Chế biến sâu nông sản: Mảnh đất tốt còn bỏ trống

(PLO)- Chế biến sâu nông sản sau thu hoạch là cách để gia tăng giá trị đầu ra cho sản phẩm.

Theo ước tính, sản lượng rau quả Việt Nam hằng năm đạt 31 triệu tấn nhưng tỉ lệ chế biến chỉ đạt khoảng 12%-17%. Ngành chế biến rau quả chỉ mới đáp ứng khoảng 8%-10% sản lượng hằng năm. Điều này một mặt khiến giá trị nông sản không được gia tăng, mặt khác nguy cơ chịu thiệt hại kinh tế do lượng rau quả hư hỏng sau thu hoạch, khi vận chuyển đến nơi tiêu thụ là rất lớn.

Chế biến sâu nông sản: Mảnh đất tốt còn bỏ trống ảnh 1
Chế biến sâu nông sản: Mảnh đất tốt còn bỏ trống ảnh 2

Nông sản sấy: Tiện lợi, giá trị cao

Theo đuổi ngành chế biến nông sản hơn sáu năm qua, ông Nông Ngọc Trung, Chủ tịch Công ty CP Nông lâm nghiệp Cánh Đồng Vàng, nhìn nhận Việt Nam là đất nước có nền nông nghiệp lớn, nếu không ứng dụng công nghệ trong trồng trọt, chế biến và tiêu thụ thì việc tiêu thụ nông sản sẽ khó thành công.

Theo đó, việc ứng dụng công nghệ sâu sau thu hoạch là chìa khóa để giảm thiểu chi phí logistics, mở cửa và tiếp cận nhiều thị trường trên thế giới, đồng thời gia tăng giá trị của sản phẩm.

“Lâu nay chúng ta thường tiêu thụ sản phẩm quả dưới dạng tươi. Trong khi đó, để vận chuyển hoa quả tươi ra thị trường đối mặt với nhiều rủi ro về hao hụt, giảm thiểu giá trị kinh tế. Khi nhập khẩu hoa quả Việt Nam, các nước cũng phải thực hiện quá trình chế biến. Nếu như chúng ta chế biến sản phẩm ngay tại vùng nguyên liệu thì chắc chắn giá trị kinh tế sẽ tăng cao hơn nhiều” – ông Trung nhận định.

Công nghệ sấy mới có mức chi phí rẻ hơn công nghệ thông thường 10 lần và sản phẩm đầu ra có chất lượng vượt trội về màu sắc và hương vị.

Đơn cử như thanh long, 11 kg thanh long tươi có giá 7.000-10.000 đồng/kg, nếu sấy khô sẽ cho 1 kg thành phẩm. Thanh long sấy đang có giá 15 USD/kg, tương đương 300.000 đồng. Có thể thấy rõ giá trị gia tăng đáng kể và thời gian bảo quản cũng được kéo dài. Mỗi container hàng từ Bình Thuận tới cửa khẩu và đóng thuế qua Trung Quốc chi phí khoảng 100 triệu đồng. Nếu tối ưu hóa số lượng hàng trên mỗi container bằng cách sấy khô thì chi phí sẽ giảm được 11 lần.

“Trái cây sấy bảo quản được 24-36 tháng so với chỉ tầm 10 ngày trái tươi, thoải mái thời gian để doanh nghiệp tiếp cận chuỗi cung ứng toàn cầu” – ông Trung mở rộng vấn đề.

Để giải quyết bài toán tiêu thụ sản phẩm sau thu hoạch, đáp ứng các thị tường khó tính, Công ty CP Nông lâm nghiệp Cánh Đồng Vàng sở hữu công nghệ sấy đa năng, giúp đa dạng hóa sản phẩm, tăng thời gian tiêu thụ cho nhiều sản phẩm từ nông nghiệp tới ngư nghiệp.

