Chảy máu cam: Nguyên nhân, cách xử trí và phòng ngừa
Nội Dung Chính
Chảy máu cam: Nguyên nhân, cách xử trí và phòng ngừa
Chảy máu mũi hay còn gọi là chảy máu cam là một hiện tượng khá phổ biến mà hầu như mỗi người đều gặp phải ít nhất một lần trong đời. Tùy theo từng trường hợp mà chảy máu cam có thể nguy hiểm hay không. Vậy chảy máu cam là gì? Nguyên nhân, cách xử trí và phòng ngừa.
1. Chảy máu cam (chảy máu mũi) là gì?
Chảy máu mũi hay còn gọi là chảy máu cam là tình trạng máu chảy từ niêm mạc mũi ra mũi trước hoặc chảy ra mũi sau xuống họng. Chảy máu cam là tình trạng xảy ra ở hầu hết mọi người cả trẻ nhỏ và người lớn. Tỷ lệ ở trẻ em từ 3 – 8 tuổi nhiều hơn ở người lớn.
Đa số các trường hợp chảy máu cam đều xuất hiện ở một bên mũi, ít khi xuất hiện ở cả 2 mũi. Phần lớn, máu mũi sẽ ngừng chảy khi bạn ngửa cổ và bịt mũi lại, nhưng một số người có thể phải cần đến sự chăm sóc y tế. Đây không phải là một bệnh, mà là triệu chứng chung do nhiều nguyên nhân gây nên.
2. Phân loại chảy máu cam
Chảy máu cam bao gồm 3 loại:
Chảy máu do điểm mạch Kisselbach.
Chảy máu do động mạch.
Chảy máu toả lan do mao mạch.
3. Chẩn đoán vị trí chảy máu
Chảy máu mũi trước
Là tình trạng chảy máu ở phía trước mũi. Phần lớn các trường hợp chảy máu cam chính là chảy máu ở mũi trước, chảy máu ở mũi trước chiếm đến 90% các trường hợp chảy máu.
Máu chảy từ vị trí vách ngăn 2 lỗ mũi, tại đây chứa hệ thống mạch máu dày đặc và rất dễ vỡ khi gặp các chấn thương. Hoặc khi niêm mạc mũi khô, mạch máu không duy trì được độ đàn hồi và dần bị đóng vảy, nứt nẻ. Ở chảy máu mũi trước, lượng máu chảy ít nhưng kéo dài, thường chảy ở một bên mũi, nếu được sơ cứu và xử lý thì máu sẽ ngừng chảy.
Chảy máu mũi sau
Là tình trạng máu chảy xuất phát từ các phần trong và sâu của mũi, chiếm khoảng 10% các trường hợp chảy máu cam. Người lớn tuổi, người cao huyết áp hoặc bị chấn thương vùng mặt, mũi thường gặp phải tình trạng này.
Ở trường hợp này, máu thường chảy cả 2 bên mũi. Lượng máu nhiều và có thể chạy về phía sau rồi xuống cổ họng. Chảy máu phía sau mũi thường khó kiểm soát và nguy hiểm hơn.
4. Nguyên nhân gây ra chảy máu mũi (chảy máu cam) là gì?
Có nhiều nguyên nhân chảy máu mũi, vì vậy cần xác định đúng để có cách xử lý phù hợp.
Thời tiết hanh khô, lạnh hoặc quá nóng làm mất sự đàn hồi mạch máu mũi, mạch máu dễ vỡ.
Chấn thương vùng mũi:
– Chấn thương nhỏ vùng mũi: thói quen ngoáy mũi mạnh tay gây tổn thương niêm mạc và mạch máu mũi; bị cảm lạnh, dị ứng, xì mũi liên tục với cường độ mạnh.
– Chấn thương mạnh vùng mặt, mũi: bị đánh vào mũi, tai nạn gây gãy xương cánh mũi, gãy vách ngăn mũi, vỡ xương hàm, gãy xương hàm trên, vỡ xoang trán…vv
Dị vật rơi vào mũi gây tổn thương mũi.
Các nhiễm trùng gây viêm tại chỗ: viêm mũi, viêm xoang, viêm loét mũi,…
Vẹo vách ngăn mũi; các khối u trong mũi: u mạch máu dưới mũi, polyp mũi thể chảy máu, u xơ vòm họng, ung thư vòm họng…vv, bệnh phình mạch.
Bệnh tăng huyết áp không kiểm soát.
Tình trạng rối loạn đông máu:
– Các bệnh về máu: xuất huyết giảm tiểu cầu, bệnh bạch cầu, hemophilia…vv
– Bị rối loạn đông máu kèm theo các bệnh cấp tính: cúm, sởi, thủy đậu, thương hàn, sốt xuất huyết, sốt rét…vv
– Rối loạn đông máu do dùng thuốc: thuốc chống đông, aspirin…vv
Một số trường hợp máu cam đổ không rõ nguyên nhân, máu đột ngột chảy và tự cầm.
5. Làm gì khi bị chảy máu cam?
Nhiều người dễ bị mất bình tĩnh trong tình huống này vì mất nhiều máu. Nhưng nhìn chung thì chảy máu mũi cũng không đáng phải lo ngại như vậy. Hãy làm theo chỉ dẫn sơ cứu thông thường.
