Chất kịch độc xyanua, muốn mua là có
Các điểm bán đã thận trọng với khách lạ
Sau khi các thông tin về nữ sinh mua chất độc xyanua dễ dàng tại chợ Kim Biên được lan truyền trên các phương tiện truyền thông, các điểm bán tại chợ Kim Biên tỏ ra thận trọng khi có khách hàng hỏi đến.
Khách hàng đang mua các hóa chất công nghiệp tại chợ Kim Biên
Ghé công ty T.T.H (đường Đỗ Ngọc Thạnh) – bên hông nhà lồng chợ Kim Biên, chúng tôi mua vài sản phẩm hóa chất thông dụng rồi lân la hỏi một nhân viên: “Ở đây có bán xyanua không chị” và được trả lời: “Có bán, mà đó là chất độc bị cấm”. Biết mình lỡ miệng, nhân viên nhanh nhảu chỉ sang cửa hàng C.L.P kế bên rồi nói: “Ý chị là cửa hàng kế bên có bán, mà không biết bây giờ còn bán hay không”.
Sang cửa hàng C.L.P, chúng tôi nói muốn mua một ký xyanua, nhân viên nhìn mặt rồi đi vào hỏi chủ cửa hàng, xong quay ra lắc đầu: “Không có bán”.
Trò chuyện với một vài nhân viên tại các cửa hàng hóa chất khác thì chúng tôi được hướng dẫn: “Chị đến hỏi mua xyanua thì người bán biết chị là người lạ. Bởi khách quen là doanh nghiệp họ thường mua số lượng nhiều, thường đặt hàng qua điện thoại, cửa hàng giao tận nơi. Cũng thỉnh thoảng có khách đến cửa hàng mua trực tiếp, họ không nói là mua xyanua mà gọi bằng các cụm từ nói tránh là “bột xi mạ mỹ ký”, “bột mạ vàng” hoặc “muối vàng”.
Song khi ghé một số cửa hàng khác hỏi mua “bột xi mạ mỹ ký”, người bán cũng tỏ ra rất thận trọng, quan sát chúng tôi từ đầu tới chân, đi vào bên trong hỏi ý chủ cửa hàng rồi sau đó thông báo không có bán.
Ngoài khu vực chợ Kim Biên, rất nhiều công ty hóa chất khác đang rao bán xyanua trên chợ mạng với cái tên là Potassium Cyanide (kali xyanua hoặc natri xyanua) với đủ nguồn gốc xuất xuất từ Trung Quốc, Mỹ, Singapore, Đức. Theo đó, giá lẻ 1kg là 335.000 đồng, còn thùng 50kg có giá là 16.750.000 đồng/thùng. Chúng tôi liên hệ đến công ty CP XNK hóa chất và thiết bị Kim Ngưu để đặt mua xyanua thì nhân viên cho biết không bán cho khách hàng lẻ cá nhân, chỉ bán cho doanh nghiệp có mục đích rõ ràng và có giấy phép kinh doanh.
Nhưng tại các trang như “muabantudong”, “muabannhanh”, một số fanpage trên Facebook… người bán chỉ yêu cầu người mua kết bạn qua Zalo, cung cấp tên công ty là có thể mua được hàng.
Quản lý còn lỏng lẻo
Khách lạ đến các cửa hàng khu vực chợ Kim Biên tìm mua xyanua đều bị quan sát rất kỹ và đều nhận được cái khoát tay, lắc đầu
Tiến sĩ Hoàng Minh Nam – Khoa Hóa, Trường đại học Bách Khoa TPHCM – cho biết, xyanua tồn tại dưới nhiều dạng như thể rắn (kali xyanua, natri xyanua), thể khí (hydro xyanua, xyanua clorua), thể lỏng. Trong sản xuất, xyanua dùng để sản xuất giấy, dệt may, nhựa, xi mạ vàng, mạ điện, xử lý bề mặt kim loại, sơn, nhuộm, thuốc trừ sâu… Xyanua là một chất cực độc, với một lượng nhỏ từ 50-200mg hoặc hít phải 0,2% khí xyanua có thể gây tử vong ở người. Chỉ cần 500gram có thể giết chết 2.500 người trong một thời gian ngắn.
