Chi tiết cách báo cáo công tác quản lý phương tiện phòng cháy chữa cháy trong doanh nghiệp tư nhân

I. Thời hạn báo cáo

Định kỳ vào quý thứ IV hàng năm, cơ sở đã được trang bị phương tiện phòng cháy và chữa cháy phải có trách nhiệm thống kê, báo cáo với cơ quan Công an quản lý địa bàn về công tác quản lý, bảo quản, bảo dưỡng phương tiện phòng cháy và chữa cháy.

Báo cáo công tác quản lý phương tiện phòng cháy chữa cháy (Ảnh minh họa)

 

II. Nội dung báo cáo

Nội dung báo cáo công tác quản lý phương tiện phòng cháy chữa cháy bao gồm:

1. Số lượng, chất lượng, chủng loại phương tiện phòng cháy và chữa cháy đã trang bị;

2. Cách thức thực hiện bảo quản, bảo dưỡng;

3. Thực trạng công tác quản lý, bảo quản, bảo dưỡng phương tiện;

4. Kết quả thực hiện kết luận kiến nghị thanh tra, kiểm tra của cơ quan Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy;

5. Kiến nghị giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý, bảo quản, bảo dưỡng phương tiện phòng cháy và chữa cháy.

 

III. Trình tự báo cáo

Doanh nghiệp báo cáo với Công an cấp xã nơi hoạt động về tình hình quản lý, bảo quản, bảo dưỡng phương tiện phòng cháy và chữa cháy.

Đội phòng cháy và chữa cháy cơ sở sẽ chịu trách nhiệm báo cáo với doanh nghiệp trực tiếp quản lý về tình hình quản lý, bảo quản, bảo dưỡng phương tiện phòng cháy và chữa cháy được giao quản lý.

Doanh nghiệp trực tiếp quản lý đội phòng cháy và chữa cháy cơ sở sẽ có trách nhiệm báo cáo với Công an cấp huyện hoặc Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy cấp huyện quản lý địa bàn về tình hình quản lý, bảo quản, bảo dưỡng phương tiện phòng cháy và chữa cháy thuộc phạm vi quản lý.