Đặc biệt, hệ thống sấy này hoàn toàn có thể chở bằng container, dễ dàng vận chuyển lưu động qua các khu vực, thậm chí đến được vùng sâu, vùng xa. Nhờ công nghệ sấy tách nước khử khuẩn tiên tiến, điều khiển hoàn toàn bằng công nghệ 4.0 với dải nhiệt độ sấy 0-85 độ C, công ty có thể sấy được 5-7 tấn nông sản trong vòng 24 giờ.

“Công nghệ của chúng tôi được nhiều bạn hàng tại Đức, Hà Lan, Úc, Mỹ, Trung Quốc, Hàn Quốc… đón nhận và đánh giá cao” – ông Trung chia sẻ.

Trước đó, Công ty TNHH Nước ép Phúc Hà cũng đã hợp tác với Công ty CP Nông lâm nghiệp Cánh Đồng Vàng hình thành khu bảo quản và chế biến thanh long sấy dẻo, công suất lên đến hơn 600 tấn trái tươi/tháng, tạo công ăn việc làm ổn định cho lao động địa phương. Với công nghệ này, mỗi mẻ sấy chỉ tốn khoảng 2 triệu đồng, mức giá rẻ hơn công nghệ thông thường 10 lần và sản phẩm đầu ra có chất lượng vượt trội về màu sắc, hương vị.

Bà Lê Thị Nguyên Hà, Giám đốc Công ty TNHH Nước ép Phúc Hà, công nhận tầm quan trọng của việc đầu tư công nghệ chế biến cho trái cây. “Nếu đưa sản phẩm này vào chế biến sẽ mang lại giá trị kinh tế cao và tăng thu nhập cho bà con nông dân” – bà Hà khẳng định.

Bên cạnh dây chuyền sấy di động, theo ông Đặng Trần Việt, Giám đốc kinh doanh Sasaki Việt Nam, các công nghệ sấy bằng điện lạnh cũng đang là xu hướng mới mang lại chất lượng sản phẩm cao hơn với chi phí sản xuất thấp và thân thiện với môi trường. Nhờ công nghệ này, nông sản sau thu hoạch vẫn có thể giữ được hương vị thơm ngon, nguyên màu, nguyên mùi, nguyên vị.

Đến nay có hơn 76% rau quả xuất khẩu chưa qua chế biến, việc tiêu thụ vẫn đang ở dạng tươi hoặc sơ chế, bảo quản là chủ yếu. Điều này dẫn đến tổn thất sau thu hoạch rất cao, tỉ lệ hư hỏng trên đường vận chuyển và khi tiêu thụ rất lớn. Nguyên nhân là do quá trình bảo quản sau thu hoạch kém, thiếu thiết bị tối thiểu như điện, nước, kho lạnh… dẫn tới tổn thất sau thu hoạch hơn 20%.

Ông NGÔ QUANG TÚ, đại diện Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT)

Mở rộng sản phẩm chế biến từ nông sản

Có kinh nghiệm năm năm trong ngành chế biến trái cây tại Việt Nam, đại diện Công ty Andros Asia – ông Valentin Trần cho biết doanh nghiệp đang nỗ lực xây dựng chuỗi liên kết sản xuất tiêu thụ sản phẩm cây ăn trái tại Tiền Giang và vùng nguyên liệu an toàn đạt chứng nhận Global G.A.P ở các tỉnh như An Giang, Tây Nguyên…

Theo đó, trái cây sau khi thu mua từ người dân sẽ được đơn vị này sơ chế thành các dạng thành phẩm như mứt, nguyên liệu pha chế đồ uống, bánh ngọt, nước uống đóng chai, sản phẩm trái cây cho trẻ em… xuất khẩu sang thị trường châu Âu.

Ông Valentin Trần cho biết mỗi năm doanh nghiệp này sơ chế 20.000 tấn trái cây tươi và xuất khẩu hơn 40.000 tấn trái cây đã chế biến ra thị trường nước ngoài. Trong đó, ĐBSCL là nơi cung ứng nguyên liệu nhiều nhất, chiếm tới 35%. Tiền Giang được đánh giá là vùng trái cây phát triển mạnh nhất. Ước tính đến năm 2025, doanh nghiệp sẽ nâng công suất thu mua lên 30.000 tấn trái cây địa phương mỗi năm.

