Chất lượng doanh nghiệp được cải thiện đáng kể
Chất lượng doanh nghiệp được cải thiện đáng kể
Tổng cục Thống kê vừa công bố kết quả Tổng điều tra kinh tế năm 2021.
“Kết quả điều tra cho thấy, cả chất lượng lẫn số lượng doanh nghiệp trong giai đoạn 2016-2020 đều cải thiện hơn rất nhiều so với giai đoạn trước, ông Nguyễn Việt Phong, Vụ trưởng Vụ Thống kê thương mại và dịch vụ (Tổng cục Thống kê) nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Việt Phong, Vụ trưởng Vụ Thống kê thương mại và dịch vụ (Tổng cục Thống kê).
Tổng điều tra kinh tế là một trong 3 cuộc tổng điều tra định kỳ (5 năm/lần) do Tổng cục Thống kê thực hiện. Ông có thể phác họa hoạt động sản xuất, kinh doanh giai đoạn vừa qua?
Nói một cách khái quát thì hoạt động sản xuất, kinh doanh của tất cả các cơ sở sản xuất – kinh doanh: doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp dân doanh, doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), hợp tác xã và cơ sở kinh doanh cá thể phi nông nghiệp trong giai đoạn 2016-2020 đã có sự phát triển đáng kể cả về chất lượng lẫn số lượng, đặc biệt là khu vực doanh nghiệp, mặc dù trong giai đoạn vừa qua khu vực này chịu tác động tiêu cực không nhỏ do cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung và đại dịch Covid-19.
Với kết quả của Tổng điều tra, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương sẽ nắm bắt được thực trạng của nền kinh tế nói chung và của từng ngành, từng địa phương nói riêng, từ đó định vị được từng ngành, từng địa phương đang ở đâu trong quá trình phát triển. Kết quả Tổng điều tra giúp Đảng và Nhà nước có được bức tranh kinh tế tổng thể, chi tiết, từ đó xác định những tiềm năng, lợi thế cần phải khai thác; nhận diện được những rào cản, thách thức phải vượt qua; đưa ra được những quyết sách, chỉ đạo, điều hành phù hợp để phát triển kinh tế nhanh, bền vững, đặc biệt là khu vực doanh nghiệp – nòng cốt của nền kinh tế.
Các địa phương đang khẩn trương hoàn thiện và công bố quy hoạch cấp tỉnh, từ đó sẽ có quy hoạch vùng, liên vùng. Thưa ông, kết quả của Tổng điều tra giúp ích gì cho việc lập, xây dựng quy hoạch?
Nhiều địa phương đang tập trung lập, xây dựng quy hoạch cấp tỉnh thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2045 cũng đã sử dụng kết quả sơ bộ cuộc Tổng điều tra đã được Tổng cục Thống kê công bố hồi đầu năm.
Tổng điều tra kinh tế lần này với rất nhiều chỉ tiêu thống kê đa dạng, chuyên sâu, phản ánh đầy đủ sự biến động, phân bố các cơ sở kinh tế, hành chính, sự nghiệp, số lượng lao động, cơ cấu ngành, vùng của nền kinh tế, kết quả đóng góp của từng ngành kinh tế cho sự phát triển của cả nước, từng địa phương. Đây là kho dữ liệu vô cùng quan trọng phục vụ việc xây dựng, ban hành chính sách, quy hoạch, kế hoạch phát triển của từng địa phương, từng ngành, lĩnh vực, vùng và liên vùng sát với tình hình thực tiễn, nhất là các cơ chế, chính sách thúc đẩy sự phát triển của khu vực doanh nghiệp trong nước, thu hút đầu tư nước ngoài, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước trong 5-10 năm tới.
Cơ sở sản xuất, kinh doanh trong giai đoạn vừa qua hoạt động thế nào, thưa ông?
Tại thời điểm ngày 31/12/2020, cả nước có 684.300 doanh nghiệp đang hoạt động có kết quả sản xuất, kinh doanh (không tính doanh nghiệp đang đầu tư, chưa đi vào hoạt động, tạm ngừng và ngừng hoạt động có thời hạn), tăng 179.200 đơn vị so với năm 2016. Giai đoạn 2016-2020, bình quân mỗi năm, số doanh nghiệp tăng 7,9%. Trong năm 2020, khu vực doanh nghiệp thu hút trên 14,7 triệu lao động, tăng 690.300 lao động so với năm 2016.