Trường hợp nếu nuốt phải xyanua dưới ngưỡng gây chết người thì chất độc này cũng chưa có thuốc giải, cần phải rửa ruột, lọc máu. Đồng thời vẫn gây di chứng như chảy máy dạ dày, bệnh về thần kinh, tiêu hóa. Vì vậy trên nhãn sản phẩm rất nhiều cảnh báo nghiêm cấm tiếp xúc trực tiếp và khi sử dụng phải có đồ bảo hộ đi kèm đầy đủ.
Luật sư Bùi Minh Nghĩa – Phó giám đốc công ty Luật TNHH Đại Luật Hằng Sinh, Đoàn Luật sư TPHCM – cho hay, Luật Hóa chất 2007 và Nghị định 113/2017/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Hóa chất, trong đó có hướng dẫn đầy đủ và quản lý hóa chất như thế nào. Quy định rõ trách nhiệm của ngành Công thương trong việc quản lý nhà nước liên quan đến hóa chất. Đối với kinh doanh thì đây là ngành nghề kinh doanh có điều kiện nên phải có giấy phép mới được kinh doanh. Còn đối với người tiêu dùng, khi đến mua xyanua phải có giấy giới thiệu, có công văn, nói rõ việc mua bán, sử dụng vào mục đích gì.
Đối với bên bán thì không thể phạt hành chính theo Nghị định 71/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hóa chất và vật liệu nổ công nghiệp mà phải chịu trách nhiệm hình sự, cụ thể:
Trường hợp bên bán không có giấy phép kinh doanh, giấy phép hạn chế kinh doanh trong lĩnh vực công nghiệp thì hành vi bán chất độc trái phép phạm vào tội “Mua bán trái phép chất độc” tại Điều 311, Bộ luật Hình sự năm 2015; cụ thể tại khoản 3, nếu như chất độc này làm chết 1 người hoặc gây thương tích, tổn hại cho sức khỏe của 1 người với tỷ lệ thương tổn cơ thể 61% trở lên thì bị phạt tù từ 3 năm đến 10 năm.
Theo các luật sư, Bộ Công thương cần phải kiểm tra đột xuất các điểm kinh doanh hóa chất nói chung để tránh tình trạng mua bán hóa chất tràn lan, dễ dãi
Trường hợp bên bán có đủ giấy phép kinh doanh và buôn bán hóa chất, chất độc, tuy nhiên quá trình bán sai quy định, như không lập và lưu phiếu kiểm soát, có xác nhận của bên mua, bên bán theo quy định của Luật Hóa chất năm 2007. Đồng thời do quá trình mua bán sai quy trình, người mua sử dụng chất độc để thực hiện hành vi giết người, gây hậu quả nghiêm trọng đến sức khỏe của một người với tỷ lệ thương tổn cơ thể từ 61% trở lên thì bên bán sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự về “Tội vi phạm quy định về quản lý chất độc”, bị phạt tù từ 1-5 năm.
Luật sư Bùi Minh Nghĩa nhận định, qua vụ việc nữ sinh tại Bà Rịa – Vũng Tàu có thể dễ dàng mua cả ký chất độc tại chợ Kim Biên thì có thể thấy đây là một hồi chuông cảnh báo về việc quản lý lỏng lẻo ở các địa phương. “Bộ Công thương phải tổ chức rà soát lại tất cả các điều kiện kinh doanh hóa chất của các cơ sở. Quy định chế tài mạnh, xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm. Tổ chức kiểm tra đột xuất, định kỳ các cơ sở, cửa hàng mua bán hóa chất (kể cả kiểm soát việc mua bán trên mạng không có nguồn gốc rõ ràng), không để xảy ra tình trạng mua bán tràn lan, dễ dãi”, luật sư Bùi Minh Nghĩa nói.
(Theo Phụ Nữ TP.HCM)
Chọn thực phẩm không hóa chất, nhất định phải nhớ mẹo sau
Có nhiều cách để kiểm tra chất lượng thực phẩm hàng ngày. Các đầu bếp trứ danh có rất nhiều mẹo để họ có thể kiểm tra độ tươi ngon ngay tại nhà.