Ông Valentin Trần cho biết trái cây Việt Nam có rất nhiều tiềm năng phát triển ở thị trường nước ngoài bởi sở hữu nhiều lợi thế về giống, chất lượng sản phẩm và giá thành tốt. Việc sản xuất sâu trái cây tươi thành các nguyên liệu khác sẽ gia tăng được giá trị sản phẩm. Đồng thời, để trái cây nội địa tiến xa hơn, tránh được vấn nạn được mùa, mất giá thì nâng cao chất lượng sản phẩm, thay đổi thói quen trồng trọt truyền thống sang canh tác bền vững cần được chú trọng thực hiện.

Khác với Andros Asia, ông Lê Duy Toàn, Giám đốc Công ty TNHH Thực phẩm Duy Anh (TP.HCM), lại sử dụng các sản phẩm nông sản sau thu hoạch như thanh long, dưa hấu… để chế biến thành các loại bún, bánh tráng, tạo được bất ngờ và sức hút cho thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc… ngay từ khi chào hàng. Ngoài ra, doanh nghiệp còn có thêm những sản phẩm làm ra từ nông sản khác như bún cà phê, bún khoai lang, bún chùm ngây, mì cải bó xôi, mì củ dền, mì bí đỏ, mì mè đen, mì cà rốt…

GS-TS Phạm Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Cơ điện nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch, nhận định: “Chúng ta hoàn toàn có thể nâng cao tỉ lệ chế biến và có thể đáp ứng được nhu cầu về đa dạng hóa sản phẩm rau quả chế biến. Để nâng sản lượng rau quả chế biến lên gấp đôi trong những năm tới, các doanh nghiệp cần đầu tư công nghệ phù hợp”.

Tuy nhiên, trên thực tế việc áp dụng công nghệ sau thu hoạch để bảo quản, chế biến sản phẩm đã được nhiều đơn vị áp dụng nhưng chưa nhiều nên tình trạng được mùa, mất giá vẫn tái diễn.•

Doanh nghiệp chế biến cần được hỗ trợ

Thực tế hiện nay nguyên liệu chỉ mới đáp ứng được 50%-60% công suất chế biến do đặc tính mùa vụ sản phẩm cùng với những rào cản về diện tích canh tác nhỏ lẻ, phân tán, không đồng nhất… Cùng với đó, năng lực công nghệ, trình độ lao động và hạ tầng sản xuất, bảo quản của doanh nghiệp, chi phí logistics còn hạn chế…

Trong khi đó, với thị trường tiêu thụ, sản phẩm sơ chế càng sâu thì thị trường càng hẹp, nội tại doanh nghiệp chế biến thiếu vốn khá nhiều, quy mô vốn rất nhỏ.

Thống kê cho thấy có hơn 80% cơ sở có vốn dưới 2 tỉ đồng. Cơ chế, chính sách vay vốn hiện chưa phù hợp với 80% doanh nghiệp vừa và nhỏ này, thực tế chỉ có khoảng 30% doanh nghiệp có khả năng tiếp cận vốn ngân hàng. Chính vì thế, để sản phẩm nông sản sau thu hoạch được gia tăng giá trị thì cần phải tổ chức lại sản xuất, vùng nguyên liệu theo hướng đẩy mạnh liên kết sản xuất theo chuỗi để đảm bảo nguyên liệu cho chế biến.

Các cơ quan liên quan cần nghiên cứu ban hành văn bản quy phạm pháp luật quản lý liên kết chuỗi, có quy định điều phối các hoạt động liên kết; nâng cao năng lực chế biến, bảo quản rau quả hoặc hoàn thiện thể chế, chính sách; phát triển thị trường sản phẩm chế biến; tiếp tục thực hiện hiệu quả Đề án phát triển ngành chế biến rau quả giai đoạn 2021-2030.

THU HÀ

Tin liên quan

‘Mặc áo mới’ cho nông sản Việt trên chợ xuyên biên giới