Sau khi xác định nguyên nhân chảy máu (loại bỏ trường hợp khẩn cấp do chấn thương), bạn có thể xử trí bằng cách như sau:
Bước 1
Người bị chảy máu mũi đầu tiên cần ngồi thẳng, không nghiêng đầu về phía sau vì có thể khiến máu chảy qua khí quản/cổ họng gây sặc. Nếu người bị chảy máu cam là trẻ nhỏ, hãy hướng dẫn trẻ từ từ và xử lý. Trẻ nhỏ thường có phản ứng dụi mũi vì vậy khi cha mẹ khi phát hiện con bị chảy máu. Tuyệt đối không để bé dụi mũi để tránh không biết máu cam chảy từ mũi bên nào. Sau khi lau sạch mũi, hãy đặt đầu trẻ hơi cúi về phía trước để máu chảy ra. Đồng thời tư thế này khiến máu không chảy ngược về phía họng, gây nôn ói.
Bước 2
Dùng ngón tay cái và ngón trỏ kẹp chặt cả 2 lỗ mũi trong vòng 10 đến 15 phút, thở bằng miệng. Khi đó áp lực sẽ tự động tác động lên điểm chảy máu trong mũi và làm ngừng chảy. Nếu xử trí với trẻ hãy lấy ngón tay đè lên cánh mũi trẻ, hơi ngửa đầu trẻ lên một chút và giữ nguyên khoảng 5 – 10 phút để máu sẽ ngừng chảy. Lưu ý, chỉ nên ấn một bên cánh mũi, không bóp mạnh phần xương sống mũi vì làm vậy không thể giúp cầm máu mà còn làm trẻ bị đau. Đồng thời, không được thả tay ra quá sớm hay nhiều lần vì có thể khiến máu chảy kéo dài hơn. Nếu trong trường hợp đã ấn bên cánh mũi mà máu vẫn không ngừng chảy, hãy lặp lại các thao tác trên một lần nữa.
6. Chảy máu cam, khi nào cần đến gặp bác sĩ?
Đa số các trường hợp chảy máu mũi thường không quá nghiêm trọng và có thể tự xử lý nếu được chăm sóc đúng cách. Tuy nhiên, bạn cần chăm sóc y tế khẩn cấp nếu như ở các tình trạng sau:
Nguyên nhân chảy máu do bị chấn thương mạnh vùng mặt – mũi
Trường hợp nghi ngờ nguyên nhân chảy máu do dị vật rơi vào mũi
Người chảy máu cam bị mất máu quá nhiều, chảy máu cam suốt 30 phút không dứt sau khi đã đè mũi hoặc sau khi ngừng một thời gian, máu mũi lại chảy.
Thấy máu phun mạnh ra từ mũi hoặc nôn ra máu nhiều lần
Chảy máu kèm tình trạng khó thở
Chảy máu cam ở trẻ nhỏ dưới 2 tuổi
Người chảy máu đang bị tăng huyết áp hoặc có bệnh lý gây rối loạn đông máu như xuất huyết giảm tiểu cầu, bệnh bạch cầu, hemophilia, cúm, sởi, thủy đậu, thương hàn, sốt xuất huyết, sốt rét, đang dùng thuốc chống đông…vv
Chảy máu cam kèm sốt cao hơn 38°C
7. Phòng ngừa chảy máu cam?
Các biện pháp phòng ngừa chính:
Luôn giữ cho niêm mạc mũi ẩm, nhất là trong những ngày có thời tiết hanh khô. Bạn có thể sử dụng nước muối xịt mũi để niêm mạc ấm hơn, khi bạn cảm thấy mũi bị khô, hãy xịt 1-2 nhát vào mỗi bên mũi.
Vệ sinh mũi khoảng 1-2 lần/ tuần bằng nước muối sinh lý để ngừa các bệnh về xoang. Tuy nhiên không nên quá lạm dụng cách này vì có thể làm mất đi chất nhầy tự nhiên phủ ở niêm mạc mũi làm trẻ càng dễ bị khô mũi, nhiễm khuẩn, gây tổn thương niêm mạc mũi.
Bôi vaseline vào phần trước của vách mũi và uống đủ nước để cân bằng độ ẩm của cơ thể với môi trường bên ngoài từ đó giảm nguy cơ chảy máu cam.
Bổ sung một số thực phẩm thích hợp, đặc biệt là thực phẩm giàu vitamin C làm tăng sức bền thành mạch.
Một số biện pháp khác:
Nên làm ẩm không khí trong nhà và tại nơi làm việc nếu có thể, dùng khăn quàng hoặc khẩu trang khi trời lạnh, khô.
Tránh các hoá chất, bụi bẩn.
Cắt móng tay gọn gàng để tránh ngoáy và làm tổn thương mũi.
Kiểm soát huyết áp của bạn tránh bị tăng quá mức khiến chảy máu cam.
Nếu bạn hay bị chảy máu mũi cần tránh dùng các chế phẩm có chứa aspirin.
Dùng steroid xịt mũi nếu bạn bị nhiễm trùng hoặc dị ứng.
Bác sĩ Nguyễn Văn Luân