Chè kho ngày Tết

Với món ăn này, người Hà Nội xưa thường dùng để cúng Phật và gia tiên. Đây cũng là thức quà ngon để mời khách quý trong dịp Tết. Hình ảnh quen thuộc với mỗi người là chè kho được cắt thành hình hoa thị cùng ấm trà sen.

Nấu chè kho khá vất vả và kỳ công. Nguyên liệu chính là đỗ xanh thường phải chuẩn bị trước cả tháng. Món chè kho ngon nhất phải được nấu từ loại đỗ hạt tiêu, còn nguyên hạt, bé tí xíu, lòng xanh nhạt chứ không chọn loại đỗ mỡ hạt to, lòng vàng đã xay vỡ được bán khắp chợ. Ngoài ra, còn phải chuẩn bị thêm các nguyên liệu khác như đường, vừng rang và thảo quả…

Ngày nay có nhiều người thay thảo quả bằng vani và có nơi không nấu với đường kính mà dùng đường mật, nhưng dù làm như thế nào thì cách nấu theo lối cổ vẫn là ngon và thơm hơn cả.

Nguyên liệu chính làm món chè kho gồm đậu xanh, đường kính trắng và vừng.

Món chè kho không thể thiếu trên mâm cơm người Việt mỗi khi tết đến xuân về.


Đậu xanh sau khi được xay vỡ, đem ngâm vào nước lạnh trong 6 giờ. Khi vỏ long ra, đãi sạch vỏ. Việc đãi đậu cũng đòi hỏi tỉ mỉ, kỹ lưỡng, nhặt hết những hạt đỗ sâu, hạt đen, hạt vụn. Đậu đãi sạch, rắc thêm một chút muối rồi để thật ráo nước mới đem đồ trong chõ cho chín. Giã nhuyễn đậu đã đồ sao cho thật mịn, rồi nắm lại từng nắm bằng quả bưởi nhỏ. Những nắm đỗ ấy dùng dao sắc thái lát mỏng cho đỗ tơi ra. Xong lại đem đỗ thái xong nắm mà thái lại. Cứ thế vài ba lần thì đỗ mới mịn tơi.

Đường trắng đánh tan kỹ với nước, đun sôi để nguội thành nước đường, rồi trộn vào đậu đã giã nhuyễn. Cho hỗn hợp này lên bếp, dùng đũa cả khuấy đều tay và hạ lửa nhỏ dần. Trước đó, đun chút nước thảo quả (còn gọi là quả tò ho) rồi lọc lấy nước trong đổ vào nồi chè kho.

Việc kho chè cũng là một công đoạn hết sức quan trọng, đòi hỏi phải công phu, kỹ lưỡng. Khi bắc lên bếp, người nấu phải khuấy chè liên tục và không được dừng, rất mỏi tay vì đỗ và đường khi quyện vào nhau rất nặng tay và dễ bén nồi.

Chè kho sau khi bắc xuống khỏi bếp được múc ra những chiếc đĩa nông lòng, dàn đều rồi rắc vừng trắng đã rang thơm lên trên.

Một đĩa chè kho đạt yêu cầu phải mịn, mướt nhưng khô, róc đĩa và không dính tay. Đĩa chè có màu vàng rất đẹp cùng mùi thơm nhẹ của thảo quả, vừng rang.

Tùy theo khẩu vị và sở thích mà mỗi gia đình nấu chè kho với nhiều hương vị khác nhau. Có nhà chè thơm mùi vani, nhà thì chè thoảng mùi thơm của thảo quả, nhà thì lại nấu chè thơm mùi hoa bưởi, hoa nhài…

Trong không khí se lạnh, thưởng thức miếng chè kho mềm, mượt, mát đầu lưỡi, thoảng mùi thơm của đỗ xanh quyện với mùi thơm của thảo quả, hoa bưởi mới cảm nhận được hết không khí ngày Tết của Hà Nội./.