Cháy rừng, hạn hán khiến bệnh nhân COVID-19 ở Brazil càng khó hồi phục
Các nhà khoa học dự báo sẽ có một mùa cháy rừng tồi tệ ở khu vực Amazon của Brazil, càng khiến nước này thêm khó khăn trong cuộc chiến với đại dịch COVID-19.
Theo New York Times, dịch bệnh COVID-19 lây lan mạnh đã ảnh hưởng nặng nề tới người thổ dân sống dọc sông Amazon năm 2020 khi các đám cháy tàn phá khu vực Amazon.
Cháy rừng càng khiến Brazil khó khăn trong chống COVID-19. Ảnh: Business Standard
Ông Takuma Kuikoro sống ở khu vực Alto Xingu, một trong những nơi bị phá rừng nhiều nhất Brazil, cho biết: “Năm ngoái, khói làm các làng mạc chúng tôi nghẹt thở. Mọi người ốm hết. Không ai thở nổi. Tình trạng này xảy ra khi chúng tôi đã phải đối mặt với đại dịch”.
Brazil đang trải qua trận hạn hán tồi tệ nhất trong ít nhất 91 năm, khiến bất kỳ đám cháy nào nếu xảy ra cũng sẽ lan nhanh mất kiểm soát. Tình trạng đốt rừng khai hoang ở Amazon đã gia tăng dưới thời ông Jair Bolsonaro làm tổng thống. Ông này nói rằng bảo vệ môi trường cản trở tăng trưởng kinh tế. Tổng thống Bolsonaro đã bị hàng nghìn người biểu tình phản đối vì cách xử lý đại dịch.
Các chuyên gia y tế cảnh báo khói bụi từ cháy rừng trong mùa cháy rừng Amazon từ tháng 6 tới tháng 9 năm nay có thể khiến những ai mắc COVID-19 khó hồi phục hơn. Theo Tiến sĩ Aljerry Rego, Giáo sư kiêm giám đốc một cơ sở điều trị COVID-19 ở bang Amapa thuộc khu vực Amazon, kết quả nghiên cứu ban đầu cho thấy khói có thể làm người mắc COVID-19 ốm nặng hơn và tăng nguy cơ tử vong.
Ông Rego chỉ rõ một mối nguy hiểm rõ ràng: “Các hạt sinh ra từ đám cháy xâm nhập các khoang trong phổi, gây phản ứng viêm nghiêm trọng ở người mắc COVID-19”.
Thậm chí, khói bụi cháy rừng có thể khiến người đã khỏi COVID-19 ốm lại. Ông nói: “Tôi đã thấy nhiều bệnh nhân gặp hội chứng hậu COVID-19. Mệt mỏi, liên tục khó thở, thậm chí vài tháng sau khi khỏi COVID-19”.
Nhiều năm phải hít thở tro bụi cháy rừng có thể khiến người Brazil ở Amazon dễ bị tổn thương trước đại dịch. Ông Rego cho biết: “Phổi người dân ở đây thường đã bị tổn hại rồi. Nếu họ mắc COVID-19, họ có thể sẽ chịu ảnh hưởng dai dẳng trong tương lai. Đó có thể là vấn đề hô hấp mãn tính hoặc nguy cơ tổn thương phổi cao hơn”.
Brazil đã vượt qua mốc 500.000 ca tử vong vì COVID-19, trở thành quốc gia có ca tử vong cao thứ hai, chỉ sau Mỹ. Tính tới hết 20/6, Brazil ghi nhận trên 17,9 triệu ca mắc.