Chi phí cho robot nấu ăn chưa bằng một nửa nhân công
Ajay Sunkara, Giám đốc điều hành của Nala Robotics, cho biết: “Wingman là robot mới nhất của chúng tôi để giúp các nhà hàng và các nhà cung cấp thực phẩm khác tăng cường hiệu quả trong nhà bếp và quy mô sản xuất, đồng thời giảm thiểu nguy cơ ô nhiễm. Robot có thể nấu vô số món ăn, đáp ứng nhu cầu cao của người tiêu dùng khi tình trạng thiếu lao động tiếp tục thách thức toàn thế giới”.
Theo Nala, Wingman có thể nấu nhiều loại thức ăn khác nhau cùng lúc và nêm gia vị riêng cho từng món. Nó có thể lấy thực phẩm ra khỏi kho đông lạnh và khu vực pha chế sau đó chiên giòn, nêm gia vị và sẵn sàng phục vụ trên đĩa. Wingman cũng có thể tẩm bột gà, rán khoai tây chiên và thêm chà bông khô vào cánh.
Hiện nay, ngày càng có nhiều robot nhà bếp đang tự động hóa quá trình chế biến, nấu nướng và trình bày thực phẩm đặc biệt là trong phục vụ thức ăn nhanh. Kết quả là, các nhà hàng thức ăn nhanh có thể sẽ ngày càng cần ít nhân công hơn.
Nala Robotics cho biết: “The Wingman sử dụng trí thông minh nhân tạo cùng hệ thống camera và tầm nhìn hiệu suất cao để cải thiện đáng kể hiệu quả quá trình chiên ngập dầu khối lượng lớn, đồng thời duy trì tính nhất quán chất lượng cao.
Với 3.000 USD mỗi tháng, Wingman có giá rẻ hơn rất nhiều so với việc thuê một nhân công. Ngay cả khi mức lương theo giờ của công nhân là 7 USD / giờ, Wingman đã tiết kiệm cho chủ nhà hàng 20% chi phí lao động. Tuy nhiên, với tình hình thiếu hụt lao động đang diễn ra như hiện nay, nhiều nhà hàng thức ăn nhanh đang phải vật lộn để giữ chân người lao động, đến mức chấp nhận tăng giá thuê 15 USD/giờ. Thống đốc California, Gavin Newsom vừa ký một luật mới vào tháng này sẽ đẩy lương của một số nhân viên cửa hàng thức ăn nhanh lên đến 22 USD/giờ.
Với 22 USD/giờ, Wingman sẽ tiết kiệm cho người sử dụng lao động 75% tiền lương, giả sử họ làm việc 18 giờ mỗi ngày trong 30 ngày trung bình mỗi tháng. Đương nhiên, các nhà hàng mở cửa 24/7 sẽ càng tiết kiệm chi phí hơn.
Tất cả những điều này có nghĩa là, khi robot ngày càng tốt hơn và chi phí lao động đắt đỏ hơn, con người có thể mất việc làm. Theo Cục Thống kê Lao động Mỹ, tính đến tháng 5/2021, có hơn 3 triệu công nhân “bán đồ ăn nhanh và bán tại quầy” ở Hoa Kỳ.
“Khoảng 5-7 năm, bạn sẽ bắt đầu thấy rất nhiều… rất nhiều hoặc tất cả các nhà bếp xây mới được sáng tạo lại hoàn toàn, hoàn toàn tự chủ, không còn có con người ở đây. Tất cả những điều này sẽ thay đổi toàn bộ ngành công nghiệp và có khả năng phá vỡ mô hình nhượng quyền thương mại”, đồng sáng lập Miso Robotics, Buck Jordan nói.
Tất nhiên, thực tế là các cửa hàng vẫn sẽ cần có người đổ đầy thực phẩm vào tủ đông, dọn dẹp, đưa thực phẩm cho khách hàng và quản lý thanh toán – những nhiệm vụ có giá trị cao như tương tác với khách hàng.
Việc ngày càng nhiều robot tham gia vào các công việc trong ngành thức ăn nhanh nói riêng và các ngành công nghiệp chung sẽ khiến nhiều người mất việc làm trong ngắn hạn. Và các chương trình đào tạo sẽ là cần thiết nhằm giúp mọi người nâng cao trình độ để nhận những công việc có giá trị cao hơn.