốc.
Sau họa sĩ Nguyễn Sáng, thế hệ những họa sĩ thiết kế tem tiếp theo như Bùi Trang Chước, Trịnh Quốc Thụ, Nguyễn Thế Vinh, Dương Quốc Tiến, Đỗ Lệnh Tuấn… đã thể hiện hàng trăm mẫu tem về Bác với nhiều chủ đề khác nhau. Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn là nguồn sáng tạo vô tận của các họa sĩ vẽ tem bưu chính Việt Nam và những con tem về Hồ Chủ tịch chính là niềm tự hào lớn của tem thư Việt Nam. Theo thống kê hiện nay, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn là hình tượng được đưa lên tem Bưu chính nhiều nhất với gần 200 mẫu tem trong số 5000 mẫu đã được Bưu chính Việt Nam phát hành.
Ngày nay, ngành bưu chính đã phát hành 5000 mẫu với 1000 bộ tem các thể loại. Từ tem về Chủ tịch Hồ Chí Minh bộ đầu tiên đến những bộ tem trong sự nghiệp chống thực dân Pháp, rồi đến những mẫu tem về những sự kiện đổi mới khi miền Bắc từng bước tiến lên chủ nghĩa xã hội, và đến bộ tem ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc 30/4/1975. Tiếp theo là những bộ tem nói về nông nghiệp, công nghiệp, văn hóa, xã hội… Tuy nhiên, những bộ tem về Bác Hồ, về Đảng ta, về quân đội vẫn là những bộ tem chủ lực, nói lên đường lối cách mạng của dân tộc ta trong các giai đoạn lịch sử khác nhau.
Tem thư liệu có bị “lãng quên”?
Con người không còn ngồi viết từng dòng thư tay như vài chục năm về trước, mà thay vào đó, ảnh GIFs và hình selfie đủ màu sắc đang lên ngôi! Xu hướng mới nhất của thời nay chính là: Sự tự động hóa.
Thế nhưng, tương tự như những lá thư được viết tay hoặc đồ dùng văn phòng phẩm, con tem là một biểu tượng của vẻ đẹp đã từng len lỏi vào cuộc sống hàng ngày và trở thành niềm đam mê của thế hệ trước. Trước khi có Internet, sưu tập tem là sở thích phổ biến nhất trên thế giới và hấp dẫn tất cả mọi lứa tuổi từ nữ hoàng Elizabeth II cho tới Jacques Cousteau. Đây là điều mà chúng ta chưa từng chứng kiến kể từ thời đó tới nay.
Vậy điều gì đã khiến những con tem trở nên hấp dẫn đến vậy? Chỉ một lý do thôi, chúng được thiết kế. Nếu quan sát kỹ, bạn sẽ thấy tất cả những con tem đều được thiết kế một cách khéo léo để trông như những mảnh ghép nghệ thuật nho nhỏ. Giống như mọi loại hình nghệ thuật khác, con tem hình thành từ những ý tưởng. Mỗi người đều có thể chọn cho mình những con tem đại diện cho sở thích hoặc ước mơ của bản thân.
Ngày nay, thư điện tử, tin nhắn di động đã lấn át vai trò của tem thư bưu chính thông thường. Dù vậy, những bức thư dán tem không hề mất đi mà vẫn hàng ngày, hàng giờ tỏa đi khắp nơi trên đất nước và thế giới để nối nhịp cầu thông tin. Những con tem, vẫn góp phần giúp cho công cuộc giao lưu giữa các vùng miền, với bạn bè bốn biển.
Từ bộ tem đầu tiên đến nay, Bưu chính Việt Nam đã có hàng trăm bộ tem, hàng ngàn con tem khác nhau thuộc mọi thể loại, mọi đề tài. Từ việc vẽ tay, in trên giấy tàu bạch, ngày nay tem bưu chính đều được thiết kế trên máy vi tính, in bằng công nghệ hiện đại, kỹ thuật cao, từng bước hội nhập quốc tế.
Tham khảo thêm về Sơn Nguyên tại:
Facebook: facebook.com/inansonnguyen
Pinteres: pinterest.com/insonnguyenhanoi
Youtube: youtube.com/channel/UCQXZ6YJFGZ0f4MtM5-qQ_FA
Cập nhật lần cuối: 10/09/2021
5/5 – (2 bình chọn)