Năm 2020, cả nước có gần 15.300 hợp tác xã, tăng 2.300 đơn vị so với năm 2016, nhưng chỉ thu hút được 167.000 lao động, giảm 33.900 người so với năm 2016. Năm 2020, cả nước có trên 5,2 triệu cơ sở sản xuất, kinh doanh cá thể, tăng 290.500 cơ sở so với năm 2016. Hoạt động của cơ sở kinh doanh cá thể đang tạo việc làm cho gần 8,7 triệu lao động, vì vậy, ngoài việc chăm lo phát triển doanh nghiệp, kinh tế tập thể, các địa phương cũng cần phải có cơ chế, chính sách để phát triển khu vực kinh tế này, bởi trên thực tế, nhiều cơ sở kinh doanh cá thể có doanh thu, đóng góp vào ngân sách nhà nước, tạo việc làm nhiều hơn doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ.
Như vậy, về số lượng và quy mô lao động, trong giai đoạn 2016-2020, khu vực doanh nghiệp đã phát triển đáng kể. Thưa ông, còn chất lượng của doanh nghiệp thế nào?
Nguồn vốn đầu tư trong và ngoài nước vào doanh nghiệp trong giai đoạn vừa qua duy trì nhịp tăng trưởng nhanh qua từng năm. Kết quả Tổng điều tra cho thấy, quy mô doanh nghiệp được mở rộng chủ yếu dựa vào tăng trưởng nguồn vốn, thay vì tăng lao động.
Cụ thể, giai đoạn 2016-2020, khu vực doanh nghiệp thu hút 38,4 triệu tỷ đồng/năm cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, tăng 14,8%/năm và tăng hơn 104% so với giai đoạn 2011-2015. Cơ cấu nguồn vốn thay đổi theo hướng tích cực khi tỷ trọng vốn của doanh nghiệp dân doanh và doanh nghiệp FDI tăng dần. So với năm 2016, thì năm 2020, vốn của khu vực dân doanh tăng 92,5%, doanh nghiệp FDI tăng 84,4%, cho thấy hiệu quả của Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư và Việt Nam ngày càng khẳng định vị thế trong thu hút đầu tư nước ngoài. Năm 2020, nếu không có đại dịch Covid-19, thì bức tranh về doanh nghiệp còn tươi sáng hơn nữa.
Doanh nghiệp nhà nước chỉ còn chiếm 21,4% tổng nguồn vốn, nhưng năm 2020 vẫn tăng 30,8% so với năm 2016, cho dù trong cả giai đoạn này có hàng trăm doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa, thoái vốn. Việc này cho thấy, mặc dù vẫn còn nhiều đơn vị kinh doanh thua lỗ, nhưng về cơ bản, doanh nghiệp nhà nước vẫn giữ được vị thế trong nền kinh tế.
Số lao động tăng, vốn tăng, còn hiệu quả hoạt động ra sao, thưa ông?
Có nhiều tiêu chí để đo hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp, nhưng có 2 tiêu chí quan trọng nhất là doanh thu thuần và lợi nhuận. Với cả 2 tiêu chí này, có thể nói, trong giai đoạn vừa qua, khu vực doanh nghiệp tiếp tục đà tăng trưởng vững chắc.
Cụ thể, tổng doanh thu thuần của toàn bộ khu vực doanh nghiệp trong năm 2020 đạt 27,4 triệu tỷ đồng, chỉ tăng 4% so với năm 2019, là mức tăng thấp nhất trong cả giai đoạn 2016-2020, nhưng vẫn tăng 57% so với năm 2016. Trong cả giai đoạn 2016-2020, bình quân mỗi năm, doanh nghiệp dân doanh tạo ra 13,2 triệu tỷ đồng doanh thu thuần (tăng 12,8%/năm), gấp 1,9 lần doanh nghiệp FDI và gấp 4,6 lần doanh nghiệp nhà nước.
Bình quân giai đoạn 2016-2020, doanh nghiệp FDI tạo ra 392.500 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế/năm, nhiều hơn đáng kể so với khu vực dân doanh (275.100 tỷ đồng) và khu vực doanh nghiệp nhà nước (197.900 tỷ đồng), mặc dù khu vực này có số lượng doanh nghiệp, sử dụng lao động, quy mô vốn thấp hơn 2 khu vực còn lại. Điều này cho thấy, hoạt động của khu vực doanh nghiệp FDI hiệu quả hơn. Chính vậy, doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp dân doanh cần tiết giảm chi phí; đầu tư dây chuyền, máy móc; đổi mới quản trị, điều hành; nâng cao năng suất lao động thì mới mong đạt được hiệu quả cao hơn.